An Lão, Hải Phòng: Nhiều bất cập trong chế độ tiền lương của nhân viên bảo vệ trường học

(PLVN) - Ngày 8/11/2018, sau khi thành lập đoàn xác minh tố cáo đối với Hiệu trưởng Trường THCS Thái Sơn, UBND huyện An Lão ( Hải Phòng) đã ra Kết luận số 1636/ KL-UBND, trong đó nêu rõ một số sai phạm và bất cập trong việc thực hiện chế độ tiền lương đối với nhân viên bảo vệ ở Trường THCS Thái Sơn cũng như ở một số trường học khác trên địa bàn.

Đáng nói, tuy là cơ quan thực hiện vai trò quản lý nhà nước trong lĩnh vực trên nhưng tại Kết luận 1636, UBND huyện An Lão lại “đổ” hết trách nhiệm cho cơ quan tham mưu là các phòng chuyên môn, giúp việc. 

Hơn chục năm vẫn giữ nguyên hệ số lương

Vụ việc xuất phát từ đơn thư tố cáo của ông Hoàng Văn Tân (SN 1969, nhân viên bảo vệ Trường THCS xã Thái Sơn, huyện An Lão) đối với ông Trịnh Văn Dương - Hiệu trưởng Trường THCS Thái Sơn trong việc quản lý, sử dụng lao động và chi trả lương.

Ông Hoàng Văn Tân cung cấp thông tin cho phóng viên
Ông Hoàng Văn Tân cung cấp thông tin cho phóng viên

Theo hồ sơ vụ việc thì cuối năm 2001, Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện An Lão đã có thỏa thuận (bằng văn bản) để Trường THCS Thái Sơn ký hợp đồng lao động với ông Tân (làm bảo vệ tại trường), bắt đầu từ 1/1/2002.

Đến ngày 30/12/2002, Chủ tịch UBND huyện An Lão đã ra Quyết định số 1048/QĐ-UB để ông Tân vào làm nhân viên bảo vệ tại Trường THCS Thái Sơn (từ 1/1/2003 đến 31/12/2003) theo chế độ Hợp đồng lao động (HĐLĐ) ngắn hạn với mã số 01.011, bậc 1, hệ số 1,35; Giao nhà trường có trách nhiệm ký HĐLĐ với ông Tân. Tuy nhiên, việc đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) của ông Tân thì chỉ bắt đầu được thực hiện từ 2005.

Theo ông Tân thì 100% số tiền đóng BHXH cho BHXH huyện An Lão đều do ông nộp thông qua nhà trường. Đến năm 2008, ông Trịnh Văn Dương về làm Hiệu trưởng vẫn yêu cầu ông phải nộp 100% tiền BHXH mà không thực hiện nguyên tắc đơn vị sử dụng lao động không cùng chi trả theo quy định.

Không những vậy, trong những năm làm việc sau đó, tuy vẫn ký hợp đồng lao động với trường nhưng ông không hề được tăng lương theo quy định mà vẫn chỉ được hệ số lương 1,35 như thời điểm năm 2003.

Đến giai đoạn 2011-2013 thì Nhà trường đã không ký hợp đồng lao động với ông Tân dù ông này vẫn làm bảo vệ tại trường và nhận lượng hệ số 1,35. Tại Kết luận tố cáo, UBND huyện An Lão yêu cầu ông Trịnh Văn Dương rút kinh nghiệm trong công tác quản lý điều hành: Không ký hợp đồng làm việc với ông Tân từ 1/1/2011 đến 14/8/2013.

Về việc ông Tân chỉ được hưởng lương hệ số 1,35 trong suốt cả chục năm như trên, tại Công văn số 1249 ngày 9/7/2018, BHXH Hải Phòng khẳng định: “Việc người lao động được ký HĐLĐ với nguyên một mức lương theo hệ số từ tháng 1/2005 và không được tăng lương định kỳ là không đúng theo quy định về chế độ tiền lương theo Nghị định 204/2004/NĐ-CP”.  

Đổ lỗi cho cơ quan tham mưu giúp việc

Tuy nhiên, có thể thấy, Hiệu trưởng Trường THCS Thái Sơn không phải là người duy nhất chịu trách nhiệm trong việc ông Tân làm việc suốt hơn 10 năm mà không được tăng lương định kỳ cũng như việc 3 năm không được ký HĐLĐ như trên.

Theo UBND huyện An Lão nêu tại Kết luận 1636 thì tại Thông báo của UBND huyện năm 2005 đã giao nhà trường trực tiếp ký HĐLĐ với người lao động là không đúng với Thông tư số 15/2001/TT-BTCCBCP hướng dẫn thực hiện Nghị định 68/2000/NĐ-CP (nếu Chủ tịch UBND huyện không trực tiếp ký hợp đồng thì ủy quyền bằng văn bản cho Trưởng Phòng Tổ chức Lao động huyện thực hiện ký hợp đồng).

Như vậy, có thể thấy, sai sót của UBND huyện An Lão trong vụ việc này là đã giao cho người không có thẩm quyền ký HĐLĐ với ông Tân. Tuy nhiên, tại Kết luận 1636 thì cơ quan này không nhận trách nhiệm trên mà  “đổ lỗi” cho cơ quan tham mưu giúp việc rằng, “Phòng Nội vụ (Phòng Nội vụ - LĐ, TB&XH  giai đoạn 2005) kiểm điểm trách nhiệm trong việc tham mưu cho UBND huyện và hướng dẫn các đơn vị hành chính, sự nghiệp ký hợp đồng đúng thẩm quyền, đúng quy định”.

Thừa nhận trách nhiệm của cơ quan tham mưu như trên nhưng UBND huyện An Lão cũng không nêu rõ lỗi này đã gây hậu quả gì? Ảnh hưởng quyền lợi đối với ông Tân ra sao? Khắc phục sai sót như thế nào? 

Liệu có phải do việc ký HĐLĐ không đúng thẩm quyền như trên đã dẫn tới việc cả chục năm trời, ông Tân không được tăng lương và ký HĐLĐ thì bị gián đoạn như trên?

Một thiếu sót nữa được nêu tại Kết luận 1636 là việc, năm 2016, khi giao dự toán ngân sách đầu năm, UBND huyện An Lão đã không giao hệ số lương của nhân viên bảo vệ mà giao vào phần chi chuyên muôn, nghiệp vụ của nhà trường. Vì không có hệ số lương bảo vệ nên Kho bạc Nhà nước cũng không đồng ý cho chuyển lương. Vì vậy, nhà trường phải chuyển sang ký thỏa thuận thuê mướn lao động 2 tháng một đối với ông Tân (lao động dạng này không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc).

Tuy nhiên, cũng như sai sót trước thì UBND huyện An Lão cũng “đổ lỗi” rằng, “Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện tham mưu UBND huyện phân bổ dự toán ngân sách hàng năm cho các trường học phải giao rõ tiền lương cho hợp đồng bảo vệ nhà trường, tránh không giao dự toán tiền lương cho hợp đồng bảo vệ như năm 2016”.

Đau đầu giải quyết chuyện trả lương “trên giấy”? 

Năm 2017, thực hiện theo hướng dẫn của BHXH An Lão, Hiệu trưởng Trường THCS Thái Sơn đã ra quyết định điều chỉnh mức lương của ông Tân lên 3,75 triệu đồng/tháng (năm 2017) và 3,98 triệu đồng/tháng (năm 2018). Tuy nhiên, mức lương này chỉ để làm căn cứ báo tăng  BHXH chứ không phải mức lương nhà trường chi trả cho ông Tân. 

Trên thực tế thì thời điểm đó, ông Tân vẫn chỉ được nhận lương hệ số 1,35 và năm 2018 thì tăng lên 1,5 (mức lương này được Nhà trường thực hiện trên cơ sở dự toán do UBND huyện An Lão giao). 

Việc làm trên của ông Dương bị UBND huyện An Lão cho là “tự ý điều chỉnh mức lương theo mức lương tối thiểu vùng đối với hợp đồng bảo vệ trong khi đang chờ ý kiến chỉ đạo của UBND huyện và các phòng chức năng”. Việc này “dẫn đến nợ BHXH huyện An Lão phần đóng chênh lệch và chưa có nguồn trả lương cho hợp đồng bảo vệ theo quyết định đã điều chỉnh lương theo mức lương tối thiểu vùng”.

Theo UBND huyện An Lão thì trên địa bàn huyện, một số trường học cũng ra quyết định điều chỉnh mức lương cho nhân viên bảo vệ theo mức lương tối thiểu vùng (tương tự như trường hợp ông Tân).

Để giải quyết bất cập, vướng mắc trên, UBND huyện giao Phòng Nội vụ, Tài chính - Kế hoạch, GD&ĐT tham mưu UBND huyện giải quyết cơ chế chính sách tiền lương, BHXH đối với nhân viên bảo vệ trên địa bàn huyện.

Có thể thấy, quy định về lương tối thiểu vùng đã thực hiện được hơn 2 năm nhưng đến nay, UBND huyện An Lão vẫn loay hoay và chưa có cách giải quyết chuyện lương “trên giấy”. Việc này liệu có làm ảnh hưởng đến quyền lợi về BHXH của hàng loạt lao động như ông Tân trên địa bàn huyện?  

Tại phần trên của Kết luận 1636, UBND huyện An Lão xác định việc năm 2005, UBND huyện giao nhà trường trực tiếp ký HĐLĐ với người lao động là không đúng Thông tư số 15/2001/TT-BTCCBCP hướng dẫn thực hiện Nghị định 68/200/NĐ-CP.

Tuy nhiên, tại phần cuối Kết luận 1636, UBND huyện An Lão yêu cầu ông Trịnh Văn Dương có trách nhiệm ký bổ sung hợp đồng lao động bằng văn bản đối với ông Tân các năm 2011, 2012 và 8 tháng 2013.

Như vậy, UBND huyện An Lão đã dùng 1 cái sai (ký HĐLĐ sai thẩm quyền) để sửa một cái khác (HĐLĐ với ông Tân bị gián đoạn)?

Đọc thêm