“Vô tư” phạm luật?
Theo đơn tố cáo của người dân thôn Ly Câu gửi Báo PLVN thì từ năm 2006, ông Đỗ Trọng Thẩn - Trưởng thôn Ly Câu, ông Nguyễn Đăng Trung - kế toán kiêm thủ quỹ và ông Nguyễn Đức Thẳng - Chủ nhiệm HTX thôn Ly Câu, xã Tân Viên đã tự ý phân lô đất nông nghiệp, đất mặt đường làng, đường liên huyện, đất ven làng bán cho dân làm nhà ở. Việc làm trên diễn ra nhiều năm nhưng vi phạm trên chưa bị xử lý, khiến người dân bức xúc không hiểu ai trao cho cán bộ thôn quyền bán đất và số tiền bán đất giờ đang ở đâu?
Cụ thể, vào tháng 1/2008 cán bộ thôn Ly Câu đã bán, nhượng, cho đấu thầu đất nông nghiệp cho 3 hộ gia đình: ông Nguyễn Quang Nhanh, Nguyễn Đăng Hào và Nguyễn Đăng Mấm tại khu Đồng Rộc để làm nhà ở với diện tích là 3.876m2. Tháng 7/2008, cán bộ thôn tiếp tục cắt 9 lô đất sản xuất nông nghiệp thuộc khu đồng Cửa Bàn, đường liên thôn Đại Điền – Ly Câu cho các hộ dân khác và một lô đất thuộc đất Đình làng Ly Câu cho bà Bùi Thị Oanh nằm cạnh nhà ông Trần Đình Toản (lúc đó ông Toản là Chủ tịch UBND xã Tân Viên). Tháng 7/2011, bán diện tích đất xen kẹt cạnh khu vườn mía cho chị Nguyễn Thị Mai; năm 2012 bán một lô đất thuộc diện tích sân nhà văn hóa thôn cho chị Bùi Thị Mai Anh cũng nằm sát cạnh nhà ông Toản; đồng thời cho gia đình ông Nguyễn Đăng Diễm thầu đất nông nghiệp với diện tích 949m2 để làm nhà ở.
Năm 2015, dưới thời ông Nguyễn Ngọc Bồi làm Chủ tịch UBND xã, cán bộ thôn tiếp tục bán 132m2 đất nông nghiệp cho dòng họ Nguyễn lấy 8 triệu đồng. Việc mua bán đất trái phép trên được giao dịch bằng giấy biên nhận viết tay và kế toán thôn Nguyễn Đăng Trung trực tiếp thu tiền.
Bà Nguyễn Thị Hiện, thôn Ly Câu cho biết, ngày 2/2/2016 địa phương thực hiện xong công tác dồn điền đổi thửa, cán bộ thôn lại tiếp tục rao bán phần diện tích đất nông nghiệp dôi dư. Tổng diện tích được bán thầu là 3.675m2, gồm khu Cửa Bàn, giáp đường liên thôn Ly Câu – Đại Điền, có diện tích là 1.450m2, được chia làm 10 lô, mỗi lô rao bán là 50 triệu đồng. Khu đồng Năm Tấn, giáp đường 362 diện tích 2.225m2 chia làm 15 lô, mỗi lô rao thầu là 100 triệu đồng, với thời hạn 50 năm.
Ông Phạm Văn Chín, thôn Ly Câu cho biết, do bất bình với việc làm sai trái trên, một số xã viên thôn đã nhiều lần gửi đơn tố cáo tới chính quyền xã Tân Viên. Tuy nhiên, việc giải quyết chỉ chung chung, không rõ ràng và không có câu trả lời thích đáng cho bà con.
Theo đó, một số xã viên bị một số đối tượng thách thức, đe dọa, khiến họ tiếp tục viết đơn gửi UBND huyện An Lão đến 5 lần, nội dung rõ ràng về vi phạm pháp luật đất đai của cán bộ thôn Ly Câu nhưng lãnh đạo huyện An Lão đều gửi đơn về cho UBND xã Tân Viên giải quyết. “Phải chăng ở đây có sự dung túng, bao che từ cấp huyện, cấp xã để cán bộ thôn làm càn”, một số xã viên bức xúc.
Bán đất kiểu… chợ trời?
Tất cả việc mua bán đất trái phép trên của lãnh đạo thôn Ly Câu đều được giao dịch bằng giấy biên nhận viết tay dưới hình thức “lệ phí đất ở” được ông Nguyễn Đăng Trung - kế toán thôn trực tiếp thu tiền từ các hộ mua đất. Số tiền tiền bán đất xê dịch từ chục triệu đến hàng trăm triệu đồng tùy theo vị trí từng thửa đất.
Theo tài liệu người dân cung cấp, ngày 1/9/2006, ông Trung viết giấy biên nhận cho ông Đỗ Trọng Thủy số tiền 20 triệu đồng; ngày 25/7/2011, ông Trung tiếp tục thu tiền lệ phí mua bán chuyển nhượng của bà Nguyễn Thị Mai số tiền 25 triệu đồng chỉ bằng giấy viết tay; ngày 1/2/2016, ông Trung trực tiếp nhận 150 triệu đồng tiền lệ phí thầu đất của người dân tại xứ Đồng Cửa Bàn.
Ngoài thu “lệ phí đất ở”, vị kế toán thôn bị cho là còn thu tiền làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở cho các hộ dân mua đất nói trên với số tiền 6 triệu đồng. “Việc bán đất là hoàn toàn trái quy định, không hiểu ai “chống lưng” cho ông Trung mà ông ấy dám đứng ra nhận tiền làm sổ đỏ cho các hộ dân kia?”, một người dân băn khoăn.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Ngọc Bồi - Chủ tịch UBND xã Tân Viên xác nhận, thôn có bán đất tại khu Đình làng và nhà văn hóa thôn cho bà Bùi Thị Oanh, Nguyễn Thị Mai Anh từ lâu rồi. Tuy nhiên, khi được hỏi ông có nắm được việc cán bộ thôn tự ý bán đất cho dân làm nhà ở thì ông Bồi phủ nhận không biết việc này.
Về việc làm nhà trên đất nông nghiệp, ông Bồi khẳng định là “có nhưng ít”. “Những việc này là quá khứ rồi. Còn việc bán như thế nào thì chúng tôi vẫn chưa nắm được. Vì, việc này đã diễn ra mười mấy năm rồi. Tôi mới làm từ năm 2013 đến nay nên không thể biết được hết”, ông Bồi nói.
Theo phản ánh của người dân thôn Ly Câu, hơn chục năm nay kể từ khi ông Đỗ Trọng Thẩn làm trưởng thôn việc mua bán đất theo kiểu “chợ trời” này vẫn diễn ra, nhất là khi thực hiện chính sách dồn điền đổi thửa. Đặc biệt, có những lô đất được bán với giá hàng trăm triệu đồng nhưng không công khai tài chính với nhân dân.
Trước câu trả lời của ông Bồi, dư luận nghi ngờ, phải chăng chính quyền quá vô cảm với những ý kiến của dân hay cố tình bao che cho những việc làm sai trái của cấp dưới? Và số tiền lên đến hàng tỷ đồng thu được từ việc mua bán đất trái luật hiện đang ở đâu, cán bộ thôn chi vào hoạt động gì hay vào túi ai?