Bản án có nhiều nhận định thiên lệch, áp đặt, nặng tính chủ quan của những người “cầm cân, nẩy mực” thực thi công lý. Bởi thế nên sau khi án sơ thẩm được tuyên, Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã có bản kháng nghị gồm 11 điểm.
Những bất thường trong tố tụng
Nghiên cứu hồ sơ vụ án và nội dung 11 điểm trong bản kháng nghị nói trên, luật sư Lê Thành Kính, Giám đốc công ty luật Lê Nguyễn cho rằng, án sơ thẩm có nhiều nhận định thiếu khách quan; tác nghiệp của thẩm phán cấp sơ thẩm đối với vấn đề tài sản không tuân thủ các quy định của pháp luật dẫn đến các phán quyết có nhiều nội dung thiếu căn cứ pháp lý.
Các vấn đề trong vụ án như việc cấp dưỡng nuôi con, vấn đề định giá, xác định nguồn gốc tài sản, định giá thương hiệu, đặc biệt là việc chia tài sản tỷ lệ 6/4 và bên có quyền sở hữu tài sản, thương hiệu, bên chỉ được thanh toán giá trị tài sản. Đây là những phán quyết thiếu cơ sở pháp lý và bất công.
Những người tham gia tố tụng như luật sư bảo vệ quyền lợi của đương sự, những người có quyền và nghĩa vụ liên quan, hoặc những ai quan tâm tìm hiểu sự vụ có thể cảm nhận những dấu hiệu bất thường trong tiến hành các thủ tục tố tụng dân sự của vụ “ly hôn nghìn tỷ” này.
Nội dung vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong vụ ly hôn này ở cấp sơ thẩm có nhiều, đã có nhiều bài viết phân tích sâu về những vi phạm đó. Trong phạm vi bài viết này xin nói về 3 dấu hiệu bất thường sau đây:
Một là, nguyên tắc giải quyết các vụ án dân sự là phải tôn trọng trước hết là phải tôn trọng ý chí của người đứng đơn khởi kiện (nguyên đơn). Khởi kiện được xem là một sự kiện pháp lý bắt đầu một quy trình thủ tục tố tụng. Khi nguyên đơn đã rút đơn khởi kiện thì quy trình thủ tục pháp lý buộc phải dừng lại.
Bà Lê Hoàng Diệp Thảo là người khởi kiện, là nguyên đơn. Tại phiên toà bà Thảo nói “hôm nay tôi mong muốn rút đơn tại phiên toà”. Chủ toạ hỏi, “bà còn giữ yêu cầu khởi kiện ly hôn nay chia tài sản không”. Bà Thảo trả lời, “tôi rút đơn yêu cầu ly hôn ngay tại Toà”.
Với sự kiện pháp lý này lẽ ra toà sơ thẩm phải đình chỉ việc giải quyết vụ án. Thế nhưng, vị thẩm phán chủ tọa phiên toà không làm thế. Ngay khi bà Thảo khẳng định việc rút đơn, thẩm phán hỏi ông Vũ có đồng ý không. Ông Vũ trả lời không đồng ý, ngay lập tức thẩm phán tuyên bố tiếp tục giải quyết, ông Vũ trở thành Nguyên đơn.
Đây là vụ án ly hôn, pháp luật không có qui định về phản tố phần hôn nhân, do đó việc toà chấp nhận ý kiến của bị đơn, tiếp tục giải quyết vụ án là vi phạm pháp luật. Không đình chỉ việc giải quyết vụ án, ở đây còn đồng nghĩa với việc dùng thủ đoạn cưỡng ép bà Lê Hoàng Diệp Thảo ly hôn, và từ đó tuyên một bản án vi phạm pháp luật nghiêm trọng.
Còn trường hợp ông Đặng Lê Nguyên Vũ muốn ly hôn, toà án phải giải quyết theo một quy trình mới, bắt đầu từ sự khởi kiện của ông Vũ.
Hai là, bản án còn không tuyên đình chỉ giải quyết đối với các yêu cầu khởi kiện và yêu cầu phản tố đã rút của bị đơn; và tuyên đình chỉ tất cả các yêu cầu khởi kiện khác của nguyên đơn và bị đơn đối với các công ty thuộc Tập đoàn cà phê Trung Nguyên phát sinh trong các hoạt động kinh doanh thương mại với tư cách là cổ đông và thành viên công ty là vượt quá yêu cầu khởi kiện của các đương sự, không thuộc phạm vi giải quyết của vụ án.
Ba là, cấp sơ thẩm đã có hành vi làm sai lệch hồ sơ vụ án. Cụ thể, ngày 7/7/2017, Chánh án TAND thành phố Hồ Chí Minh ban hành quyết định số 61/2017/QĐST-DS huỷ quyết định tách hồ sơ vụ án số 42/2017/QĐST-DS ngày 22/5/2017.
Ngày 23/8/2018, Chánh án TAND cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh ban hành quyết định số 05/2018/QĐ-GQKN-TACC, giữ nguyên Quyết định số 61/2017/QĐST-DS của Chánh án TAND thành phố Hồ Chí Minh. Phần nơi nhận của Quyết định 05/2018/QĐ-GQKN-TACC xác định có gửi đến TAND thành phố Hồ Chí Minh.
Tuy nhiên, Quyết định số 05/2018/QĐ-GQKN-TACC đã bị bỏ ra ngoài hồ sơ và thực tế phần yêu cầu khởi kiện nêu trong quyết định 05/2018/QĐ-GQKN-TACC đã bị loại khỏi nội dung vụ án. Hành vi làm sai lệch hồ sơ trong vụ án này là rất nghiêm trọng, việc giải quyết vụ án đã bị sai lệch.
Ai đang thao tùng Trung Nguyên
Ngoài những vi phạm pháp luật về thủ tục tố tụng nêu trên, trong nội tình của vụ việc có nhiều vấn đề có dấu hiệu bất thường làm dư luận đặt ra nhiều câu hỏi.
Thí dụ, tại sao bà Lê Hoàng Diệp Thảo bị chồng ra quyết định trái pháp luật, bãi nhiệm chức vụ Phó Tổng giám đốc thường trực Tập đoàn?
Và tại sao sau khi chức vụ đó được khôi phục bằng một bản án có hiệu lực pháp luật mà trong một thời gian dài không được thì hành? Tại sao bên nguyên đơn có yêu cầu giám định sức khỏe của ông Đặng Lê Nguyên Vũ, nhưng toà không tiến hành theo quy định?.
Tại sao các cơ quan chức năng ít quan tâm đến những nội dung tố cáo của bà Thảo về nhóm lợi ích đang thao túng, rút ruột Trung Nguyên?.
Xâu chuỗi các sự kiện trong và ngoài vụ án ly hôn, dễ phát sinh nghi ngại, sản nghiệp của Trung Nguyên đang bị một nhóm người không phải là chủ nhân của nó làm chủ. Có gì bất ổn về mặt pháp lý và đạo lý ở đây?.
Trước những nghi vấn, thiết nghĩ vụ ly hôn này cần được các cơ quan chức năng xem xét ở nhiều góc độ. Bản án sơ thẩm cần xem xét lại.
Sau khi phiên tòa phúc thẩm bị hoãn liên tục do bà Lê Hoàng Diệp Thảo không đủ sức khỏe tham gia tố tụng, dư luận càng quan tâm hơn đến vụ án ly hôn của vợ chồng "vua cà phê" Đặng Lê Nguyên Vũ. Nếu bản án sơ thẩm không được xem xét khách quan, có thể nhiều nghi vấn nữa sẽ đặt ra.