Điều thứ nhất: “Đừng lo lắng về những lỗi lầm ngươi mắc phải. Tất cả chúng đều có thể sửa được”.
Nếu hiểu theo nghĩa tường minh, chẳng phải đó chính là đặc trưng của bút chì đó sao? Nét chì trên giấy có thể dễ dàng xóa đi khi ta sử dụng tẩy. Do vậy, những chữ viết sai bằng bút chì, chỉ cần lấy tẩy mài nhẹ nhiều lần thì sẽ xóa đi được. Nếu hiểu theo nghĩa ẩn, phải chăng câu nói ấy muốn truyền tải tới chúng ta thông điệp: Bất cứ sai lầm và thất bại nào cũng có thể sửa chữa, đừng vì sợ sai mà trốn tránh. Bản chất của cuộc sống con người là vận động hướng đến sự hoàn thiện hoàn hảo, luôn khát khao những vẻ đẹp tận thiện, tận mỹ. Thế nhưng, “Nhân vô thập toàn”, đã là con người thì không ai hoàn hảo cả bởi đó chỉ là sự tương đối. Nếu mãi khắt khe với bản thân, luôn cầu toàn trong mọi việc, chưa chắc ta đã thành công và khẳng định được giá trị của chính mình. Bởi vậy, hãy bao dung với bản thân, cố gắng chấp nhận khiếm khuyết, học cách nỗ lực sửa chữa những thiếu sót. Cơ hội sẽ không bỏ quên những con người biết làm giàu cho trái tim, khối óc và tâm hồn.
Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc ta có thể phạm sai lầm liên tục. Cũng giống như câu chuyện cục tẩy và bút chì. Bút chì viết lên mặt giấy, sai một lần, hai lần thì có thể xóa được. Nhưng cứ sau mỗi lần tẩy, một lớp giấy mỏng cũng theo đó mà bị lột mất. Nếu xóa một vị trí quá nhiều lần, chỗ giấy ấy sẽ chẳng thể viết được nữa. Sai lầm cũng vậy. Sai một lỗi quá nhiều lần thì thật khó chấp nhận. Hãy để sai lầm xuất hiện để đem tới cho ta bài học cùng những trải nghiệm và thay đổi.
Điều thứ hai: “Trên mỗi bề mặt mà ngươi được dùng đến, ngươi phải để lại dấu ấn riêng của mình. Trong bất kì điều kiện làm việc nào, ngươi cũng phải tiếp tục viết”.
Bút chì lưu lại dấu ấn trên trang giấy, tiếp tục viết trong bất cứ hoàn cảnh nào, có chăng cũng giống như con người? Họ đến với thế giới, in dấu trên cuộc đời này bằng việc không ngừng nỗ lực, cố gắng và hoàn thiện. Còn nhớ Puskin - mặt trời của thi ca Nga từng viết: “Nếu nhờ nắng mà lòng sương bớt lạnh/Thì nhờ sương tia nắng mới long lanh”. Nắng chỉ có giá trị khi làm ấm hạt sương; sương chỉ có giá trị khi làm long lanh sắc nắng. Vạn vật trên đời đều mang một sứ mệnh riêng mà tạo hóa đã an bài. Sau khổ đau, loài sâu xấu xí hóa thành cánh bướm xinh đẹp; sau sương gió, hoa nở rộ ngát hương. Và cũng như muôn loài, giá trị con người chỉ được xác định khi biết cách vượt qua nỗi đau, để lại dấu ấn riêng của mình trên từng chặng đường đã qua, để soi rọi và để thấu hiểu người khác.
Vậy nhưng, con người khác bút chì ở chỗ: bút có thể sản xuất hàng loạt, có rất nhiều cái bút cùng loại và những nét chì in trên giấy giống nhau. Còn con người, chúng ta được sinh ra trên cõi đời này với những giá trị đặc biệt không giống với bất cứ một ai. Chính bởi vậy, dấu ấn của mỗi người giữa dòng đời sẽ khác nhau, là những dấu ấn mang đậm bản sắc riêng. Và trước gian nan, thách thức của cuộc đời, sự lựa chọn của mỗi người tất yếu sẽ quyết định dấu ấn người đó lưu lại trên chặng đường đã qua.
Và điều cuối cùng: “Những gì quan trọng nhất, tinh túy nhất và định nghĩa về ngươi luôn là những gì nằm sâu bên trong ngươi”.
Bạn có tin câu nói: “Hữu xạ tự nhiên hương” không? Nhiều người bảo: đã qua rồi cái thời “tiếng lành đồn xa”, chỉ cần là chính bạn, cơ hội sẽ tự tìm tới cửa. Vậy nhưng tôi lại tin, chỉ cần ta có giá trị của riêng ta, thì tự khắc ta sẽ biết nắm lấy thời cơ để bộc lộ chính mình. Cũng giống như: Chỉ cần ta là ánh sáng, ta chắc chắn sẽ tỏa sáng vậy. Trong “Hoàng tử bé” có một câu: “Những gì tốt đẹp nhất đều được cảm nhận bằng trái tim”. Khám phá bản thân, tìm kiếm bản ngã vốn là một hành trình dài, đòi hỏi con người phải có can đảm, có nỗ lực. Khi ta xác định được bản thân thật sự muốn làm gì, muốn là ai, khi ta thật sự hiểu sâu thẳm tâm hồn ta muốn gì, ta mới có thể tự tin bước tiếp, tự tin là chính mình. Nếu ngày ấy, Picasso không vẽ những bức họa, không dấn thân vào sự nghiệp sáng tạo, không hiểu được tài năng của bản thân, thì liệu số tiền cuối cùng để thuê sinh viên đi vào tất cả các cửa hàng tranh hỏi rằng: “Ở đây có bán tranh của Picasso không?” có đạt được hiệu quả? Nếu không định nghĩa được mình muốn gì, mình khao khát làm điều gì, có chăng một hoa hậu Đoàn Thiên Ân sẽ bỏ cuộc sau một khoảng thời gian dài hứng chịu những chỉ trích về hình thể từ cộng đồng mạng? Suy cho cùng, mọi sự tôn trọng, nể phục, mọi hạnh phúc và thành công đều nằm ở bản ngã riêng của mỗi cá nhân.
Nhìn lại câu nói một thời của Lev Tolstoy: “Người ta như một phân số, mà tử số là giá trị thật của người ta, còn mẫu số là giá trị mà người ta tưởng tượng là mình có. Mẫu số càng to thì phân số càng nhỏ. Khi mẫu số là vô cùng tận thì tử số bằng 0”, ta càng có cơ sở để tin rằng:
Là cây bút chì sắc nhọn, hữu ích; hay là loại bút chì mòn đầu gãy cán…
Là người hạnh phúc hay là kẻ thiếu thốn tình yêu…
Nếm vị ngọt của thành quả hay ngậm vị mặn của nước mắt…
Tất cả đều được quyết định từ thái độ của ta đối với chính mình.