Ấm tình đoàn kết tôn giáo từ những mái nhà cho người nghèo Bài 2: Từ bi, bác ái bằng những việc làm cụ thể

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Giáo lý nhà Phật đề cao hạnh từ bi. Triết lý Công giáo nhấn mạnh tinh thần bác ái, yêu người. Chia sẻ với PLVN, Hòa thượng Thích Thọ Lạc, Ủy viên Thư ký Ban Thường trực Hội đồng Trị sự, Trưởng Ban Văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo (GHPG) Việt Nam, Chứng minh Ban Trị sự GHPG Việt Nam tỉnh Ninh Bình cho rằng: Qua những việc làm cụ thể của các chức sắc, chức việc đã góp phần phát huy nét đẹp của các tôn giáo và đóng góp vào khối đoàn kết toàn dân tộc.
Hòa thượng Thích Thọ Lạc, Linh mục Gioan Bùi Văn Kế cùng khánh thành nhà tình nghĩa tặng người nghèo ở giáo xứ Đồng Bài. (Ảnh: MTTQ cung cấp)
Hòa thượng Thích Thọ Lạc, Linh mục Gioan Bùi Văn Kế cùng khánh thành nhà tình nghĩa tặng người nghèo ở giáo xứ Đồng Bài. (Ảnh: MTTQ cung cấp)

Giúp người nghèo hiện thực hóa giấc mơ an cư

“Chúng tôi cùng với các linh mục và cả tín đồ Phật giáo, Công giáo cùng nhau bê gạch, cùng nhau phụ hồ, cùng xúc đất khởi công, cùng cắt băng khánh thành nhà cho người nghèo, vui lắm nhà báo ạ!”. Đôi mắt của Hòa thượng Thích Thọ Lạc ánh lên niềm hạnh phúc khi nhắc đến những ngày tháng tất bật xây dựng, niềm vui khi khánh thành những ngôi nhà “Ấm tình đoàn kết lương - giáo”.

Sinh năm 1963 tại xã Đồng Hướng, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình, từ thuở nhỏ đã xuất gia với Hòa thượng Thích Đức Nhuận, Viện chủ Chốn tổ Đồng Đắc, xã Đồng Hướng. Với hơn 40 năm tu hành, Hòa Thượng Thích Thọ Lạc (Trưởng Ban Trị sự GHPG Việt Nam tỉnh Ninh Bình nhiệm kỳ 2017 - 2022) luôn tâm niệm “siêng năng việc đạo nhưng không xao nhãng việc đời”, một người tu hành tốt là phải biết gắn việc đạo với việc đời, mọi việc làm cho đạo phải đồng thời giúp ích cho người, cho đời.

Chỉ tính riêng trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, ông là người tích cực vận động các mạnh thường quân, đồng bào phật tử ủng hộ, trao tặng các phần quà cho gia đình nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn nhân các ngày lễ lớn, tết cổ truyền của dân tộc, tặng học bổng cho các em học sinh nghèo... Đặc biệt, ông đã cùng với Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam các cấp và tôn giáo bạn chung tay xây dựng nhiều ngôi nhà “Ấm tình đoàn kết lương - giáo”, giúp những mảnh đời kém may mắn có chỗ che nắng, che mưa.

Hòa thượng Thích Thọ Lạc (thứ ba từ trái sang), Linh mục Giuse Phạm Ngọc Khuê (thứ tư từ trái sang) cùng lãnh đạo MTTQ Việt Nam tỉnh Ninh Bình, các ban, ngành khởi công nhà cho gia đình bà Vũ Thị Loan, ở xã Ân Hòa, Kim Sơn. (Ảnh: BNB)

Hòa thượng Thích Thọ Lạc (thứ ba từ trái sang), Linh mục Giuse Phạm Ngọc Khuê (thứ tư từ trái sang) cùng lãnh đạo MTTQ Việt Nam tỉnh Ninh Bình, các ban, ngành khởi công nhà cho gia đình bà Vũ Thị Loan, ở xã Ân Hòa, Kim Sơn. (Ảnh: BNB)

Hòa thượng Thích Thọ Lạc nhớ lại: “Lúc đầu cũng nhiều cái khó đấy. Mà cái khó nhất là kinh phí đâu để thực hiện? Chúng tôi vận động các tín đồ, phật tử đóng góp, mỗi người tùy theo khả năng, điều kiện của mình. Người có công góp công, người có của góp của. Quan trọng là có Ban Dân vận, có MTTQ các cấp đứng ra làm cầu nối; chức sắc hai tôn giáo là người đứng lên kêu gọi, rồi trực tiếp ủng hộ kinh phí, làm gương trước”.

Cái được của những mái nhà, theo Hòa thượng Thích Thọ Lạc, vì thế không còn chỉ mang đến niềm vui, nơi an cư cho người nghèo mà đã trở thành sợi dây gắn kết mọi người, là biểu trưng của tình đoàn kết, làm khởi lên, nhân lên những điều tốt đẹp. Như có lần, giữa trưa nắng, khi mọi người đang cố gắng làm nốt cho kịp ngày khánh thành thì có phật tử xin “góp” những suất cơm trưa. Nhìn mọi người cùng ngồi ăn với nhau, cùng nhau trò chuyện, bất kể lương - giáo, trong lòng Hòa thượng Thích Thọ Lạc cảm thấy rất vui.

“Người dân, các tín đồ nhìn thấy hình ảnh các linh mục, các nhà sư đoàn kết, thân thiện, tôn trọng nhau như thế, cùng lo cho hạnh phúc của mọi người, cùng “bắt tay” làm nhà cho người nghèo, xây cầu, làm đường cho cộng đồng như thế thì mọi người cũng sẽ đoàn kết, không có lý do gì để các tín đồ ác cảm với nhau, mà trái lại, cùng nhau lan tỏa tình yêu của Đức Phật, của Đức Chúa tới cộng đồng”, Hòa thượng Thích Thọ Lạc chia sẻ.

Cũng như Hòa thượng Thích Thọ Lạc, trong ba năm liền, hưởng ứng chủ trương “xóa đói, giảm nghèo” của Nhà nước, của tỉnh Ninh Bình, Linh mục Gioan B. Bùi Văn Kế, chính xứ Đồng Bài (Quảng Lạc, Nho Quan, Ninh Bình) đã cùng với chính quyền, MTTQ các cấp, các chức sắc, tín đồ Công giáo và Phật giáo giúp được cho 33 gia đình trong xứ có mái nhà kiên cố. Hiện chỉ còn một gia đình nghèo nữa chưa xây được do chưa tách được hộ nên chưa được cấp sổ hộ nghèo.

“Tình hình đời sống bà con ở xứ Đồng Bài đại đa số còn nghèo. Có câu “an cư lạc nghiệp” nhưng nhiều người ở đây chưa có nhà để ở. Thực tế, tôi chứng kiến có những nhà phải đi ở nhờ nhà bếp của người khác cả chục năm liền, hay có nhà cả chục người phải ở chật chội trong những căn nhà lụp xụp. Trông những cảnh ấy chẳng ai cầm được nước mắt” - Linh mục Gioan B. Bùi Văn Kế tâm sự.

Vai trò “cầu nối” của Mặt trận đặc biệt quan trọng

Theo Hòa thượng Thích Thọ Lạc, yêu thương là tinh thần cốt lõi của Phật giáo. Đức Phật mong muốn cho tất cả chúng sinh được hạnh phúc nên có câu “đồng thể đại bi”, tất cả chúng sinh với mình là cùng một thể tính mà sinh khởi tâm từ bi bình đẳng. “Vì thế, nhà Phật xem những sự đau khổ của người khác như là sự đau khổ của chính mình. Người khác đói cũng xem như mình đói, người khác không có nhà ở cũng xem như mình không có nhà, nên mới có câu “thương người như thể thương thân”, “phục vụ chúng sinh là cúng dường Chư Phật”.

Caritas Giáo phận Phát Diệm cùng đồng hành xây dựng nhà ở cho các gia đình trên địa bàn huyện Nho Quan. (Ảnh: MTTQ cung cấp)

Caritas Giáo phận Phát Diệm cùng đồng hành xây dựng nhà ở cho các gia đình trên địa bàn huyện Nho Quan. (Ảnh: MTTQ cung cấp)

Còn Linh mục Gioan B. Bùi Văn Kế thì cho rằng, động lực để mọi người tham gia chung sức xây dựng những mái nhà cho người nghèo nói riêng, làm việc thiện nói chung là “lòng yêu thương”. “Có lòng yêu thương, có đức bác ái thì chắc chắn sẽ có cách để giúp đỡ nhau, giúp đỡ bằng những việc làm cụ thể”, linh mục chia sẻ. Triết lý của Công giáo rất rộng nhưng được quy tụ ở bốn từ với hai cặp phạm trù “Kính Chúa, Yêu người”, đó chính là yêu thương, cảm thông và chia sẻ với mọi người, nhất là những người có hoàn cảnh khó khăn trong xã hội.

“Các tôn giáo chân chính đều có mục tiêu vì con người, mong muốn cho con người hạnh phúc. Nếu như Phật giáo gọi là “từ bi” thì Công giáo gọi là “bác ái”. Bác ái cũng chính là mở rộng tình yêu của mình đến với mọi người. Đức Phật vì con người, Chúa vì con người. Chủ trương của Đảng và Nhà nước mình cũng vì Nhân dân. Vận động chung tay “Vì người nghèo”, “Không để ai bị bỏ lại phía sau”, “ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành” như mong muốn của Bác Hồ lúc sinh thời nên khi Ban Dân vận, MTTQ vận động ủng hộ người nghèo là chúng tôi hưởng ứng ngay”, Hòa thượng Thích Thọ Lạc chia sẻ.

Những mái nhà của tình nhân ái, thể hiện sinh động tình đoàn kết tôn giáo

Không chỉ có Hòa thượng Thích Thọ Lạc, Linh mục Gioan Bùi Văn Kế, chủ trương hỗ trợ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở trên địa bàn Ninh Bình thời gian qua còn có sự chung tay, góp sức của đông đảo chức sắc hai tôn giáo ở hầu khắp các địa phương. Việc làm ý nghĩa này ngày càng lan tỏa, có sự hưởng ứng, tham gia của Ban Trị sự GHPG Việt Nam các huyện, thành phố, Hội đồng các giáo xứ, giáo họ, Caritas Phát Diệm, Hội dòng Mến Thánh giá Phát Diệm…

Từ thực tiễn, theo ghi nhận ý kiến của chức sắc hai tôn giáo, một trong những lý do rất quan trọng để Ninh Bình triển khai thành công các mô hình dân vận khéo như: “Xứ, họ đạo bình yên, chùa tinh tiến về an ninh, trật tự, thân thiện và bảo vệ môi trường” gắn với xây dựng nông thôn mới; mô hình “Chức sắc, chức việc các tôn giáo chung tay xây dựng những ngôi nhà ấm tình đoàn kết tôn giáo”, mô hình “Vận động đồng bào có đạo và Nhân dân thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội”… thời gian qua là vai trò của chính quyền, MTTQ Việt Nam các cấp.

Nếu như trước đây, không ít chức sắc tôn giáo còn giữ thái độ dè dặt thì nay đã cởi mở, chủ động hơn rất nhiều. “Chính cán bộ MTTQ hay cán bộ làm công tác an ninh tôn giáo lại là cầu nối để chức sắc tôn giáo gặp gỡ nhau”, Hòa thượng Thích Thọ Lạc cho biết. Hòa thượng Thọ Lạc vẫn ấn tượng và nhớ mãi việc, Giám mục Giáo phận Phát Diệm Giuse Nguyễn Năng (nay là Tổng giám mục Tổng giáo phận TP Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam) qua MTTQ “kết nối”, tìm tới thăm.

“Cụ Giám mục chia sẻ với tôi rằng: Chúng ta tuy là hai tôn giáo khác nhau, tôn sùng lý tưởng và thực hiện theo các bậc giáo chủ của mỗi tôn giáo nhưng mục đích của các tôn giáo cũng giống nhau, đều là vì con người, mong muốn mọi người được hạnh phúc, hướng người ta đến cái chân, thiện, mỹ, cái đạo đức, làm điều thiện, xa lánh điều ác. Vậy nên chúng ta cùng hành đạo ở vùng đất này mà không đến được với nhau thì đâu có được”, Hòa thượng Thích Thọ Lạc kể.

Với quan niệm như vậy và được MTTQ các cấp “bắc cầu” nên tại Ninh Bình, các chức sắc, tín đồ tôn giáo rất tự nhiên, chủ động đến với nhau. Chính vì vậy, đã thành thông lệ từ nhiều năm nay, mỗi dịp Lễ Phật đản của Phật giáo, Giáng sinh của Công giáo, hay các dịp lễ trọng, các sự kiện đặc biệt khác… hai tôn giáo đều có các chức sắc đến với nhau, chúc mừng nhau. “Không chỉ gần gũi, thân thiện, chúng tôi còn học hỏi lẫn nhau, cùng nhau hoạt động từ thiện, làm các việc có ích cho xã hội, mà việc xây nhà cho hộ nghèo chỉ là một ví dụ”, Hòa thượng Thích Thọ Lạc cho hay.

Phật giáo hơn 2.000 năm có mặt tại Việt Nam với phương châm nhập thế “Đạo pháp bất ly thế gian pháp”, đề cao trách nhiệm đối với cá nhân, cộng đồng và toàn xã hội. “Đức Phật mong muốn làm sao cho mọi người thoát khổ. Mình là đệ tử Phật cùng phải noi gương Phật, tiếp nối tinh thần của Đức Phật, chia sẻ hạnh phúc, giúp người khác bớt khổ đau, cùng chung sức xây dựng một cộng đồng tốt đẹp hơn. Việc làm nhà cho người nghèo, làm việc thiện giúp đỡ người khác cũng chính là tạo niềm vui, hạnh phúc, gieo “nhân” tốt cho chính mình”, Hòa thượng Thích Thọ Lạc - Trưởng Ban Văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết.

Đọc thêm