Ai “bảo kê” cho Tân Hiệp Phát vi phạm tại dự án 4 mặt tiền? Đà Nẵng cần xử lý nghiêm theo Chỉ thị 01/CT-TTg của Thủ tướng

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Theo Chỉ thị 01/CT-TTg ngày 8/2/2022 của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, một trong những việc Bộ TN&MT cùng UBND các tỉnh thành phải thực hiện ngay là rà soát, báo cáo thực trạng các dự án có sử dụng đất (SDĐ) nhưng chậm triển khai, để hoang hóa, sử dụng sai mục đích, lãng phí đất đai; xem xét xử lý để quỹ đất được sử dụng hiệu quả, giải phóng nguồn lực cho phát triển KTXH; trường hợp đặc biệt báo cáo đề xuất Thủ tướng phương án xử lý.
Bất chấp việc Đà Nẵng ra “tối hậu thư”, Tân Hiệp Phát vẫn bỏ hoang dự án nhiều năm nay.
Bất chấp việc Đà Nẵng ra “tối hậu thư”, Tân Hiệp Phát vẫn bỏ hoang dự án nhiều năm nay.

Dư luận Đà Nẵng cho rằng dự án bất động sản của Cty TNHH Dịch vụ & Thương mại Tân Hiệp Phát (THP – trụ sở ở Bình Dương) tại trung tâm Đà Nẵng chính là trường hợp nổi bật “chậm triển khai, để hoang hóa, sử dụng sai mục đích, lãng phí đất đai” như Thủ tướng nêu trong Chỉ thị 01. Dự án “ôm” 14 ngàn m2 có 4 mặt tiền, vị trí đắc địa bậc nhất TP, nhưng Tân Hiệp Phát bỏ hoang nhiều năm, dây dưa vi phạm, dù đã bị chính quyền Đà Nẵng lập biên bản, ra “tối hậu thư”.

Khu đất đẹp nhất Việt Nam, số phận cũng “lận đận” bậc nhất

Dự án này, trên giấy tờ hiện do Cty CP Century Bay Đà Nẵng (một Cty con của Tân Hiệp Phát) thực hiện; và theo quảng cáo của Tân Hiệp Phát thì có tên Century Bay Hotel.

Nằm ở vị trí đắc địa nhất Đà Nẵng, ngay gần chân cầu Sông Hàn, nhưng dự án tuyệt đẹp này đã bị các “đại gia” “treo” suốt 17 năm nay, được chuyển nhượng, thế chấp qua tay nhiều “đại gia” đình đám. Năm 2016 dự án được chuyển vào tay Tân Hiệp Phát. Sáu năm qua, chính quyền Đà Nẵng đã ra “tối hậu thư”, đã lập biên bản vi phạm hành chính với Tân Hiệp Phát vì chưa đưa đất vào sử dụng, tuyên bố nếu hết ngày 6/4/2020 mà Tân Hiệp Phát không sử dụng sẽ thu hồi không bồi thường. Thế nhưng đến nay, Tân Hiệp Phát vẫn vi phạm, Đà Nẵng vẫn chỉ “đe” Tân Hiệp Phát trên giấy, và khu đất vẫn bị bỏ hoang, lãng phí.

Theo hồ sơ, năm 2005, Văn phòng UBND TP Đà Nẵng có công văn cho phép Ban quản lý công trình đường Bạch Đằng Đông (BQL) lập thủ tục chuyển quyền SDĐ khu đất 14.000m2 (thửa 158) với giá 3,8 triệu/m2 cho ông Đặng Lê Nguyên Vũ, hiện là TGĐ Cà phê Trung Nguyên (tuy nhiên quyết định thu tiền giao quyền SDĐ thì diện tích chỉ 12.077m2); và 1.315m2 (thửa 206) giá 4,18 triệu/m2 (sau đó mở rộng thêm 900m2).

Hai khu đất cùng tờ bản đồ 43, nằm sát với nhau, tạo thành khu đất 4 mặt tiền tại phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà. Có thể nói khu đất trên có vị trí đẹp nhất Việt Nam vì có 4 mặt tiền đường ôm trọn (đường Ngô Quyền, An Đồn, Trần Hưng Đạo, Phạm Văn Đồng), nằm ngay vòng xoay đường dẫn lên cầu Sông Hàn, ngay bên cạnh sông Hàn.

Sau khi BQL ký “hợp đồng kinh tế, chuyển nhượng”, bàn giao khu đất trên, ngày 2/11/2005, ông Nguyên Vũ được UBND quận cấp sổ đỏ AD280100 diện tích 12.077m2 (cho khu đất trong hợp đồng ghi 14.000m2). Còn khu đất 1.315m2 (sau mở rộng thêm) thì được UBND quận cấp sổ đỏ AN219008 cho ông Phan Văn Hiếu (theo đơn đề nghị chuyển đổi tên của ông Nguyên Vũ) diện tích 1.836m2, vào ngày 16/9/2008.

Cả hai khu đất đều có mục đích sử dụng đất cơ sở sản xuất, kinh doanh; thời hạn sử dụng lâu dài; đều thuộc dự án “Trung tâm thương mại, cao ốc văn phòng và khách sạn cho thuê ven sông Trung Nguyên”.

Năm 2008, ông Vũ ông Hiếu cùng chuyển nhượng hai khu đất trên cho người đàn ông SN 1974 (ngụ TP HCM, sau này là Phó TGĐ một DN lớn lĩnh vực vận tải, xe khách phía Nam).

Từ 2008 - 2011, hai khu đất liên tục được thế chấp cho một số cá nhân, DN: Ngày 7/5/2010 thế chấp cho Cty CP Đầu tư Địa ốc Ô tô Phương Trang tại Agribank Đông Sài Gòn; Ngày 14/12/2010 thế chấp cho Cty CP Xây dựng 79 của Phan Văn Anh Vũ (Vũ “nhôm”, hiện là phạm nhân trong nhiều vụ án - NV) tại Ngân hàng Đông Á…

Đến ngày 30/12/2016, người đàn ông SN 1974 ký hợp đồng “chuyển nhượng” khu đất cho Tân Hiệp Phát với giá 771 tỷ đồng. Trong cùng ngày, khu đất được Chi nhánh VPĐKĐĐ Sơn Trà điều chỉnh mục đích SDĐ từ đất cơ sở sản xuất, kinh doanh sang đất thương mại dịch vụ, thời hạn sử dụng 50 năm.

Dù ký “hợp đồng chuyển nhượng” từ 2016, nhưng mãi gần hai năm sau, đến 9/5/2018, người đàn ông SN 1974 và Tân Hiệp Phát mới nộp thủ tục, kèm theo các tờ khai lệ phí trước bạ, thuế thu nhập cá nhân đến VPĐKĐĐ để cập nhật biến động.

Do bị trễ hạn quá 90 ngày nên người đàn ông SN 1974 bị phạt chậm nộp hơn 7,6 tỷ đồng. Tân Hiệp Phát đã nộp thay người này.

Thực tế khu đất...

Thực tế khu đất...

...và “Dự án” trên giấy tờ do Tân Hiệp Phát vẽ ra

...và “Dự án” trên giấy tờ do Tân Hiệp Phát vẽ ra

Động thái bất thường giữa “chủ cũ” khu đất và Tân Hiệp Phát

Tại thời điểm 30/12/2016, khi người đàn ông SN 1974 ký hợp đồng “chuyển nhượng” khu đất cho Cty Tân Hiệp Phát với giá 771 tỷ, khu đất đã qua nhiều lần đổi chủ, trải qua 11 năm; nhưng dự án “Trung tâm thương mại, cao ốc văn phòng và khách sạn cho thuê ven sông Trung Nguyên” vẫn chưa được thực hiện. Khu đất vẫn bị bỏ hoang, lãng phí tài nguyên đất đai, trên giấy tờ đây vẫn là dự án gắn với tên “Trung Nguyên”, dù ông chủ Trung Nguyên đã bán đất từ lâu.

Ngày 26/3/2018, Chủ tịch và Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng có Văn bản chỉ đạo 2051/UBND-QLĐTh, giao Sở TN&MT “rà soát, thanh kiểm tra, xử lý nghiêm các dự án, công trình đã được giao, cho thuê, chuyển đổi mục đích sử dụng, nhận chuyển nhượng quyền SDĐ để thực hiện dự án nhưng không SDĐ, hoặc chậm tiến độ đưa vào sử dụng”.

Có lẽ do vi phạm tại khu đất này là vấn đề nhức nhối dư luận Đà Nẵng, nên chỉ 3 ngày sau, 29/3/2018, Sở TN&MT đã lập biên bản xác định hành vi vi phạm pháp luật về đất đai là chậm đưa đất vào sử dụng tại khu đất trên. Hành vi chậm đưa đất vào sử dụng này vi phạm điểm i, khoản 1, Điều 64, Luật Đất đai 2013: “Đất được Nhà nước giao, cho thuê để thực hiện dự án đầu tư mà không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục, hoặc tiến độ SDĐ chậm 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư”.

Cũng theo điều luật này, “trường hợp không đưa đất vào sử dụng thì chủ đầu tư được gia hạn sử dụng 24 tháng (…); hết thời hạn được gia hạn mà chủ đầu tư vẫn chưa đưa đất vào sử dụng, thì Nhà nước thu hồi đất mà không bồi thường về đất và tài sản gắn liền với đất”. Nói cách khác là với vi phạm này, chỉ có 1 lần được “châm chước”, được gia hạn 2 năm. Nếu “tái phạm” thì Nhà nước sẽ thu hồi khu đất mà không bồi thường.

Một điều rất lạ kỳ, là dù trước đó gần hai năm, ngày 30/12/2016, người đàn ông SN 1974 đã ký hợp đồng “chuyển nhượng” khu đất cho Cty Tân Hiệp Phát với giá 771 tỷ đồng. Thế nhưng ngay trong ngày 29/3/2018, khi Sở TN&MT lập biên bản xác định vi phạm tại khu đất, người đàn ông SN 1974 vẫn “có đơn xin gia hạn thời hạn SDĐ”.

Ngày 6/4/2018, UBND quận Sơn Trà có Quyết định 1179/QĐ-UBND gia hạn tiến độ đưa đất vào sử dụng với khu đất thuộc dự án “Trung tâm thương mại, cao ốc văn phòng và khách sạn cho thuê ven sông Trung Nguyên” nói trên.

Quyết định nêu rõ thời hạn gia hạn là 24 tháng; nghĩa là đến hết 6/4/2020, khu đất trên phải được sử dụng thực hiện dự án; nếu còn bỏ hoang thì Nhà nước sẽ thu hồi mà không bồi thường theo đúng điểm i, khoản 1, Điều 64, Luật Đất đai 2013.

Dự án từng “qua tay” nhiều đời chủ.

Dự án từng “qua tay” nhiều đời chủ.

Tân Hiệp Phát vi phạm dây dưa, sao Đà Nẵng vẫn không xử lý như đã tuyên bố?

Sau khi bị lập biên bản vi phạm, ngày 9/5/2018, người đàn ông SN 1974 và Tân Hiệp Phát mới làm thủ tục chuyển tên khu đất sang Tân Hiệp Phát.

Được đứng tên trên sổ đỏ khu đất, Tân Hiệp Phát không tự phát triển dự án mà thành lập một pháp nhân mới thực hiện dự án. Tân Hiệp Phát thành lập Cty CP Century Bay Đà Nẵng, trong đó Tân Hiệp Phát góp vốn 99% vào Century Bay Đà Nẵng là toàn bộ quyền sử dụng khu đất.

Ngày 21/9/2018, Sở KH&ĐT Đà Nẵng cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho Century Bay Đà Nẵng. Bà Trần Uyên Phương (con gái ông Trần Quí Thanh, bà Phương cũng là cổ đông nắm gần 30% vốn góp Cty Tân Hiệp Phát) là Giám đốc, đại diện theo pháp luật của Century Bay Đà Nẵng.

Bà Phương sau đó gửi văn bản đến cơ quan chức năng Đà Nẵng đề nghị được là chủ đầu tư dự án, chuyển đổi tên dự án “Trung tâm thương mại, cao ốc văn phòng và khách sạn cho thuê ven sông Trung Nguyên” thành Century Bay Hotel, triển khai dự án.

Ngày 5/1/2019, Sở TN&MT có Văn bản 13/BC-STNMT báo cáo UBND TP, nhắc lại vi phạm tại khu đất, đề nghị TP chấp thuận ý kiến của Tân Hiệp Phát được đầu tư vào dự án trên khu đất. Tuy nhiên văn bản lưu ý rõ ràng: “Quá 24 tháng kể từ 6/4/2018 (nghĩa là đến 6/4/2020), Cty Century Bay Đà Nẵng chưa đưa đất vào sử dụng thì Cty phải chịu thu hồi đất”.

Thực tế cho thấy đến ngày 6/4/2020, khi đã quá hạn, Tân Hiệp Phát vẫn không đưa khu đất trên vào thực hiện “dự án”. Lẽ ra Sở TN&MT, UBND TP Đà Nẵng phải áp dụng theo đúng điểm i, khoản 1, Điều 64, Luật Đất đai 2013; thực hiện Văn bản chỉ đạo số 2051/UBND-QLĐTh và 13/BC-STNMT của chính mình hồi 2018 và 2019; ra quyết định thu hồi khu đất. Thế nhưng cả Tân Hiệp Phát và Đà Nẵng đều không thực hiện đúng quy định pháp luật trên, khu đất vẫn bị bỏ hoang, dự án vẫn không được thực hiện.

Và tới nay, tháng 3/2022, thêm hai năm nữa, sai phạm dây dưa kéo dài này của Tân Hiệp Phát cũng chưa bị xử lý. Khu đất vị trí đẹp bậc nhất Việt Nam vẫn chỉ để Tân Hiệp Phát quây tôn, phía ngoài tôn đã rỉ mục, dây leo bám đầy, phía trong cỏ mọc hoang; đúng là trường hợp nổi bật của vi phạm “dự án bất động sản chậm triển khai, để hoang hóa, sử dụng sai mục đích, lãng phí đất đai” mà Thủ tướng nêu trong Chỉ thị 01/CT-TTg.

Dư luận đề nghị UBND TP Đà Nẵng, Bộ TN&MT cần xử lý đúng quy định với vi phạm dây dưa nghiêm trọng này; lập tức áp dụng điểm i, khoản 1, Điều 64, Luật Đất đai 2013 thu hồi khu đất; để quỹ đất được sử dụng hiệu quả, giải phóng nguồn lực phát triển KTXH như Thủ tướng chỉ đạo.

Những vấn đề khuất tất khác liên quan khu đất này và Tân Hiệp Phát cùng một số đối tượng, đơn vị liên quan, PLVN sẽ tiếp tục cập nhật.

Đọc thêm