7 lần xử vẫn chưa xong một vụ án

(PLO) - Vụ “tranh chấp quyền sử dụng đất” thổ mộ mà cả nguyên đơn, bị đơn đều là anh em và trên 80 tuổi, không có nhiều tình tiết phức tạp nhưng trải qua 7 lần xét xử vẫn chưa có hồi kết.
Ông Liêm đứng trên lối đi vào khu thổ mộ

Anh em kiện nhau

Theo đơn khởi kiện do ông Nguyễn Văn Tòng đại diện, thửa đất số 1380 tờ bản đồ số 3 thuộc ấp Tân Hòa B, xã Minh Đức, huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre nguyên trước đây là của cụ Nguyễn Văn Tuấn và Đoàn Thị Rích để lại (cụ Tuấn, Rích là ông bà nội của nguyên đơn và bị đơn). Sau khi hai cụ mất, năm 1939 các con của hai cụ đứng ra lập tờ thuận phân chia di sản.

Theo đó, phần đất đang tranh chấp được giao cho ông Nguyễn Văn Nguyệt (cha của ông Tòng) sử dụng diện tích 4.525m2 (đo đạc thực tế là 4.024,3m2), nay do ông Huỳnh Văn Liêm và vợ là Nguyễn Thị Mỹ sử dụng (ông Liêm là con rể, bà Mỹ là con ruột ông Nguyễn Văn Chắc, ông Chắc là em ruột của ông Nguyệt).

Ông Nguyễn Văn Tòng đòi diện tích đất này để sử dụng và chăm sóc phần mộ và thờ cúng ông bà. Hiện trên đất có 5 ngôi mộ gồm mộ cụ Tuấn, Rích; mộ ông Nguyệt, bà Lê Thị Dư (vợ ông Nguyệt), mộ ông Nguyễn Văn Bé (con ông Chắc và là em của bà Mỹ).

Theo Công văn số 385/TNMT-VPĐK ngày 11/7/2013 của Phòng TNMT huyện Mỏ Cày Nam cho thấy: “Theo hồ sơ địa chính lập vào năm 1996 thể hiện thửa 1380 tờ 03 diện tích 10.720m2 mục đích sử dụng cây lâu năm tọa lạc ấp Tân Hòa B, xã Minh Đức, do ông Huỳnh Văn Liêm là con rể của ông Nguyễn Văn Chắc kê khai đăng ký. Năm 1960, ông Chắc đã hiến hết phần đất mà ông giữ canh cho nhà nước và sau đó được cấp lại 1,3 mẫu tức bằng 13.000m2, trong đó có phần đất đang tranh chấp hiện nay”.

7 phiên tòa chưa xong một vụ án

Vụ án không phức tạp vì nguồn gốc đất là do Nhà nước cấp cho cha bị đơn, chứ hoàn toàn không phải đất thừa kế, nên việc TAND huyện Mỏ Cày xét xử sơ thẩm (ngày 12/3/2009) tuyên bác yêu cầu đòi lại đất của nguyên đơn, TAND tỉnh Bến Tre xử phúc thẩm (ngày 20/5/2009) tuyên giữ nguyên bản án sơ thẩm là hoàn toàn phù hợp pháp luật.

Tuy nhiên, ngày 25/5/2010, Tòa Dân sự TANDTC xét xử giám đốc thẩm tuyên hủy cả 2 bản án, giao hồ sơ cho TAND huyện Mỏ Cày xét xử sơ thẩm lại. Theo đó, ngày 31/3/2014, TAND huyện Mỏ Cày Nam xét xử sơ thẩm tiếp tục tuyên bác yêu cầu đòi đất của nguyên đơn. Đến ngày 12/9/2014, TAND tỉnh Bến Tre xử phúc thẩm tuyên hủy án sơ thẩm, giao hồ sơ về TAND huyện Mỏ Cày Nam giải quyết, do nguyên đơn thay đổi yêu cầu khởi kiện, chỉ còn đòi 1.984m2 đất (trước đó đòi 4.024,3m2).

Bất ngờ hơn, ngày 26/1/2016, TAND huyện Mỏ Cày Nam xét xử sơ thẩm tuy tuyên bác yêu cầu đòi lại quyền sử dụng đất diện tích 2.168,3m2 của nguyên đơn, nhưng lại buộc bị đơn giao quyền sử dụng đất 189,9m2 đất thổ mộ và 215m2 quyền sử dụng đất làm lối đi vào đất thổ mộ (chiều ngang 2m nhân chiều dài 107,01m) cho nguyên đơn.

Ngay lập tức cả nguyên đơn kháng cáo toàn bộ bản án, còn phía bị đơn kháng cáo về việc giao nguyên đơn 215m2 quyền sử dụng đất mở lối đi mới (quyền sử dụng đất 189,9m2 đất thổ mộ là do phía bị đơn tự nguyện giao cho phía nguyên đơn, bởi trên diện tích đất này có 4 ngôi mộ của cụ Tuấn, Rích - là ông bà nội của nguyên đơn và bị đơn, ông Nguyệt, Dư - là cha mẹ của nguyên đơn và bác ruột của bị đơn).

Trong đơn kêu cứu gửi các cơ quan chức năng, ông Liêm bức xúc: “HĐXX kết luận nguyên đơn khởi kiện yêu cầu đòi quyền sử dụng đất diện tích 2.168,3m2 là không có cơ sở chấp nhận, nhưng khi tuyên án lại buộc bị đơn là tôi giao trả lại phần thổ mộ có diện tích là 189,9m2 và mở thêm lối đi mới vào thổ mộ có diện tích là 215m2. Tôi thấy cấp sơ thẩm nhận xét một đàng mà khi tuyên thì tuyên một nẻo.

Nguyên đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm, tôi xin kháng cáo một phần bản án là không chấp nhận mở thêm lối đi mới vì cấp sơ thẩm dựa vào lòng nhân đạo của tôi để mở thêm diện tích đất cho nguyên đơn (Diện tích 189,9m2 là tôi tự nguyện cắm cọc vẽ ra để giao cho nguyên đơn giữ làm thổ mộ ông bà tổ tiên và truyền tử lưu tôn không được mua bán với mọi hình thức.

Đồng thời tôi thấy mồ mả ông bà chung ai giữ chăm sóc cũng được nên tôi mới giao cho nguyên đơn giữ và lối đi vào thổ mộ tôi đã làm ngang 2 mét chạy dài từ lộ vườn đến khu mộ là 107 mét đã đổ bê tông từ năm 2009 rồi. Không lẽ một khu mộ mà đến hai lối đi vào, thật là phi lý, đi thăm mộ thì thử hỏi một năm nguyên đơn đi thăm được bao nhiêu lần. Vậy mà Tòa án Mỏ Cày Nam dựa vào đâu để mở thêm lối đi mới song song với lối đi tôi đã mở vào thổ mộ?”.

Việc TAND huyện Mỏ Cày Nam tuyên giao nguyên đơn 215m2 quyền sử dụng đất làm lối đi mới vào khu đất thổ mộ là không phù hợp, bởi hiện tại đã có lối đi mà cả nguyên đơn lẫn bị đơn đều sử dụng hàng chục năm nay. Hơn thế nữa, việc Tòa án lấy đất của bị đơn giao cho nguyên đơn mà không buộc nguyên đơn thực hiện nghĩa vụ bồi thường cho bị đơn là hoàn toàn bất công và trái luật.

Thiết nghĩ, trong phiên xử tới đây HĐXX phúc thẩm sẽ xem xét thấu lý đạt tình, trên tinh thần thượng tôn pháp luật, trả lại sự yên bình và công bằng cho các cụ già đều trên 80 tuổi.

Đọc thêm