Nghệ thuật chữa lành từ đồ gốm

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Rối loạn lo âu, trầm cảm, căng thẳng, kiệt sức trong công việc và cuộc sống là những vấn đề người trẻ đang gặp phải trong xã hội hiện đại. Để chăm sóc cho sức khoẻ tinh thần của mình, nhiều bạn trẻ đã lựa chọn tìm về những phút bình yên trong tâm hồn thông qua đồ gốm.
Làm gốm - hoạt động thư giãn và chữa lành. (Ảnh: Hiên Concept)
Làm gốm - hoạt động thư giãn và chữa lành. (Ảnh: Hiên Concept)

Đất sét bồi đắp tâm hồn

Những năm qua, từ khoá “chữa lành” luôn được tìm kiếm rất nhiều, điển hình như “làm sao để chữa lành”, “phương pháp cân bằng tinh thần”, “giải toả căng thẳng trong tâm trí”,… Thậm chí với nhiều người, 1 - 2 năm trở lại đây họ dành hầu hết thời gian để chữa lành, nhất là sau khi dịch COVID-19 diễn ra. Đây là một thực trạng rất phổ biến hiện nay nhất là trong xã hội hiện đại, chúng ta đang phải đối diện với quá nhiều áp lực từ cơm áo gạo tiền, công việc, các mối quan hệ,… mọi thứ đều bủa vây lấy tâm hồn mỗi người, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Từ đó xuất hiện những quá tải về mặt cảm xúc, tinh thần cũng là điều dễ hiểu, đây là lúc sức khoẻ tinh thần ngày càng ở mức báo động với vấn đề trầm cảm, rối loạn lo âu,… Để giải toả căng thẳng, người trẻ tìm đến những cách khác nhau để chữa lành tâm hồn. Nghệ thuật là một trong số đó, từ ca hát, chơi nhạc cụ, vẽ tranh, thêu thùa,… tất cả không chỉ mang giá trị nghệ thuật đơn thuần mà còn là liệu pháp hữu hiệu để tâm hồn được thư giãn và yên bình.

Một trong những hoạt động nghệ thuật chữa lành được giới trẻ yêu thích hiện nay chính là làm gốm. Dù đã có từ rất lâu đời nhưng làm gốm vẫn là “làn gió mới” đối với các bạn trẻ. Xuất phát từ một vật liệu truyền thống là đất sét nhưng gốm vẫn mang hơi thở hiện đại, có lẽ đó chính là điểm thu hút người trẻ chạm đến gốm. Giờ đây, thay vì bỏ phí thời gian nghỉ ngơi cuối tuần để xem điện thoại, những buổi cà phê nói chuyện, đi mua sắm hay xem phim trong rạp,… nhiều người tìm đến những lớp học làm gốm để có thể tìm lại những khoảnh khắc bình yên vốn có sau một tuần căng thẳng.

Loại hình được giới trẻ tìm đến hiện nay chính là các buổi workshop thủ công làm gốm - có nghĩa là các buổi trải nghiệm tự tay làm cho mình những đồ vật thủ công. Các buổi workshop thường được tổ chức vào các ngày cuối tuần, thu hút số lượng tham gia đông đảo, hầu hết là các bạn trẻ. Khi đến học, các bạn cần xác định sẽ làm hình gì, nếu chưa định hình sẽ được tư vấn với vô vàn kiểu ly, bát, chén, đĩa, bình hoa,… Sau khi đã có mẫu mong muốn, học viên sẽ được phát tạp dề, đất sét, dụng cụ và bắt đầu quá trình làm sản phẩm.

Làm gốm tưởng khó mà dễ không tưởng, nhất là khi có người hướng dẫn mọi bước nên không sợ không biết làm. Sau quá trình tạo hình, sẽ đến cắt gọt, chà láng mịn sản phẩm, sấy khô, rồi cắt dán trang trí và tô màu. Thành phẩm sẽ được gửi lại nung và tráng men, 1 thời gian sau sản phẩm hoàn chỉnh và học viên có thể mang về.

Lớp học làm gốm không chỉ mang đến niềm vui từ các món đồ handmade hữu ích và thiết thực, do chính tay học viên làm ra mà còn mang đến cảm giác thoải mái về trí óc. Giữa không gian yên tĩnh, cảm nhận từng thớ đất sét khẽ lăn qua từng ngón tay, chậm rãi, tỉ mỉ tạo hình theo bất cứ hình dáng nào mình thích thể hiện niềm vui của sự tự do khi thoải mái sáng tạo. Sáng tạo đến từ bất cứ đâu, ở bất kỳ hình dạng hay dưới bất kỳ hình thức nào, tuỳ thuộc vào mỗi cá nhân. Do vậy, mỗi một món gốm làm ra đều là sản phẩm độc bản của mỗi người. Việc tiếp xúc với các hoạt động tư duy sáng tạo như tham gia lớp dạy làm gốm sẽ giúp khám phá bản thân và đôi khi, tìm ra những tài năng “ẩn giấu” bấy lâu nay của mình.

Còn về tâm hồn, khi đắm chìm trong các khâu làm gốm, mỗi công đoạn đều đòi hỏi sự tỉ mỉ, từ khâu chọn đất đến khâu tạo hình, phơi gốm, lên men và nung, mỗi công đoạn đều cần người làm gốm đặt cả tâm huyết của mình vào đó. Đó cũng chính là khoảnh khắc mà bản thân được trốn đi một lát ra khỏi những xô bồ những áp lực đang gặp phải, tâm hồn được tĩnh lặng khi gặp gốm.

H.Ly (23 tuổi, Hà Nội) học làm gốm được nửa năm nay, chia sẻ về những cảm nhận của mình: “Cuối tuần, thay vì lựa chọn các hoạt động vui chơi giải trí, tôi lại lựa chọn tham gia lớp học làm gốm. Khi đến với gốm tôi có rất nhiều cái mới, từ kiến thức, bạn bè, đam mê cho đến một tâm hồn mới. Đối với tôi, làm gốm không chỉ là một bộ môn nghệ thuật đòi hỏi sự tỉ mỉ, trau chuốt mà còn là một phương thức chữa lành hiệu quả cho tâm hồn. Tôi cần bình tĩnh và chậm rãi nhào nặn từng chi tiết, để rồi dần nhận ra những muộn phiền của bản thân bỗng chốc tan biến một cách kỳ diệu”.

Triết lý chữa lành thương tổn

Các hoạt động làm gốm chữa lành ở Việt Nam, việc chữa lành được bắt đầu từ hai vật liệu - đất và nước, sau đó được người làm nhào nặn thành một tác phẩm nghệ thuật hoàn chỉnh của riêng mình, khi đó mọi buồn phiền cũng sẽ được giải toả. Khác với cách làm thông thường đó, triết lý chữa lành thương tổn từ đồ gốm của Nhật Bản lại bắt đầu từ những mảnh vỡ của đồ gốm.

Nghe thì thấy lạ nhưng triết lý Kintsugi lại rất nổi tiếng ở “đất nước mặt trời mọc”. Kintsugi, có nghĩa “mộc vàng” (kin=vàng, tsugi=hàn gắn”), là một loại hình nghệ thuật cổ phục chế đồ gốm vỡ của người Nhật Bản. Những mảnh gốm vỡ được gắn lại bằng hỗn hợp sơn mài trộn bột vàng hoặc bột bạc để làm chúng như mới và đẹp hơn. Đường rãnh bằng vàng tuyệt hảo sau khi gắn có thể nhìn được bằng mắt thường.

Trong văn hóa phương Tây, việc sửa chữa nhằm mục đích đưa sản phẩm về trạng thái ban đầu của nó. Kintsugi thì ngược lại, nhấn mạnh những tì vết để tạo nên vẻ đẹp mới. Hơn cả một kỹ thuật sửa chữa, Kintsugi đối với người Nhật còn là triết lý sống - Tôn vinh những điều không hoàn hảo, những đổ vỡ, những “vết sẹo” bằng cách biến chúng thành một chương mới cho cuộc đời bạn.

Theo nhà tâm lý học Tomas Navarro (Tây Ban Nha), bên cạnh giá trị gốc là đồ trang trí trong nhà, Kintsugi còn mang ý nghĩa ẩn dụ trong cuộc sống. Những món đồ vỡ sau khi được ghép lại không những bền hơn mà còn đẹp hơn ban đầu và trở thành một tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao, là biểu tượng của sự mong manh, sức mạnh và cái đẹp. Những đường rãnh không phải là thứ cần phải giấu đi, giá trị nghệ thuật của món đồ không hề giảm khi mang trên mình những vết vá đó.

Ngạn ngữ Nhật Bản có câu: “Cuộc đời chúng ta giống như chiếc bát vỡ”, quả thật cuộc đời mỗi người khó có thể hoàn hảo như pha lê. Những vọng tưởng, ước muốn của bản thân như tìm thấy tình yêu chân chính của cuộc đời, làm công việc mình yêu thích, một gia đình yên ấm tưởng chừng là những vọng tưởng vô cùng chính đáng nhưng cuộc sống không giống như mơ, nó luôn biết cách làm cho chúng ta thất vọng vào đúng thời điểm, đập tan những giấc mơ thành từng mảnh vụn vỡ.

Chính vào thời điểm khi mọi mộng tưởng tan biến, tâm trí người Nhật tìm đến triết lý Kintsugi, hay cụ thể hơn là từ Thiền tông, một thứ triết học về gốm sứ. Qua nhiều thế kỉ, các Thiền sư lí luận rằng đừng nên vứt bỏ những bình gốm, bát sứ, ấm chén bị tổn thương. Dù đã hỏng nhưng chúng vẫn cần có sự tôn trọng và có thể chữa lành lại bằng sự quan tâm, chăm sóc - quá trình sửa chữa này là biểu tượng của sự hàn gắn những vết thương qua thời gian, một nền tảng cơ bản của Thiền học.

Khi ta biết vực dậy từ đau thương, tạo cho mình một ý chí sống kiên cường, cuộc đời ta sẽ mang vẻ đẹp độc bản như những món đồ gốm của nghệ thuật Kintsugi. Chính bằng cái nhìn đầy bao dung và trân trọng dành cho những điều không hoàn mỹ, người nghệ nhân Nhật Bản không những hàn gắn thành công những chiếc gốm vỡ, mà còn tái sinh cho chúng một cuộc đời mới, khoác lên chúng một vẻ đẹp độc bản.

Trong một thời đại vẻ đẹp hoàn mỹ lên ngôi, nghệ thuật Kintsugi giữ lại một triết lí đặc biệt - đời ta như một chén trà vỡ, không hề hoàn hảo. Thế nhưng, sự quan tâm và tình yêu dành cho những mảnh vỡ có thể dạy cho chúng ta cách tôn trọng những gì đã tổn thương và để lại những vết sẹo, sự dở dang thiếu hoàn mỹ, bắt đầu từ bản thân ta và những người xung quanh.

Đọc thêm