Ẩn họa từ “nhạc rác”

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Nếu những bài “nhạc rác” cứ tiếp tục được lưu truyền như hiện nay thì ẩn họa mang tới cho người nghe nhạc trẻ sẽ là có thật.
Rapper “Chị Cả” trên một poster quảng cáo cho chương trình gameshow về rap.
Rapper “Chị Cả” trên một poster quảng cáo cho chương trình gameshow về rap.

Sản phẩm phi văn hóa nhân danh “âm nhạc tự do”

Mới đây, cộng đồng mạng xôn xao vì một bài hát nhạc rap mô tả mối quan hệ bất chính của bố chồng và nàng dâu được lưu hành và trở thành trào lưu. Lời bài hát có nhiều từ ngữ mô tả mối quan hệ đầy dục tính, sống sượng miêu tả mối quan hệ nam nữ thiếu đạo đức. Tác giả bài hát - Rapper “Chị Cả” là một người có tiếng trong dòng nhạc underground, từng là một trong các thí sinh nổi bật tham gia chương trình gameshow “King of Rap” đình đám trên truyền hình.

Được biết, bài rap này được sáng tác cách đây hơn 2 năm. Năm 2020, bài hát này từng bỗng dưng trở nên “hot”, được chia sẻ rộng rãi sau khi các cuộc thi rap trở thành trào lưu. Thời điểm đó, bài hát từng bị lên án, sau đó tiếp tục được lưu hành như không có chuyện gì.

Cạnh đó, hàng loạt những MV, ca khúc rap nổi tiếng khác cũng mang đầy những ngôn từ phản cảm, cổ súy lối sống buông thả. Có thể kể đến bài hát “Lái máy bay” của rapper Bình Gold với những ngôn từ như sau: “Vừa mới gặp lần đầu tiên em đã muốn lái chị (Yêu luôn)/ Fucking care chị bao nhiêu tuổi em vẫn muốn lái chị (Don't care)”. Một MV khác, Cypher Nhà Làm do nhóm rap Low G, Teddie J, Chí, ResQ phát hành mượn mở đầu bằng tích Tiên Dung - Chử Đồng Tử nhưng ngôn ngữ đầy tục bậy, nói về lối sống trụy lạc, đề cao giá trị đồng tiền.

Và còn rất nhiều bài rap mà sự thô tục đến từ tựa bài cho đến mỗi câu hát nhưng vẫn đang là "trend" của giới trẻ.

Thực tế, nhiều ca sĩ nhạc rap vẫn coi mình thuộc về giới underground, một thể loại âm nhạc ngày càng phát triển mạnh trên thế giới. Người ta quan niệm, âm nhạc undergrond bao gồm các thể loại âm nhạc không chính thống, thường khác biệt với những thể loại âm nhạc đại chúng, mới lạ cho thính giả thông thường và không quảng bá rộng rãi.

Nhận là underground, hiểu underground theo ý nghĩa "không chính thống", "muốn làm gì thì làm", nhiều rapper đã thoải mái cho ra đời những bài hát bộc lộ phần "con" đầy bản năng trong mỗi con người, đi ngược với những quan niệm đạo đức, thuần phong của xã hội.

Ngăn chặn bằng cách nào?

Mới đây, Thanh tra Bộ VHTTDL ra quyết định xử phạt 35 triệu đồng đối với rapper “Chị Cả” (tức Đinh Thanh Tùng) vì bài hát "Censored" có ca từ phản cảm, dung tục, có nội dung trái với thuần phong, mỹ tục của dân tộc (theo khoản 3 Điều 13 Nghị định 38/2021/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo). Nam rapper được yêu cầu tiêu hủy bản ghi âm bài hát, nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do lưu hành bản ghi âm bài hát này trên mạng xã hội. Đồng thời, tháo gỡ bản ghi âm Censored dưới hình thức điện tử trên môi trường mạng, kỹ thuật số.

Trước đó, bài hát “Thích ca mâu Chí” do nhóm Rap Nhà làm cũng bị phản ứng kịch liệt và xử phạt, gỡ bỏ bởi cơ quan quản lý vì nội dung phản cảm, xuyên tạc văn hóa, xúc phạm tôn giáo.

Mỗi một bài hát độc hại như thế đã có biết bao người, từ trẻ em tiểu học cho đến sinh viên, giới trẻ nghe, yêu thích, hâm mộ? Như Censored, thời gian qua bỗng trở thành “hot trend” trên ứng dụng Tik Tok, đồng thời những câu hát “Mua cho con chiếc còng tay/Nâng con dâu vào phòng bay” trở thành nhạc nền của hàng trăm video clip “hot” trên Tik Tok và nhiều nền tảng khác. Nhiều bạn trẻ yêu thích vì giai điệu nghe “sành điệu và hay hay” trước khi biết đến cả nội dung thực sự của bài hát. Nhiều học sinh, sinh viên, thậm chí cả khi nghe rõ lời vẫn thích thú, bênh vực vì cho đó là “âm nhạc tự do phản ánh sự thật cuộc sống”.

“Nhạc rác” chính vì thế rất nguy hại, góp phần “bóp méo” nhận thức của giới trẻ về các quy chuẩn đạo đức, giá trị văn hóa.

Điều đáng nói ở đây, cho dù người làm sai đã bị xử phạt nhưng tác hại của những bài “nhạc rác” vẫn còn đó. Censored xuất hiện từ năm 2018 và mỗi năm lại trở thành một “hiện tượng” một lần. “Thích ca mâu Chí” cũng sáng tác từ trước đó nhiều tháng trời, cho đến khi trở nên đình đám và bị chỉ trích. Tương tự, vẫn còn hàng loạt những bài hát phản cảm như thế tồn tại tràn lan trên mạng xã hội, được lưu truyền, tung hô, sử dụng dưới nhiều hình thức mà chưa bị cơ quan chức năng xử lý.

Xử phạt sau khi bài hát trở nên nổi tiếng không phải là chuyện khó, nhưng làm thế nào để ngăn ngừa, triệt để xử lý ngay khi “rác âm nhạc” vừa xuất hiện, trước khi nó kịp tiếp cận và gây ra nhiều tác hại cho giới trẻ, đó lại là một vấn đề không nhỏ mà các cơ quan quản lý cần tìm được giải pháp.

Đọc thêm