4 bệnh nhi bị tay chân miệng nặng, bác sĩ khuyến cáo biểu hiện cần đưa gấp trẻ tới viện

(PLVN) - Các bác sĩ lưu ý, khi thấy con em mình biểu hiện sốt, nổi hồng ban mụn nước ở tay chân mông gối, loét miệng, đồng thời xuất hiện một trong các triệu chứng: giật mình chới với, ói nhiều, sốt cao khó hạ, thở bất thường, run tay chân, đi loạng choạng, ngồi không vững, nuốt khó, da nổi bông (vân tím), xanh tái, lơ mơ, co giật…, phụ huynh hãy đưa ngay trẻ tới bệnh viện.
Trẻ Ng. T. Đ. 17 tháng, nam chẩn đoán bệnh tay chân miệng độ 4, được điều trị tích cực thở máy, lọc máu liên tục, truyền IVIG, milrinone. Ảnh: BVCC

Thông tin từ Bệnh viện Nhi đồng TP HCM, trong tuần qua đơn vị này tiếp nhận 4 trường hợp trẻ bệnh tay chân miệng nặng.

Trường hợp thứ nhất là Ng. T. Đ. 17 tháng, nam, ở Đồng Tháp. Khai thác bệnh sử ghi nhận trẻ bệnh 4 ngày, từ ngày 1 đến ngày thứ 3 trẻ sốt buồn nôn, ói, nổi hồng ban mụn nước ở lòng bàn tay chân. Ngày thứ 3 trẻ sốt giật mình chới với, trợn mắt run chi. Gia đình cho bé nhập bệnh viện địa phương chẩn đoán bệnh tay chân miệng độ 3, điều trị theo phác đồ tình trạng không cải thiện nên chuyển Bệnh viện Nhi đồng TP HCM.

Tại đây trẻ biểu hiện lơ mơ mê, mạch nhẹ chi mát da nổi bông, nhịp tim > 200 lần/phút, sốt cao liên tục, được chẩn đoán bệnh tay chân miệng độ 4. Các bác sĩ tiến hành xét nghiệm men tim tăng cao, men gan tăng nhẹ, toan chuyển hóa nặng. Các bác sĩ đã đặt nội khí quản giúp thở, chống sốc với test dịch truyền vận mạch dobutamine, adrenaline dựa theo hướng dẫn đo huyết áp động mạch xâm lấn, áp lực tĩnh mạch trung tâm (CVP), truyền thuốc điều hòa miễn dịch gammaglobuline, milrinone, an thần midazolam, hạ sốt tích cực, tình trạng không cải thiện được tiến hành lọc máu liên tục.

Kết quả sau 2 ngày điều trị tình trạng trẻ có cải thiện bớt sốt, nhịp tim giảm còn 136-140 lần/phút, huyết động ổn định, được tiếp tục theo dõi điều trị tích cực.

Trường hợp thứ hai, trẻ V. N. M. Ch. 26 tháng nữ, ở An Giang. Khai thác bệnh sử ghi nhận trẻ bệnh 3 ngày, ngày thứ 1 và ngày thứ 2 sốt, nổi hồng ban mụn nước ở lòng bàn tay chân. Ngày thứ 3 trẻ sốt, giật mình chới với, nên nhập bệnh viện địa phương chẩn đoán bệnh tay chân miệng độ 3, điều trị theo phác đồ tình trạng không cải thiện nên chuyển Bệnh viện Nhi đồng TP HCM.

Trẻ N. M. Ch. 26 tháng, ở An Giang, chẩn đoán bệnh tay chân miệng độ 3. Ảnh: BVCC

Tại đây trẻ biểu hiện lừ đừ, mạch rõ 182 lần/phút, huyết áp 120/70 mmHg, sốt cao liên tục, thở rút lõm ngực, được chẩn đoán bệnh tay chân miệng độ 3, xử trí đặt nội khí quản giúp thở, truyền thuốc điều hòa miễn dịch gammaglobuline, milrinone, an thần midazolam, hạ sốt.

Kết quả sau 2 ngày điều trị tình trạng trẻ có cải thiện bớt sốt, nhịp tim giảm còn 136-140 lần/phút, huyết động ổn định.

Trường hợp thứ ba, trẻ Ng. Tr. H. Ph. 3,5 tuổi, nam, ở An Giang. Khai thác bệnh sử ghi nhận trẻ bệnh 5 ngày, ngày thứ 1 đến ngày thứ 3 trẻ sốt, nổi hồng ban mụn nước ở lòng bàn tay chân, loét miệng. Ngày thứ 4 trẻ sốt, giật mình chới với, nên nhập bệnh viện địa phương chẩn đoán bệnh tay chân miệng độ 3, điều trị theo phác đồ tình trạng không cải thiện nên chuyển Bệnh viện Nhi đồng TP HCM.

Tại đây trẻ biểu hiện lừ đừ, mạch rõ 164 lần/phút, huyết áp 110/80 mmHg, sốt cao 38,8 độ C, thở kiểu bụng, SpO2 dao động 93-99%, được chẩn đoán bệnh tay chân miệng độ 3. Các bác sĩ đã tiến hành đặt nội khí quản giúp thở, truyền thuốc điều hòa miễn dịch gammaglobuline, milrinone, an thần midazolam, hạ sốt.

Kết quả sau 3 ngày điều trị tình trạng trẻ có cải thiện bớt sốt, nhịp tim giảm còn 120-130 lần/phút, huyết động ổn định.

Trẻ Ng. Tr. H. Ph. 3,5 tuổi, ở An Giang, chẩn đoán bệnh tay chân miệng độ 3. Ảnh: BVCC

Trường hợp thứ tư, trẻ Đ. Ng. T. V. 3 tuổi, nam, ở quận Tân Phú, TP HCM. Khai thác bệnh sử ghi nhận trẻ bệnh 2 ngày, ngày 1 trẻ sốt cao, ngày 2 trẻ sốt, co giật toàn thân, nên nhập bệnh viện địa phương chẩn đoán sốt co giật, điều trị hạ sốt chống co giật, chuyển Bệnh viện Nhi đồng TP HCM.

Trẻ tiếp tục co giật, sốt cao, nhịp tim nhanh 196 lần/phút, huyết áp 150/90 mmHg, sốt cao 39,5 độ C, không thấy hồng ban mụn nước ở tay chân, chỉ có ít vết hồng ban nhỏ niêm mạc môi dưới, được chẩn đoán bệnh tay chân miệng độ 4. Các bác sĩ đã tiến hành đặt nội khí quản giúp thở, chống co giật, chống phù não, truyền thuốc điều hòa miễn dịch gammaglobuline, milrinone, an thần midazolam, hạ sốt.

Kết quả sau 5 ngày điều trị tình trạng trẻ có cải thiện bớt sốt, hết co giật, nhịp tim giảm còn 130-136 lần/phút, huyết động ổn định, tỉnh táo, cai được máy thở.

Theo BS CK2 Nguyễn Minh Tiến, Bệnh viện Nhi đồng TP HCM, tất cả 4 trường hợp đều có xét nghiệm PCR phết họng trực tràng đều cho kết quả nhiễm EV71.

Qua các trường hợp này các bác sĩ lưu ý đến phụ huynh khi thấy con em mình biểu hiện sốt, nổi hồng ban mụn nước ở tay chân mông gối, loét miệng, thêm xuất hiện một trong các triệu chứng giật mình chới với, ói nhiều, sốt cao khó hạ, thở bất thường, run tay chân, đi loạng choạng, ngồi không vững, nuốt khó, da nổi bông (vân tím), xanh tái, lơ mơ, co giật,… hãy đưa ngay trẻ tới bệnh viện để được các bác sĩ thăm khám và điều trị kịp thời.

Đọc thêm