4 hành động "cấm kỵ" khi du lịch vùng có tuyết

(PLO) - Tuyết có màu trắng tinh khiết nên rất nhiều người lầm tưởng nó có thể ăn được. Tuy nhiên, các nhà khoa học đã khuyến cáo rằng khi ăn tuyết, bạn thực chất đang ăn một đống chất thải và vi khuẩn.
Liếm băng
Chắc hẳn thời “tuổi thơ dữ dội”, bạn đã từng không biết bao nhiêu lần chơi trò… liếm đá và thích thú khi thấy lưỡi của mình dinh dính vào bề mặt khay đá. Tuy nhiên, cảm giác thích thú ấy sẽ thay thế bằng “thảm họa đau thương” nếu bạn dại dột liếm một vật gì đó bằng kim loại bị đóng băng giữa trời tuyết. 

Lưỡi của bạn được bao phủ một lớp ẩm và nó sẽ đông cứng lại nếu nhiệt độ rơi xuống 0 độ C. Cơ thể bạn phòng chống với sự đông cứng này bằng cách bơm máu nóng lên lưỡi. Song, kim loại lại dẫn nhiệt mạnh hơn lưỡi gấp 400 lần nên nó tiếp nhận hơi nóng nhanh hơn mức cơ thể bạn có thể bù đắp. 

Khi lưỡi chạm vào kim loại, nước bọt trên lưỡi sẽ bị “cướp nhiệt” và đóng băng ngay lập tức. Phần nước bọt tiếp xúc giữa lưỡi và kim loại vô tình trở thành một dạng “keo” siêu dính. Bạn sẽ chịu không ít đau đớn, thậm chí là mất đi một mẩu lưỡi nếu cố giật lưỡi ra. Vì vậy, tốt nhất là đổ nước ấm vào chỗ lưỡi mà bạn đã dính vào kim loại. 

Ăn tuyết
Tuyết có màu trắng tinh khiết nên rất nhiều người lầm tưởng nó có thể ăn được. Tuy nhiên, các nhà khoa học đã khuyến cáo rằng khi ăn tuyết, bạn thực chất đang ăn một đống chất thải và vi khuẩn.

Một nghiên cứu mới đây đã chỉ ra rằng, tuyết có khả năng hấp thụ các hạt ô nhiễm siêu nhỏ trong không khí - những loại hạt thường thấy trong khí thải xe ô tô, xe máy. Cụ thể, các nhà khoa học đã thí nghiệm cho tuyết vào một hộp nhỏ chứa khí thải như benzene, toluene, xylene và kết quả cho thấy các loại hạt này tích tụ với mức độ rất “kinh khủng” trong tuyết. Tuyết lúc này giống như một miếng bông gòn, thấm hút hết các chất thải. 

Đặc biệt, có một loại tuyết mà bạn tuyệt đối không thể ăn đó là tuyết màu vàng, bởi nguồn gốc hình thành của loại tuyết này nếu không phải là có ai đó… tiểu tiện ra thì cũng là tuyết đã bị nhiễm hóa chất. 

Bởi vậy, các chuyên gia khuyến cáo rằng dù thực sự thích thú trước hiện tượng này thì bạn cũng đừng nên “nếm” thử chúng vì sức khỏe của chính bản thân mình.

Làm việc nặng

Làm việc nặng trong khi có tuyết chẳng khác nào tự tử. Tại sao ư? Nguyên do là vì lao động mạnh có thể gây tăng huyết áp và nhịp tim một cách đột ngột. Trong khi nhiệt độ lạnh dưới 0°C lại dễ gây co thắt các mạch máu, làm giảm lượng máu được đưa đến tim. 

Tất cả những tác động này hợp lại có thể dẫn đến nhồi máu cơ tim ở những người có sức khỏe yếu và gây tử vong. Chính vì thế, các chuyên gia khuyên rằng bạn nên khởi động kỹ càng trước khi lao động nặng (chẳng hạn như dọn tuyết) trong điều kiện thời tiết như vậy.

Lái xe tốc độ cao
Lái xe trong điều kiện thời tiết tuyết rơi là một hành vi không thể điên rồ hơn, bởi tuyết rơi cùng với nhiệt độ lạnh dưới 0°C sẽ làm hình thành một lớp băng trên mặt đường, khiến bánh xe dễ dàng trơn trượt.
Tuyết cũng làm cản trở tầm nhìn và gây khó khăn cho việc di chuyển của xe cộ. Thậm chí nhiệt độ thấp có thể khiến vài bộ phận của xe đóng băng hay làm hỏng động cơ đột ngột.

Tại Mỹ, người ta đã thống kê được có đến 23% (khoảng 1,3 triệu) vụ tai nạn giao thông xảy ra hàng năm khi trời có tuyết. Nguy cơ tai nạn giao thông càng cao ở Việt Nam khi mà băng tuyết chỉ xuất hiện trên các vùng núi đèo hiểm trở. 

Trong đợt rét kỷ lục vừa qua, nước ta cũng đã ghi nhận khá nhiều vụ tai nạn giao thông khi người dân đổ xô lên núi ngắm tuyết. Đáng tiếc nhất là vụ việc một cảnh sát giao thông hy sinh khi đang làm nhiệm vụ phân làn trên đỉnh đèo Pha Đin. Nguyên nhân là do một chiếc xe tải mất lái, văng đuôi xe ép chiến sỹ cảnh sát giao thông trên vào thành cầu, khiến anh hy sinh tại chỗ.

Để tránh những trường hợp đáng tiếc như trên xảy ra, bạn hãy di chuyển với tốc độ thấp và nếu có thể nên sử dụng loại lốp chuyên dụng cho trời tuyết, băng giá.

Đọc thêm