Ai trục lợi “đất vàng” diện tích “khủng” ngay giữa trung tâm TP HCM?

(PLO) - Bất chấp UBND TP.HCM nhiều lần chỉ đạo phải chấm dứt ngay hành vi cho thuê mặt bằng số 419 Lê Hồng Phong (Quận 10), nhưng trên thực tế khu “đất vàng” này vẫn đang bị trục lợi, bất chấp quy định pháp luật. 

Cho thuê đất nhà nước trái luật 

Khu đất 419 Lê Hồng Phong nằm ngay góc đường Lê Hồng Phong - Vĩnh Viễn, Phường 2 (Quận 10) rộng khoảng 13.000 m2, được xem là một trong những khu “đất vàng” ở nội đô TP HCM. 

Theo tìm hiểu của phóng viên, khu “đất vàng” 419 Lê Hồng Phong được UBND TP HCM cho Công ty cổ phần Giày Sài Gòn (GSG) cho thuê, trả tiền thuê đất hàng năm. Căn cứ theo điều 175 luật Đất đai 2013, GSG không được cho thuê lại đất và tài sản gắn liền với đất. 

Tuy nhiên, trên thực tế, GSG đã cho Công ty Thành Bưởi thuê văn phòng, nhà xưởng để làm kho bãi, văn phòng giao dịch; cho Công ty Sâm Ngọc Linh - Quảng Nam thuê làm kho chứa hàng.

Khi bị cơ quan chức năng TP.HCM phát hiện hành vi vi phạm quy định pháp luật, GSG đã hủy bỏ hợp đồng cho thuê nhà xưởng, văn phòng, chuyển thành hợp đồng hợp tác kinh doanh với Công ty Thành Bưởi.

Theo kết luận thanh tra của Thanh tra Sở TN-MT, việc GSG tự ý cho thuê “đất vàng” là không đúng quy định về quyền, nghĩa vụ của tổ chức kinh tế được nhà nước cho thuê đất và trả tiền thuê đất hàng năm được quy định tại điều 175 luật Đất đai 2013; vi phạm điều 19 Nghị định 102/2014 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai: “Tự ý cho thuê tài sản gắn liền với đất được nhà nước cho thuê đất hàng năm”.

Việc GSG “biến hóa” từ hợp đồng cho thuê sang hợp đồng hợp tác kinh doanh, thanh toán phần lợi nhuận mỗi tháng, thực chất là “không khác so với thực hiện hợp đồng cho thuê nhà xưởng, văn phòng”. 

Quyết định số 1027 ngày 16/3/2007 của UBND TP.HCM về việc cho thuê đất, nêu rõ, GSG được tiếp tục sử dụng khu “đất vàng” 419 Lê Hồng Phong với mục đích sử dụng đất là “cơ sở sản xuất, kinh doanh”. 

Theo kết quả kiểm tra hiện trạng của Thanh tra Sở TN-MT, GSG đã có hành vi sử dụng đất không đúng mục đích, vi phạm quy định tại khoản 3, điều 12 luật Đất đai 2013 về những hành vi bị nghiêm cấm: “không sử dụng đất, sử dụng đất không đúng mục đích”; vi phạm khoản 1 điều 170 luật Đất đai 2013 về nghĩa vụ chung của người sử dụng đất. GSG sau đó bị xử phạt hơn 720 triệu đồng.

Thanh tra Sở TN-MT cũng chỉ rõ, việc GSG cho thuê trái quy định pháp luật, đã khiến “đất vàng” có mục đích là “cơ sở sản xuất, kinh doanh”, thành “đất giao thông” dành cho nơi dừng đỗ xe, bến bãi ô tô, nơi đón trả khách của chỉ một công ty, đó là Công ty Thành Bưởi.

Tháng 6/2017, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Huỳnh Cách Mạng đã ký văn bản yêu cầu GSG phải chấm dứt ngay hành vi cho Công ty Thành Bưởi thuê làm bến bãi, bởi việc này vi phạm quy định pháp luật về sử dụng đất của nhà nước. Văn bản chỉ đạo của UBND TP.HCM cũng nêu rõ, nếu GSG tiếp tục sử dụng đất không đúng mục đích, hoặc giảm nhu cầu sử dụng đất sẽ bị thu hồi theo quy định của luật Đất đai.

Tiếp đó, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong chủ trì một cuộc họp của Thường trực UBND TP để nghe các bên báo cáo về vụ “đất vàng” 419 Lê Hồng Phong bị cho thuê trái pháp luật. Tại cuộc họp này, Thường trực UBND TP.HCM thống nhất với đề xuất của Sở TN-MT về việc cho GSG tiếp tục thuê đất, trả tiền thuê đất hằng năm và thời hạn sử dụng đất đến hết ngày 31/12/2020, với điều kiện “GSG phải sử dụng đất đúng mục đích theo quyết định cho thuê đất, phải chấm dứt ngay hành vi vi phạm. Trường hợp GSG tiếp tục sử dụng đất không đúng mục đích, hoặc giảm nhu cầu sử dụng đất thì sẽ bị thu hồi theo quy định”.

“Đất vàng” đang bị nhóm lợi ích chi phối?

Theo ghi nhận của phóng viên, hiện nay nhà xưởng sản xuất của GSG “đóng cửa”, trong khi hoạt động của Công ty Thành Bưởi trong khuôn viên khu “đất vàng” 419 Lê Hồng Phong thì rầm rộ, bất chấp chỉ đạo của UBND TP HCM.

Cho đến nay, UBND Quận 10 khẳng định khu “đất vàng” 419 Lê Hồng Phong vẫn đang bị sử dụng sai mục đích. Trả lời báo chí, ông Trần Xuân Điền, Chủ tịch UBND Q.10, khẳng định trên thực tế việc sử dụng đất vàng 419 Lê Hồng Phong cho đến nay vẫn không đúng mục đích, gây lãng phí.

Đề cập đến câu chuyện “đất vàng”, ông Nguyễn Tấn Tài, Trưởng ban Tuyên giáo Quận ủy Quận 10 nói thẳng: “Việc sử dụng đất vàng 419 Lê Hồng Phong đang chạy theo lợi ích nhóm”.

Theo ông Nguyễn Tấn Tài, hiện nay cụm liên phường gồm P1, P2 và P,3 của Quận 10 chưa có trường THCS, trong khi nhu cầu cần phải có đất xây trường học rất lớn, bởi không chỉ đáp ứng nhu cầu học hành của học sinh hiện nay trên địa bàn, mà còn để giải quyết chỗ học đảm bảo cho việc tăng dân số cơ học thời gian tới. Trên địa bàn các phường này, có hàng chục chung cư đã và đang xây mới, dân số sẽ dồn về rất đông, nhu cầu trường lớp rất lớn.

“Khu đất vàng 419 Lê Hồng Phong là đất nhà nước, rất phù hợp cho việc xây trường học. Bây giờ đang bị sử dụng sai mục đích, lãng phí nên quận tiếp tục đề nghị TP giao cho quận để phục vụ xây trường học”, ông Nguyễn Tấn Tài nói thêm.

“Từ trước tới nay, quận vẫn giữ quan điểm cần sử dụng khu đất vàng 419 Lê Hồng Phong để làm trường học”, ông Trần Xuân Điền nói. Như vậy, việc sử dụng đất công sản tại số 419 rõ ràng là vi phạm quy định pháp luật. Vấn đề dư luận bức xúc, là ai trục lợi “đất vàng” 419 Lê Hồng Phong? Phải chăng có thế lực “bảo kê” cho những hoạt động phi pháp đang diễn ra tại khu “đất vàng” này?

 Chính thức thu hồi “đất vàng” số 8 - 12 Lê Duẩn

Ngày 11/12 vừa qua, UBND TP.HCM chính thức ban hành quyết định số 5671 về việc thu hồi khu “đất vàng” diện tích hơn 4.896 m2 số 8 - 12 Lê Duẩn

Quyết định nêu rõ lý do thu hồi theo quy định tại điểm c, khoản 1, Điều 64 luật Đất đai, là đất được giao, cho thuê không đúng đối tượng theo kết luận thanh tra số 645 ngày 4/5/2018 của Thanh tra Chính phủ, được Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình có ý kiến kết luận tại thông báo số 249 ngày 18/7/2018 của Văn phòng Chính phủ. 

Khu đất số 8 - 12 Lê Duẩn có lợi thế đặc biệt về thương mại. Vào thời điểm từ năm 2007 - 2009, UBND TP có chủ trương thực hiện dự án, trong đó yêu cầu không áp dụng hình thức liên doanh, có biện pháp chế tài về tài chính và miễn quyền tham gia dự án đối với các đơn vị bán pháp nhân tham gia dự án. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, các cổ đông nhà nước ban đầu được giao chỉ định thực hiện dự án, gồm: Công ty Quản lý kinh doanh nhà TP và 4 đơn vị thuộc Bộ Công thương đã “bán đứt” quyền chi phối, khai thác “đất vàng” cho tư nhân; gây ảnh hưởng đến lợi ích của nhà nước và không phù hợp quy định pháp luật. Thanh tra Chính phủ khẳng định “phi vụ” này “có dấu hiệu của việc cố ý làm trái các quy định của nhà nước”, cần phải xử lý nghiêm trách nhiệm các cá nhân, tổ chức liên quan; đồng thời kiến nghị thu hồi khu “đất vàng” theo đúng quy định pháp luật.

Đọc thêm