Sau gần 15 năm ông Bi đấu tranh, gửi đơn kêu cứu vì cho rằng mình bị kết án oan. Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Trần Đại Quang đã có chỉ đạo các cấp liên quan từ Trung ương đến địa phương xem xét lại vụ án. Viện kiểm sát tối cao cũng ra văn bản kháng nghị đề nghị huỷ án và xét xử lại, tuy nhiên vụ án mà ông Bi là nhân vật chính vẫn chưa được xem xét lại.
Một vụ án ly kỳ
Năm 2005, ông Bi khi đó là Chủ tịch UBND huyện Cầu Ngang chỉ đạo chi 155.724.796 đồng với mục đích: Thăm tặng quà cho gia đình chính sách, thương binh liệt sỹ, cán bộ hưu trí bệnh tật, ốm đau, tiếp khách Trung ương và các ban ngành tỉnh trong dịp Tết Nguyên đán. Khoản chi này có hồ sơ, chứng từ do Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hoàn Kim ký cấp ngân sách.
Vụ án bắt đầu khi ông Bi được quy hoạch vào Thường vụ tỉnh ủy. Trong thời gian 5 năm làm Chủ tịch huyện, ông Bi được quy hoạch làm Bí thư huyện ủy và được bầu vào Ban chấp hành Tỉnh ủy. Chuẩn bị Đại hội Đảng bộ huyện Cầu Ngang lần thứ IX năm 2005-2010 thì có đơn tố cáo ông Bi rải khắp địa bàn huyện, thời gian trước và sau đại hội.
Cao điểm là đơn tố cáo của ông Nguyễn Văn Quang - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh, ông Quang tổng hợp lại các đơn nặc danh và tố cáo ông Bi vi phạm 2 nội dung. Thời điểm ông Quang tố cáo ông Bi cũng là thời điểm chuẩn bị Đại hội Đảng bộ tỉnh Trà Vinh, nhiệm kỳ 2005-2010.
Sau Đại hội Đảng bộ tỉnh, ông Bi phải giải trình các nội dung trong đơn tố cáo. Đến ngày 20/2/2006, UBND tỉnh Trà Vinh ban hành Quyết định 367/QĐ-UBND thanh tra toàn bộ việc chi ngân sách trong thời gian 5 năm ông Bi làm Chủ tịch UBND huyện. Ngày 17/5/2006, Đoàn Thanh tra báo cáo kết quả thanh tra lên UBND tỉnh và kiến nghị: CQCSĐT làm rõ những sai phạm có dấu hiệu cố ý làm trái gây thiệt hại ngân sách.
CQCSĐT Công an tỉnh Trà Vinh vào cuộc, khởi tố vụ án xảy tại Văn phòng HĐND và UBND Huyện Cầu ngang. Ngày 15/1/2008 CQCSĐT khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Bi, để phục vụ điều tra quá trình hơn 5 năm ông Bi làm Chủ tịch UBND huyện.
Điều tra đến đâu thì ông Bi giải trình và chứng minh không gian dối một chi tiết nào theo điều luật nào của Luật Ngân sách, Nghị định 60/NĐ-CP của Chính phủ. Ông Bi thực hiện theo những qui định đã được HĐND huyện thông qua ngày 27/1/2007. Đồng thời, theo quyết định bổ nhiệm ngân sách đảm bảo xã hội 309 triệu đồng ngân sách cho Cầu Ngang, do Chủ tịch tỉnh Trần Hoàn Kim ký.
|
Ông Huỳnh Hiếu Bi khẳng định mình bị oan, vẫn liên tục gửi đơn tới các cấp để xem xét lại vụ án. |
Ông Bi bức xúc, bày tỏ: “Trong quá trình điều tra, CQCSĐT không vận dụng Luật Ngân sách, Nghị định Chính phủ, các Quyết định của UBND tỉnh, Quyết nghị của HĐND huyện. Tôi trình bày xin đối chiếu, đối chất với cá nhân, cơ quan liên quan, thì CQCSĐT không cho và không điều tra theo lời khai của tôi, mà bảo tôi tự đi tìm!? Trong khi tôi bị tạm giam thì làm sao tôi tìm được nhân chứng, vật chứng để chứng minh tôi vô tội! ”.
Ông Bi nghẹn ngào chia sẻ: “Cũng may cán bộ cấp dưới của tôi và người nhà cố gắng đi tìm chứng cứ. Đáng lẽ đó là trách nhiệm của cơ quan tố tụng. Do được Thường trực HĐND tỉnh Trà vinh cung cấp toàn bộ hồ sơ phân bổ ngân sách năm 2005. Tôi lập tức “trình lên” CQCSĐT để chứng minh mình vô tội...”
Còn với tố cáo về việc ông Bi còn “tham ô” 8 triệu đồng để mua tặng ông Lâm Thanh Bình, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Sở Thủy sản, nguyên Bí thư huyện Ủy Cầu ngang, một chiếc điện thoại. Ông Bi phân tích: “Sử dụng 8 triệu đồng để mua chiếc điện thoại Nokia 7270 tặng cho ông Bình thì ông này có biên bản thừa nhận, nhưng ông Bình lại thừa nhận là: Nhận chiếc điện thoại này từ ông Bi năm 2003? Thế nhưng, trên thị trường, Nokia 7270 chỉ xuất hiện cuối năm 2004 đầu năm 2005(?), ông Bình khai man vì mục đích gì?”
Sau đó, CQCSĐT Trà Vinh kết luận: Ông Bi làm trái 800 triệu đồng, tham ô 80 triệu đồng. Cáo trạng của VKSND tỉnh Trà Vinh cáo buộc: Ông Bi sử dụng trái quy định 112 triệu đồng, tham ô 51 triệu đồng.
Tòa cấp sơ thẩm TAND tỉnh Trà Vinh tuyên: Ông Bi làm trái 155.724.796đồng, tham ô 8 triệu đồng. Tòa cấp phúc thẩm y án. Kết luận Giám đốc thẩm sửa án, ông Bi bị Toà phúc thẩm tuyên 3 năm tù, cho hưởng án treo, thì lại sửa thành 3 năm tù giam?!
Im lặng khó hiểu
Trong thời gian tái thẩm, ông Bi “tạm trú” tại TP HCM và Hà Nội để kêu oan. Ngày 6/5/2010, VKSND Tối cao ra Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm số 11/QĐ-VKSTC-V3, yêu cầu Hội đồng Thẩm phán Tòa án tối cao xử theo hướng xét xử thủ tục giám đốc thẩm; hủy bản án phúc thẩm của TAND Tối cao tại TP HCM và bản án sơ thẩm của TAND tỉnh Trà Vinh. Tiếp theo, ngày 11/3/2011 VKSND Tối cao ra Quyết định 01/QĐ-VKSTC-V3, tạm đình chỉ thi hành bản án phúc thẩm đối với ông Bi.
Quyết định tạm đình chỉ thi hành án của VKSND Tối cao, được ông Bi cho rằng không có giá trị pháp lý trên địa bàn tỉnh Trà vinh! Ông Bi kể trong nỗi bi nhục tận cùng: “ Khoảng 15 giờ, ngày 20/11/2011 có hai thanh niên lạ mặt, cầm gậy xông vào nhà tôi, bắt tôi và còng tay tôi lôi đi xềnh xệch.
Tôi trình quyết định tạm đình chỉ thi hành án của VKSND Tối cao ra, thì hai thanh niên lạ mặt ngưng lại, không lôi tôi đi. Tôi nói rằng, tôi không đi đâu hết, hai thanh niên móc súng bắn hai phát. Nghe tiếng súng, hàng trăm người dân chạy lại, chứng kiến hai thanh niên không mặc sắc phục Công an mà còng tay tôi lôi đi, nên người dân manh động, hòng hành hung hai thanh niên kia... ”
|
Văn bản kháng nghị giám đốc thẩm của VKSND tối cao chỉ rõ vi phạm tố tụng hình sự khi xét xử ông Bi. |
Ông Huỳnh Vũ Phong, Chỉ huy Trưởng huyện đội Cầu Ngang kể lại: “ Tôi lúc đó đang công tác xa, nghe trực ban chỉ huy Huyện đội báo cáo, có 2 tiếng súng nổ, hướng nhà anh Sáu Bi, lập tức tôi chỉ đạo Ban Tham mưu Huyện đội cử lực lượng đến ngay hiện trường...”.
Hai thanh niên lạ mặt, xông vào nhà còng tay ông Bi, lôi ông đi như là kẻ cướp và đặc biệt, bắn súng thị uy bất chấp hiệu lực pháp luật của quyết định ngưng thi hành án là ai? Ông Bi làm đơn tố cáo đến Công an tỉnh Trà Vinh để đề nghị làm rõ, nhưng tới nay tất cả là sự... im lặng khó hiểu?.
Cần một phiên toà minh bạch
Gần 15 năm, ông Bi luôn cho rằng mình không phạm tội, nên đã gửi đơn tới nhiều nơi, nhiều cấp để chỉ mong đòi lại danh dự vì ông Bi là con của Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Cao Thị Điệp, em của 2 Liệt sỹ đã đổ máu để bảo vệ tổ quốc.
Mặc dù, ngày 6/5/2010, VKSND Tối cao ra Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm số 11/QĐ-VKSTC-V3, yêu cầu Hội đồng Thẩm phán Tòa án tối cao xử theo hướng xét xử thủ tục giám đốc thẩm; hủy bản án phúc thẩm của TAND Tối cao tại TP HCM và bản án sơ thẩm của TAND tỉnh Trà Vinh về việc xét xử ông Bi. Thế nhưng, đến nay đã gần 10 năm, vẫn chưa có một phiên toà nào được mở ra để xét xử làm rõ sự việc ông Bi có phạm tội hay không phạm tội.
Theo bản kháng nghị, VKSND Tối cao đã nhận định rằng: Do việc điều tra, truy tố, xét xử vụ án phiến diện, không đầy đủ và có vi phạm tố tụng hình sự, nên chưa đủ khẳng định Huỳnh Văn Bi có phạm tội “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiệm trọng” và “tham ô tài sản”.
Sau nhiều ngày gửi đơn tới các cấp, ngày 16/6/2015, Văn phòng Chủ Tịch nước có Công văn 931/VPCTN-PL gửi Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng VKSND Tối cao: Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chủ Tịch nước giải quyết theo đúng pháp luật, báo cáo Chủ Tịch nước...
Đến ngày 29/5/2017 Văn phòng Chủ Tịch nước tiếp tục có Công văn 769/VPCTN-PL đến TAND Tối cao. Đến ngày 20/9/2017 TAND tỉnh Trà Vinh ra Quyết định 01/2017/QĐ-TA: Miễn chấp hành án phạt tù, miễn chấp hành toàn bộ án phạt tù còn lại.
Ông Bi nói mà mắt đỏ hoe nhưng kiên định: “Mặc dù tôi được miễn hình phạt tù do cải tạo tốt, nhưng đó không phải là tất cả. Điều tôi muốn là được minh oan. Tôi sẽ đi đến tận cùng sự thật cho đến ngày tôi nhắm mắt, xuôi tay”.
PLVN sẽ thông tin tiếp vụ việc.