Áp lực đổi tiền: Vợ chồng bất hòa, đồng nghiệp giận dỗi

Cũng như năm trước, năm nay, Ngân hàng Nhà nước tuyên bố không đưa ra thị trường loại tiền mệnh giá nhỏ từ 5.000 đồng trở xuống nên tiền mới 10.000 đồng lại trở lên "nóng" hơn bao giờ hết.
Ảnh minh họa. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Ảnh minh họa. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Ngoài chợ đen rất nhiều tiền nhưng phí khá cao nên nhiều người không có điều kiện để đổi, chính vì vậy đa số lại nhờ người quen đổi hộ cho nhau nên gây áp lực lớn cho nhân viên ngân hàng cũng như người đổi tiền.

Trong khi đó, hạn mức tiền lẻ, mới tại nhà băng có giới hạn nên bên cạnh trách nhiệm phục vụ khách VIP thì không ít nhân viên ngân hàng cảm thấy áp lực do không thể giải quyết hết việc người thân nhờ đổi tiền mới.

Đau đầu vì đổi tiền

Hương - nhân viên giao dịch của một ngân hàng cổ phần tại Hà Nội cho biết, mỗi nhân viên chỉ được vài triệu tiền mới nhưng người thân, bạn bè nhờ nhiều gấp mấy lần số tiền được phân bổ nên năm ngoái cô phải chạy đôn chạy đáo để lo từng tệp tiền mới cho người thân, bạn bè.

Còn Hồng Hạnh là nhân viên ngân hàng cổ phần trên phố Bà Triệu cũng than thở: "Chị bạn biết em làm ngân hàng nên cũng nhờ đổi tiền, em chỉ làm nhân viên văn phòng không phải người làm trực tiếp nên không có nguồn tiền mới. Em đã phải nhờ vả các anh chị ngân hàng nhưng cũng chỉ đổi mỗi loại được nửa tệp tiền 10.000 - 20.000 - 50.000 đồng thôi. Nhưng cuối cùng chị ý lại không đổi nữa chắc thấy ngại."

Hương và Hồng Hạnh còn gặp may là đã đổi được tiền, chị Thu Thủy hiện đang làm kế toán tại một doanh nghiệp cũng bộc bạch, ở trong cơ quan một số người biết chị hay làm việc với ngân hàng nên đã gom khoảng 60 triệu đồng dúi vào tay chị bảo đổi hộ.

“Mọi người không nói sớm đến sát Tết mới đưa tiền, tôi cầm sang ngân hàng các chị ấy cười bảo giờ này làm gì còn tiền mà đổi, cuối cùng các chị ấy nể quá chỉ đổi cho được 1 tệp 50.000 đồng. Khi mang số tiền ấy về mọi người trong phòng chả biết chia thế nào nên cũng có người tỏ ra giận hờn. Tôi cũng chỉ biết giải thích chứ biết làm sao, đến tôi cũng còn chả đổi được cho mình,” chị Thủy chia sẻ.

Chị Nguyễn Thị Thoa là nhân viên Ngân hàng Sacombank, dù không có nhu cầu nhiều về tiền lẻ, tiền mới nhưng bao giờ cũng trong tình trạng "khát" tiền vì những người xung quanh nhờ đổi hộ.

"Thực sự đến những ngày Tết là tôi bị áp lực ghê gớm, công việc chuyên môn đã bù đầu, nay lại phải nhờ cậy chỗ nọ, chỗ kia để đổi. Chỉ mong trên Ngân hàng Nhà nước dội về toàn tiền lẻ, tiền mới thôi. Có hôm, đang ngủ thì có chuông điện thoại kêu, tưởng có chuyện gì gấp tôi nghe máy thì thấy đầu dây bên kia hớt hải nhờ đổi tiền 10.000 hộ vì mẹ chồng gọi điện lên là Tết mang về cho bà loại tiền đó để bà mừng tuổi cho các cháu. Vợ chồng nhiều lúc bất hòa cũng chỉ vì thứ tiền này," chị Thoa than thở.

Không chỉ có vậy, một chuyện bi hài hơn được chị Hồng An làm ở ngân hàng V chia sẻ, trước đây, mỗi năm chị đổi cả trăm triệu cho bạn bè và gia đình nhưng vài năm trở lại đây lượng tiền lẻ khan hiếm nên chị cũng không nhận lời đổi cho bạn bè nữa mà chỉ đổi cho thành viên trong gia đình, đặc biệt là anh chị em nhà chồng. Tuy nhiên vẫn có nhiều bạn bè nhờ đổi hộ.

"Năm ngoái, đúng ngày gần Tết thì con tôi ốm phải đi viện nên cả hai vợ chồng phải thay nhau trông cháu. Đang lúc bối rối thì nhận được rất nhiều cuộc gọi nhờ đổi tiền, toàn bạn bè nên tôi không thể không nghe và đã từ chối chuyện đổi tiền. Ông chồng nghe điện thoại toàn liên quan đến tiền nên đã rất tức giận và còn có ý đuổi tôi về để chồng trông con," chị Hồng An chia sẻ.

Chị Hồng An nói thêm: Thực sự từ ngày làm ngân hàng đến giờ chả năm nào tôi không bị "tra tấn" những cuộc điện thoại đổi tiền như thế này. Chúng tôi vẫn nói chuyện với nhau Ngân hàng Nhà nước không nên đưa tiền mới ra lưu thông vào dịp Tết mà nên đưa rải rác trong năm như vậy sẽ không bị cục bộ trong những ngày Tết. Tôi nghĩ, mọi người cũng sẽ quen dần thôi.

Một vị lãnh đạo của ACB cũng cho biết, do số lượng tiền tập trung vào một số mệnh giá nên cũng rất khó khăn cho phía ngân hàng. Chúng tôi phải ưu tiên cho những khách hàng đã có nhiều giao dịch với ngân hàng trước đã.

Càng về cuối năm thì nhu cầu tiền lưu thông tại các ngân hàng ngày càng tăng cao, chính vì vậy, một số chi nhánh các ngân hàng đã dùng việc đổi tiền lẻ để thu hút khách gửi tiền tiết kiệm. Nhân viên một chi nhánh của Ngân hàng Việt Á cho biết: Chúng em không có tiền lẻ đổi cho khách vãng lai, mà chỉ có chính sách đổi tiền lẻ cho những khách hàng gửi tiền tiết kiệm, gửi nhiều thì đổi càng được nhiều.”

Nhiều cán bộ ngân hàng than vãn, đổi một vài triệu đồng đã khó, mà đổi đến vài trục triệu đồng lại càng khó hơn. Thôi thì đủ lý do để đổi, nào là mừng tuổi ông bà, nào là mừng tuổi con cháu. Đặc biệt hơn là đi mừng tuổi cô giáo và lãnh đạo bằng tiền lẻ.

Áp lực đổi tiền: Vợ chồng bất hòa, đồng nghiệp giận dỗi ảnh 1
 Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Nhiều đồng tiền chỉ lưu thông một lần

Không ai có thể phủ nhận giá trị của tiền lẻ đời sống, chúng rất cần, nhất là trong việc hàng ngày đi chợ của các bà, các chị. Tuy nhiên, số lần quay vòng của lượng tiền này nhiều nhưng số lượng lại ít. Theo Ngân hàng Nhà nước, nghịch lý của lượng tiền lẻ này được đưa ra lưu thông rất lớn nhưng chủ yếu là trong dịp tết và lễ hội, sau đó chúng lại quay trở lại kho của các ngân hàng thương mại. Điều này được cho là rất lãng phí.

Lãnh đạo một chi nhánh ngân hàng trên địa bàn Hà Nội cho biết, là một trong những ngân hàng đầu mối thu gom tiền mặt của một số nhà chùa lớn trên địa bàn Hà Nội. Vào những ngày rằm, ngày mùng 1 hàng tháng, nhất là dịp Tết Nguyên đán, lượng tiền lẻ, tiền mặt rất nhiều, có khi lên đến hàng trăm triệu đồng. Sau những ngày lễ trên, ngân hàng thường phải bố trí nhân lực tại nhiều đền, chùa để thu gom tiền lẻ, mệnh giá nhỏ của khách đi lễ cung tiến.

“Với lượng tiền lớn như vậy cần rất nhiều người kiểm đếm nên rất tốn kém chi phí nhân công. Trong khi đó, vòng quay của tiền mệnh giá nhỏ trong xã hội chỉ khoảng 1-2 lần và chủ yếu phục vụ yếu tố tâm linh nên hiệu quả của đồng tiền trong lưu thông rất thấp. Do đó, việc hạn chế sử dụng tiền mệnh giá nhỏ tiết kiệm rất nhiều chi phí cho xã hội,” vị lãnh đạo trên nhấn mạnh.

Đưa ra dẫn chứng về việc tiền chỉ được lưu thông một lần, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết, chùa Hương, Đền Hùng… là một trong những điểm “tập kết” tiền lẻ một cách lãng phí, có rất nhiều hình ảnh tiền rải trắng ở đền, chùa không những hình ảnh đồng tiền mà còn làm hỏng cả chất lượng đồng tiền. Mấy năm trước, năm nào Ngân hàng Nhà nước cũng thu về từ 1.000-1.200 bao tiền lẻ, có giá trị lên tới hơn 20 tỷ đồng từ các lễ hội.

Cũng theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, khá nhiều năm nay, Ngân hàng Nhà nước in tiền lẻ mới, mất bao nhiêu công sức, tốn kém nhưng sau khi đưa vào lưu thông thì lại quay về kho, vì nhu cầu thanh toán với loại tiền này rất thấp. Ngân hàng Nhà nước đẩy vào các ngân hàng thương mại buổi sáng thì buổi chiều họ lại trả về Ngân hàng Nhà nước.

Một lẽ khác cũng khiến ngân hàng không thể chi tiền lẻ cho khách hàng đó chính là vì sự đảm bảo an toàn cho khách hàng. Một khoản tiền lẻ 20 triệu tiền mệnh giá 20.000 đồng đã làm một bó. Vậy sẽ là nửa bao với 200 triệu và 5 bao với 1 tỷ đồng. Đây cũng là lý do, tiền lẻ đành ở lại trong kho rồi vòng về nơi nó khởi hành vào lưu thông là Ngân hàng Nhà nước, Sở giao dịch…

Tuy nhiên, theo vị lãnh đạo này, hai năm nay số tiền lẻ đã từ các đền, chùa về ngân hàng đã giảm vì nhiều người dân đã ý thức hơn trong việc đặt lễ tại các đền, chùa. Tuy nhiên, điều này cũng chưa được như kỳ vọng. Chính vì vậy, vẫn rất cần các cơ quan báo chí tuyên truyền nhiều hơn nữa để làm sao số tiền đưa ra đều được lưu thông, không quay trở lại ngân hàng nữa

Đọc thêm