Gia chủ phải bồi thường 13 triệu đồng?
Ngày 31/3, trên mạng xã hội xuất hiện dòng trạng thái kèm theo hình ảnh một ôtô bị vẽ bậy bằng bút xóa. Thành viên Linh Tử tế chia sẻ: “Xe của em đỗ ở đường trước số nhà 12, ngõ 124 Hoàng Ngân. Đỗ nơi không có biển cấm dừng cấm đỗ, tổn thất này trên 2 triệu, vợ chồng họa sĩ có bị truy tố tội phá hoại tài sản công dân không ạ?”.
Sau khi những bức ảnh kèm theo dòng trạng thái được đăng tải, rất nhiều ý kiến bình luận trái chiều về hành vi dùng bút xóa vẽ lên xe của nữ gia chủ và việc dừng đỗ vô ý thức của chủ phương tiện.
Một nicknam tên Trần Nam A. cho rằng: “Nếu là tôi thì tôi sẽ lấy sơn bôi kín mặt kính lái chứ không vẽ bẩn như vậy, đỗ xe không ý thức chút nào”. Trong khi đó, có ý kiến cho rằng để xảy ra việc này có lỗi của cả hai bên (chủ nhà - chủ xe ô tô). “Buồn cho cả 2 đều vì ý thức mà ra nông nỗi này, trách chủ nhà 1 thì trách bác tài 10. Hậu quả chia đôi cho cả hai bên nâng cao nhận thức”, bạn Q.A nêu quan điểm.
Được biết, sau đó do mâu thuẫn trong thỏa thuận bồi thường, chủ xế hộp bị vẽ bậy đã gửi đơn khiếu nại lên công an phường. Đại diện Công an phường Trung Hòa (quận Cầu Giấy, Hà Nội), cho biết sau khi tiếp nhận đơn khiếu nại của chủ ôtô bị bằng bút xóa, ngày 3/4, công an phường đã gọi hai bên quay lại trụ sở làm việc.
Tại đây, nữ chủ nhà đã chấp nhận cùng chủ phương tiện đưa chiếc xe đi sửa chữa với chi phí khắc phục dự kiến khoảng 13 triệu đồng. Trước đó, khi thỏa thuận bồi thường, giữa hai bên xảy ra mâu thuẫn.
Có thể bị xử lý hình sự
Trao đổi về về việc trên, Luật sư Trần Đức Phượng (Đoàn Luật sư TP.HCM) nhận định: Ở mức độ nhẹ, người vẽ sẽ bị xử lý theo quy định xử lý hành vi vi phạm hành chính Điều 15 nghị định 167/2013/NĐ-CP với mức xử phạt từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.
Ngoài ra, về trách nhiệm dân sự, người vẽ phải khắc phục hậu quả và bồi thường các thiệt hại phát sinh. Nếu hai bên không thỏa thuận được về mức bồi thường thì chủ xe có quyền khởi kiện ra Tòa để yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng theo quy định của Bộ luật dân sự 2015 về toàn bộ thiệt hại thực tế đã xảy ra. Việc hai bên không thỏa thuận được về mức bồi thường sẽ làm phát sinh sự phiền toái cho cả hai bên, do đó giải pháp thông cảm cho nhau để tìm tiếng nói chung là tốt nhất.
Ở mức độ được coi là hành vi nguy hiểm cho xã hội, trường hợp hành vi cố ý làm hủy hoại tài sản mà thiệt hại từ hai triệu đồng (theo thủ tục giám định tư pháp) thì có thể bị xử lý theo quy định Điều 143 Bộ luật hình sự 1999 (và sửa đổi 2009) quy định:
Theo đó,Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản được quy định tại Điều 143 cụ thể như sau: “1.Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác gây thiệt hại từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới năm trăm nghìn đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm”.
Nhìn nhận sự việc trên một cách khách quan, đa chiều, Luật sư Trần Đức Phượng cũng đưa ra những lời khuyên để tránh xảy ra những trường hợp đáng tiếc như trên xảy ra.
Luật sư Phượng bày tỏ quan điểm: Trong cuộc sống hàng ngày, có thể xảy ra những va chạm trong giao tiếp, ứng xử từ các bên. Nhiều vụ việc xảy ra có từ nguyên nhân bắt nguồn từ việc không giao tiếp hoặc thiếu thiện chí trong giao tiếp. Tuy nhiên, mọi người không nên hành xử vượt quá giới hạn và vi phạm pháp luật, cho dù hành vi đó ứng xử đối với người có hành vi phạm pháp luật, trừ những trường hợp pháp luật cho phép (phòng vệ chính đáng, tình thế cấp thiết,…).
Đối với chủ nhà, có thể trao đổi với chủ xe để tìm kiếm sự thông cảm lẫn nhau để có những cách giải quyết hợp tình, hợp lý. Ngay cả khi có sự vi phạm pháp luật về hành chính mà ảnh hưởng đến mình hay cộng đồng thì vẫn có thể trao đổi với người vi phạm, nếu không giải quyết được thì cần báo đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền đến xử lý. Tuyệt đối không tự cho mình thẩm quyền xử lý người khác bằng việc mình gây ra hành vi vi phạm pháp luật.
Đối với chủ xe, khi tham gia giao thông có xử dụng hạ tầng chung của xã hội thì cũng cần thực hiện đúng quy định pháp luật (di chuyển, dừng, đỗ,…), đồng thời cũng cần tôn trọng và tránh sự ảnh hưởng, giảm thiểu tác động đến các đối tượng khác.
Ngay cả trong trường hợp thực hiện đúng quy định pháp luật nhưng có sự tác động, ảnh hưởng đến người khác vẫn có thể vẫn phải chịu trách nhiệm dân sự trong một số trường hợp. Do đó, chủ xe cần phải chú ý, tôn trọng và tránh ảnh hưởng đến các chủ thể khác hoặc tìm sự thông cảm lẫn nhau.
Luật sư Lương Thành Đạt (Giám đốc Công ty Luật Ltdkingdom) cũng đưa ra quan điểm: Thứ nhất, đối với hành vi nói trên, người chủ nhà hoàn toàn phải bồi thường theo quy định của pháp luật. Bởi lẽ, có yếu tố lỗi cố ý trực tiếp ở đây, người chủ nhà hoàn toàn ý thức được hành vi mình gây nên sẽ có hậu quả như thế nào. Và thực tế, hành vi vẽ lên xe đã gây nên hậu quả trực tiếp là chủ xe phải tiến hành khắc phục để chiếc xe trở lại như ban đầu.
Trong trường hợp này, chủ xe phải tiến hành sơn sửa lại xe với chi phí là 13 triệu đồng, tức là đã bỏ ra phần “Chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại” theo quy định tại Điều 589 Bộ Luật Dân sự 2015.
Khoản 1 Điều 585 Bộ luật Dân sự quy định: “Thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”.
Theo đó, thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Giữa hai bên có thể thỏa thuận với nhau về mức bồi thường, hình thức bồi thường, phương thức bồi thường một cách hợp lý nhất.
Vậy, với mức là 13 triệu đồng, người chủ nhà có bị khởi tố hình sự về tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản? Cần phải hiểu rõ, thế nào là hành vi làm hủy hoại, hư hỏng tài sản. Huỷ hoại tài sản là làm cho tài sản mất hẳn giá trị sử dụng không thể khôi phục lại được và như vậy toàn bộ giá trị tài sản không còn. Làm hư hỏng tài sản là làm giảm đáng kể giá trị sử dụng của tài sản và giá trị sử dụng bị giảm đó có thể khôi phục được (có thể khôi phục lại như cũ, nhưng có thể chỉ khôi phục lại được một phần).
Trường hợp, vẽ lên xe ô tô có thể làm ô tô giảm giá trị sử dụng (giá trị này có thể khôi phục lại như cũ) nên có thể bị truy tố về hành vi cố ý làm hư hỏng tài sản theo quy định tại Điều 143 Bộ luật Hình sự 1999 (sửa đổi bổ sung năm 2009).
Thứ hai, đối với việc tài xế đỗ xe tại nơi không có biển cấm đỗ, cấm dừng, xét về về tình, việc đỗ xe chắn trước lối đi lại của gia đình người khác là không đúng, dù địa chỉ đó có kinh doanh buôn bán hay là không. Tuy nhiên, kể cả người đỗ xe có đúng hay là sai, người chủ nhà hoàn toàn không có quyền “vẽ lên xe” như vậy, thậm chí với những hành vi gây thiệt hại lớn còn có thể bị khởi tố hình sự.
“Cách giải quyết hợp lý là nên liên hệ với chủ xe để trao đổi về việc dừng đỗ xe. Trường hợp không thể liên hệ hoặc không trao đổi được với người tài xế thì có thể báo lên cơ quan có thẩm quyền tại địa phương để giải quyết. Bản thân những tài xế cũng nên chú ý, lựa chọn những vị trí dừng đỗ hợp lý để tránh gây ảnh hưởng đến những người xung quanh”, Luật sư Đạt khuyến cáo.