Có hay không án tích: cơ bản vẫn phải làm thủ công
Trước đây, việc xóa án tích thuộc thẩm quyền của Tòa án cấp sơ thẩm, tuy nhiên, kể từ khi Bộ luật Hình sự 2015, Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 có hiệu lực; đặc biệt kể từ khi TANDTC có Công văn số 276 ngày 13/09/2016 hướng dẫn áp dụng một số quy định có lợi cho người phạm tội của Bộ luật Hình sự năm 2015 gửi các Chánh án TAND thì 30 quận, huyện ở Hà Nội và TAND thành phố đã dừng việc cấp Giấy chứng nhận xóa án tích. Cũng theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015 thì “Cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp (LLTP) có trách nhiệm cập nhật thông tin về tình hình án tích của người bị kết án và khi có yêu cầu thì cấp Phiếu LLTP xác nhận không có án tích, nếu có đủ điều kiện quy định”… Còn Tòa án chỉ quyết định xóa án tích đối với người bị kết án về các tội xâm phạm an ninh quốc gia và các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh quy định tại Bộ luật Hình sự 2015 khi họ đã chấp hành xong hình phạt chính, thời gian thử thách án treo hoặc hết thời hiệu thi hành bản án và đáp ứng các điều kiện theo quy định.
Theo ông Nguyễn Hoài Nam, Trưởng phòng LLTP, Sở Tư Pháp Hà Nội, sau khi TANDTC có công văn nói trên, các yêu cầu cấp Phiếu LLTP có xác minh điều kiện đương nhiên xóa án tích ở Hà Nội tăng đột biến. Mỗi ngày, bộ phận một cửa của Sở Tư pháp Hà Nội nhận trên 10 hồ sơ. Tuy nhiên, việc giải quyết các hồ sơ này qua rất nhiều quy trình, thủ tục, liên quan đến nhiều cơ quan và mất rất nhiều thời gian. Cũng theo ông Nam, tính đến thời điểm ngày 7/6/2016, cơ sở dữ liệu về LLTP tại Sở Tư pháp Hà Nội mới chỉ cập nhật được thông tin của 53 ngàn 144 bị cáo bị kết án. Nếu yêu cầu của công dân nằm trong số thông tin đã được cập nhật tại cơ sở dữ liệu thì việc tra cứu thuận lợi, đảm bảo đúng thời gian. Tuy nhiên, thực tế hầu hết các yêu cầu xác nhận xóa án tích Sở Tư pháp Hà Nội đều phải thực hiện qua con đường “thủ công” để xác minh.
Quy định về thời hạn cần bảo đảm tính khả thi
Cụ thể, Sở Tư pháp Hà Nội sẽ phải làm công văn đến Tòa án cấp sơ thẩm đề nghị cung cấp bản sao bản án hoặc trích lục. Sau khi có được bản án, sẽ tiếp tục gửi văn bản đến Cục Hồ sơ nghiệp vụ cảnh sát hoặc cơ quan Thi hành án hình sự Công an quận, huyện đề nghị cung cấp Giấy xác nhận bị cáo đã chấp hành xong hình phạt tù/án treo hay cải tạo không giam giữ và gửi văn bản đến cơ quan Thi hành án dân sự xác minh bị cáo đã thi hành xong án phí và phần nghĩa vụ dân sự trong bản án hay chưa. Và khâu cuối cùng là phải gửi văn bản đến UBND xã phường nơi đương sự cư trú xác minh đương sự có bị điều tra, truy tố, xét xử sau khi chấp hành xong bản án cũ...
Một quy trình dài lê thê và khó ở chỗ, Tư pháp phải thực hiện nhiều thủ tục ở nhiều cơ quan nhưng có những thủ tục bắt buộc phải có kết quả mới được chuyển sang việc xác minh tiếp theo mà không được tiến hành, đồng thời gây mất rất nhiều thời gian. Đó là chưa kể, nhiều trường hợp, ngay cả cơ quan Công an cũng chỉ có thông tin đến giai đoạn truy tố, khởi tố, thậm chí… ở giai đoạn bị tạm giữ, không có thông tin về giai đoạn xét xử, do đó, để đảm bảo chính xác đương sự có án tích hay không, Phòng PC 53 Công an thành phố phải gửi yêu cầu xác minh về Công an quận huyện, nơi lập hồ sơ ban đầu.
Như vậy, tổng thời gian theo quy định tại Thông tư liên tịch số 04/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP để thực hiện việc xóa án tích cho người yêu cầu cấp Phiếu LLTP có án tích là 37 ngày làm việc; trường hợp có nhiều án tích thì thời gian sẽ kéo dài hơn vì phải yêu cầu nhiều cơ quan cung cấp nhiều tài liệu hơn. Tuy nhiên, trên thực tế, ông Nguyễn Hoài Nam cho biết đa số các cơ quan có liên quan đều không thực hiện đúng thời hạn, có những trường hợp Sở Tư pháp phải có công văn đến lần thứ 2, thứ 3 mới nhận được ý kiến trả lời. Do đó, gây áp lực rất lớn về mặt thời gian cho Sở Tư pháp.
Nhiều trường hợp, công dân khiếu nại vì cơ quan tư pháp không đảm bảo về thời gian, thậm chí, nhiều trường hợp người yêu cầu cấp Phiếu LLTP có xác minh điều kiện đương nhiên xóa án tích đã đến Sở Tư pháp lăng mạ, xúc phạm, gây áp lực với cán bộ, công chức làm công tác LLTP vì quá thời hạn xóa án tích.
Cùng với số lượng hồ sơ xin cấp Phiếu LLTP hàng ngày tại Bộ phận một cửa của Sở Tư pháp Hà Nội quá lớn (chiếm trên 90% tổng số hồ sơ hành chính tiếp nhận), việc giải quyết các hồ sơ đương nhiên xóa án tích tại cơ quan này đang trở thành nỗi lo quá tải khi nhân lực của Phòng LLTP mặc dù đã được bổ sung từ đầu năm 2017 nhưng vẫn trong tình trạng “làm không hết việc”.
Hiện nay, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật LLTP năm 2009 đang được Bộ Tư pháp xây dựng quy định theo hướng, đối với trường hợp phải xác minh về điều kiện đương nhiên được xóa án tích thì thời hạn là không quá 15 ngày, trường hợp người được cấp Phiếu LLTP là người bị kết án bởi nhiều bản án thì thời hạn không quá 20 ngày, theo Sở Tư pháp Hà Nội là hoàn toàn không khả thi trong thực tế. Từ đó sẽ dẫn tới việc giải quyết hồ sơ quá hạn và bị công dân khiếu nại. Sở Tư pháp Hà Nội đề nghị Bộ Tư pháp xem xét, quy định về thời hạn giải quyết các trường hợp cấp Phiếu LLTP có đương nhiên xóa án tích hợp lý để giảm bớt áp lực về thời hạn cho các Sở Tư pháp, bảo đảm tính khả thi, phù hợp với thực tiễn.