Hội nghị có sự tham dự của ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương); Bà Vanusia Nogueira, Tổng Giám đốc Tổ chức Cà phê thế giới (ICO); Đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương cùng đại sứ, tổng lãnh sự các nước.
Về phía địa phương có bà Huỳnh Thị Chiến Hòa, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Ông Nguyễn Tuấn Hà, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành.
Tham dự hội nghị còn có hơn 700 đại biểu đến từ Tổ chức cà phê thế giới (ICO), các đối tác thương mại Mỹ, Anh, Nhật Bản, Đức, Australia, Singapore, Hàn Quốc, Trung Quốc….
![]() |
Ông Nguyễn Tuấn Hà, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk phát biểu tại Hội thảo. |
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Tuấn Hà, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk cho biết: Hội nghị giao thương quốc tế - Kết nối, nâng tầm cà phê Việt nhằm nhận diện rõ hơn và tái khẳng định vai trò, vị thế của ngành công nghiệp cà phê, tìm cơ hội và giải pháp để gia tăng giá trị cà phê Việt; là nhịp cầu để kết nối những người quan tâm đến cà phê, cùng cà phê và vì cà phê gần lại với nhau hơn.
Hội nghị cũng nhằm chung tay nâng cao giá trị, hiệu quả kinh tế và kiến tạo vị thế quốc tế cho cà phê; hỗ trợ kết nối giao thương cho các doanh nghiệp; Truyền thông và tiếp thị sản phẩm, thương hiệu cà phê; đưa cà phê lên tầm cao mới, xứng đáng với vai trò, vị thế của loại thức uống phổ biến này.
Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) nhấn mạnh: Ngành cà phê Đắk Lắk luôn đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của ngành hàng cà phê Việt Nam. Với truyền thống canh tác cà phê hơn 100 năm và nhanh chóng tiếp thu thành tựu công nghệ mới trong chế biến, cùng với hạ tầng cơ sở tốt, ngành hàng có độ mở cao, khả năng liên kết chuỗi, kinh nghiệm và quan hệ thị trường… là những lợi thế cho phép Đắk Lắk có thể phát triển thành công phân khúc cà phê Robusta đặc sản.
![]() |
Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) đề cao vai trò của ngành cà phê Đắk Lắk. |
Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận các nội dung chuyên sâu về ngành hàng cà phê, như tình hình thị trường cà phê thế giới, xu hướng tiêu dùng cà phê; Kế hoạch triển khai các hoạt động hỗ trợ thích ứng với quy định EUDR đối với ngành hàng cà phê Việt Nam; Các tiêu chuẩn, quy chuẩn đối với vùng trồng cà phê; Đặc biệt là vai trò doanh nghiệp trong việc nâng tầm cà phê Việt Nam và xây dựng thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột - điểm đến cà phê thế giới; Tình hình xuất khẩu cà phê, nhận định xu thế thị trường và rào cản tiêu dùng cà phê thế giới hiện nay, định hướng thị trường cho ngành hàng cà phê Việt Nam.
Tiếp đó, các doanh nghiệp, đối tác, nhà cung ứng trong và ngoài nước cũng ký các biên bản ghi nhớ hợp tác phát triển ngành hàng cà phê bền vững.
Hội nghị giao thương Quốc tế - Kết nối, nâng tầm cà phê Việt là cơ hội cho ngành cà phê Việt Nam tiếp cận kinh tế tuần hoàn, kinh tế trải nghiệm gắn kết tài nguyên bản địa với trải nghiệm văn hóa lịch sử địa phương. Đồng thời, giúp ngành cà phê chủ động thích ứng tốt hơn với biến đổi khí hậu, biến động thị trường và xu thế tiêu dùng./.
Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 là hoạt động thiết thực chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Chiến thắng Buôn Ma Thuột, giải phóng tỉnh Đắk Lắk (10/3/1975-10/3/2025). Đây cũng là sự kiện quan trọng, góp phần quảng bá thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột, xây dựng hình ảnh thành phố Buôn Ma Thuột là "Thành phố cà phê của thế giới".
Phát biểu khai mạc lễ hội, bà Huỳnh Thị Chiến Hòa, Phó Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk cho biết: "Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột là sự kiện kinh tế, văn hóa nổi bật của tỉnh Đắk Lắk. Qua 8 lần tổ chức, Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng người dân, du khách. Lễ hội thực sự trở thành ngày hội để vinh danh những người trồng, sản xuất, chế biến, kinh doanh, xuất nhập khẩu cà phê. Thông qua các hoạt động của kỳ lễ hội, tỉnh Đắk Lắk mong muốn tiếp tục đưa thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột vươn xa, góp phần nâng tầm cà phê Việt Nam trên trường Quốc tế và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững của địa phương".