Gần 60 năm trước, bố mẹ của ông Đổng Phước Đức (60 tuổi, ngụ phường Phước Trung, TP. Vũng Tàu) khai hoang và mua được 26,65 ha đất tại Long Điền, Phước Tuy (nay phường 11 và 12, TP. Vũng Tàu). Gia đình này sinh sống, canh tác ổn định, không tranh chấp. Thế nhưng đến nay, họ vẫn mỏi mòn chờ được cấp quyền sử dụng đất.
Gian nan đi đòi đất cho mượn
Theo đơn trình bày của ông Đức, ông là đại diện cho 6 người thừa kế là con của ông Đổng Văn Khoái, bà Hứa Thị Khuấn (cả hai đã mất). Năm 1965, cha mẹ ông nhận chuyển nhượng 6,65 ha đất của ông Tăng Văn Sâm, đồng thời khai hoang thêm 20 ha. Những năm đó, bố mẹ ông Đức sinh sống, canh tác và liên tục đóng thuế sử dụng đất. Các biên lai nộp thuế qua các năm gia đình ông vẫn còn lưu giữ.
Từ năm 1978 đến năm 1989, Công ty thực phẩm thuộc Sở Thương nghiệp (thuộc Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo) mượn bố mẹ ông 1,18ha làm trại giết mổ heo. Nội dung mượn đất của gia đình ông cũng đã được lãnh đạo Công ty thực phẩm xác nhận bằng văn bản sau khi mượn đất. Cụ thể, ông Lê Văn Ngạn Phó Giám đốc phụ trách xây dựng cơ bản của công ty viết “Tôi xác nhận Công ty thực phẩm đã nhận và sử dụng 11.800m2 đất của ông Đổng Văn Khoái tại thôn Phước Cơ, phường Phước Thắng, nay là phường 11 thành phố Vũng Tàu theo yêu cầu của UBND Đặc khu Vũng Tàu – Côn Đảo để xây dựng trại heo Phước Cơ”.
Bà Đổng Ngọc Vân (con gái ông Khoái) đang đứng trước phần đất của gia đình |
Trong giấy xác nhận, ông Lê Văn Ngạn cũng nói rõ: phần đất mượn của ông Khoái đang trồng mãng cầu, điều, nhãn… khi công ty mượn đất cũng chưa đền bù (hoa màu) cho gia đình ông Khoái, sau đó Trường quân sự địa phương của tỉnh sử dụng.
Bản xác nhận này năm 1993 đã được Phó Chủ tịch UBND phường 11, TP.Vũng Tàu xác nhận và đóng dấu đỏ với nội dung “Ông Đổng Văn Khoái thường trú tại địa phương, được quyền sử dụng đất của đương sự, lô đất tọa lạc tại Phước Cơ, hiện nay Trường quân sự tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sử dụng. Kính chuyển Ban quản lý đất đai tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu xem xét giải quyết”.
Cũng trong thời gian này, Công an Đặc khu Vũng Tàu Côn Đảo cũng mượn của gia đình ông 3ha để làm Trại giam đối tượng vượt biên. Diện tích đất Công an Đặc khu mượn có trồng cây trái, hoa màu, gia đình ông Đức cũng được đơn vị này hứa hẹn khi nào có đất mới sẽ trả lại đất cho gia đình ông.
Cũng cần nói rõ, sau khi 2 đơn vị nhà nước mượn khoảng 4,18ha đất, phần đất còn lại hơn 20 ha của gia đình cũng không ai được vào canh tác. Bà Vân (con gái ông Khoái) kể, mỗi khi anh chị em trong gia đình vào chăm sóc vườn và thu hoạch trái đều bị những người quản lý nơi này đuổi ra.
Đến năm 1993, do hoàn cảnh gia đình đông anh em nên ông Đức đã gửi đơn đến Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu lúc bấy giờ là ông Nguyễn Minh Ninh để xin trả lại đất. Sau khi gửi đơn, gia đình ông Đức nhận được câu trả lời từ ông Ninh: phải chờ các đơn vị trên tìm được nơi khác để di dời thì mới giải quyết trả lại đất cho gia đình ông. Những năm tiếp theo, gia đình ông Đức tiếp tục gửi đơn đi nhiều nơi kêu cứu trả lại đất nhưng chính quyền vẫn trả lời chưa tìm được đất để các đơn vị trên di dời.
Khi những đơn vị này chuyển đi, gia đình ông Đức tiếp tục gửi đơn kiến nghị mong được cấp quyền sử dụng đất. Thế nhưng nguyện vọng chính đáng trên của gia đình ông Đức không được các cơ quan chức năng giải quyết.
Ở phần đất cho mượn, trên cổng cũ là tấm biển thông báo của Sở Xây dựng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu – Trung tâm quản lý và phát triển nhà ở |
Hiện tại, trên mảnh đất 4,18ha đang bỏ hoang. Phía cổng cũ của trại giam được chính quyền đóng một tấm bảng thông báo “Sở Xây dựng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu – Trung tâm quản lý và phát triển nhà ở. Cơ sở nhà, đất do Nhà nước quản lý”. Theo bà Đổng Ngọc Vân (con gái ông Khoái), trại giam và Trường Huấn luyện quân sự chuyển đi nơi khác và diện tích đất trên vẫn để hoang, chưa sử dụng vào mục đích nào. Tại vị trí này hiện vẫn còn những xác nhà cũ nát, hoang tàn của các đơn vị trên để lại.
Mỏi mòn chờ cấp sổ
Đồng thời trong thời gian này, gia đình ông cũng làm đơn xin được cấp quyền sử dụng đất phần đất hơn 20ha còn lại. Tuy nhiên, hành trình làm thủ tục cấp sổ của gia đình ông Đức cũng không hề suôn sẻ.
“Gia đình tôi cho Công an, cho trại heo mượn tổng cộng 4,18ha đất. Còn lại hơn 20ha, gia đình tôi không bị tranh chấp. Nay những đơn vị kia đã dời đi nhưng các cơ quan chức năng vẫn không cấp “sổ đỏ” cho chúng tôi dù chỉ là một mét vuông. Gia đình tôi mỏi mòn chờ đợi đã hơn 30 năm, nay chúng tôi tiếp tục kêu cứu và rất mong các cấp chính quyền tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu xem xét cho gia đình tôi?”. Ông Đức nói.
Sau nhiều năm đội đơn kêu cứu khắp nơi, gia đình sáu người con của ông Khoái đã được Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội có Văn bản số67/BDN ngày 21/2/2022, chuyển đơn của gia đình ông Đức đến Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Theo Văn bản của Ban Dân nguyện, tỉnh Bà Rịa –Vũng Tàu xem xét, chỉ đạo giải quyết theo thẩm quyền, đúng quy định của pháp luật, trả lời công dân và báo cáo kết quả giải quyết đến Ban Dân nguyện để thực hiện nhiệm vụ giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Sau nhiều năm không sử dụng, phần đất gia đình ông Khoái cho mượn đã hoang hóa |
Sau khi Ban Dân nguyện chuyển đơn, ông Đức cũng nhận được giấy phúc đáp của các cơ quan chức năng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, của thành phố Vũng Tàu và của Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh này.
Sau đó, gia đình ông Đức được Phòng TN–MT thành phố Vũng Tàu hướng dẫn qua Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai thành phố làm hợp đồng đo đạc, xác định lại ranh giới đất để hoàn tất hồ sơ và xin ý kiến xử lý của cấp trên. Sau khi ký hợp đồng đo vẽ, lập hồ sơ địa chính, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai thành phố Vũng Tàu đã cử cán bộ xuống đo đạc kiểm tra thực tế. “Lần đo đầu tiên có UBND phường 12 xác nhận nhưng Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai không trả hồ sơ và thông báo cho đình tôi biết”, ông Đức bức xúc kể.
Lần thứ 3, khi anh chị em trong gia đình tiếp tục nộp đơn, đơn vị này có cử 2 cán bộ về đo vẽ. Tại đây, họ đưa ra tờ bản đồ có 5 hộ và nói là 5 hộ này đã có danh sách trên đất của gia đình tôi. Khi gia đình tôi phản ứng về sự xuất hiện của 5 người lạ trên khu đất thì có 3 người xin rút tên, ông Đức cho biết thêm.
Không lâu sau, gia đình ông Đức tiếp tục đến đến Văn phòng đăng ký đất đai thành phố Vũng Tàu để làm hợp đồng đo vẽ thì bị từ chối với lý do là đất này bị chồng lấn?
Quá bất ngờ với cách trả lời của vị cán bộ trên, ông Đức phản ứng: “Đất của gia đình tôi, sống và sử dụng ổn định gần 60 năm nay, không hề có chuyện chồng lấn hay tranh chấp với ai. Chị gái tôi sinh sống trên mảnh đất này từ hàng chục năm nay không có ai tranh giành hay khiếu nại gì. Tôi rất mong cơ quan chức năng xác minh rõ thửa đất của gia đình tôi chồng lấn với hộ nào và tranh chấp với ai để giải quyết cho gia đình tôi”.
Ông Đức chia sẻ thêm, vào năm 1993 do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên bố mẹ ông có chuyển nhượng lại 4,476 ha cho bà Lê Thị Ánh Vân để cho các con vốn làm ăn. Điều đặc biệt là mảnh đất của bà Vân đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Còn đất của gia đình ông thì lại không. Ngoài chuyển nhượng cho bà Vân, gia đình ông Đức không hề tặng cho hay “bán” thêm cho một ai khác.
Ông Đức tiếp tục khẳng định, từ trước đến nay, chị gái của ông vẫn đang sinh sống, buôn bán, chăn nuôi, trồng trọt ổn định ở khu đất trên. Hàng xóm nơi đây đều biết và xác nhận điều này.
Gia đình khẳng định ranh mốc rõ ràng, UBND phường nói không?
Đem những thắc mắc của gia đình ông Đức trao đổi với lãnh đạo UBND phường 12, TP.Vũng Tàu, chúng tôi được ông Lương Đức Đông (Chủ tịch UBND phường 12) và ông Nguyễn Xuân An (công chức địa chính phường) giải thích là gia đình ông Đức chưa xác định rõ ranh mốc, vị trí của thửa đất. Ông Lương Đức Đông thông tin, vụ việc của ông Đức hiện nay UBND TP.Vũng Tàu đã giao cho Phòng TN-MT tìm hiểu và xử lý ban đầu. Phòng TN-MT cũng đã chỉ đạo đo vẽ đất nhưng hiện nay chưa xong. Theo ông Đông, trong hồ sơ lưu tại phường không thấy vụ việc của gia đình ông Đức trước đây, chỉ có hồ sơ từ năm 2022. Tuy không nhận được đơn của ông Đức nhưng UBND phường cũng có gặp và hướng dẫn ông Đức ký hợp đồng đo đạc.
Ranh mốc của thửa đất vẫn còn sau hàng chục năm gia đình ông Khoái chôn |
Theo công chức địa chính Nguyễn Xuân An, vụ việc hiện đang trong giai đoạn đo đạc lại thửa đất, tuy nhiên gia đình ông Đức chỉ vị trí đất, ranh mốc không chính xác. Cụ thể, nhiều vị trí đã cấp sổ cho người khác hoặc thuộc phần đất do nhà nước quản lý. Ông An cho rằng, đất của gia đình ông Đức ngày xưa ranh mốc không rõ ràng, do vậy cán bộ đo đạc của Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai cùng với phường khi lên đo đất đã không thống nhất ranh giới với gia đình ông Đức nên không tiến hành đo đạc.
Tuy nhiên, phía gia đình ông Đức, bà Vân khẳng định không hề có sự việc ranh mốc không rõ ràng. Đưa chúng tôi đi thực tế xem ranh đất, gia đình bà Vân đã chỉ rất nhiều cột mốc diện vẫn đang còn nguyên và được cắm hàng chục năm về trước. Trên thửa đất gia đình xin cấp sổ không thấy có một căn nhà nào của người khác đã xây dựng và gia đình bà Vân, ông Đức khẳng định khi xác định lại ranh mốc cũng không hề có mâu thuẫn hay chồng lấn ranh với các hộ xung quanh.
Đồng thời, gia đình bà Vân ông Đức đã cung cấp nhiều văn bản, tài liệu đo vẽ đất của gia đình trước đây (do ông Khoái đứng tên) do các cơ quan chức năng thuộc tỉnh Bà Rịa –Vũng Tàu và chế độ cũ đã lập cho gia đình ông Khoái. Đáng chú ý là Bản đồ hiện trạng năm 1993 của gia đình ông Khoái, cán bộ đo vẽ lúc đó tên Vệ Hiệp đã ký. Trên Bản đồ hiện trạng ghi rõ mốc giới, tọa độ phần đất của gia đình.
Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin diễn tiến vụ việc đến bạn đọc