Ăn gì giúp trẻ thông minh?

(PLO) - Muốn con thông minh, bố mẹ nên cho bé ăn thực phẩm giàu axit linoleic, axit linolenic; bổ sung DHA có nhiều trong hải sản, đặc biệt là cá biển sâu, các mô mỡ gần mắt cá.

Trang Health Sina đưa tin gần đây một bé gái 10 tuổi người Anh đã xuất sắc vượt qua bài kiểm tra IQ Mensa với điểm tối đa 162, là trường hợp nhỏ tuổi nhất đạt điểm tối đa. Nhiều người gọi bé gái là thần đồng bởi chỉ số IQ 162 cao hơn cả nhà vật lý Albert Einstein 2 điểm. Hiện tượng này đã thu hút các nhà khoa học vào cuộc nghiên cứu xem đâu là yếu tố quyết định trí thông minh của một đứa trẻ ngay từ khi chúng chưa được đến trường đi học. Cuối cùng họ đúc kết những yếu tố ấy bao gồm:

Ăn thực phẩm giàu axit béo không bão hòa 

Axit béo linoleic, axit linolenic, axit arachidonic, DHA, EPA và các axit béo không bão hòa khác đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong quá trình phát triển của các tế bào não và dây thần kinh. Nếu thiếu hụt các chất này có thể dẫn đến khuyết tật trí tuệ, tổn thương vĩnh viễn chức năng não. Thực phẩm giàu axit linoleic, axit linolenic có trong quả óc chó và các loại hạt khác. DHA có nhiều trong hải sản, đặc biệt là cá biển sâu. Các mô mỡ gần mắt cá có lượng DHA đặc biệt phong phú.

Lecithin

Lecithin là thành phần chính của mô não và tủy sống, sau khi lecithin được tiêu hóa, choline sẽ được tổng hợp trong não. Hàm lượng chất xám choline càng cao thì dẫn truyền thần kinh càng nhanh, giúp tăng tốc tư duy và bộ nhớ. Lecithin có thể thúc đẩy sự tăng trưởng của khối lượng não bộ và phát triển hệ thống não. Lecithin không được tổng hợp trong cơ thể, chỉ có thể hấp thu từ thức ăn. Thực phẩm giàu lecithin gồm lòng đỏ trứng, đậu nành, óc heo, gan, mầm lúa mì, nấm, đậu phộng, hạt vừng và quả óc chó.

Protein

Protein là thành phần chính của các tế bào não. Thiếu chất này có thể ảnh hưởng đến sự trao đổi chất của các tế bào não, cản trở sự phát triển trí tuệ. Thực phẩm chứa protein sau khi đưa vào cơ thể sẽ được tiêu hóa và tổng hợp thành protein riêng của mỗi người. Protein là cơ sở vật chất của quá trình kích thích và ức chế tế bào não, đóng vai trò quan trọng để vận hành ngôn ngữ, tư duy, trí nhớ, dẫn truyền thần kinh, vận động... của con người.

Các kích thích tự nhiên

Để cải thiện chỉ số IQ của trẻ em, các kích thích tự nhiên cũng rất cần thiết và quan trọng. Khi em bé còn nhỏ, cha mẹ cần luôn có sự tiếp xúc thể chất với bé như nắm tay, ôm, hôn... Việc này còn giúp phát triển xúc giác của em bé và biểu truyền tình yêu của cha mẹ, giúp nuôi dưỡng thái độ, tình cảm lành mạnh của trẻ. Khi trẻ lớn hơn một chút, cha mẹ có thể cho tiếp xúc nhiều hơn với môi trường tự nhiên, cảm nhận những âm thanh của thiên nhiên giúp phát triển năng lực quan sát và nhận thức.

Kích thích hoạt động

Bất kỳ năng lực nào của trẻ đều được phản ánh và cải thiện trong các hoạt động. Năng lực IQ cũng không ngoại lệ. Vì vậy cha mẹ cần tạo cơ hội cho trẻ tham gia nhiều hoạt động phong phú, có thể là vận động thể chất thường xuyên hoặc tham gia vào một số trò chơi, hùng biện, thảo luận và các sự kiện công cộng... Như thế không chỉ giúp phát triển kỹ năng ngôn ngữ và giao tiếp mà còn nâng cao chất lượng đời sống giải trí và đam mê, qua đó thúc đẩy sự phát triển trí thông minh của bé.

Kích thích hứng thú

Mỗi đứa trẻ có một số sở thích, như chơi cờ, nhiếp ảnh, cắm hoa, sưu tập, chăm sóc thú cưng... Cha mẹ cần chú ý khám khá điều gì khiến con quan tâm và yêu thích, từ đó giúp chúng tiếp tục phát triển. Những tiềm năng vốn có của một đứa trẻ được phát huy tốt nhất khi được thoải mái tham gia vào việc mà chúng thật sự hứng thú. Trong quá trình này phụ huynh có thêm nhiều cơ hội dạy trẻ sống nghị lực vượt qua những khó khăn để đi đến thành công.

Kích thích chuyên sâu

Phát hiện sở trường đặc biệt của con ở phương diện nào đó, cha mẹ có thể cho trẻ cơ hội được đào tạo chuyên nghiệp, chẳng hạn thanh nhạc, múa, điêu khắc, diễn xuất, võ thuật, bóng đá... Những chương trình đào tạo chuyên nghiệp này không chỉ bồi dưỡng tinh thần sáng tạo và tính tò mò của trẻ một cách sâu sắc mà còn giúp trau dồi những kỹ năng chuyên nghiệp. Ngược lại, nếu cha mẹ nhồi nhét cho con học theo ý mình với mong muốn chúng thành công, nổi tiếng thì sẽ gây phản tác dụng, vi phạm nguyên tắc bồi dưỡng tài năng trẻ, dễn khiến các em đi lầm đường.

Đọc thêm