“Ngày lễ, tết thấy con người ta mà... chảy nước mắt”
Một lần nữa tìm về ngôi nhà của bà Nguyễn Thị Rộng (SN 1929, ở thôn Nghi Xuyên, xã Chí Tân, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên), so với cái hồi bà cụ bị công an “gọi lên gọi xuống” cách đây 1 năm, ngôi nhà giờ đã được con gái, con rể sửa sang lại khang trang hơn nhưng cái cảm giác trống trải, buồn bã thì vẫn bao trùm.
4,5 lần phải ra vành móng ngựa, lần nào bà cụ cũng khóc, có những hôm tưởng ngất xỉu ở phiên tòa. Sau quá nhiều lần cầm trên tay giấy triệu tập của tòa, những lần khóc cạn nước mắt, dường như bà cụ chẳng còn màng đến chuyện hơn thua nữa:
“Có cái anh Hùng (điều tra viên Công an huyện Khoái Châu-PV) về đây nhiều lần lắm. Người ta về đây, tôi bảo có bỏ tù thì để tôi gấp quần áo. Tôi đi cho con cái nó khỏi phải nuôi...”.
Sang năm nay, mắt bà đã mờ nhiều, tai đã ù hơn và chân không thể đi lại nhanh nhẹn như trước. Mới đây cơ quan điều tra lại đánh giấy yêu cầu bà lên nhưng bà không đi được bởi chân đau. Nhiều tháng qua bà phải nhờ hàng xóm, nhờ con gái đưa lên Hải Dương tiêm thuốc.
Bà cụ đã gần bước sang tuổi 90, sống cả cuộc đời ở làng quê, nuôi 6 người con khôn lớn nào có đua chen với ai. Vậy mà đến cuối đời còn phải mang bản án do con kiện. Nghe bà cụ “lẩn thẩn” đến nỗi bảo “tên mình là Rộng mà tòa cứ gọi là Cáo” (bị cáo-PV) khiến chúng tôi không khỏi xót xa.
Bà cụ than thở: “Mỗi lần ra tòa tôi chẳng nói được nổi hai câu. Trông thấy con cái mình đã chết xỉu đi rồi, còn nói được gì nữa”.
Người dân ai cũng bức xúc
Suốt từ khi sự việc xảy ra, người dân xã Chí Tân vẫn theo sát diễn biến trong các phiên tòa. Hơn 500 người dân đã đồng lòng ký tên vào lá đơn gửi Phó thủ tưởng Chính phủ Trương Hòa Bình đề nghị xem xét vụ án. Nhiều người dân khẳng định “nếu vụ án không được xem xét công bằng, sẽ cùng các bị cáo đi tới bất cứ đâu để kêu oan”.
Ông Nguyễn Văn Thao (cựu chiến binh xã Chí Tân) bức xúc cho biết: “Cái thứ nhất là về tình mẫu tử, cái thứ hai là về đạo đức luân thường. Đây là hành động bất nhân nhưng có những kẻ tiếp tay, nâng cao quan điểm đế đến nỗi con đưa mẹ ra tòa, anh đưa em đi tù, gây bức xúc lớn”.
Ông Nguyễn Đức Tiêm (xã Chí Tân) cho hay: “Các phiên tòa tôi cũng có đến theo dõi. Về định giá tài sản (cấp huyện - PV) có 4 ông bà, ông Hoàng Văn Phúc ở Tân Châu (xã Tân Châu, huyện Khoái Châu-PV) trên kia có biết cây lạc đâu mà gọi người ta định giá. Hóa ra Tài chính huyện Khoái Châu làm khống. Trưởng thôn Nghi Xuyên, Đỗ Bá Cường cũng có được định giá tài sản đâu mà vẫn có tên”.
Bà cụ lọ mọ cơm nước một mình |
Định giá quá cao so với thực tế
Trong sự việc nêu trên, chữ Hiếu đã bị chà đạp, chữ tình trong gia đình giữa anh - em, mẹ - con chẳng còn nữa. Thế nhưng, về lý cũng hoàn toàn không thỏa đáng.
Cụ thể, tội Hủy hoại tài sản được quy định tại điều 143 Bộ luật Hình sự. Theo đó, “Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác gây thiệt hại từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm”.
Như vậy, căn cứ không thể thiếu khi xem xét khởi tố đối với hành vi “Hủy hoại tài sản” là mức độ thiệt hại về tài sản.
Bản án phúc thẩm (đã có hiệu lực pháp luật) đã chỉ rõ những sai phạm nghiêm trọng của Hội đồng định giá (HĐĐG) tài sản huyện Khoái Châu về thành phần HĐĐG; Lời khai của ông Cường (có tên trong kết luận định giá) thể hiện không được tham gia HĐĐG; Sai phạm về biên bản định giá; Trình tự thực hiện việc định giá tài sản; biên bản không thể hiện kết quả khảo sát giá trị của tài sản và ý kiến của các thành viên HĐĐG và những người tham dự phiên họp định giá...
Để làm rõ giá trị thiệt hại tài sản trong vụ án này, PV đã có buổi trao đổi trực tiếp với ông Lê Văn Dũng – Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp xã Chí Tân (huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên). Ông Dũng đã nhiều lần cung cấp bảng chi phí trồng lạc xen canh trên địa bàn cho Cơ quan điều tra nhưng không hiểu vì sao lại không được xem xét thấu đáo.
Theo ông Dũng, gần như 100% người dân Chí Tân đều trồng lạc xen nghệ, hoàn toàn không có lạc trần (chỉ trồng nguyên lạc). Cây nghệ là cây thu nhập chính, cây lạc chỉ là phụ. Ở thời điểm xảy ra vụ việc, cây lạc mới được khoảng 1 gang tay. Tính tổng các chi phí cho mỗi xào lạc trồng xen canh từ công cày bừa, lạc giống loại tốt, công hót luống tra lạc cho đến tiền tro bếp, phân bón nếu có...cũng chỉ đến 480.000 đồng/ sào.
“Nếu định giá trên ba triệu thì so với thực tế là cao”, ông Lê Văn Dũng khẳng định.
“Lạc đến khi thu hoạch người dân mới bán được 7.000 đồng/ kg. Tôi cho là bình quân lạc đạt thì một sào được khoảng 150kg lạc nhân với giá 7.000 đồng/kg thì cũng chưa được 1,5 triệu đồng/sào. Trong sự việc này, lạc mới có gang tay mà chi phí hết 1,5 triệu thì người dân bỏ ruộng hết”, ông Dũng cho hay.
Cũng cần nói thêm, hai nguyên tắc cơ bản khi định giá tài sản đã được Chính Phủ quy định là: “1.Phù hợp với giá thị trường tại thời điểm và nơi tài sản bị xâm phạm. 2. Trung thực, khách quan, công khai và kịp thời”.
Trong vụ việc nêu trên, về tình đã khó có thể chấp nhận còn về lý, căn cứ để khởi tố vụ án cũng không thỏa đáng. Trách nhiệm này rõ ràng thuộc về những người được Nhà nước giao cho trọng trách thi hành pháp luật.
“Ai sinh ra cũng có mẹ. Không có ai từ dưới đất chui lên”, câu nói của người dân khiến tất cả những ai có học phải lắng lòng mình để suy nghĩ, đừng làm điều gì để hổ thẹn với lương tâm.
Không chỉ các bị cáo mà đông đảo người dân xã Chí Tân mong mỏi Cơ quan CSĐT, cơ quan định giá hãy công tâm, khách quan, đừng vì một áp lực nào đó mà bất chấp công lý, chà đạp lên sự thật. Được như vậy, người dân sẽ càng vững tin vào chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước.
Tóm tắt vụ án:
Theo cáo trạng số 09/QĐ-VKS-HS ngày 25/1/2016 của VKSND huyện Khoái Châu (tỉnh Hưng Yên), cách đây khoảng 10 năm, bà Nguyễn Thị Rộng (thường gọi là Hảo) cho con trai là anh Chu Văn Hải và con dâu là chị Vũ Thị Én ở thôn Nghi Xuyên, xã Chí Tân thuê khoảng 720m2 đất ruộng ở cùng thôn để trồng cây nông nghiệp.
Khoảng đầu tháng 2/2015, vợ chồng chị Én đã trồng lạc trên toàn bộ diện tích nói trên. Vì không muốn cho vợ chồng con trai tiếp tục thuê ruộng nên ngày 8/3/2015, bà Rộng đã đến nhà đưa cho chị Én 1 triệu đồng với ý định trả tiền lạc giống và công chăm sóc để đòi lại ruộng nhưng chị Én không nhận.
Sáng 9/3/2015, bà Rộng bảo con trai là Chu Văn Quý tới nhà anh Nguyễn Văn Tập (ở cùng thôn) đi thuê máy lồng để bừa ruộng lạc. Khoảng 16h cùng ngày, anh Tập điều khiển máy lồng ra bừa theo ý của bà Rộng. Hai ngày sau, chị Én có đơn gửi cơ quan công an.
Ngày 13/11/2015, Cơ quan CSĐT Công an Huyện Khoái Châu đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự: Hủy hoại tài sản xảy ra ngày 9/3/2015 tại thôn Nghi Xuyên, xã Chí Tân, tiến hành bắt tạm giam đối với anh Chu Văn Quý, cho tại ngoại đối với bà Nguyễn Thị Rộng và anh Nguyễn Văn Tập.
Sau nhiều lần hoãn phiên tòa, ngày 20/7/2016, TAND Huyện Khoái Châu đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm. Ngay tại phiên tòa, ông Đỗ Bá Cường (có tên trong HĐĐG) đã khai là “không được tham gia” HĐ nhưng tòa sơ thẩm vẫn tuyên phạt các bị cáo từ 6-9 tháng tù treo.
Ngày 22/9/2016, TAND Tỉnh Hưng Yên đã xét xử phúc thẩm tuyên hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại. Đặc biệt, cấp phúc thẩm đã chỉ ra nhiều sai phạm nghiêm trọng trong quá trình điều tra, định giá tài sản.
Thế nhưng, mới đây, cơ quan CSĐT lại cho các bị cáo biết, kết quả định giá lại của HĐĐG tài sản cấp tỉnh còn cao hơn cả mức giá cũ?!