Rất nhiều hành khách đã bỏ phương tiện, đi bộ hơn 3km để đến sân bay cho kịp giờ lên máy bay. Đây là chuyến kẹt xe có thể coi là “kỉ lục” ở cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất, trong vài chục chuyến kẹt xe ở khu vực này trong vòng 1 năm trở lại đây.
Trong vòng hơn một năm trở lại đây, cảnh tắc đường ở cửa ngõ vào sân bay Tân Sơn Nhất đã trở thành chuyện “cơm bữa”. Cảnh hành khách phải bỏ phương tiện để chạy bộ vào sân bay cũng đã không quá xa lạ với người dân thành phố. Và kể cả những hành khách phải bỏ chuyến, hủy vé, đổi vé cũng không còn quá cá biệt. Chị Nguyễn Thị Thanh Thảo, một hành khách trễ chuyến bay trong một vụ kẹt xe vào tháng 4/2017 chia sẻ: “Tôi có chuyến bay đi Hà Nội vào lúc 12h15, xuất phát từ nhà ở đường Nguyễn Trọng Tuyển, Phú Nhuận. Từ nhà tôi đến sân bay mất tầm chưa đến 4km, thông thường, tôi chỉ mất 15 phút để di chuyển. Lần ấy, tôi bắt taxi xuất phát từ nhà khá sớm, vào lúc 10h. Thế mà kẹt ở đoạn Hoàng Văn Thụ vào Trường Sơn đến gần 1 tiếng đồng hồ, sợ muộn, tôi đã trả tiền taxi, xuống kéo vali chạy bộ gần 2km vào sân bay. Tuy nhiên, đến sân bay thì quầy check in đã đóng cửa, tôi đành đổi vé đi chuyến kế tiếp.
Tương tự, một hành khách khác, anh Nguyễn Thanh Tùng, ngụ quận Bình Thạnh, TP HCM thì chia sẻ, vào đợt kẹt xe hồi đầu năm, anh có việc đi công tác, do đi về trong hai ngày nên anh tiện chạy xe vào sân bay gửi luôn. Không ngờ hôm ấy gặp phải kẹt xe đoạn Lăng Cha Cả - Cộng Hòa hơn 1 tiếng đồng hồ. Các hành khách khác rời taxi, xe bus để đi bộ vào cho kịp, riêng anh thì vướng xe của mình nên đành ở yên trên xe “chịu trận”, cuối cùng, đến được quầy vé thì đã trễ hơn 30 phút, vì gần cuối tuần, chuyến kế tiếp không còn trống chỗ, anh đành phải mua vé hôm sau và trở về nhà…
Đó chỉ là hai trong số hàng trăm hành khách phải đi bộ, suýt trễ hoặc đã trễ những chuyến bay vì gặp cảnh tắc đường. Tình trạng kẹt xe tại cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất diễn ra ngày càng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến đời sống người dân, gây bất tiện và tốn kém cho hành khách sân bay. Thời gian trước, người dân kì vọng vào dự án cầu vượt sân bay sẽ giải tỏa được sự ách tắc. Tuy nhiên, thực tế đi vào hoạt động của cầu vượt một thời gian ngắn đã cho thấy, cầu vượt không giải quyết được vấn nạn kẹt xe, mà có khi còn làm cho nó trở nên nghiêm trọng hơn. Những người dân thường có việc đi lại ở khu vực này cho biết, điểm cuối cây cầu khi các xe hơi rẽ vào 2 ga quốc tế và quốc nội rất “có vấn đề”, khi phân luồng khá loằng ngoằng, khiến người dân lúng túng, không ít người rẽ nhầm điểm đến.
Hiện, nhiều hành khách chỉ còn biết chia sẻ kinh nghiệm là, muốn đến đúng giờ bay, tốt nhất phải xuất phát từ nhà sớm hơn 4-5 tiếng đồng hồ so với giờ máy bay cất cánh. Nghĩa là, thời gian cho một chuyến bay nay đã kéo dài ra khoảng 6 tiếng đồng hồ, gần bằng thời gian di chuyển bằng ô tô, nếu chặng bay ngắn.
Giờ đây, thành phố tiếp tục “đau đầu”, tiếp tục các đề xuất để giải quyết ách tắc giao thông cửa ngõ sân bay. Và từ đây lúc một dự án khả thi nào khác được đi vào hoạt động, thì người dân vẫn tiếp tục “sống chung với kẹt xe”. Thế thì, những chuyến bay trễ, phải bỏ vé, bù vé, những sự cố “lỡ việc” vì trễ chuyến bay, ai sẽ đền bù cho người dân, hay cũng chỉ người dân phải tự chịu trận, tự chịu tốn kém, bất tiện với những phần lỗi không phải của mình?