Âu thuyền ô nhiễm như bãi rác

(PLO) -Âu thuyền Thọ Quang (quận Sơn Trà, TP.Đà Nẵng) là nơi neo trú tàu thuyền lớn bậc nhất miền Trung, nhưng môi trường ở đây đang bị ô nhiễm trầm trọng. Hàng tấn rác thải đủ loại nổi lềnh bềnh trên mặt nước, một phần khác bị sóng đánh dạt vào bờ. Mỗi ngày, gần chục lượt công nhân của Công ty Môi trường đô thị Đà Nẵng thu gom và xử lý. Nhưng nay dọn, mai lại đầy. 
Âu thuyền ô nhiễm như bãi rác.
Âu thuyền ô nhiễm như bãi rác.

Rác ngập, nay dọn, mai đầy

Âu thuyền Thọ Quang được TP Đà Nẵng đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng từ năm 2004 với 57ha mặt nước và 25ha mặt đất, đảm bảo an toàn cho tàu cá neo đậu, tránh trú bão. Nhưng gần 12 năm qua, âu thuyền đã rơi vào tình trạng quá tải tàu thuyền. Những ngày mưa bão, âu thuyền Thọ Quang dày đặc tàu cá. Ô nhiễm môi trường cũng vì thế mà tăng đột biến. 

Ngoài ra, nơi này còn là nơi hứng nước thải và mùi hôi từ quá trình sản xuất của nhiều cơ sở chế biến thủy – hải sản cùng với một chợ cá và hàng chục lồng bè nuôi cá. Quy hoạch khu công nghiệp thủy sản tại đây khiến âu thuyền trở thành bãi thải của các doanh nghiệp chế biến thủy sản, khiến tình trạng ô nhiễm càng trở nên nghiêm trọng.

Theo Ban quản lý (BQL) âu thuyền và cảng cá Thọ Quang, công suất thiết kế của âu thuyền chỉ cho phép 500 tàu thuyền neo đậu. Tuy nhiên, khi có mưa bão, số lượng tàu thuyền vào neo trú vượt gấp bốn lần, đến 1.200 chiếc. 

Đà Nẵng hiện có trên 1.000 tàu cá và 500 thúng máy làm nghề khai thác hải sản. Ngoài ra, tàu cá các tỉnh bạn như Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Thừa Thiên - Huế... về Đà Nẵng bán sản phẩm và neo đậu trên địa bàn hơn 400 chiếc.

Mỗi ngày, tại đây có hàng trăm tàu thuyền từ khắp các tỉnh miền Trung về neo đậu. Việc thu mua, chế biến cá ngay tại âu thuyền khiến nước tại đây bị nhiễm bẩn, đổi màu đen, mùi hôi khó chịu.

Lượng rác càng chất chồng khi nhiều ngư dân trên tàu lại “tiện tay” vứt rác thải xuống nước. Họ thừa nhận và cho biết đã… quen với việc thả rác xuống sông. 

Những ngày có nhiều gió, mùi xú uế từ mặt nước khu vực neo đậu tàu thuyền và cảng cá trở thành nỗi ám ảnh với hàng ngàn hộ dân sống ở các tòa chung cư gần đó. Một số hộ dân tổ 40-41 phường Nại Hiên Đông cho biết, ô nhiễm ở khu vực âu thuyền có từ trước khi âu thuyền này được thành lập do thói quen xả rác, phóng uế bừa bãi của một bộ phận dân cư sông nước.

Năm 2004, khi âu thuyền xây dựng xong, ô nhiễm lại tăng thêm do mật độ tàu thuyền neo đậu thường xuyên tăng gấp nhiều lần. Nhất là vào những ngày nắng nóng, thủy triều xuống, mùi xú uế nồng nặc khiến người dân càng thêm khốn khổ.

Mùi hôi ở âu thuyền và cảng cá Thọ Quang không chỉ bám vào áo quần, xộc vào tận bữa ăn của các hộ dân sống dọc bờ Đông sông Hàn mà còn lưu trên quần áo, ba lô của du khách qua lại cầu Thuận Phước. 

Bà Thanh Thị Bích Hồng (52 tuổi, ngụ tổ 40, phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà) tỏ bức xúc: “Tôi ở đây lâu rồi, dù “quen” mùi hôi nhưng không thể chịu được. Đến mùa nắng, cả nhà dọn cơm ra nhưng chẳng buồn cầm đũa vì mùi khó chịu từ âu thuyền xộc vào. Bao nhiêu năm mà cơ quan chức năng vẫn không xử lý được, công nhân dọn hôm nay thì mai rác lại như cũ”.

Có biển cấm nhưng tàu rác thải vẫn xả đầy mặt nước.
Có biển cấm nhưng tàu rác thải vẫn xả đầy mặt nước.

Bài toán nan giải

Ô nhiễm tại âu thuyền Thọ Quang vốn là mối lo của chính quyền Đà Nẵng và người dân từ nhiều năm trước. Nhưng đến nay, tình trạng này vẫn chưa được khắc phục.

Năm 2009, UBND thành phố Đà Nẵng giao cho Công ty TNHH Khoa học Công nghệ Quốc Việt (TP.HCM) xây dựng Trạm xử lý nước thải tập trung ở Khu công nghiệp Dịch vụ Thủy sản Thọ Quang với kinh phí 10 tỷ đồng theo hình thức BOO (đầu tư, kinh doanh, sở hữu). Trạm xử lý này được xây dựng trên diện tích 7.000m2 theo hai giai đoạn với tổng công suất xử lý 5.000m3/ngày đêm. 

Nhưng, từ ngày khánh thành (tháng 7/2010) và đưa vào hoạt động đến nay, Trạm xử lý nước thải này lại thường xuyên gây ô nhiễm môi trường và nhiều lần bị người dân kéo đến phản đối, thậm chí có người còn cắt dây điện, đập phá Trạm không cho hoạt động. 

Đầu tháng 4/2012, Công ty Thoát nước và xử lý nước thải Đà Nẵng tiếp nhận quản lý, vận hành Trạm xử lý nước thải tập trung này từ Công ty Quốc Việt. Sau hai tuần, tình trạng ô nhiễm môi trường ở đây lại tiếp diễn do bị quá tải, vượt chỉ tiêu đầu vào gần bốn lần so với quy định.

Người dân cho rằng, việc kiểm soát xả thải từ các cửa xả của các doanh nghiệp chế biến thủy, hải sản chưa chặt chẽ, gây ô nhiễm nặng nề. Mặc khác, với diện tích gần 60ha, âu thuyền Thọ Quang là một vùng kín, không có dòng chảy lưu thông nên tình trạng ô nhiễm càng trầm trọng.

Ông Mai Mã, Giám đốc Công ty Thoát nước và xử lý nước thải TP.Đà Nẵng cho biết: “Thành phố đã có quyết định khống chế ô nhiễm xả thải của các doanh nghiệp trước khi thải ra hệ thống thu gom để đưa về nhà máy xử lý. Khi khống chế được độ ô nhiễm của các doanh nghiệp thì nhà máy xử lý nước thải không bị xốc thải như những năm trước”. 

Còn theo ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch Hội nghề cá Đà Nẵng, để giải quyết dứt điểm tình trạng trên, nhất định phải quy hoạch lại âu thuyền Thọ Quang theo hướng chuyển cảng cá ra khỏi âu thuyền để hạn chế việc các tàu đánh cá xả thải trực tiếp xuống khu vực này. Cùng với đó, các cấp chính quyền cần có biện pháp xử phạt nghiêm đối với các doanh nghiệp xả thải trực tiếp tại đây.

Hơn một năm trước, chính quyền Đà Nẵng đã tiếp tục đầu tư nâng cấp Trạm xử lý nước thải Sơn Trà với công suất 10.000m3/ngày đêm để giải quyết tình trạng ô nhiễm về lâu dài cho khu vực này. Dự kiến khi công trình này hoàn thành vào khoảng tháng 3, tháng 4/2016, bài toán thu gom, xử lý nước thải tại âu thuyền Thọ Quang sẽ được giải quyết từ 80-90%. 

Vậy nhưng đến nay lượng rác thải vẫn dày đặc, mùi xú uế không hề thuyên giảm. Trước mắt, để xử lý tình trạng ô nhiễm mùi hôi tại đây, công ty đã cho bơm chế phẩm sinh học để khử mùi và cải tạo hồ điều hòa giảm mùi hôi, đồng thời nuôi lại men vi sinh xử lý mùi hôi.

Tuy nhiên, phải mất ít nhất một tháng, men vi sinh mới hoạt động bình thường trở lại. Đây cũng chỉ là giải pháp trước mắt. Về lâu dài phải mở rộng hồ chứa xử lý men vi sinh và tăng cường các máy sục khí tại hồ kỵ khí, như hiện nay là không đảm bảo.

Ngoài các biện pháp trên, còn cần có sự phối hợp đồng bộ trong việc kiểm tra, kiểm soát việc xả thải của các nhà máy và tàu thuyền tại khu vực này./.

Đọc thêm