Ông Ơn trình bày, vào năm 1990, ông mua miếng đất ruộng diện tích 32.000m2 tại xã Tân Phú và 30.000m2 tại xã Vĩnh Nhuận, huyện Châu Thành. Thời điểm này các con ông còn nhỏ không đủ tuổi đứng tên quyền sử dụng đất, đồng thời số đất ông mua quá hạn điền, do vậy ông có nhờ hai người em là Bùi Thị Mau và Nguyễn Văn Tâm đứng tên mua hộ.
Cuối năm 1998, ông cùng hai người em của mình đã đến cơ quan thẩm quyền lập thủ tục sang tên cho con gái ông là Nguyễn Thị Mỹ Duyên hai phần đất: Một phần diện tích 13.943m2 tọa lạc tại ấp Tân Lợi, xã Tân Phú, huyện Châu Thành và một phần diện tích 9.947m2 tại ấp Vĩnh Lợi, xã Vĩnh Nhuận, huyện Châu Thành. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do UBND huyện Châu Thành cấp chỉ ghi duy nhất một mình chị Duyên đứng tên.
Trước đó, vào năm 1996, chị Duyên sống chung với anh Võ Hồng Sơn nhưng không đăng ký kết hôn. Năm 2008, giữa hai người phát sinh mâu thuẫn và ly thân đến khi Tòa án hai cấp xử vụ án ly hôn vào cuối năm 2011 và giữa năm 2012.
Trong các phiên xử, ông Ơn khẳng định không cho con gái đất mà chỉ cho đứng tên. Chị Duyên cũng khẳng định mình chỉ đứng tên cho cha và không trực tiếp canh tác trên hai phần đất ruộng trên. Từ lúc cha chị mua đất đến khi Tòa xử vụ ly hôn giữa chị và anh Sơn thì ông là người trồng lúa xuyên suốt trên đất này kể cả việc ký tên đóng thuế nông nghiệp và các loại phí khác hàng năm cho chính quyền địa phương (biên lai ông Ơn vẫn còn giữ).
Ghi nhận thực tế trên, ngày 30/11/2011, TAND huyện Châu Thành xét xử vụ án ly hôn chia tài sản của chị Duyên và anh Sơn đã không công nhận số đất trên là của chị Duyên và anh Sơn.
Trái với quan điểm của cấp sơ thẩm, TAND tỉnh An Giang trong Bản án phúc thẩm ngày 20/06/2012 lại cho rằng hai phần đất nói trên do chị Duyên đứng tên là tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân, nên chia đôi tài sản sau khi ly hôn(!?). Bởi vì “ý chí của ông Ơn khi kê khai và hợp đồng chuyển nhượng đất và Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ông Ơn đã xác lập quyền sử dụng là của anh Sơn, chị Duyên”, án phúc thẩm nêu.
Ông Ơn thắc mắc, tài sản chỉ một mình con gái ông đứng tên, cả hai sống chung không đăng ký kết hôn, anh Sơn không có công đóng góp, tạo dựng gì ở hai phần đất nói trên... tại sao án phúc thẩm cho rằng đây là tài sản chung buộc phải chia cho anh Sơn?
Trong khi đó, án sơ thẩm nêu rõ “tại biên bản đối chất và định giá tài sản anh (Sơn) cũng thừa nhận cha vợ hứa cho chứ chưa cho”. Sự không trung thực của Sơn cũng được bộc lộ khi nói rằng có chữ ký của mình cùng chị Duyên trong hồ sơ nhận chuyển quyền sử dụng đất từ bà Mao và ông Tâm. Án phúc thẩm cũng đã nêu “Trong quá trình xét xử tại phiên tòa phúc thẩm, anh Sơn khi thì khai do anh ký tên trong hồ sơ chuyển quyền, khi thì anh xác định không nhớ và anh có yêu cầu giám định lại chữ ký của anh trong hồ sơ nhưng sau đó anh lại rút không yêu cầu giám định”(!?).
Ông Ơn cũng cho rằng, TAND tỉnh An Giang đã không mời người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan là bà Bùi Thị Mao và ông Nguyễn Văn Tâm là hai người ông nhờ đứng tên hộ sau đó sang tên lại cho chị Duyên. “Việc cấp phúc thẩm không mời những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đã làm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của tôi”, ông Ơn nói.
Cho rằng án phúc thẩm đã làm thiệt hại đến quyền lợi của ông khi đưa ra những lập luận không xác đáng, đằng đẵng gần 8 năm qua, ông liên tục làm đơn gửi TANDTC, VKSNDTC và các cơ quan hữu quan đề nghị xem xét lại bản án trên. Do đó, ngày 20/05/2019, TANDTC đã chuyển đơn của ông Ơn đến TAND Cấp cao tại TP HCM để xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật.