Quả vải thiều ngon ngọt thế nào, không chỉ người Việt khó quên mà chính khách năm châu đến Việt Nam nếu một lần được nếm cũng khó lòng cất nổi một tiếng chê. Dường như hấp thụ hết tinh hoa trời đất, sau lớp vỏ chín hồng là lớp cùi vải trong mát, ngọt lành rất bổ dưỡng. Sử sách còn ghi, quý phi của các triều đại phong kiến bên Trung Quốc còn phải… thèm thuồng món “lệ chi” – tên chữ của quả vải thiều – khiến vua nước này phải ra lệnh chạy ngựa trạm liên tục hàng nghìn cây số đưa về kẻo người đẹp giận dỗi.
Đến hẹn lại lo…
Cứ tháng 3 dương lịch, cây vải thiều trổ hoa để đến khoảng cuối tháng 5, đầu tháng 6, nắng hè gay gắt “truyền lửa” làm chín hồng trái vải. Ăn vào mát ngọt là thế nhưng vải thiều – thật trớ trêu – có mùa thu hoạch cực ngắn, kèm theo nhiều nỗi khắt khe.
Quả vải căng mềm, rất dễ giập nát nên từ thu hái cho đến vận chuyển, bảo quản đều không được mạnh tay, chỉ giập một chút là hỏng. Vải thiều cũng không ưa trời ẩm, mưa rào vì dễ thối ủng, không nhanh tay thu hái, bảo quản và bán ngay đến tay người tiêu dùng, nhiều nhà thậm chí đưa cả gánh vải thiều “cho không” cũng không ai lấy.
Bởi “tính nết đỏng đảnh khó chiều”, lại chỉ có một mùa trong năm, nên ai ai cũng ngóng chờ được nếm quả vải đầu mùa. Vải đến mùa thì chín, còn người trồng “đến hẹn” lại lo “được mùa vải, mất… mùa giá”.
Vì đâu nên nỗi?
Xin nói ngay, trăm tội không bởi quả “lệ chi”! Cây trái vốn sinh từ trời đất, biết đâu kẻ thích, người chê, kẻ mua, người rẻ rúng? Cây vì người mà sinh hoa kết trái nhưng chính con người - cụ thể là “người” chuyên quản ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, chuyên quản kinh doanh – vô tình hay hữu ý mà phụ tình cây trái.
Nhiều đời nay ai không biết quả vải thiều ngắn tuổi, khó chiều nhưng một chiến lược đón đầu, tận thu cho hết lợi ích cây vải thiều đem lại thì đố ai tìm thấy? Năm nào người ta cũng thấy thông tin những “hội thảo đầu bờ” hay “bàn tròn xúc tiến” nhưng thân phận thê thảm của quả vải hầu như không có gì khác, vẫn là đầu mùa “tranh mua”, cuối mùa“bán tháo”!
Năm 2014 này cũng vậy, hai Bộ Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn “hành phương Nam” bằng “Hội nghị vùng Đông – Tây Nam bộ về tiếp tục đẩy mạnh tiêu thụ vải thiều năm 2014”, mục tiêu là chắp nối hai đầu cung - cầu để đưa “nàng” lệ chi đến với chừng ít nhất cũng 50 triệu người dân Việt chưa từng có điều kiện nếm thử, trong bối cảnh thị trường Trung Quốc gặp khó khăn.
Có thể nói, đó là một nỗ lực nhưng dường như chưa tận tâm, chưa thật sát với những gì người trồng vải, người muốn ăn quả vải đang trông chờ. Quả vải, ngoài ăn tươi còn có thể sấy khô, ăn nhiều ngày khác trong năm thậm chí là một vị thuốc quý, nhưng người ta chưa từng thấy có một cơ sở chế biến nào đủ năng lực đón nhận để “kéo dài” tuổi thọ của quả vải thêm nhiều tháng còn lại trong năm.
Tuy có công nghệ ô – zôn song thực chất, nó chỉ có thể “làm sạch” trái vải hơn, đóng bao và đưa đi xa hơn thêm ít ngày chứ không đủ sức giữ tươi trái vải trong cả tháng. Gần đây, người trồng vải còn đưa vải tươi nhúng nước đá khoảng 5 phút rồi xếp vào thùng xốp cách nhiệt, chèn nước đá bảo ôn nhưng cũng chỉ có thể giữ vải thiều tươi ngon trong vòng 10 ngày sau thu hoạch. Với sản lượng ước tính từ 150.000 tới 200.000 tấn trong mùa năm nay, liệu công nghệ “thùng xốp – đá bảo ôn” có thể gánh nổi bao nhiêu trên tổng sản lượng?
Xin đừng “chỉ tay năm ngón”
“Ông già ô – zôn” Nguyễn Văn Khải thật đáng gọi là “bạn của nhà nông” bởi phương pháp của ông giúp người trồng vải đỡ cơ cực thêm ít ngày. Nhưng, với cả hệ thống chuyên gia nông nghiệp và công thương hùng hậu như vậy, quả vải vẫn “long đong” sau cả nghìn năm chứng tỏ giá trị của mình thì đúng là đáng… điên cái đầu. Hoa vải, trái vải đã chắc chắn “đến hẹn lại ra” thì cớ sao hàng chục triệu người dân Việt cứ phải thòm thèm vì quả vải?
Liệu có quá khó việc “com - măng” trước chợ này, tỉnh kia khi có vải thiều sẽ “gánh” bao nhiêu tấn? Tại sao cứ phải trông chờ thị trường Trung Quốc khi mà chính dân mình vô số người chưa từng ăn vải thiều? Đã có ai – trong đó có các vị tham tán thương mại – cất công đi hỏi thị trường châu Phi, châu Âu, châu Mỹ “quý vị có biết quả vải thiều không, có muốn nếm thử không, có muốn mua ít nhiều cho dân nước mình xơi thử không?”. Thử “đếm cua trong lỗ” rằng, mỗi gia đình chỉ mua 2kg vải thiều thì sản lượng vải thiều hiện quá ít để cung cấp cho khoảng 1,2 triệu hộ gia đình Việt Nam, vậy chuyện rớt giá tại sao lại có?
Chưa vội nói đến thị trường nước ngoài – trong đó có thị trường Trung Quốc – rõ ràng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chưa làm “tròn vai” và Bộ Công Thương cũng chẳng hơn gì. Xin các vị bớt hội thảo, hội nghị, bớt lý thuyết suông đi mà giúp nhà nông tạo cơ sở vận chuyển, phân phối vải thiều nhanh nhất đến thị trường cả nước (còn bao nhiêu hãy tính đến sấy khô) để người Việt ai cũng được nếm vải thiều đi đã. Bao giờ dân Việt hài lòng, thỏa mãn với trái vải đất mình hãy tính đến chào mời thị trường quốc tế!
Xin nói thẳng, dân trồng ra vải chẳng ai muốn bán rẻ, bán ế trái vải, chẳng qua là “lực bất tòng tâm” đó thôi. Được đưa trái vải thơm mát đến tay bà con đồng bào mình, dù rẻ hơn vài chục nghìn bạc cũng nhiều lần giá trị hơn bán ra thị trường nước ngoài - như thị trường Trung Quốc chẳng hạn – mà lo âu, phấp phỏng, thậm chí lỗ vốn, “kính chả bõ phiền”!