Đó là trường hợp của các em Nguyễn Trường Duy (SN 1996), Nguyễn Thị Bảo Trân (SN 1998), Nguyễn Thị Bảo Nhi (SN 2005) và Nguyễn Duy Bảo (SN 2009) ngụ tại khu phố 5, phường Hố Nai, TP Biên Hòa.
Theo như trình bày của em Nguyễn Trường Duy, vào năm 2000, cha mẹ em là ông Nguyễn Quốc Dũng (1970 – 2013) và bà Trịnh Thị Nhất Vi (SN 1977, bỏ nhà đi từ ngày 15/08/2015) có tới đây khai phá, cải tạo, san lấp một mảnh đất gần suối thuộc giáo phận Giáo xứ Lộc Lâm nay là một phần thửa đất số 87, tờ bản đồ số 13, bản đồ địa chính phường Hồ Nai có diện tích 287,4 m2, trên mảnh đất có xây dựng một căn nhà tôn, khung sắt, nền xi-măng với diện tích khoảng 60m2, trong quá trình gia đình sinh sống ở đó không thấy ai tranh chấp gì.
Biến cố xảy ra khi người cha xấu số bị tai nạn, qua đời vào năm 2013, hai năm sau đó, người mẹ vì không chịu được áp lực cuộc sống nên cũng đánh dứt áo ra đi bỏ lại bốn đứa con thơ gửi nhờ người bà nội đã già yếu, các em cứ vậy tần tảo nuôi nhau sống trong căn nhà cũ kĩ, ọp ẹp mà cha mẹ đã dựng nên, hai anh chị lớn đành phải bỏ dở việc học hành, để đi làm công nhân nuôi hai em ăn học.
Khó khăn cứ chồng tiếp khó khăn, khi nỗi đau gia đình vẫn còn đó thì giữa năm 2017, bà Nguyễn Thị Hạnh (SN 1937, ngụ tại khu phố 5, phường Tân Biên) gửi đơn tranh chấp phần đất mà các em đang sinh sống. Việc tranh chấp tài sản của mình là điều không ai phản đối khi tài sản đó bị xâm phạm, tuy nhiên điểm bất thường ở đây là bà Hạnh lại đi tranh chấp mảnh đất vốn không phải của mình.
Ngay sao khi bà Hạnh tranh chấp đòi đất, ngày 24/8/2017, UBND phường Hố Nai đã có văn bản số 390/UBND gửi phòng Tài nguyên và Môi trường Biên Hòa yêu cầu thu hồi lại GCNQSDĐ số BL502700 ngày 28/12/2012 do UBND thành phố ký cấp đối với thửa đất số 87 tờ bản đồ số 13 phường Hố Nai cấp cho ông Nguyễn Hải Thanh và bà Bùi Thị Mộng Huyền với lý do: “Nhầm lẫn trong đo vẽ”
Sau nhiều buổi hòa giải, phía bà Hạnh vẫn nhất quyết cho rằng đất này do bà mua của ông Nguyễn Văn Nho vào năm 1970, tuy nhiên khi gia đình em Duy yêu cầu bằng chứng thì bà Hạnh lại không đưa ra được bất kỳ giấy tờ gì chứng minh mình là chủ sở hữu hợp pháp của mảnh đất đó mà chỉ khẳng định rằng mảnh đất này được mua “miệng” vào năm 1975.
Cũng theo một nhân chứng là ông Ngô Bá T (tên nhân vật đã được thay đổi) nằm trong ban hành giáo của Giáo xứ Lộc Lâm giai đoạn 2006-2010 cho biết, thời điểm năm 2008, UBND tỉnh có ban hành tờ khai nhằm kê khai từng khu đất, từng khu vực để sử dụng cho các tổ chức tôn giáo, cơ sở tôn giáo (theo công văn số 765/BTNMT-ĐKTKĐĐ ngày 05 tháng 3 năm 2008 của bộ Tài nguyên và Môi trường), lúc đó chính ông có thực hiện kê khai mảnh đất thuộc thửa 87, tờ số 13 bản đồ địa chính phường Hố Nai với tổng diện tích là 899,4m2 là đất phi nông nghiệp, sử dụng từ năm 1965 tới nay, có xác nhận của ông Phạm Thiện Minh – là chủ tịch UBND phường Hố Nai thời bấy giờ xác nhận “Giáo xứ Lộc Lâm sử dụng đất phù hợp”.
Trong khi mảnh đất còn đang tranh chấp, vào ngày 28/09/2018, bà Nguyễn Thị Hạnh có đơn xin đăng ký quyền sử dụng đất lần đầu. Ông Vũ Văn Chiêu – PCT UBND phường là người từng tổ chức hòa giải không thành vào ngày 01/06/2018 xác nhận: “Đất do ông Nguyễn Văn Nho sử dụng đến năm 1970 chuyển nhượng cho bà Nguyễn Thị Hạnh, hiện trạng sử dụng đất là tranh chấp và đủ điều kiện đăng ký” . Xác nhận này đã biến bà Hạnh từ một người không có giấy tờ gì trở thành người sử dụng đất hợp pháp.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Tiến Luật, Chủ tịch UBND phường Hồ Nai giải thích vấn đề trên như sau: “Vì bộ phận tham mưu cho đồng chí Vũ Văn Chiêu chưa được rõ ràng nên mới dẫn tới việc ký, xác nhận như thế, ngay sau đó, tôi đã họp và yêu cầu đình chỉ hồ sơ xin cấp quyền đăng ký sử dụng đất đối với mảnh đất đó rồi”.
Đất thì vẫn đang tranh chấp còn cuộc sống của các em cứ bấp bênh không biết được sau này ra sao. “Mấy đứa nhỏ vẫn cứ mong chờ ngày mẹ về, để tất cả chúng em lại được quây quần trong căn nhà có nguy cơ bị người ta lấy mất này, chúng em chỉ mong muốn 1 điều, được tiếp tục sinh sống ở đây để chờ ngày gia đình đoàn tụ”, Duy tâm sự.
Báo PLVN sẽ tiếp tục cập nhật thông tin.