Thói ngông cuồng khó tha thứ
Cũng đã gần 2 năm kể từ khi sự việc xảy ra nhưng đến nay tại xã Tòng Bạt vẫn chưa thôi nhắc về nhóm 23 kẻ côn đồ lạnh lùng cướp đi tính mạng của một người xa lạ không hề có mâu thuẫn với mình vào đúng đêm mùng 1 Tết.
Cầm đầu là Phùng Văn Thanh (SN 1993), y cùng 22 thanh niên khác đã gây ra sự vụ đáng trách ấy. Trong đó, trực tiếp cùng tham gia tấn công gây nên cái chết của nạn nhân Nguyễn Duy Phương (SN 1996) là các đối tượng Lương Văn Du, Lương Tuấn Thành, Nguyễn Phi Hùng, Hoàng Văn Thắng, Nguyễn Duy Khương (cùng SN 1995), Phùng Văn Tâm (SN 1994) và Nguyễn Văn Long (SN 1996) bị truy tố về tội “Giết người”. Có vai trò hỗ trợ, liên quan đến vụ án là 15 đối tượng khác cùng thôn lần lượt bị xem xét về tội “Gây rối trật tự công cộng”.
Trên cơ sở kết luận điều tra cho biết, sự việc xảy ra đúng vào 21h tối 31/1/2014 (tức mùng 1 tết Âm lịch), Thanh cùng một số đối tượng rủ nhau tới sân trượt patin mới khai trương trong thôn. Tại đây, Thanh va chạm với một số thanh niên người địa phương nhưng không biết rõ tên tuổi. Nhận thấy sắp có xô xát, chủ quán patin đã kịp thời can thiệp.
Tưởng rằng chỉ vậy là xong, nào ngờ nhóm của Thanh dù đã bỏ đi nhưng trong lòng vẫn ấm ức chuyện va chạm nên Thanh bàn bạc cùng cả nhóm và phân công Nguyễn Duy Khương đi tìm hiểu xem nhóm thanh niên lúc trước còn ở quán hay không để nhóm Thanh quay lại “dạy dỗ”.
Đồng thời, Thanh gọi điện cho hàng chục bạn bè trong làng đến giúp sức, trong đó có Lương Văn Du, Lương Tuấn Thành, Nguyễn Phi Hùng, Chu Văn Lực, Ngô Quang Tuấn, Phùng Đức Quang, Lương Thành Luân, Nguyễn Chí Thanh, Chu Văn Chung, Phùng Công Thông, Phạm Bá Đạt (cùng SN 1995), Chu Tuấn Anh, Lương Ngọc Tú, Nguyễn Xuân Trường, Lê Minh Sáng (cùng SN 1994), Nguyễn Xuân Thọ, Nguyễn Mạnh Hùng (cùng SN 1996) và Phùng Thế Quý (SN 1997).
Chưa hết, Thanh còn bảo cả nhóm chuẩn bị tuýp sắt, gậy gỗ, gạch đá và phục kích tại độc đạo dẫn vào quán trượt patin.
Chỉ vài phút, mặc dù nhận được điện thoại của Khương báo nhóm thanh niên lúc trước đã bỏ đi, thay vào đó là một tốp thanh niên khác đang chơi tại quán nhưng xuất phát từ ý nghĩ ngông cuồng, Thanh vẫn quả quyết “đánh hết”.
Bố bị hại đã già đi nhiều sau cái chết của con trai. Thật khó mà nghĩ rằng người đàn ông này đang ở tuổi 50. |
Đêm hỗn loạn đầu năm và cánh cửa tương lai trực khép
Đến 21h30 cùng ngày, Nguyễn Duy Phương cùng 4 người bạn rời quán trượt patin ra về mà không hề biết đã bị Khương đi xe máy bám theo.
Đến đoạn đường đồng bọn đang phục kích, Khương bất ngờ tăng ga vọt lên phía trước rồi báo hiệu cho “đồng đội” lao ra đánh. Bất ngờ bị số đông tấn công phủ đầu bằng loạt gạch đá, Phương và nhóm bạn đi cùng quá hoảng loạn, bỏ chạy mỗi người một ngả. Do sơ ý và không thuộc đường nên Phương đã chạy tới khu vực hồ Tây Ninh.
Tại đây, bởi bị bao vây ráo riết, Phương đành lao xuống hồ lẩn trốn dù bản thân không hề biết bơi. Trái lại, thấy đối tượng chới với dưới nước lạnh, vượt xa tầm tay của mình, nhóm Lương Văn Du, Nguyễn Phi Hùng, Lương Tuấn Thành, Hoàng Văn Thắng, Phùng Văn Tâm, Nguyễn Văn Long đứng trên bờ bực tức liền dùng gạch đá ném tới tấp, bất chấp nạn nhân bắt đầu đuối sức và lạnh cóng. Thấy Phương dần dần chìm xuống hồ nước, cả nhóm dùng đèn pin soi tìm hồi lâu nhưng không thấy. Đoán biết đối tượng đã chết, các đối tượng sợ hãi bỏ chạy…
Nhận thấy hành vi của các đối tượng là quá sức côn đồ, coi thường tính mạng người khác, cần phải có mức án nghiêm khắc trừng phạt và cũng để răn đe, phòng ngừa chung, do vậy sau 3 ngày xét xử, Hội đồng nhận định bị cáo Phùng Văn Thanh dù không trực tiếp ra tay và tham gia vào việc dồn nạn nhân cũng như ném đất, đá xuống hồ nhưng là người có hành vi khởi xướng nên phải chịu mức án tù cao nhất.
Theo đó, bị cáo chủ mưu Phùng Văn Thanh nhận mức án 18 năm tù. Trực tiếp tấn công gây ra cái chết cho nạn nhân là 7 đối tượng: Lương Văn Du (17 năm tù), Lương Tuấn Thành (14 năm tù), Nguyễn Phi Hùng (14 năm tù), Nguyễn Văn Long (9 năm tù), Hoàng Văn Thắng (14 năm tù), Phùng Văn Tâm (14 năm tù), Nguyễn Duy Khương (12 năm tù) theo khung hình phạt truy tố tội “Giết người”.
Trong vai trò liên quan đến vụ án, 15 đối tượng còn lại lần lượt lĩnh án về tội “Gây rối trật tự công cộng”. Cụ thể, bị cáo Chu Văn Lực, Ngô Quang Tuấn, Chu Tuấn Anh cùng chịu mức án 22 tháng 10 ngày tù. Bị cáo Phùng Đức Quang, Lương Ngọc Tú, Nguyễn Xuân Trường, Lương Thành Luân, Nguyễn Chí Thanh, Chu Văn Chung, Phùng Công Thông, Lê Minh Sáng, Phạm Bá Đạt cùng lĩnh án 18 tháng tù. Hai bị cáo Nguyễn Mạnh Hùng và Nguyễn Xuân Thọ chịu hình phạt 12 tháng tù; riêng bị cáo Phùng Thế Quý do lúc phạm tội chưa đủ tuổi thành niên cũng như vai trò mờ nhạt nên chịu mức án 10 tháng tù treo.
Chị Phương gầy sọp, chán trường đến chẳng buồn lập gia đình. |
Còn lại những “xác sống” vô hồn
Đó là những bậc làm cha làm mẹ, những hoàn cảnh mất mát cho đến những gia đình có con sai lầm lạc lối đêm đầu năm đó. Phiên xử sơ thẩm 23 bị cáo liên tục trong 3 ngày 3, 4 và 7 tháng 12 vừa qua. Phòng xử lớn chật kín người.
Trái ngược với nét mặt lo lắng, căng thẳng của phụ huynh, phần đa các bị cáo vẫn hồn nhiên thì thầm những câu chuyện trẻ dại rồi chụm đầu vào nhau rúc rích cười dù đang ngồi trước vành móng ngựa. Có lẽ với nhận thức của những đứa trẻ chưa đến ngưỡng 20, việc đứng cùng nhau trước toà là một “trải nghiệm” trong đời. Sự hồn nhiên đến không tưởng của các bị can khiến cô gái ngồi hàng ghế cuối thở dài: “Chúng không biết chúng đã gây ra chuyện gì hay sao?”.
Hỏi ra, cô gái ngồi lặng lẽ ở góc phòng xử ấy là chị gái của bị hại. Thấy người viết chú ý, cô ngại ngùng hướng ánh mắt lên khoảng trống phía trần nhà như giấu đi đôi mắt đang sũng ướt: “Sắp 2 năm rồi nhưng mọi chuyện vẫn cứ như vừa mới…”. Nhà nông lại đông con, 4 chị em sớm tối quây quần tình cảm khiến nỗi mất mát ấy mãi chẳng nguôi ngoai.
“Nói thì bảo khen em, nhưng Phương nó ngoan, hiền lành, hoạt bát và lễ phép quá…” – chị Thanh lạc giọng nhớ về người em xấu số.
Ngày mẹ mất, Phương mới 13, 14 tuổi. Thay vì tìm đến thú vui chơi giết thời gian, Phương lại quanh quẩn ở nhà với bố. “Từ ngày nó “đi” đến giờ, bố chị già đi nhiều lắm. Chưa kể lại sinh lẩn thẩn, đi ra đi vào lú lẫn luôn”…
Theo hướng chị Thanh ra dấu cũng khó mà nhìn ra ông Xuất – bố bị hại. Trông ông già hơn ngưỡng 50 nhiều quá. “Bác cũng nhìn thấy mình già đi nhiều… Nhưng bác chán lắm. Người không còn lý tưởng sống nữa ấy! Mà có phải chỉ mình bác đâu, 3 đứa chị nó cũng thế! Đứa nào cũng gầy sọp, chán trường đến chẳng buồn lấy chồng…” – trước di ảnh đứa con trai độc nhất, khôi ngô, đôi mắt ông lại đờ đẫn: “Thằng này như đàn bà ấy. Bình thường về cứ ở nhà ru rú chẳng đi đâu chơi. Thế mà…”.
Trầm ngâm hồi lâu, ông thở hắt: “Giận một nỗi, con bác chết mới được 5 ngày, có gia đình xuống mặc cả chuyện tiền nong rồi dọa dẫm bắt phải viết giấy ghi nhận đã bồi thường… họ nói cái gì 170 triệu không rõ nhưng có 1 tỷ 7 hay đúc tượng vàng bác cũng chỉ muốn thằng Phương thôi! – mắt ông ầng ậng nước – Suốt thời gian qua nếu không nghĩ đến các chị gái nó thì bác cũng tự tử theo rồi…”.
Chẳng riêng gia đình ông Xuất là nạn nhân của lối hành xử bốc đồng, thiếu ý thức từ nhóm thanh niên làng, chính các bị cáo cũng đã tự đẩy gia đình mình vào thế éo le mà Nguyễn Văn Long là một trong những hoàn cảnh đặc biệt đó.
Dù mới 17 tuổi nhưng Long sớm phải bươn chải lo cho cuộc sống của chính mình và chăm sóc bà nội tuổi gần 80. Cha mẹ cậu ly thân đã lâu và dường như mải lo toan hạnh phúc riêng mà bẵng đi đứa con chung đang tuổi ăn tuổi lớn… Hay như Lương Văn Du, trên vai cậu thanh niên sinh năm 1995 này là bà nội và bố nhiễm dioxin nằm nhà, chị gái cậu bị ảnh hưởng cũng vừa mất. Cuộc sống hàng ngày đều do cậu cùng người mẹ ốm bệnh liên miên trang trải nên vô hình trung, Du đang là trụ cột của cả gia đình…
Phiên xử kéo dài hơn dự tính, mỗi lần tiễn con lên xe phạm là một chập giày vò cõi lòng bậc làm cha, làm mẹ bởi trót lơ là, thiếu quan tâm đến con em mình. Và hẳn những mái đầu muối tiêu, rối bù ấy đã suốt một đời lo lắng giờ lại sẽ thêm thấp thỏm nghĩ về tương lai hẹp lối của lũ trẻ sau bản án hàng chục năm giam giữ…/.