Ám ảnh từ những phiên tòa… “đốt đền”

(PLVN) - Phiên tòa cuối cùng xét xử các cựu cán bộ, giáo viên của Hòa Bình, Sơn La, trước đó là Hà Giang đã khép lại trước thềm mùa thi 2020. 
Người lớn hãy ngưng đánh cắp niềm tin, khát vọng của tuổi trẻ. Ảnh minh họa
Người lớn hãy ngưng đánh cắp niềm tin, khát vọng của tuổi trẻ. Ảnh minh họa

Hình ảnh chủ mưu Nguyễn Quang Vinh (cựu Trưởng phòng khảo thí, Sở Giáo dục và Đào tạo Hòa Bình) khuôn mặt mừng rỡ, vỡ òa giơ cao ngón tay chữ V (Victoria - Chiến thắng) sau khi rời phòng xét xử, dù vừa bị tuyên 8 năm tù trong vụ nâng điểm thi ở Hòa Bình, có lẽ là khoảnh khắc phản ánh trần trụi tới ám ảnh! Họ, những người “thầy đốt đền” - không chút hối lỗi và xấu hổ khi đã thực sự “làm rầu nồi canh”…

Tấn bi hài đau lòng

Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La… ba tỉnh lần lượt “được” gọi tên liên quan tới gian lận trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018. 32 cựu cán bộ - người thầy từng nắm trọng trách trong ngành Giáo dục ở ba địa phương này lần lượt đứng trước vành móng ngựa với những sai phạm rõ ràng. Phiên tòa cuối cùng xét xử các cựu cán bộ, giáo viên của Hòa Bình, Sơn La đã khép lại cuối tháng 5 vừa qua đã tuyên những hình phạt thích đáng với các bị cáo, trong đó có bị cáo phải lĩnh án 21 năm tù. 

Không chỉ những cựu cán bộ, giáo viên trong vụ việc gian lận chấm thi năm 2018 bị xử lý nghiêm khắc mà những thí sinh được can thiệp nâng điểm cũng bị trả về điểm thi thực, bị buộc dừng học tại các trường đại học mà các em đã trúng tuyển bằng điểm thi gian dối.

Và như thế, nói gian lận thi cử tại Hà Giang, Hoà Bình hay Sơn La có lẽ là quá nhẹ, không tương xứng với tội lỗi nghiêm trọng về những gì đã xảy ra trong kỳ thi THPT quốc gia tại ba địa phương trên. Phải nói rằng đây là những hành động phạm pháp có tổ chức được liên kết với nhau giữa quan chức giáo dục điều hành việc thi cử, sĩ quan cảnh sát làm nhiệm vụ giám sát kỳ thi và cha mẹ các thí sinh dự thi. Những hành động vi phạm pháp luật có tổ chức thì ở ta hay bất cứ một quốc gia nào khác đều có khung hình phạt cao hơn với những cá nhân phạm luật đơn lẻ ở cùng một tội danh. 

Là người làm giáo dục, hơn ai hết họ phải hiểu được sự quan trọng của giáo dục đối với tương lai đất nước. Thế nhưng, tại phiên tòa ở Hòa Bình, Sơn La dường như những người đã từng là thầy giáo, những người không chỉ mang tri thức nhân loại, mà còn mang tới cho học sinh những bài học làm người, đã để lại một hình ảnh xấu xí khủng khiếp, không hề tỏ ra ăn năn, hối hận.

Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, tất cả chúng ta đây đều vượt qua những hằng đẳng thức, những phương trình hoá hữu cơ hoặc toán không gian bằng... tình thương của thầy, cô giáo. Đương nhiên rằng, nó không phương hại ai. Và ai đó ngỗ nghịch trong số chúng ta “ăn roi” của thầy, cô giáo, họ đều đánh học trò với đôi mắt ngấn lệ.

Đất nước sau khói lửa, đói khát tri thức. Người dạy “chuột chạy cùng sào chui vào sư phạm”, người học nhặt chữ như chim mổ thóc, không mong con chữ giúp làm quan. Khi kham khổ, vẫn dắt díu nhau tìm con chữ, đó là một giá trị nhân văn to lớn mà giáo dục đã được định hình một cách tự nhiên. 

Đáng tiếc rằng nó đã biến mất trong giáo dục hiện đại. Một nền giáo dục đầy toan tính, ảo cuồng và một xã hội bằng cấp tới hư danh, như GS Viện sỹ Phạm Minh Hạc từng nhiều lần nhắc tới. Nếu như trước đây, thầy cô, nhà trường đồng nghĩa với một ngôi đền thiêng của tình người, của tri thức và sự nhân văn… thì ngày nay, tất cả những giá trị đó được sử dụng như một công cụ để làm bậy. Để vo tròn những con số báo thành tích, để dối trá và ảo tưởng. 

Không gì đau xót hơn trong phiên tòa mà thủ phạm - bị cáo là cha mẹ, là người thầy; còn nạn nhân (đồng thời cũng là tòng phạm) là con mình, là học sinh của chính mình! Tấn bi hài kịch đó đã làm vấy bẩn hình ảnh thiêng liêng, mô phạm, mực thước cần có của đạo học, nhất là với các nước Á Đông có truyền thống tôn sư như Việt Nam.

Học sâu, học rộng, dạy cao siêu cỡ nào chưa biết nhưng nhà trường tiên tiến trên khắp hành tinh này đều dạy học sinh hai chữ trung thực. Rồi đây cuộc cách mạng khoa học – kỹ thuật và công nghệ có thể lên đến 4 chấm, 5 chấm nhưng sự lương thiện mãi mãi là vốn quý của con người trong bất cứ thời đại nào.

Ấy vậy mà một số thầy cô, cha mẹ, một số người có chức, có quyền đã phỉ báng vào sự trung thực khi trâng tráo nâng điểm cho học sinh. Sự việc đó diễn ra có thể trước mắt, có thể sau lưng thí sinh, nhưng diễn ra ở thời điểm các em đang ngập ngừng và bỡ ngỡ trước ngưỡng cửa cuộc đời. Một vết đen theo suốt cuộc đời các em.

Tuy nhiên, từ sau vụ gian lận điểm thi ở Hòa Bình, Sơn La… vừa rồi, không ít người đã đặt câu hỏi, phải chăng giờ đây khi người ta có thể dùng tiền để mua được cả thứ để định lượng được tri thức như điểm số bài thi trong kỳ thi quan trọng của 12 năm đèn sách học sinh, có thể biến mọi giá trị đảo lộn?

Chúng ta hoàn toàn không thể nhân văn được khi hiện thực lồ lộ là mỗi suất giáo viên có giá hàng trăm triệu đồng, một suất vào đại học cho cả ba môn thi lên tới tiền tỷ. Tương tự, họ nhận mấy trăm triệu để nâng điểm là rất bình thường. Thậm chí còn ra toà nhân danh đạo đức “thương học trò” hoặc “ai cũng gù” là điều không thể chấp nhận khi tất cả đều biết rằng, nâng điểm học sinh này sẽ tước mất cơ hội của học sinh khác! 

Phụ huynh không vô can!

Trong các vụ gian lận thi cử trắng trợn ở Hà Giang, Sơn La và Hòa Bình… pháp luật chưa chạm đến những ông bố, bà mẹ của các thí sinh được nâng điểm. Họ là đồng phạm của các đối tượng vi phạm pháp luật, người đưa hối lộ, thậm chí là “chủ mưu”, người có động lực phạm tội mạnh mẽ nhất. Trước tòa và trước dư luận, họ tỏ thái độ “ngạc nhiên” về việc điểm thi của con họ bị sửa đổi. 

Pháp luật cũng như dư luận đều gượng nhẹ đối với các thí sinh được phù phép điểm, sợ các em “bị tổn thương”, mặc dù đây mới chính là đối tượng thụ hưởng mọi thành quả gian dối, tiến thân không bằng năng lực của mình mà nhờ đồng tiền của bố mẹ.

Từ 0 điểm - mức thấp nhất và là điểm liệt trong bất cứ cuộc thi lớn nhỏ nào có thành 9 điểm - mức cao nhất, yên tâm nhất để có thể đàng hoàng được chào đón vào bất cứ trường đại học nào. Có những em được nâng tới 26, 55 điểm, tiếp đến là 17,75; 12 điểm… Những con số vô tri, vô giác nhưng tự thân nó đã nói lên thật nhiều điều đắng cay, giả dối, trơ tráo, bởi có nằm mơ cũng ít ai tưởng tượng sự thật lại đi quá xa như vậy.

Với một học sinh có tổng điểm thi 3 môn chưa đủ 01 điểm, chỉ 0-0,25 - 0,2 thì khi theo học rồi ra trường sẽ như thế nào? Không lẽ chỉ cần qua cửa ải thi cử với điểm số cao ngất ngưởng là có thể yên vị mà hưởng thành quả trọn đời? Thế nên, “đã trót đâm lao phải theo lao”, từ chạy điểm của phụ huynh rất có thể sau đó sẽ là những chuỗi “chạy chọt” ngầm tiếp theo: chạy thầy, chạy việc, chạy chức, chạy quyền… 

Các nhà khoa học đã chứng minh rằng con người có đến 8 loại trí thông minh. Mỗi con người có một thế mạnh riêng và xã hội cũng có rất nhiều loại hình lao động khác nhau để phù hợp với tất cả mọi người nếu có sức khỏe và sự chăm chỉ. Vậy nên việc cha mẹ quyết định chạy điểm cho con trong cuộc đua trí tuệ để được vào học những trường đại học danh giá là sai lầm nghiêm trọng. Chính họ đã tước mất đi mơ ước, thế mạnh của chính mỗi con em mình.

Trong khi có nhiều học sinh miệt mài học tập, cống hiến, phấn đấu trở thành những công dân toàn cầu, tự tin với kiến thức của mình, có thể đi đâu, làm gì cũng sống được bằng năng lực của mình thì những thí sinh được cha mẹ chạy chọt nâng điểm, chạy điểm ỉ lại, trở thành người thụ động, phải nhờ cậy cha mẹ dắt tay đặt chỗ tương lai.

Vì vậy, việc gian lận thi cử bằng cách nâng điểm mà đứng đằng sau không ai khác chính là các bậc phụ huynh vì hư danh, ích kỷ, chỉ muốn giành giật cái có lợi cho con mình đã làm hỏng tương lai của những người trẻ.

Một chuyên gia giáo dục khẳng định: Giáo dục, đơn giản là thật, thật như lòng tự trọng. Nếu nó bị bẻ cong giá trị, tất cả đều gù. Phải khẳng định, chủ mưu chạy điểm là phụ huynh. Các em hãy vứt bỏ cái bệ phóng nhơ nhớp này, hãy tự đứng trên đôi chân mình mà sống - làm những công việc một nắng hai sương của những con người thi tốt nghiệp 2 điểm và nếu còn muốn vào đại học thì ban đêm hãy ngồi với sách vở của mình. Các em có dám không? 

Nếu chúng ta không triệt tiêu được một khâu tối quan trọng trong mối quan hệ cung - cầu, đó là nhu cầu chạy điểm thì việc chống gian lận thi cử sẽ vô cùng khó khăn. TS. Lê Viết Khuyến, nguyên Vụ Phó Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cho rằng: “Việc phụ huynh bỏ tiền chạy điểm cho con được đỗ vào trường tốt và thậm chí điểm cao là một cách nghĩ xấu, nhưng thật tiếc là lại khá phổ biến.

Chính điều đó khiến con cái ỷ lại, không thực sự cố gắng hết mình với năng lực bản thân. Thứ hai nữa, làm cho học sinh không có phản ứng trước những tiêu cực. Đặc biệt chúng ta cần học sinh có tính trung thực, mà phụ huynh lại làm như vậy, tức là tạo nền tảng gian lận cho con, sẽ làm hỏng cả một thế hệ”...

Và điều quan trọng, sở dĩ có chuyện phụ huynh bất chấp chạy điểm cho con bằng mọi giá, chính bởi căn bệnh thành tích của chính phụ huynh - muốn con học trường danh giá cho tương xứng với bằng cấp và vị trí của cha mẹ. Thế nên, nếu có cơ hội và kẽ hở, cuộc đua ấy luôn bất tận khi “gia đình không có gì ngoài… điều kiện”.

Đọc thêm