Ăn để chữa lành

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Người xưa thường có câu: “Bệnh từ miệng mà vào, họa từ miệng mà ra”. Việc ăn uống từ lâu đã có ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của con người. Hiện nay, với sự phát triển của đời sống, xã hội, mọi người càng để tâm đến việc ăn uống nhằm cải thiện tinh thần và thể chất.
Việc dùng thực phẩm bổ trợ việc chữa bệnh ngày càng phổ biến. (Nguồn ảnh:Vmec)
Việc dùng thực phẩm bổ trợ việc chữa bệnh ngày càng phổ biến. (Nguồn ảnh:Vmec)

Không còn dễ dãi trong việc lựa chọn thức ăn

Nguyễn Minh Tâm (22 tuổi, sinh sống ở Hà Nội) cho biết cô cải thiện được chất lượng giấc ngủ, sau khi thay đổi cách ăn uống. Minh Tâm hiện đang là sinh viên năm cuối đại học, sống ở ký túc xá trong trường, cô không được phép tự nấu ăn. Việc ăn cơm bụi, bỏ bữa, ăn vặt nhiều, ăn đêm… trong suốt bốn năm đại học, khiến sức khỏe Tâm giảm sút nhiều: “Tôi thích ăn lẩu, xiên “thịt” được chiên, rán bày bán ở gần trường. Tôi thường xuyên dùng những đồ ăn này thay cho bữa chính, vừa rẻ, vừa tiết kiệm. Nhưng lâu dần, tôi hay bị đầy bụng, trướng bụng, đêm nằm ngủ dễ bị đau bụng, khó ngủ”. Sau khi đi kiểm tra sức khỏe, Tâm phát hiện ra mình bị gan nhiễm mỡ ở mức độ nhẹ. Quyết tâm chữa bệnh, Tâm chuyển ra thuê trọ ở bên ngoài, cô dành thời gian tự nấu cơm, đồ ăn cho mỗi bữa. Sau nửa năm duy trì bữa cơm tự làm với rau, thịt tươi ngon, hiện nay, Minh Tâm đã không còn mất ngủ, mệt mỏi nữa.

Thực tế, trước đây, nhiều người có quan niệm “mình thích ăn là được”, “ngon miệng là được”, nên tự do ăn uống những thực phẩm không rõ nguồn gốc như: Lạp xưởng, sườn, thịt xiên nướng, chân gà tẩm ướp nướng, rau củ quả nướng cháy, đồ nhậu quán bia, tiết canh, các loại gỏi bán ở hàng quán vỉa hè thường không được kiểm tra kỹ lưỡng vệ sinh an toàn thực phẩm. Các vấn đề ngộ độc, tiêu chảy, suy gan thận cấp tính, sán lá gan, ung thư đường tiêu hóa, ung thư gan... nguyên nhân ít nhiều cũng từ đây mà ra.

Đã ăn uống dễ dãi, nhiều người lại còn ăn quá nhiều, hai điều này kết hợp góp phần gây bệnh. Họ “chào bình minh” lo ăn sáng, uống cà phê, đến gần trưa đã loay hoay nghĩ ăn trưa món gì, tối về lại đến các quán bia hơi, rượu. Thực tế cơ thể không cần nạp nhiều thức ăn đến vậy. Theo các nghiên cứu khoa học, mỗi người chỉ cần nạp vào cơ thể từ 1500 - 2000 calo mỗi ngày. Bữa ăn tốt nhất là bữa sáng, bữa trưa, khi con người cần nạp năng lượng để học tập, làm việc. Tuy nhiên, có nhiều người ăn sáng ít mà ăn tối, nhậu đêm lại quá nặng nề.

Nhận ra những tác hại của việc dễ dãi trong chuyện ăn uống. Hiện nay, mọi người đều cố gắng thay đổi sang chế độ ăn lành mạnh, với thực phẩm tươi, hạn chế dùng đồ chế biến sẵn. Sự thay đổi này tác động mạnh mẽ đến tinh thần, thể chất của nhiều người.

Bà Hoàng Thị Liễu (65 tuổi, Nghĩa Tân, Hà Nội) cho biết, trước đây bà thường ăn chế độ nhiều thịt, ít rau xanh. Vì nhà có trẻ nhỏ, nên thường xuyên mua bánh kẹo cho các cháu. Cháu ăn không hết, bà lại tiếc của ăn từ bánh sô cô la, kẹo dẻo, đến nước có ga. Lâu dần cơ thể bà ì ạch, nặng nề, tâm trạng vì thế mà trở nên dễ cáu gắt, bực bội: “Sau khoảng bốn, năm năm duy trì chế độ ăn nhiều đồ ngọt, đồ chế biến sẵn, tôi có đến bệnh viện khám và phát hiện ra mình bị gút, tiền đình (thể nhẹ)”. Nghe lời con cái khuyên, bà chuyển sang chế độ ăn nhiều rau xanh, chất xơ, hoa quả tươi bỏ hết đồ ăn sẵn, bánh kẹo. Thời gian đầu, bà thấy rất đói, bụng cồn cào vì đồ ăn tươi, ít calo dễ tiêu hóa hơn đồ ăn sẵn: “Khoảng ba tháng sau khi đã ăn uống lành mạnh, cơ thể tôi trở nên nhẹ nhõm hơn. Thân nhẹ, tâm cũng nhẹ, hiện tại, tôi đang đổi sang chế độ ăn eat clean (ăn sạch), dùng chủ yếu thực phẩm tươi, ít chế biến hoặc nấu quá nhừ”.

Trở thành một “nghệ thuật sống”

Đối với nhiều người việc ăn không chỉ duy trì sức khỏe, mà còn trở thành “nghệ thuật sống”. Một phương pháp trị liệu, cân bằng cảm xúc, chữa lành tổn thương, mệt mỏi trong tâm trí. Nguyễn Hoàng Anh (30 tuổi, sinh sống ở TP HCM) tâm sự, thời gian gần đây cô đang thử nghiệm cách “Ăn tỉnh thức” của thiền sư Thích Nhất Hạnh. Việc ăn đối với Hoàng Anh không còn là bản năng, ham muốn “lấp đầy” dạ dày khi đói, hoặc thỏa mãn thèm muốn một món ăn ngon mà trở thời gian để cô thực hành chánh niệm, có nghĩa là sống trong khoảnh khắc hiện tại, không phán xét.

Hoàng Anh chia sẻ, trước khi mở tủ lạnh để tìm món ăn, cô sẽ tự hỏi bản thân “liệu mình có đang đói không?”, “mình có đang muốn ăn chỉ vì căng thẳng không”, “hay mình chỉ đang thèm một chút gì đó khiến bản thân vui vẻ”. Như vậy, Hoàng Anh sẽ lựa chọn ăn khi đói, còn nếu do căng thẳng cô sẽ đi gặp gỡ bạn bè hoặc ngồi thiền để tĩnh tâm. Khi ăn, nếu hầu hết mọi người đưa thức ăn vào miệng nhanh, vội vàng. Ngược lại, việc ăn uống có tỉnh thức Hoàng Anh phải thực sự dành thời gian hưởng thụ thức ăn của mình. Mỗi lần ăn, cô nhai thật kỹ khoảng 20 - 30 lần, cảm nhận mùi vị từ mặn, ngọt, đến chua, đắng của món ăn. Trong khi ăn, Hoàng Anh không xem TV, điện thoại, mà tập trung vào việc ăn trong yên lặng. Sau khi ăn, Hoàng Anh sẽ ghi chép lại vào một quyển sổ những cảm xúc của mình. Cô gọi đây là “ăn trong thiền, thiền trong ăn”.

Với một số người, hiện nay, họ đổi sang chế độ ăn thuần chay. Việc ăn chay không chỉ phụng sự tôn giáo, tín ngưỡng, mà còn là một lối sống bảo vệ môi trường, sức khỏe của nhiều người. Nguyễn Anh Minh (32 tuổi, sinh sống ở Hà Nội) chia sẻ anh đã ăn chay được ba năm nay. Chế độ thuần chay của Anh Minh hoàn toàn bỏ những sản phẩm có nguồn gốc từ động vật, kể cả trứng, sữa, phô mai,… Nguyên nhân đến từ một bài nghiên cứu mà Anh Minh đọc được khi đi công tác ở nước ngoài: “Bài báo tôi đọc có trích dẫn nghiên cứu của Liên hợp quốc, thế giới có hơn 1 tỉ người nghèo dựa vào đất chăn nuôi động vật để mưu sinh. 20% dân số thế giới vì cuộc sống khó khăn mà phải chặt phá rừng hoặc biến đất đai của họ thành đất trồng nông sản cho động vật hoặc đất chăn nuôi động vật. Từ những thập niên 90 đến ngày nay, đất nông nghiệp dùng cho việc trồng nông sản nuôi động vật tăng hơn 18%”. Mong muốn được góp một phần nho nhỏ vào việc bảo vệ môi trường, Anh Minh đã bắt đầu tập ăn chay, ban đầu chỉ một vài ngày trong tháng, hiện nay, anh đã giữ được chế độ ăn thuần chay trong ba năm liên tiếp. Anh chia sẻ: “Tôi vẫn ăn đầy đủ chất đạm từ các loại đậu, loại hạt, đến chất xơ, tinh bột”. Việc ăn chay vì bảo vệ môi trường, giúp cho Anh Minh cảm thấy mỗi ngày, mình đều có thể làm những điều ích lợi nhỏ bé: “Mỗi người góp một điều nhỏ bé, hơn bảy tỷ người sẽ thành hơn bảy tỷ điều tốt đẹp”. Anh Minh nói.

Đối với Thùy Linh (40 tuổi, Hà Nội), lại có một nghệ thuật ăn theo cách làm bánh wagashi của Nhật Bản. Vốn là một người từng làm việc, học tập ở Nhật, Thùy Linh có vốn hiểu biết cơ bản về văn hóa người Nhật. Cô sống theo lối sống tối giản, hạn chế đồ đạc, quần áo trong nhà. Ngay cả khi ăn, Linh dùng nghệ thuật làm bánh wagashi. Thùy Linh chỉ chọn thức ăn hòa hợp với tự nhiên, mùa nào thức ấy. Mùa hè cô ăn mít, vải, nhãn, rau muống, mùng tơi,… tuyệt đối không nấu loại hoa quả của mùa đông như bắp cải, súp lơ dù có thèm thế nào đi nữa. Mùa xuân, cô chọn ăn cam, bưởi, cải cúc,… chứ không mua những loại hoa quả trái mùa, chín ép. Mỗi món ăn, Linh đều chỉ nấu vừa đủ, hạn chế gia vị, trình bày hết mức để giữ nguyên mùi vị, ăn ít để cảm nhận độ tinh tế của món ăn. Cách ăn này, giúp Thùy Linh cảm thấy ăn uống trở thành một bộ môn nghệ thuật, để thư giãn, cảm nhận cái đẹp, tinh túy của món ăn.

Ăn trở thành nghệ thuật sống tinh tế. (Nguồn ảnh: luxuo.vn)

Ăn trở thành nghệ thuật sống tinh tế. (Nguồn ảnh: luxuo.vn)

Điều kỳ diệu trong mỗi món ăn

Nhiều người đánh giá tạo hóa là “kỹ sư toàn năng” của thế giới này, quả không sai. Thực tế, mỗi thực phẩm trên thế giới này đều có giá trị, chất dinh dưỡng tác động mạnh mẽ đến cả tinh thần và thể chất của con người. Chẳng thế mà từ ngày xưa, người Việt Nam đã có những bài thuốc gắn liền với món ăn như trị bệnh ho bằng chanh đào, mật ong. Hay mùa đông uống trà gừng, canh nóng để làm ấm cơ thể từ bên trong. Ở Trung Quốc thì có tổ yến, đông trùng hạ thảo, canh nhân sâm để chữa bệnh. Tại Nhật Bản có món đậu nành Nato lên men, tương Miso rất tốt cho cơ thể.

Ở phương Tây, có rất nhiều nghiên cứu đã chỉ ra lợi ích đến từ các thực phẩm dễ dàng được tìm thấy hàng ngày trong cuộc sống của con người. Nghiên cứu từ Thư viện Y khoa Mỹ đã cho thấy, sô cô la đen sẽ giúp cải thiện tâm trạng hiệu quả. Lý do là bởi socola đen có chứa tryptophan, theobromine và phenylethylalanine. Đây là 3 thành phần quan trọng tạo cảm giác hưng phấn, vui vẻ. Hay chuối cũng được đánh giá là một loại hoa quả có khả năng cải thiện tâm trạng tốt. Trong chuối có thể tìm thấy chất, trong đó có vitamin B6 giúp chuyển đổi tryptophan thành serotonin - một chất quan trọng trong việc cải thiện giấc ngủ và tâm trạng.

Hiện nay, trên thế giới xu hướng dùng các loại thực phẩm để bổ trợ hoặc chữa trị các bệnh về tinh thần, thể chất đang được nhiều nước áp dụng và đem lại kết quả lạc quan. Như một nghiên cứu được đánh giá cao ở Mỹ là nghiên cứu về lợi ích của bữa ăn phù hợp về y tế. Nghiên cứu cho thấy khoảng 100 bệnh nhân được nhận bữa ăn phù hợp về y tế qua các chương trình bảo hiểm Medicare và Medicaid có số lần đến phòng cấp cứu ít hơn 70% và số lần nhập viện ít hơn 52% so với 1.002 bệnh nhân không nhận được bữa ăn này.

Đọc thêm