Ai “chống lưng” cho trường gà tại Kon Tum?

(PLO) - Một tấm bảng nội quy của câu lạc bộ đá gà huyện Đăk Tô được treo ngay ngắn bên trong trường gà, với nội dung: “Câu lạc bộ đá gà chịu sự chỉ đạo, điều hành của ban chủ nhiệm câu lạc bộ, trực tiếp là phòng văn hóa-thông tin và quản lý của chính quyền địa phương”. Chính điều này dư luận đặt ra nghi vấn: “Có hay không việc chính quyền huyện Đăk Tô “chống lưng” cho trường gà hoạt động?
 
Hình ảnh tại trường gà
Hình ảnh tại trường gà

Câu hỏi được dư luận đặt ra: Vì sao trường gà lớn nhất tỉnh Kon Tum tồn tại 7 năm trời với mức độ sát phạt lên đến hàng trăm triệu đồng của các con bạc nhưng không hề bị chính quyền địa phương phát hiện và xử lý? Ai đã “chống lưng” cho trường gà ngang nhiên hoạt động giữa ban ngày?

Chính câu hỏi đó, PV Báo PLVN lại tiếp tục đi tìm sự thật để phơi bày ra ánh sáng những cán bộ tha hóa đã “bắt tay” với những đối tượng xấu thực hiện những hành vi phạm pháp.

Trong những ngày PV thâm nhập vào trường gà tại khối 7, thị trấn Đăk Tô, huyện Đăk Tô (tỉnh Kon Tum), theo quan sát của chúng tôi, một tấm bảng nội quy của câu lạc bộ đá gà huyện Đăk Tô được treo ngay ngắn bên trong trường gà. Trong những nội quy được ghi trên tấm biển, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng khi đọc dòng chữ, với nội dung: “Câu lạc bộ đá gà chịu sự chỉ đạo, điều hành của ban chủ nhiệm câu lạc bộ, trực tiếp là Phòng văn hóa-thông tin huyện Đăk Tô và quản lý của chính quyền địa phương”.

Khi đọc xong dòng chữ này, nhiều người đặt ra câu hỏi: “Không lẽ chính quyền nơi đây lại cho phép trường gà này ngang nhiên đá gà để sát phạt nhau với số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng?”.

Nhiều con bạc khẳng định với chúng tôi rằng, trường gà tồn tại được đến bây giờ là có sự “làm luật” với chính quyền địa phương. Mỗi tháng, chủ trường gà phải “làm luật” hàng chục triệu đồng. Chính vì vậy, trường gà mới có thể hiên ngang tồn tại.

Không ngẫu nhiên mà trong trường gà lại có nội quy với nội dung: “Câu lạc bộ đá gà chịu sự chỉ đạo, điều hành của ban chủ nhiệm câu lạc bộ, trực tiếp là Phòng văn hóa-thông tin huyện Đăk Tô và quản lý của chính quyền địa phương”. Liệu rằng, Phòng văn hóa-thông tin và chính quyền huyện Đăk Tô có “vô can” trong sự việc này.

Bên cạnh đó, câu lạc bộ đá gà Đăk Tô với mác “đá gà dân gian” nhưng trên thực tế là sát phạt nhau với số tiền “khủng” và tồn tại nhiều năm trời nhưng vì sao cơ quan chức năng sở tại lại “không hề hay biết”? 

Có hay không việc chính quyền địa phương và cơ quan chức năng của huyện Đăk Tô “làm ngơ” cho trường gà hoạt động nhiều năm trời? 

Câu hỏi này Báo PLVN xin được dành cho các ngành chức năng tỉnh Kon Tum. 

Đọc thêm