Đáng chú ý, với địa hình có độ dốc lớn, nhiều sông suối, miền núi Quảng Nam có tiềm năng rất lớn về thủy điện. Trên hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn, hiện có 44 dự án thủy điện đã được triển khai. Quảng Nam từng trải thảm đỏ mời các doanh nghiệp đầu tư thủy điện. Chính sự dễ dãi trong việc cấp phép đã đánh cược an nguy của người dân trước những hiểm họa khôn lường…
Quảng Nam - điểm nóng thủy điện!
Thủy điện Đắk Mi4 (huyện Phước Sơn) một trong những công trình được tỉnh Quảng Nam trải thảm đỏ. Năm 2007, thủy điện này chặn dòng sông Đắk Mi, tích hơn 500 triệu m3 nước để phát điện. Sau khi phát điện xong, lẽ ra, thủy điện Đắk Mi4 phải trả nước lại sông Đắk Mi. Nhưng thủy điện làm ngược lại, dẫn nước sang sông Thu Bồn để tiếp tục phát cho 3 thủy điện bậc thang khác. Ông Huỳnh Vạn Thắng, nguyên PGĐ Sở NN&PTNT TP. Đà Nẵng đã từng nhiều lần lên tiếng, chính hàng triệu m3 nước của sông Đắk Mi đã bị thủy điện khống chế khiến nó thành dòng sông chết.
Theo quy trình vận hành liên hồ chứa của Chính phủ, vào mùa khô, lẽ ra thủy điện Đắk Mi4 phải xả về nước sông Đắk Mi với lưu lượng 25m3/s. Nhưng trên thực tế, thủy điện này xả lượng nước chỉ bằng 1/6 quy định. Nước trên sông Đắk Mi bị khống chế hoàn toàn, hậu quả, người dân Đà Nẵng đang thiếu nước sinh hoạt trầm trọng.
Một vấn đề cấp bách mà Đà Nẵng đang phải đối mặt suốt gần 1 thập niên qua, rằng nước bắt nguồn từ sông Vu Gia bị nước mặn xâm nhập. Có năm, nguồn nước của nhà máy nước Cầu Đỏ bị nhiễm mặn suốt 10 tháng. Riêng tháng 6,7/2018, nguồn nước liên tục bị nhiễm mặn, có lúc độ mặn gấp 7 lần mức quy chuẩn cho phép. Chính quyền Đà Nẵng buộc phải kêu cứu đến Bộ TN&MT và cảnh báo các thủy điện, nhưng chẳng giải quyết được gì. Nói như lời ông Hồ Hương, TGĐ Công ty CP cấp nước Đà Nẵng, giải quyết vấn đề này, mấu chốt nằm ở các hồ thủy điện.
Đối với Quảng Nam, khi sông cạn, hàng vạn nông dân 2 bên sông Vu Gia thiếu nước để sản xuất. Con số 300.000 ha đất nông nghiệp khô cằn, bỏ hoang được các huyện Đại Lộc, Duy Xuyên (Quảng Nam) thống kê, báo cáo mỗi năm nói lên điều đó.
Đặc biệt, mặt trái của thủy điện nhìn rõ nhất vào mùa mưa, khi hàng chục hồ chứa trên thượng nguồn sông Thu Bồn và Vu Gia đồng loạt xả nước. Năm nào cũng vậy, cả một vùng đồng bằng rộng lớn tỉnh Quảng Nam, Đà Nẵng chịu cảnh lũ chồng lũ. Theo thống kê, chỉ riêng năm 2017, thiên tai lũ lụt đã gây thiệt hại cho tỉnh Quảng Nam hơn 1.600 tỷ đồng, làm chết 39 người. Thay vì điều tiết lũ, tham gia chống hạn như mục tiêu đề ra, thủy điện đã làm gia tăng nguy cơ lũ lụt.
Ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam thừa nhận với PLVN, Quảng Nam đã nóng vội phát triển thủy điện nên thời gian đầu gặp nhiều bất cập, để lại những hệ quả lâu dài, đến bây giờ vẫn phải khắc phục. Hiện nay, tỉnh Quảng Nam đang rà soát để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xin giảm thủy điện, không phát triển thêm
Thủy điện khó xác định ranh giới ảnh hưởng
Tại hội nghị Phòng chống thiên tai miền Trung - Tây Nguyên vừa diễn ra tại Đà Nẵng, Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN-PTNT) đã có báo cáo về công tác quản lý an toàn đập, hồ chứa nước trong khu vực. Theo đó, cả nước có 6.648 hồ chứa thủy lợi trên địa bàn 45 tỉnh, thành. Trong đó ở 19 tỉnh, thành từ Thanh Hóa vào đến Bình Thuận có 3.551 hồ chứa (chiếm 53,4% cả nước).
Các địa phương có nhiều hồ chứa nhất cả nước đều thuộc khu vực này (Thanh Hóa có 610 hồ, Nghệ An 629 hồ, Đăk Lăk 543 hồ…). Đây cũng là khu vực có 388/702 hồ chứa lớn (chiếm 55% cả nước), 16/22 hồ chứa trên 100 triệu m3 (chiếm 73%) của cả nước. Hồ Cửa Đạt và hồ Tả Trạch là 2 trong 3 hồ chứa quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia.
Đáng chú ý, theo Tổng cục Thủy lợi, hiện khu vực miền Trung- Tây Nguyên có 693/1.200 hồ hư hỏng, xuống cấp của cả nước (chiếm 58%). Nhiều hồ chứa trong khu vực bị hư hỏng, xuống cấp, công trình đầu mối của các hồ chứa không đủ khả năng chống lũ theo tiêu chuẩn hiện hành, nhất là các hồ chứa nhỏ.
“Từ năm 2008 đến nay, các tỉnh trong khu vực đã xảy ra 38 sự cố đập, hồ chứa trong tổng số 50 sự cố đập, hồ chứa trên cả nước (chiếm 76%). Riêng năm 2017, do ảnh hưởng của những trận mưa lớn liên tiếp đã xảy ra 16 sự cố đập, hồ chứa ở khu vực này trong tổng số 23 sự cố đập, hồ chứa trên cả nước (chiếm 70%)”, báo cáo của Tổng cục Thủy lợi nêu.
Cũng báo cáo này, nhiều trường hợp hồ sơ lưu trữ công trình hồ chứa bị thất lạc hoặc hư hỏng, nhất là các hồ chứa nhỏ xây dựng cách đây 30- 40 năm hầu như không còn hồ sơ thiết kế công trình. Trong khi số lượng đập, hồ chứa bị hư hỏng lớn như nêu trên, kinh phí đầu tư sửa chữa nâng cấp còn thiếu thốn. Ý thức của một bộ phận cộng đồng dân cư trong việc bảo vệ đập còn hạn chế, có nhiều vụ vi phạm hành lang bảo vệ đập…
Tổng cục Thủy lợi thống kê, trong số 1.200 hồ chứa thủy lợi bị hư hỏng, xuống cấp trên cả nước đã có 450 hồ chứa được đưa vào danh mục đầu tư trong dự án Sửa chữa và nâng cao an toàn đập (WB8) với tổng kinh phí 433 triệu USD. Bộ NN&PTNT đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ 19 tỉnh miền Trung- Tây Nguyên sửa chữa, nâng cấp 46 hồ với kinh phí 287 tỉ đồng (trong tổng số 83 hồ, 500 tỉ đồng cả nước).
Tham gia hội nghị nêu trên, báo cáo “Đánh giá về việc vận hành các hồ chứa thủy điện của khu vực miền Trung – Tây Nguyên năm 2017 và công tác triển khai năm 2018” của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) không cho biết các số liệu cụ thể về các hồ chứa thủy điện, nhất là các hồ chứa có nguy cơ, khả năng xảy ra sự cố trên địa bàn này, như Tổng cục Thủy lợi đã nêu đối với các hồ chứa thủy lợi.
Tuy nhiên báo cáo này cũng nêu lên thực trạng đáng quan ngại: “Đa số các đập thủy điện chưa có bản đồ địa hình, phân bố dân cư vùng hạ du với tỉ lệ cần thiết phục vụ cho việc xây dựng phương án phòng, chống lũ, lụt cho vùng hạ du đập. Khó xác định ranh giới vùng ảnh hưởng ở hạ du đập, đặc biệt đối với nhiều đập của chủ đầu tư xây dựng trên cùng một lưu vực sông. Chưa đồng bộ trong việc điều phối chung giữa các chủ đập, khi các hồ chứa trên cùng lưu vực tham gia xả lũ.