Những khu vực hiện trường rừng biên giới Việt – Lào đã được kiểm tra, khám nghiệm; rừng bị phá tràn lan; hơn 70m3 gỗ các loại (trong đó gần 45m3 là gỗ mun quý hiếm) đã bị "chảy máu", dư luận đang đặt ra câu hỏi: Trách nhiệm chính, trách nhiệm liên đới thuộc về ai? Ai chủ mưu vụ phá rừng này? Và ai đã tiếp tay cho “lâm tặc”?.
Liên tục những ngày qua, Báo Pháp luật Việt Nam thông tin về vụ việc phá rừng nghiêm trọng ở khu vực biên giới Việt – Lào thuộc xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Đây là khu vực rừng nằm trong vùng lõi, thuộc phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của Vườn quốc gia (VQG) Phong Nha – Kẻ Bàng.
Đây là vụ phá rừng nghiêm trọng trong Vườn Di sản Phong Nha – Kẻ Bàng. |
Tiếp nhận thông tin báo chí phản ánh, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình Hoàng Đăng Quang giao trách nhiệm cho UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương điều tra làm rõ vụ phá rừng và xem xét, xử lý trách nhiệm đối với các đơn vị, tập thể, cá nhân liên quan, báo cáo Thường trực Tỉnh ủy trước ngày 30/3/2019.
Sau trách nhiệm của chủ rừng sẽ là ai?
Trao đổi với Báo Pháp luật Việt Nam, ông Lê Thanh Tịnh - Giám đốc Ban quản lý kiêm Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm VQG Phong Nha – Kẻ Bàng thừa nhận: “Để xảy ra tình trạng “lâm tặc” ngang nhiên đột nhập vào rừng và khai thác trái phép gỗ mun quý hiếm và nhiều loại gỗ khác, trách nhiệm chính, trực tiếp và đầu tiên trong việc quản lý, bảo vệ rừng thuộc về Ban quản lý VQG chúng tôi. Thêm vào đó, lực lượng Trạm Kiểm lâm Thượng Trạch (đơn vị thuộc Hạt Kiểm lâm VQG) cũng phải chịu trách nhiệm trực tiếp khi rừng đơn vị này được giao bảo vệ bị khai thác. Chúng tôi sẽ tiến hành kiểm điểm, kỷ luật nghiêm túc”.
Ban quản lý VQG Phong Nha – Kẻ Bàng cũng đã có báo cáo gửi UBND tỉnh Quảng Bình về vụ việc phá rừng này. Cụ thể, rừng đã bị phá tràn lan tại các khoảnh 5, 7, 8, 9 thuộc tiểu khu 650 và các khoảnh 13, 14 của tiểu khu 649 trong vườn này. Có 66 cây gỗ đã bị khai thác với khối lượng thiệt hại 70,28m3. Trong đó, có 45 cây gỗ mun, khối lượng 45,989m3.
Cành, ngọn gỗ mun bị triệt hạ, nằm la liệt một góc rừng. |
Một lãnh đạo Hạt Kiểm lâm VQG này cho hay, ngoài trách nhiệm chính thuộc về họ, thì lực lượng Đồn Biên phòng Cồn Roàng cũng không thể vô can và có trách nhiệm liên đới. Trước đó, phóng viên Pháp luật Việt Nam đã trực tiếp xâm nhập vào các khu vực rừng gỗ mun bị tàn phá và ghi nhận được nạn “lâm tặc” tung hoành nơi đây.
Theo ghi nhận, các khu vực rừng bị khai thác trái phép chủ yếu nằm dọc theo tuyến đường tuần tra biên giới đang được thi công, thuộc khu vực biên giới do Đồn Biên phòng Cồn Roàng (đơn vị thuộc Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng Quảng Bình) quản lý.
Pháp lệnh Biên phòng năm 1997 quy định rõ ràng rằng, Bộ đội Biên phòng có nhiệm vụ đấu tranh ngăn chặn các hành vi xâm phạm lãnh thổ biên giới, nhập cư, cư trú trái phép, khai thác trộm tài nguyên, các hành vi gây hại đến môi trường ở khu vực biên giới. Trang thông tin điện tử của Biên phòng Việt Nam cũng nêu rõ trách nhiệm của lực lượng là: Trực tiếp và phối hợp với các lực lượng, các ngành có chức năng của Nhà nước đấu tranh bảo vệ tài nguyên, môi trường sinh thái, giữ gìn trật tự an toàn xã hội trên khu vực biên giới.
Một gốc gỗ mun cổ thụ bị cắt hạ. |
Một ghi nhận khác của chúng tôi từ hiện trường vụ phá rừng nghiêm trọng này, điểm tập kết số gỗ mun khai thác trái phép trước khi đưa ra khỏi rừng cũng nằm trong khu vực vành đai biên giới.
Thượng Trạch là một xã biên giới vùng cao địa hình rất hiểm trở và thưa thớt dân cư sống trong các bản làng. Chỉ cần một người lạ xâm nhập, tiếng rục rịch máy cưa, vận chuyển gỗ lậu đều khó có thể qua mắt được lực lượng biên phòng. Đây lại là vụ phá rừng lớn, số lượng người gia nhiều và trong thời gian dài nên có thể nói rằng, trách nhiệm của biên phòng ở đây rất rõ.
Nhiều dấu hiệu bất thường
Nhà của ông Mai Văn Dinh (SN 1970, quê xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch), ở bản Coóc, xã Thượng Trạch được phát hiện có cất chứa gỗ mun và một ít gỗ khác được cho là tang vật của vụ phá rừng. Căn nhà nằm sát bên đường đường từ trung tâm xã vào Đồn Biên phòng Cồn Roàng và chỉ cách Đồn này khoảng 2km.
"Công trường" khai thác gỗ trái phép ngổn ngang giữa rừng. |
Nhận định ban đầu của Hạt Kiểm lâm VQG Phong Nha – Kẻ Bàng cho thấy, thủ phạm của vụ phá rừng này là một số đối tượng ở 2 xã Sơn Trạch và Hưng Trạch (huyện Bố Trạch) móc nối với dân bản ở xã Thượng Trạch thực hiện. “Rất có thể đã có người đứng đằng sau, tổ chức vụ phá rừng này và rất nhiều dấu hiệu cho thấy, đã có sự tiếp tay cho lâm tặc của các lực lượng chức trách bảo vệ rừng” – ông Lê Thanh Tịnh thông tin thêm.
Theo ghi nhận của phóng viên, gỗ lậu muốn vận chuyển về xuôi không hề dễ dàng. Từ rừng biên giới về địa bàn dân cư, rồi từ VQG này tuồn gỗ ra bên ngoài cũng chỉ bằng những cung đường độc đạo. Từ xã Thượng Trạch, muốn đưa gỗ ra khỏi rừng phải đi đường 20 Quyết Thắng ít nhất phải qua 4 trạm kiểm soát lâm sản (có 2 trạm có chốt barie) với lực lượng kiểm lâm Vườn trực chốt 24/24h và tất cả các xe từ biển kiểm soát trắng cũng như biển Nhà nước đều bị kiểm tra. Nhưng thông tin mà chúng tôi nhận được, một lượng gỗ nhất định của vụ phá rừng này đã được vận chuyển trót lọt về xuôi bằng xe ô tô.
Hơn 70m3 gỗ quý hiếm trong rừng di sản đã bị “chảy máu”. |
Một nguồn tin xin giấu tên của Ban quản lý VQG Phong Nha – Kẻ Bàng tiết lộ, các xe biển xanh, biển đỏ hay đi ra vào khu vực xã Thượng Trạch qua Vườn, trong đó có các xe của 2 đồn biên phòng Cồn Roàng và Cà Roòng đều được kiểm tra, những người trên xe đều hợp tác với kiểm lâm Vườn nhưng riêng xe của Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cồn Roàng (quản lý nơi xảy ra vụ phá rừng) một số lần từ chối, không hợp tác với lý do xe quân sự(!?).
Có lần lực lượng kiểm lâm Vườn chặn bắt một xe biển đỏ nghi chở gỗ lậu nhưng không bất thành. Nguồn tin này cũng khẳng định rằng, Ban quản lý Vườn biết vụ phá rừng nghiêm trọng này cũng nhờ một nguồn tin riêng từ người trong lực lượng Đồn Biên phòng Cồn Roàng.
Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin.