Truyền bá tôn giáo phải giáo dục lòng yêu nước
Trong bài viết tiêu đề “Tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh về khoan dung tôn giáo”, ThS. Ngô Minh Thuận – Học viện Chính sách và Phát triển đã nhắc lại câu chuyện lịch sử.
Đó là ngay sau khi Cách mạng Tháng tám thành công, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ cách mạng Việt Nam lâm thời năm 1946 khi đề cập đến những vấn đề cấp bách, thì tại vấn đề thứ 6 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói rõ: “Thực dân phong kiến thi hành chính sách chia rẽ đồng bào giáo và đồng bào lương để dễ bề cai trị. Tôi đề nghị Chính phủ tuyên bố: Tín ngưỡng tự do và lương giáo đoàn kết”.
Tiếp sau đó, trong bản Hiến pháp đầu tiên của Nhà nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà năm 1946 với cương vị là Chủ tịch nước, Người đã trực tiếp ký vào bản Hiến pháp, tại Chương II, mục B đã ghi rõ: “Mọi công dân Việt Nam có quyền tự do tín ngưỡng”.
Theo Người, tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân sẽ góp phần xóa bỏ mọi thành kiến, mặc cảm, đố kỵ, hiềm kích lẫn nhau là cơ sở để xây dựng thành công khối đoàn kết tôn giáo trong nhân dân được lâu dài.
Bên cạnh việc Chủ tịch Chủ tịch Hồ Chí Minh tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân, Người cũng đặt ra những yêu cầu đối với các tôn giáo phải tôn trọng và thực thi theo đúng pháp luật Việt Nam; đặc biệt là các chức sắc, chức việc, nhà tu hành, nhà truyền giáo khi truyền bá tôn giáo phải có nhiệm vụ giáo dục các tín đồ lòng yêu nước, nghĩa vụ người công dân, ý thức tôn trọng chính quyền nhân dân và pháp luật của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà.
Vì vậy, trong Chương I, Điều 1 Sắc lệnh 234/SL ghi rõ: “Khi truyền bá tôn giáo, các nhà tu hành có nhiệm vụ giáo dục các tín đồ lòng yêu nước, nghĩa vụ của người công dân, ý thức tôn trọng chính quyền dân chủ và pháp luật của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà”.
Đáp lại tình cảm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với đồng bào tín đồ các tôn giáo, Linh mục Trần Tam Tỉnh thay mặt đồng bào giáo dân đã nhận xét về Người: “Suốt cuộc đời tham chính của Người, Cụ Hồ là một người yêu nước trên hết mọi sự… các lời lẽ Cụ phê phán giáo hội không bao giờ chạm tới khía cạnh đức tin, nhưng chỉ nằm trong phạm vi các vấn đề cơ chế và chính trị…”
Trong bài viết “Khoan dung Hồ Chí Minh - Sự kết tinh giá trị văn hóa dân tộc và thời đại” đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị, GS. Song Thành đã nhắc đến câu nói của Jean Sainteny - người từng “đối diện” với Hồ Chí Minh trong nhiều năm: “Chưa bao giờ tôi có cớ để nhận thấy nơi chương trình của Cụ Hồ một dấu vết nào, dù rất nhỏ của sự công kích, đa nghi hoặc chế giễu bất kỳ một tôn giáo nào” để một lần nữa nhấn mạnh, đối với các tôn giáo, Hồ Chí Minh thành thật tôn trọng đức tin của người có đạo; coi tôn giáo là di sản văn hóa của nhân loại, thừa nhận trong lý tưởng của các vị sáng lập tôn giáo chứa đựng những giá trị đạo đức, nhân văn cao đẹp, có nhiều điều tương đồng với lý tưởng của cách mạng.
Người khéo hướng lý tưởng của các tôn giáo vào mục tiêu giải phóng dân tộc và mưu cầu hạnh phúc cho nhân dân. Người phấn đấu hết mình cho đoàn kết lương - giáo trong đại đoàn kết dân tộc.
Chất “Phật” trong con người Hồ Chí Minh
Ở góc độ Phật giáo, HT, TS. Thích Gia Quang - Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự kiêm Trưởng Ban Thông tin Truyền thông trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam phân tích, trong giáo lý Phật giáo, “từ bi” là tinh thần mãnh liệt để giải thoát khỏi đau khổ, “bác ái” là lòng thương yêu mọi người, “vị tha” là sống vì người khác”, “kết tinh bằng từ bi, trí tuệ, dũng mãnh, hướng dẫn chúng sinh đạt tới mục đích giác ngộ và giải thoát, chuyển cõi Ta bà thành cõi Tịnh độ”.
Khi phân tích những tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta sẽ thấy những giá trị: Tư tưởng bình đẳng, bác ái (Từ bi bình đẳng của Phật giáo); Tư tưởng không có gì quý hơn độc lập, tự do (An lạc giải thoát của Phật giáo); Tư tưởng mình vì mọi người (Vô ngã vị tha của Phật giáo); Tư tưởng đại đoàn kết toàn dân tộc (Lục hòa cộng trụ của Phật giáo).
Theo HT, TS. Thích Gia Quang, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có những ảnh hưởng về tư tưởng giáo lý nhà Phật rất rõ nét. Người đã gạn lọc, kế thừa, cách mạng hóa những hạt nhân hợp lý trong triết lý đạo Phật, nhất là triết lý đề cao nếp sống đạo đức trong sáng, chủ trương bình đẳng, yêu thương đồng loại, xây dựng xã hội phát triển hài hòa, bảo vệ lợi ích của mọi thành phần trong xã hội.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành hạt nhân của trung tâm đoàn kết xã hội, khích lệ đồng bào các tôn giáo, toàn dân đồng lòng xây dựng đất nước. Ảnh: TL |
Tất cả những giá trị tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đều xoay quanh mục đích tối thượng là hướng đến con người và vì con người. Hay nói cách khác, đó là hệ tư tưởng triết lý nhân sinh, khoan dung để xây dựng con người hạnh phúc, xã hội hạnh phúc. Với tư tưởng đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành hạt nhân của trung tâm đoàn kết xã hội, hun đúc truyền thống yêu nước, nhân ái của dân tộc, động viên khích lệ đồng bào theo đạo Phật, đồng bào các tôn giáo, toàn dân đồng lòng xây dựng đất nước.
Từ ảnh hưởng tốt đẹp của tư tưởng Hồ Chí Minh đối với tôn giáo, ở Việt Nam các tôn giáo đã xây dựng đường hướng hành đạo gắn bó với dân tộc; tập hợp đông đảo tín đồ trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần xây dựng quê hương, đất nước giàu đẹp, như: “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội” của Phật giáo; “Sống phúc âm giữa lòng dân tộc” của Công giáo; “Sống phúc âm phụng sự Thiên Chúa, phục vụ Tổ quốc và dân tộc” của đạo Tin lành; “Nước vinh, đạo sáng” của đạo Cao Đài; “Vì đạo pháp, vì dân tộc” của Phật giáo Hòa Hảo...
Tình cảm trong bức thư đầu tiên ấy còn mãi trong tâm hồn mỗi giáo dân
Quay lại với bức thư ngày 25/12/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết chúc mừng đồng bào Cơ đốc giáo nhân ngày Giáng sinh. Trong thư, với tấm lòng rộng mở, không định kiến tôn giáo, Người đã ngợi ca Đức Thiên chúa là một tấm gương hy sinh triệt để vì những người bị áp bức, vì những dân tộc bị đè nén, vì hoà bình, vì công lý.
“Trong lịch sử Việt Nam ta, lần này là lần đầu mà đồng bào công giáo ta làm lễ Nôen một cách vui vẻ sung sướng trong nước Việt Nam độc lập, tự do”, bởi vì đồng bào công giáo và lương giáo là con một nhà. Trong khi, ở ngoài chiến trường, các chiến sỹ giáo – lương cùng chung một chiến hào đánh thực dân Pháp đang đe dọa nền độc lập của dân tộc… Tất cả đều noi theo “tinh thần cao thượng của đức Chúa Giêsu” – Người viết.
Trong bài viết “Chủ tịch Hồ Chí Minh mừng lễ Thiên Chúa giáng sinh- Noel năm 1945”, Ths. Vũ Thị Kim Yến - Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, phân tích, từ bức thư này có thể thấy sinh ra trong một gia đình nhà nho nghèo, chịu ảnh hưởng tư tưởng Khổng giáo, song Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng rất am hiểu về Thiên chúa giáo.
Người hiểu phong tục và ý nghĩa quan trọng của ngày lễ Thiên chúa giáng sinh trong đời sống tinh thần của đồng bào Cơ đốc giáo. Vì lẽ vậy, mừng Giáng sinh năm 1945, năm đầu tiên nước Việt Nam độc lập sau hơn 80 năm trời đắm chìm trong nô lệ, với cương vị là Chủ tịch nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho các vị linh mục và đồng bào theo đạo Công giáo.
Hằng yêu kính Chúa, các giáo dân Cơ đốc giáo hẳn sẽ không thể nào quên được Giáng sinh năm 1945, lễ Giáng sinh đầu tiên của nước Việt Nam độc lập, giữa bộn bề công việc, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn dành thời gian quan tâm đến các con chiên của Chúa. Không chỉ có vậy, Người còn đặt kỳ vọng vào họ và khẳng định rằng “đồng bào công giáo sẽ cùng toàn thể đồng bào trong nước cương quyết chiến đấu để giữ vững quyền tự do độc lập của Tổ quốc”.
“Nhiều năm đã trôi qua song tình cảm, sự quan tâm, thấu hiểu và đồng cảm của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bức thư đầu tiên ấy thì vẫn còn đọng lại trong tâm hồn mỗi người giáo dân Thiên chúa giáo. Có thể khẳng định rằng, trong hành trình đấu tranh vì một nước Việt Nam độc lập, tự do và XHCN, bên cạnh những thắng lợi có ý chiến lược, thì việc Hồ Chí Minh huy động, tập hợp được cả những “con chiên của Chúa” vào khối toàn dân đoàn kết bằng tấm lòng, tình cảm và sự chân thành của mình, tạo thành nguồn sức mạnh to lớn, góp phần vào chiến thắng chung của dân tộc, cũng là một thành công lớn của Người” - Ths. Vũ Thị Kim Yến nhấn mạnh.