Một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Y khoa hàng đầu thế giới JAMA Internal Medicine chỉ ra rằng những người duy trì sử dụng thực phẩm nuôi trồng hữu cơ từ 4 - 5 năm có tỷ lệ mắc ung thư thấp hơn, đặc biệt là bệnh ung thư hạch và ung thư vú sau mãn kinh. Mặc dù vậy, mối quan hệ tương quan giữa việc ăn thực phẩm hữu cơ và giảm nguy cơ mắc ung thư này không hẳn là mối quan hệ nguyên nhân - kết quả.
Những người chọn sử dụng thực phẩm hữu cơ có thể là những người có sức khoẻ tốt hơn, giàu có hơn hay có điều kiện giáo dục tốt hơn. Những yếu tố trên cũng tác động đến khả năng mắc ung thư của con người. Do đó, phát hiện trên cần phải được kiểm nghiệm và chứng minh thêm trước khi chúng ta có thể đề xuất sử dụng thực phẩm hữu cơ như một phương pháp phòng chống ung thư.
Một số nghiên cứu cho thấy những người duy trì sử dụng thực phẩm nuôi trồng hữu cơ có tỷ lệ mắc ung thư thấp hơn (Ảnh minh họa)
Nghiên cứu được tiến hành như thế nào?
Các nhà khoa học đã tập hợp gần 70.000 tình nguyện viên không mắc ung thư tham gia vào nghiên cứu.
Đầu tiên, những người tham gia được đánh giá chế độ ăn uống dựa trên chuẩn hướng dẫn dinh dưỡng của Pháp. Mức tiêu thụ thức ăn và đồ uống của họ được theo dõi và ghi lại trong 2 tuần. Sau 2 tháng, những người tham gia được yêu cầu cung cấp thông tin cụ thể về cách họ tiêu thụ 16 loại thực phẩm hữu cơ, bao gồm: các loại trái cây, rau quả, các sản phẩm từ đậu nành, các sản phẩm từ sữa, thịt và cá... Từ đó, các nhà nghiên cứu tiến hành chấm "điểm thực phẩm hữu cơ" cho từng người tham gia. Nếu họ chọn thực phẩm hữu cơ trong tất cả 16 loại, họ sẽ nhận được một số điểm tối đa là 32.
Sức khỏe của mỗi người tham gia được đánh giá sau mỗi năm và theo dõi trong khoảng thời gian trung bình là 4,5 năm. Nếu có bất kỳ ca mắc ung thư nào xảy ra, chi tiết sẽ được xác nhận một cách độc lập với bệnh viện hoặc bác sĩ điều trị của bệnh nhân.
Kết quả nghiên cứu
Trung bình, điểm số thực phẩm hữu cơ của các tình nguyện viên dao động từ 0,7 đến 19,4. Dựa vào số điểm này, các nhà nghiên cứu chia các tình nguyện viên thành 4 nhóm có số lượng bằng nhau.
Số liệu cho thấy nhóm có điểm số thực phẩm hữu cơ cao nhất có khả năng mắc ung thư thấp hơn 25% so với 3 nhóm còn lại. Đặc biệt, tỷ lệ mắc ung thư vú (với phụ nữ sau mãn kinh) và ung thư hạch giảm hơn hẳn so với các loại ung thư khác. Không có mối tương quan nào được phát hiện đối với hai bệnh ung thư tuyến tiền liệt hoặc đại trực tràng.
Chúng ta cần xem xét điều gì?
Như đã đề cập, những người chọn sản phẩm hữu cơ thường là những người có thu nhập cao, hưởng chế độ giáo dục tốt và có chế độ ăn uống lành mạnh. Vì vậy, các nhà nghiên cứu đã cố gắng điều chỉnh các yếu tố này trong nghiên cứu của mình.
Họ cũng xem xét và điều chỉnh các yếu tố khác có thể ảnh hưởng đến kết quả nghiên cứu, bao gồm: tuổi tác, giới tính, thời gian tham gia chương trình, tình trạng hôn nhân, hoạt động thể chất, tình trạng hút thuốc, uống rượu, tiền sử ung thư của gia đình, chỉ số cân nặng, chiều cao của cơ thể, lượng năng lượng hấp thụ, lượng chất xơ cũng như thịt đỏ và thịt chế biến cơ thể tiêu thụ.
Mặc dù các nhà nghiên cứu đã cố gắng điều chỉnh những yếu tố dễ gây nhầm lẫn này, tuy nhiên, số lượng mẫu nghiên cứu quá lớn khiến họ khó có thể xác định được tính hợp lệ của kết quả nghiên cứu này. Nhóm người tham gia có điểm số thực phẩm hữu cơ cao thường có chế độ ăn uống lành mạnh. Họ cũng ăn nhiều trái cây, rau quả và ăn ít thịt đỏ hay thịt chế biến. Mức độ béo phì ở nhóm này cũng được ghi nhận ở mức thấp.
Vậy liệu chúng ta có thể khẳng định giả thiết thuốc trừ sâu trong thức ăn thông thường có liên quan đến một số bệnh ung thư hay những người sử dụng sản phẩm hữu cơ vốn đã có chế độ ăn uống tốt và lối sống lành mạnh hơn? Nghiên cứu này vẫn chưa thể cho chúng ta biết câu trả lời.
Tìm kiếm câu trả lời trong nghiên cứu ở tương lai
Một nghiên cứu khác có một vài điểm tương đồng với nghiên cứu trên được thực hiện năm 2014 tại Anh. Đây là nghiên cứu đầu tiên về mối quan hệ giữa thực phẩm và bệnh ung thư. Bảng khảo sát được đưa ra với ba lựa chọn: "Không bao giờ", "Đôi khi" và "Thường xuyên hoặc Luôn luôn" cho câu hỏi "Bạn có sử dụng thực phẩm hữu cơ?".
Nhóm "Thường xuyên hoặc Luôn luôn" sử dụng thực phẩm hữu cơ có khả năng mắc ung thư hạch ít hơn 21% so với các nhóm còn lại. Kết quả cũng cho thấy những người ăn đồ hữu cơ có sự gia tăng nhẹ ở khả năng mắc ung thư vú. Tuy nhiên, kết quả này chưa loại trừ hai yếu tố có thể làm sai lệch kết quả, đó là thường xuyên uống rượu và có ít con.
Năm 2015, Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế đã phân loại một số loại thuốc trừ sâu vào dạng "Có thể gây ung thư cho con người". Điều này có nghĩa là vẫn chưa có đủ bằng chứng cho mối liên quan giữa việc sử dụng thuốc trừ sâu và bệnh ung thư ở con người. Trái lại, mối liên hệ giữa việc sử dụng thuốc trừ sâu và ung thư trong các nghiên cứu trên động vật thực nghiệm đã được chứng minh rõ ràng.
Một số thí nghiệm cho thấy nhóm tiêu thụ nhiều sản phẩm hữu cơ hơn có lượng dư lượng thuốc trừ sâu trong nước tiểu thấp hơn. Lượng thức ăn hữu cơ có thể được sử dụng để dự đoán mức độ chuyển hóa của một số thuốc trừ sâu trong nước tiểu. Đây rõ ràng là một lĩnh vực xứng đáng được đầu tư nghiên cứu nhiều hơn.
Nghiên cứu trên có thể cho chúng ta nhiều kết quả hơn nếu quy mô nghiên cứu bao gồm các phép đo chính xác hơn về các loại thực phẩm hữu cơ khác nhau đã được tiêu thụ cũng như mức dư lượng thuốc trừ sâu trong nước tiểu của người tham gia.
Một cách lý tưởng để nghiên cứu vấn đề này trong tương lai sẽ là theo dõi tỷ lệ ung thư trong hai nhóm tiêu thụ lượng thức ăn và chế độ ăn giống nhau. Điểm khác biệt là một nhóm sử dụng sản phẩm có nguồn gốc hữu cơ, nhóm còn lại sử dụng các thực phẩm trồng theo phương pháp thông thường. Mức tồn dư thuốc trừ sâu và tỷ lệ mắc bệnh ung thư trong một vài năm sau đó có thể được đánh giá chính xác hơn. Tuy nhiên, thời gian và chi phí để tiến hành một nghiên cứu như vậy khiến nó khó có thể thực hiện.