Vụ án xảy ra từ 13 năm trước. Đó là một chiều cuối năm 2005, bị cáo Nguyễn Thị Mi Mi (SN 1969, ngụ TP Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế) đang ở trong quán Karaoke của mình thì có 2 khách đến uống bia. Sau khi uống bia, hai người đàn ông này yêu cầu Mi gọi cô gái đến để mua dâm. Mi đồng ý, rồi gọi điện cho cô Kim (lúc đó mới 22 tuổi) là gái bán dâm đến quán của Mi tiếp khách. Trong lúc đang liên lạc, thì một phụ nữ tên Minh (năm đó 30 tuổi) là gái bán dâm đến quán Mi. Hai người đàn ông liền rủ Minh vào bàn cùng uống bia.
Một lúc sau, một trong hai người đàn ông thỏa thuận mua bán dâm với Minh. Mi đồng ý rồi sắp xếp cho Minh cùng người đàn ông kia một phòng ở tầng trệt để thực hiện hành vi mua bán dâm. Sau khi Kim đến, Mi lại sắp xếp phòng trên tầng hai cho người đàn ông còn lại để thực hiện hành vi mua bán dâm với Kim.
Tuy nhiên, trong lúc hai đôi nam nữ đang thực hiện hành vi mua bán dâm thì bị lực lượng công an kiểm tra lập biên bản bắt giữ người có hành vi phạm tội quả tang. Đối tượng Mi bị bắt tạm giam vì tội “chứa mại dâm”, sau một tháng tạm giam, Mi được gia đình bảo lãnh ra ngoài.
Đối với hai gái bán dâm, cơ quan chức năng lúc bấy giờ đã xử phạt hành chính với mức phạt là 50 ngàn đồng. Riêng hai đối tượng mua dâm, do khai man địa chỉ nên cơ quan chức năng khi tiến hành xác minh đã không xác định được địa chỉ cụ thể, nên không xử lý được.
Quá trình điều tra, bị cáo Mi còn khai nhận, một tháng trước đó, Mi đã 2 lần gọi Kim đến bán dâm tại quán mình. Mỗi lần chứa mại dâm, Mi thu tiền phòng từ 30 đến 50 nghìn đồng. Tuy nhiên trong quá trình điều tra, bị can Mi lúc đó có dấu hiệu bệnh tâm thần nên cơ quan cảnh sát điều tra công an TP Huế đã ra quyết định trưng cầu giám định pháp y, đề nghị tổ chức giám định tâm thần tỉnh Thừa Thiên - Huế giám định tình trạng của bị can Nguyễn Thị Mi Mi.
Kết quả giám định cho thấy bị can Mi bị “Rối loạn cảm xúc lưỡng cực, hiện tại trầm cảm. Có năng lực trách nhiệm trong thời điểm gây án. Về hiện tại bệnh nhân đang bị bệnh với hội chứng suy nhược giai đoạn trầm cảm, yêu cầu điều trị tại cơ sở y tế chuyên khoa. Mức trách nhiệm hành vi tạm thời để điều trị bệnh”.
Do đó, cơ quan cảnh sát điều tra công an TP Huế đã ra quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án, điều tra bị can đối với bị can Nguyễn Thị Mi Mi với lý do mắc bệnh tâm thần. Sau đó, Viện kiểm sát nhân dân TP Huế đã ra các quyết định bắt buộc chữa bệnh lần 1, lần 2, lần 3 đối với Mi.
Sau thời gian dài chữa bệnh, đến tháng 10/2012 cơ quan chức năng đã ra các quyết định trưng cầu giám định tình trạng tâm thần của bị can Mi. Kết quả giám định lần này cho thấy: “Nguyễn Thị Mi Mi bị rối loạn cảm xúc lưỡng cực. Giai đoạn trầm cảm vừa có các triệu chứng cơ thể. Hiện tại ổn định tốt về tư duy, cảm xúc hành vi. Đề nghị các cơ quan tố tụng tiếp tục xử lý theo luật định”.
Do đó, cơ quan chức năng ra các quyết định đình chỉ việc áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh, quyết định phục hồi điều tra vụ án, điều tra bị can. Nhận thấy nguy cơ lần này có thể sẽ phải ngồi tù thực sự, dù bị cấm đi khỏi nơi cư trú, nhưng bị can vẫn liên tục rời khỏi địa phương. Sau 6 năm nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật, cuối cùng đối tượng cũng bị bắt theo lệnh truy nã.
Lời khai của một cô gái bán dâm
Phiên toà “Chứa mại dâm” do TAND TP Huế tiến hành xét xử sơ thẩm vào một ngày chang chang nắng. Trời đã sang thu, nhưng thời tiết vẫn còn nóng bức. Mới 8h sáng, nhưng ánh nắng đã găn gắt, hắt lên sân tòa. Bất chấp cái nắng chói chang, người thân bị cáo vẫn tập trung hết trên sân tòa, chờ đợi chiếc xe bít bùng chở bị cáo đến.
Bị cáo đã bị tạm giam hơn 1 tháng, vừa bước xuống xe tù, ngước mắt nhìn thấy người thân thì lộp độp rớt nước mắt. Mẹ bị cáo năm nay đã 80 tuổi, bước đi nghiêng nghiêng ngả ngả về phía con, đôi mắt già nua lòe nhòe hơi nước.
Bị cáo nói mình sức khỏe không tốt nên tòa cho phép được ngồi để trả lời các câu hỏi của HĐXX. Tuy nhiên, trước những câu hỏi của tòa về hành vi phạm tội, bị cáo liên tục trả lời lộn xộn, đôi lúc lại bảo không nhớ, không làm.
Tòa hỏi bị cáo, vào năm 2005, bị cáo đang làm gì? Bị cáo Mi khai, thời gian đó mình mở quán Karaoke kinh doanh.
“Trong thời gian kinh doanh, bị cáo có hay gọi gái bán dâm đến bán dâm tại quán bị cáo không?”.
“Dạ không”.
“Không thì làm sao bị cáo bị khởi tố, bị bắt tạm giam?”.
Bị cáo ấp a ấp úng một lúc thì bảo có, nhưng không nhớ rõ.
“Khi bị cáo gọi gái bán dâm đến quán bị cáo bán dâm, bị cáo chưa bị bệnh phải không?”.
“Dạ không, lúc đó bị cáo đã phát bệnh rồi”.
“Nếu bị cáo đã bị bệnh, sao còn biết hành vi thu lợi bất chính từ việc chứa mại dâm mà làm? Bị cáo nhớ rõ lại đi?”.
Do bị cáo liên tục viện lý do mình đau ốm, không nhớ được hành vi gây án năm xưa, nên tòa đã công bố lời khai của những người có liên quan trong vụ án. Lời khai của một gái bán dâm thường được Mi gọi đến quán bán dâm đã thể hiện, chị này làm thợ cắt tóc.
Chị quê ở huyện Hương Trà, về thành phố thuê nhà trọ, tìm mặt bằng để mở quán. Lúc ở trọ, chị này quen một người đàn ông trong gần xóm trọ nên thường đến chơi. Anh này hỏi chị có muốn làm phục vụ quán karaoke không, nên chị gật đầu đồng ý.
Lần đầu tiên được người đàn ông kia chở đến quán Mi để phục vụ, chị lên lầu, vào “phòng karaoke” thì chẳng thấy dàn karaoke, chỉ có một người đàn ông đang nằm ở trên giường nên chị bỏ ra khỏi phòng. Lần thứ 2 đến quán, Mi hỏi chị có muốn “đi khách” không? Lần này chị đồng ý. Mỗi lần “đi khách” sẽ được trả 150 ngàn. Chị trả cho Mi 50 ngàn tiền phòng, còn mình giữ lại 100 ngàn. Theo lời khai của người phụ nữ này, Mi đã nhiều lần gọi chị đến quán karaoke của Mi để bán dâm.
“Chạy trời không khỏi nắng”
Chồng bị cáo đến tòa với tư cách là người giám hộ của bị cáo, đồng thời cũng là người làm chứng trong vụ án. Người đàn ông ấy dáng cao to, nhưng khi trả lời những câu hỏi của tòa thì cứ lí nha lí nhí. Tòa yêu cầu ông nói lớn hơn, nhưng có vẻ ông càng lí nhí những lời nói trong cổ. Theo ông, vợ mình phát bệnh hai năm trước khi bị bắt vào năm 2005. Hồi đó, vợ ông bị rối loạn trầm cảm, rối loạn cảm xúc. Dù đã được chữa chạy, nhưng bệnh tình vẫn kéo dài đến giờ.
Do lo sợ cảnh “ngồi” tù, bệnh tình sẽ chuyển biến xấu hơn, nên hai vợ chồng đã bỏ đi khỏi địa phương, đến xứ khác sinh sống. Ai biết được “chạy trời không khỏi nắng”, cuối cùng vẫn phải hầu tòa. Trong gia đình, bị cáo không phải là người duy nhất bị bệnh tâm thần. Chị ruột của bị cáo trước đây cũng bị bệnh tâm thần, sau đó đã mất. Người chồng đề nghị tòa xem xét, cho vợ mình được “thi hành án bên ngoài”. Theo ông, hiện tại bị cáo vẫn đang phải uống thuốc điều trị tâm thần (điều trị ngoại trú).
Luật sư bào chữa cho bị cáo cho rằng hành vi của bị cáo đã xảy ra quá lâu, tính nguy hiểm cho xã hội không còn. Hiện tại bị cáo cũng không còn gây nguy hiểm cho xã hội nữa. Theo luật sư, hiện tại bị cáo vẫn đang bị bệnh tâm thần và bệnh thoát vị đĩa đệm, sức khỏe không ổn định, ông đề nghị tòa cho bị cáo được tại ngoại để ổn định sức khỏe, đồng thời đề nghị tòa cho bị cáo được hưởng án treo.
Đối đáp lại, viện kiểm sát cho rằng bệnh tâm thần của bị cáo chỉ giảm trách nhiệm hình sự, chứ không phải mất năng lực trách nhiệm hình sự. Về bệnh thoát vị đĩa đệm của bị cáo, theo luật định, không được xếp vào loại bệnh nặng để giảm trách nhiệm hình sự. Hành vi phạm tội của bị cáo đã xảy ra nhiều năm, là do cần thời gian để điều trị bệnh. Theo kiểm sát viên, hành vi của bị cáo cần phải xử phạt tù để đảm bảo tính tuyên truyền pháp luật và tính răn đe trong xã hội.
Theo hội đồng xét xử, bị cáo có năng lực trách nhiệm hình sự, nhận thức được hành vi nguy hiểm nhưng vẫn thực hiện, tuy nhiên xét về nhân thân, gia đình bị cáo là người có công với cách mạng, bản thân bị cáo bị bệnh… do đó tòa quyết định xử phạt bị cáo dưới mức thấp nhất của khung hình phạt. Tòa tuyên bị cáo phải thi hành án 2 năm 3 tháng tù giam. Thời gian bị cáo bị bắt buộc chữa bệnh 3 lần, được khấu trừ trong thời gian thi hành án.