Những câu trả lời thẩm vấn tại phiên tòa của các bị cáo, và người liên quan cho thấy họ “mặc nhiên” coi việc kiểm tra sự an toàn của hệ thống lọc nước không phải là việc của mình.
Bị cáo Hoàng Công Lương cho rằng cho hay thiết bị, máy móc do phòng vật tư quản lý, đơn nguyên thận nhân tạo chỉ là đơn vị sử dụng. Bị cáo Lương cũng khẳng định mình “không phải là người quản lý đơn nguyên này”, anh chỉ có trách nhiệm điều trị bệnh nhân tại đây .
Bị cáo Lương khai trong quá trình vận hành để chạy thận nhân tạo cho các bệnh nhân, một điều dưỡng viên thấy hệ thống lọc nước RO không đảm bảo nên báo bị cáo Nguyễn Văn Sơn (cán bộ phòng vật tư) đến kiểm tra. Một lần nữa, bị cáo Lương khẳng định bị cáo “không làm đề xuất sửa chữa” và cũng "không có trách nhiệm phải kiểm tra".
Bị cáo Lương cho rằng, điều dưỡng viên trực trong ngày sẽ chịu trách nhiệm nhận bàn giao thiết bị y tế. Cụ thể, trong ngày xảy ra sự cố, (ngày 29/5/2017), người thực hiện nhiệm vụ trực điều dưỡng đơn nguyên thận nhân tạo là chị Đỗ Thị Điệp. Chị Điệp phải có trách nhiệm bàn giao khi hệ thống lọc nước đã sửa chữa xong.
Trả lời câu hỏi của HĐXX về người có quyền quyết định đưa hệ thống lọc nước vào hoạt động sau khi sửa chữa xong, bị cáo Lương – người trực tiếp làm việc tại BVĐK Hòa Bình đã trả lời: Không biết.
HĐXX hỏi BS Lương về việc trước khi chạy thận có phải kiểm tra mẫu nước không? Nếu xét nghiệm mẫu nước thì bao nhiêu ngày có kết quả? BS Lương khẳng định, việc của bác sĩ chỉ là điều trị. Việc kiểm tra mẫu nước hay xét nghiệm không phải việc của bị cáo nên không biết và không nắm rõ.
Ở một diễn biến khác, cũng trong phiên toà sáng nay, ông Hoàng Đình Khiếu, nguyên là trưởng khoa HSTC khẳng định trong cuộc họp cuối năm có phân công nhiệm vụ quản lý, đào tạo tại đơn nguyên thận nhân tạo cho BS Hoàng Công Lương. Biên bản do điều dưỡng trưởng khoa HSTC Hoàng Tiến Công ghi lại. Tuy nhiên, trả lời trước toà, BS Lương nhiều lần khẳng định trong cuộc họp cuối năm 2015 chỉ có bình xét thi đua, không có nội dung được giao quản lý, đào tạo.
Về phía điều dưỡng viên Đỗ Thị Điệp, tại phiên tòa chị Điệp cho biết, ngày 28/5/2017 chị nhận được điện thoại của anh Sơn nhờ đến mở cửa phòng thiết bị để sửa chữa. 20h30 cùng ngày, cũng từ số điện thoại anh Sơn goi đến, nhờ chị đóng cửa. Sơn nói "thiết bị đã sửa xong rồi, mai các chị có thể cho hoạt động bình thường, biên bản đây rồi mai em đưa cho các chị ký”.
Chị Điệp tự cho rằng lời nói đó của Sơn có nghĩa là máy đã sửa xong, nên sáng 29/5/2017 thông báo với ba bác sĩ và 9 điều dưỡng về việc này. Tại tòa, chị Điệp cho rằng việc mình thông báo chỉ là biết thì nói, chứ không phải trách nhiệm của mình.
Cũng liên quan đến câu chuyện này, câu trả lời của bị cáo Bùi Manh Quốc và Bùi Văn Son cho thấy cả hai đều bỏ qua những việc làm tưởng như là hình thức, nhưng lại có ành hưởng nghiêm trọng đến tính mạng các bệnh nhân. Theo nguyên tắc, sau khi sửa chữa xong, hai bên phải có biên bản nghiệm thu, bàn giao. Tuy nhiên, cả hai lại chỉ thực hiện qua một cú điện thoại. Thậm chí, còn gian dối, lập khống biên bản sau khi sự cố xảy ra, để “hợp thức hóa thủ tục”.
Bị cáo Bùi Mạnh Quốc (GĐ công ty Trâm Anh) cho biết sau khi sửa chữa xong, chỉ điện thoại và không ký bất kỳ biên bản nào tại bệnh viện về việc này. Trả lời sau, bị cáo Sơn thừa nhận không có biên bản nào được ký ngày 28/5, biên bản bàn do bị cáo lập chiều 29/5 - sau khi sự cố chạy thận xảy ra và bị cáo Bùi Mạnh Quốc có ký vào.
Tương tự, với biên bản bàn giao thiết bị giữa phòng Vật tư của BV với đơn nguyên thận nhân tạo, Sơn khai cũng tạo khống và đều được ký vào chiều 29/5. Sơn cho biết, sau khi lập biên bản, có đưa cho điều dưỡng đơn nguyên thận nhân tạo là Nguyễn Thu Hằng. Khi nhận lại bản photo vào hôm sau, bên dưới đã có chữ ký của chị Đỗ Thị Điệp – điều dưỡng đơn nguyên thận nhân tạo trực ngày 28/5.