Ấp ủ những mùa trái ngọt

(PLO) - Căn nhà khang trang, chắc chắn, con cái học hành đến nơi đến chốn, rau màu sum suê, có máy gặt để làm ăn… là “bức tranh” đẹp mà anh Thạch Hoài Phong từng không dám mơ. Nhưng, hiện thực đơn giản đó của gia đình anh cũng có thể nằm trong tay như bất kì gia đình bà con Khmer nào ở Trà Vinh, nhờ đồng vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội.
Gia đình anh Thạch Hoài Phong ở ấp Sóc Chùa, xã Thuận Hòa vươn lên thoát nghèo nhờ vốn vay của NHCSXH
Gia đình anh Thạch Hoài Phong ở ấp Sóc Chùa, xã Thuận Hòa vươn lên thoát nghèo nhờ vốn vay của NHCSXH

Nói về nỗ lực vươn lên thoát khỏi đói nghèo, chí thú làm ăn, người dân ở ấp Sóc Chùa, xã Thuận Hòa, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh không ai không biết gia đình anh Thạch Hoài Phong và chị Lê Thị Ngọc Rạng. Năm 1999, khi anh Phong lấy vợ và tách hộ ra ở riêng, tài sản duy nhất mà ba mẹ cho là 500 mét vuông đất vườn. Cuối năm đó, gia đình thêm miệng ăn, anh phải để vợ con lại nhà đi lái máy gặt thuê kiếm thêm thu nhập. Gần chục năm đói nghèo đeo đẳng, công thuê mướn bấp bênh, cuối năm 2007 qua tổ chức hội đoàn thể và Tổ TK&VV vợ chồng anh biết đến NHCSXH.

Với mức vay ban đầu chỉ 4 triệu đồng chương trình cho vay hộ nghèo, lần hồi từng bước đi lên, qua vài lần vay vốn ngân hàng để có tiền thuê đất trồng màu, xóa nhà tạm, dần dần gia đình anh đã thoát nghèo, sửa chữa nhà cửa khang trang hơn, còn vay tiền cho con đi học Trung cấp kỹ thuật và mua được 5.000 mét vuông đất màu vốn phải thuê bấy lâu.  

Khoe với ông Dương Quyết Thắng - Tổng Giám đốc NHCSXH - chiếc máy gặt lúa Kubota còn mới nằm bên hiên nhà, anh Thạch Hoài Phong vui mừng: “Giờ tôi không còn phải đi lái máy thuê nữa. Mua cái máy này 100 triệu đồng, vụ đầu tiên vừa rồi trừ chi phí đi thu được khoảng 30 triệu đồng. Gia đình tôi  luôn cố gắng mỗi ngày, vì những gì chúng tôi có được ngày hôm nay là nhờ sự quan tâm của các cấp lãnh đạo địa phương, các hội đoàn thể và NHCSXH đã tạo điều kiện cho gia đình tôi và nhiều gia đình đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) được vay vốn ưu đãi”.

Trong chuyến khảo sát việc thực hiện các chương trình tín dụng chính sách dành cho đồng bào DTTS tại xã Thuận Hòa, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh tuần vừa rồi, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến và Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng đã nghe nhiều câu chuyện vui, chia sẻ nhiều nụ cười của bà con Khmer tại địa phương, trực tiếp ghi nhận các chính sách đối với hộ đồng bào DTTS, trong đó chính sách cho vay ưu đãi qua NHCSXH đi vào cuộc sống, giúp hộ đồng bào DTTS làm quen với việc vay vốn để sản xuất kinh doanh, tạo thu nhập, qua đó nâng cao trình độ sản xuất kinh doanh và quản lý vốn. Thông qua sử dụng vốn tín dụng chính sách đã tác động làm chuyển biến về nhận thức, giúp đồng bào DTTS tăng dần vị thế trong xã hội.

Đến nay, tại xã Thuận Hòa đang thực hiện 11 chương trình tín dụng chính sách ưu đãi với tổng dư nợ 25 tỷ đồng, thông qua 4 tổ chức chính trị - xã hội thành lập 25 tổ TK&VV với 1.090 thành viên. Chia sẻ với bà con vùng đồng bào DTTS, Tổng Giám đốc NHCSXH đánh giá cao những kết quả đạt được trong công tác triển khai các chương trình tín dụng của xã Thuận Hòa, trong đó nhiều hộ DTTS được hưởng vốn ưu đãi.

Trong tổng số hơn 25 tỷ đồng dư nợ của toàn xã, có 12,5 tỷ đồng là dư nợ của đồng bào DTTS, với 825 hộ đang còn dư nợ, chiếm 50% tổng dư nợ. Đặc biệt, các chương trình cho vay hộ nghèo, cận nghèo, thoát nghèo có dư nợ 5,65 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 34,4%/tổng dư nợ, trong đó hộ vay thuộc diện DTTS là 284 hộ, dư nợ 4,6 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 81,9%.

“Những con số trên cùng với việc Đoàn công tác đến thăm một số hộ vay của xã tại ấp Sóc Chùa đã minh chứng rằng việc triển khai các chương trình tín dụng chính sách xã hội của Thuận Hòa rất hiệu quả. Bên cạnh sự chỉ đạo sát sao của Đảng ủy, chính quyền địa phương, một lần nữa khẳng định, người dân nào có ý thức vươn lên cùng với đồng vốn NHCSXH và mạnh dạn làm ăn, chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả” – ông Dương Quyết Thắng đánh giá.

Ngay trong buổi làm việc với chính quyền và các hội đoàn thể địa phương, ông Dương Quyết Thắng công bố, ngay trong tháng 7 này, NHCSXH sẽ bổ sung cho xã 1 tỷ đồng để cho vay hộ đồng bào DTTS và 3 tỷ đồng cho vay các chương trình hộ nghèo, hộ cận nghèo. “Khi có nguồn vốn của NHCSXH, rất mong lãnh đạo chính quyền, hội đoàn thể địa phương tuyên truyền, hướng dẫn bà con vay vốn sử dụng sản xuất, kinh doanh hiệu quả, qua đó có thêm nhiều hộ thoát nghèo và khá giả”, Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng đề nghị. 

Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Đồng Văn Lâm cho biết, tỉnh này có 3 dân tộc Kinh, Khmer, Hoa sinh sống. Tổng dân số 1,1 triệu người với 274.425 hộ, trong đó hộ dân tộc Khmer 88.289 hộ.

Đến ngày 30/6/2018, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt 2.198 tỷ đồng, tăng 115 tỷ đồng, tăng 5,52 so với năm 2017, hoàn thành 94% kế hoạch năm với 126.865 hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách còn dư nợ. Dư nợ bình quân 17 triệu đồng/hộ. Nợ quá hạn ở mức thấp - khoảng 6 tỷ đồng, là tỉnh có nợ quá hạn thấp trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Đọc thêm