Bà Rịa – Vũng Tàu: Từ chối nhận đào tạo nghề cho bộ đội xuất ngũ vì… hộ khẩu ngoại tỉnh

(PLVN) - Thời gian vừa qua, nhiều học viên thuộc diện thanh niên xuất ngũ khi nộp hồ sơ học nghề trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đều bị các trung tâm đào tạo nghề từ chối với lý do không tiếp nhận học viên có hộ khẩu ngoại tỉnh.
Đào tạo nghề cho thanh niên hoàn thành nghĩa vụ là một chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước (Ảnh: Website Bộ LĐTB&XH)
Đào tạo nghề cho thanh niên hoàn thành nghĩa vụ là một chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước (Ảnh: Website Bộ LĐTB&XH)

Vướng… chủ trương

Theo thông tin từ Sở LĐ TB&XH tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, kể từ thời điểm tháng 09/2018 các trung tâm đào tạo nghề trực thuộc địa bàn tỉnh có yêu cầu không tiếp nhận học viên là bộ đội, công an xuất ngũ, thanh niên tình nguyện hoàn thành nghĩa vụ có hộ khẩu ngoại tỉnh. Theo đó, cũng suốt thời gian qua Sở liên tục tiếp nhận đơn thư của hàng trăm học viên ngoại tỉnh thuộc đối tượng bộ đội xuất ngũ chất vấn nhiều thông tin liên quan đến vấn đề đào tạo nghề cho các học việc có thẻ học nghề là bộ đội, công an xuất ngũ.

Anh Nguyễn Ngọc Bảo (ngụ Xuân Lộc, Đồng Nai) trình bày: “Tôi là bộ đội xuất ngũ, khi ra quân được cấp thẻ học nghề. Theo tôi được biết thì thẻ học nghề được học nghề tất cả các trung tâm đào tạo nghề trên cả nước, nhưng khi tôi đến một trung tâm đào tạo nghề tại thị xã Phú Mỹ, Bà Rịa - Vũng Tàu để đăng ký học nghề theo diện được hỗ trợ đào tạo thì bị các trung tâm từ chối”. 

Tương tự, anh Lương Hùng Dương (ngụ Bình Thuận) sau khi xuất ngũ, anh đến làm việc và đăng ký học nghề tại một số trung tâm dạy nghề trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng bị từ chối. “Thẻ học nghề của tôi được cấp thời hạn 01 năm, bây giờ sắp hết hạn. Nếu đơn vị đào tạo nghề không tiếp nhận thì chúng tôi rất thiệt thòi”.

Trong khi đó, anh Trần Ngọc Thi (ngụ Phú Yên) bức xúc: Hiện tại tôi vừa đi làm vừa đi học, chúng tôi chọn trung tâm đào tạo nghề thuận tiện với công việc để học. Khi xuất ngũ chúng tôi được tư vấn đến bất kỳ trung tâm nào trên cả nước để được đăng ký học nghề miễn phí, nhưng tại sao chúng tôi đăng ký học lại không được tiếp nhận?

Theo các học viên, lý do mà các trung tâm đưa ra là được sự chỉ đạo của UBND tỉnh BR-VT, kể từ ngày 01/09/2018 các trung tâm không nhận bất kỳ hồ sơ học nghề nào của bộ đội, công an xuất ngũ có hộ khẩu ngoại tỉnh.

Trước đó, ngày 29/08/2018 Sở Lao động Thương binh và xã hội tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu ban hành thông báo số 2760/SLĐTBXH-KHTC thông báo về việc tạm ngưng không tiếp nhận đào tạo nghề cho thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, thanh niên tình nguyện có hộ khẩu ngoài tỉnh BR-VT kể đầu từ ngày 01/09/2018.

Thông báo này căn cứ vào thông báo số 444/TB-UBND ngày 20/08/2018 của UBND tỉnh. Lý do tạm ngưng là vì “Nguồn ngân sách địa phương ngày càng khó khăn, hụt thu và thực trạng bộ đội xuất ngũ có hộ khẩu ngoại tỉnh đổ về BR-VT học nghề quá nhiều gây áp lực ngân sách địa phương”.

Sở LĐTB&XH tỉnh BR-VT ra thông báo ngưng nhận đào tạo học viên ngoại tỉnh vì thiếu kinh phí
Sở LĐTB&XH tỉnh BR-VT ra thông báo ngưng nhận đào tạo học viên ngoại tỉnh vì  thiếu kinh phí 

Không tiếp nhận vì không có kinh phí 

Trước đây, chính sách hỗ trợ đào tạo nghề miễn phí cho thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự do Bộ Quốc phòng đảm nhận và cấp, hỗ trợ kinh phí đào tạo.

Tuy nhiên, sau khi Nghị định số 61/2015/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 9-7-2015 quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm, có hiệu lực từ ngày 1-9-2015, việc chi trả kinh phí đào tạo nghề không do Bộ Quốc phòng đảm nhận mà chuyển sang Bộ Lao Động – Thương binh và xã hội. 

Theo ông Nguyễn Văn Thường – Giám đốc trung tâm đào tạo nghề Thái Bình Dương (BR-VT) thì từ khi Bộ Lao Động – Thương binh và xã hội triển khai Nghị định 61/2015/NĐ-CP thì xảy ra tình trạng vướng trong vấn đề cấp kinh phí đào tạo.

Tại điểm 4, Điều 3 của Thông tư 43/2016 về việc hướng dẫn thực hiện Nghị định 61 của Chính phủ nêu rõ, nguồn kinh phí hỗ trợ đào tạo nghề trình độ sơ cấp qua thẻ cho thanh niên do ngân sách trung ương và ngân sách địa phưởng bảo đảm, được bố trí trong dự toán chi thường xuyên, được giao hàng năm của bộ, ngành, cơ quan trung ương, địa phương theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước. Hằng năm, nguồn kinh phí do ngân sách trung ương bảo đảm nếu thiếu, các bộ, ngành, cơ quan trung ương, địa phương báo cáo Bộ Tài chính để giao bổ sung kinh phí thực hiện.

Từ đó, nhiều trung tâm đào tạo nghề đã phải tự mình trang trải kinh phí trong khi chờ ngân sách rót về. Cụ thể, trong thời điểm trước tháng 09/2018 trung tâm đào tạo nghề Thái Bình Dương đã tiếp nhận và đào tạo 215 học viên ngoại tỉnh nhưng vẫn chưa được hoàn trả kinh phí. Từ thời điểm 9/2018 đến nay, chúng tôi đã tiếp nhận hơn 200 hồ sơ của thanh niên xuất ngũ ngoại tỉnh nhưng chỉ lập danh sách và để đó và chờ vì không có kinh phí để đào tạo”. 

Trong khi đó, một đại diện trung tâm đào tại sát hạch lái xe Hải Vân cho biết, hiện trung tâm cũng chỉ tiếp nhận học viên có hộ khẩu trong tỉnh BR-VT, các học viên ngoại tỉnh chúng tôi phải hướng dẫn họ liên hệ đến cơ quan chức năng để được giải đáp hoặc đến các trung tâm đào tạo nghề khác…

Theo một lãnh đạo Sở Lao động thương binh và xã hội tỉnh BR-VT, thời gian qua, các trung tâm dạy nghề trên địa bàn tỉnh BR-VT tiếp nhận và đào tạo đến khoảng 50% học viên có hộ khẩu ngoại tỉnh. “Chính sách hỗ trợ và đào tạo việc làm miễn phí cho thanh niên xuất ngũ là một chủ trương đúng đắn và hợp lý. Do đó, quan điểm của Sở là không phân biệt học viên có hộ khẩu trong tỉnh hay ngoài tỉnh. Điều quan trọng nhất là triển khai chủ trương chính sách một cách thuận tiện nhất, phù hợp nhất và nhanh nhất đến với các đối tượng được thụ hưởng. Tuy nhiên, do nguồn kinh phí của tỉnh hạn hẹp, để tránh xảy ra tình trạng ùn ứ như thời gian vừa qua Sở phải thực hiện đúng chủ trương của UBND tỉnh”.

Hỗ trợ đào tạo nghề cho bộ đội xuất ngũ là chủ trương, chính sách đúng của Đảng, Nhà nước nhằm giúp cho thanh niên sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, tạo công ăn việc làm, sớm ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, việc thực hiện vẫn còn nhiều bất cập dẫn đến còn nhiều vướng mắc, thiếu sót nhất là sau khi triển khai Nghị định 61/2015/NĐ-CP. Thiết nghĩ, Bộ Lao động thương binh và xã hội và các cơ quan chức năng cần tiếp thu ý kiến từ các địa phương, chấn chỉnh kịp thời những thiếu sót, triển khai chủ trương chính sách của Nhà nước một cách kịp thời. 

Đọc thêm