Tham dự Hội thảo có lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường các tỉnh, thành phố; các tổ hợp tác, HTX sản xuất, tiêu thụ muối; các chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực sản xuất, chế biến muối trên toàn quốc.
Ông Huỳnh Chí Nguyện - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu phát biểu chào mừng Hội thảo. |
Phát biểu tại Hội thảo, ông Huỳnh Chí Nguyện - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết: Hội thảo giới thiệu một số tiến bộ khoa học công nghệ, phương pháp và kỹ thuật sản xuất mới thích ứng biến đổi khí hậu trong lĩnh vực nghề muối. Đồng thời là dịp giao lưu, trao đổi kiến thức, chia sẻ kinh nghiệm, liên kết hợp tác giữa các đơn vị, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động sản xuất, chế biến, kinh doanh muối giữa các địa phương.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, kinh tế nói chung gặp rất nhiều khó khăn, nhưng nông nghiệp Bạc Liêu vẫn đều đặn tăng trưởng trên 7%, đóng vai trò là trụ đỡ, góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế chung của tỉnh. Với diện tích sản xuất muối gần 1.600 héc-ta cho sản lượng gần 80.000 tấn/năm, Bạc Liêu là một trong những tỉnh có diện tích sản xuất và sản lượng muối lớn của cả nước.
Hiện Bạc Liêu có 160 sản phẩm OCOP, nhiều sản phẩm trực tiếp liên quan đến muối, đặc biệt có 2 sản phẩm Muối Bạc Liêu đạt chuẩn OCOP hạng 5 sao.
Diêm dân Trần Việt Trung (ngụ ở xã Long Điền Đông, huyện Đông Hải) chia sẻ, việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất muối của diêm dân gặp nhiều khó khăn do đa số chưa tiếp cận được nguồn vốn. |
“Ngành sản xuất muối đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế và đời sống của nhiều địa phương ven biển. Tuy nhiên, biến đổi khí hậu đang gây ra những tác động tiêu cực, ảnh hưởng trực tiếp đến sản lượng và chất lượng muối. Do đó, việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất muối là một yêu cầu cấp thiết, nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại đêm khai mạc Festival nghề muối Việt Nam - Bạc Liêu, đưa khoa học công nghệ vào để nâng cao năng suất, chất lượng muối trong thời gian tới”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu nói.
Tại Hội thảo, các nhà khoa học, chuyên gia, các HTX và bà con diêm dân... tham luận, chia sẻ kinh nghiệm và thảo luận về các giải pháp công nghệ tiên tiến và cả giải pháp nâng cao hiệu quả liên kết trong hoạt động sản xuất, tiêu thụ muối, một cách hiệu quả, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu mang lại những kết quả thiết thực; Góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững của ngành muối Việt Nam trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Trung Hiếu - Phó Giám Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Bạc Liêu phát biểu tại Hội thảo. |
Ông Nguyễn Trung Hiếu - Phó Giám Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Bạc Liêu thông tin, thời gian tới, ngành Nông nghiệp và Môi trường Bạc Liêu sẽ tham mưu tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện một số nhóm nhiệm vụ, giải pháp có hiệu quả quy hoạch gắn với nâng cao giá trị sản phẩm muối và đa dạng nguồn thu nhập cho diêm dân.
Đồng thời, ngành nông nghiệp từng bước chuyển đổi phương thức sản xuất theo hướng hiện đại, bền vững hơn; ứng dụng công nghệ cao, sản xuất muối trắng, muối sạch, năng suất cao; đa dạng sản phẩm và tạo sản phẩm giá trị gia tăng cao (như Muối kết hợp với dược liệu, muối cho sức khỏe), khai thác tiềm năng muối trong ngành mỹ phẩm, dược phẩm, trị liệu...
Bên cạnh đó, phát triển và nâng cao năng lực HTX diêm nghiệp có hiệu quả theo các chương trình, Đề án, chính sách hỗ trợ; liên kết giữa HTX với doanh nghiệp; thúc đẩy xây dựng và nhân rộng các mô hình HTX hiệu quả gắn với liên kết chuỗi giá trị. Đưa sản phẩm muối vào các Trung tâm thương mại, siêu thị, khu du lịch... giới thiệu và bán các sản phẩm từ muối.
Ông Hoàng Thanh Hồng - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phát biểu kết luận Hội thảo. |
Ông Hoàng Thanh Hồng - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia sẽ tổng hợp báo cáo Bộ để sửa đổi bổ sung và ban hành cơ chế chính sách nhằm phát huy lợi thế của địa phương, thu hút nguồn lực, khoa học công nghệ vào phát triển nghề muối; Xây dựng và phát triển các mô hình HTX, Tổ hợp tác sản xuất muối để ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, cơ giới hoá vào sản xuất, tổ chức sản xuất và liên kết tiêu thụ sản phẩm.
Đồng thời, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tăng cường hợp tác công tư, phối hợp với các Viện, Trường và doanh nghiệp để chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho bà con diêm dân. Đặc biệt chú trọng các giải pháp công nghệ sản xuất mới, ứng dụng cơ giới hoá, sơ chế, chế biến đa dạng hoá sản phẩm và nâng cao giá trị sản phẩm.
Năm 2013, Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý muối ăn Bạc Liêu được bảo hộ vô thời hạn trên toàn lãnh thổ Việt Nam, khẳng định thương hiệu muối Bạc Liêu trên thị trường trong nước và quốc tế.
Đến năm 2020, được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận “Nghề làm muối ở Bạc Liêu” là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.