Mới đây, Báo PLVN có loạt bài viết phản ánh, hiện tượng “bảo kê” cho doanh nghiệp chiếm dụng 2 bên ven sông Hữu Thương (địa phận xã Tân Tiến và xã Đồng Sơn, TP Bắc Giang) để tập kết than, cát, sỏi, trái phép, vi phạm Luật Đê điều và Luật phòng, chống thiên tai rất nghiêm trọng, kéo dài gây bức xúc cho người dân.
Như một số cá nhân và tổ chức mà Báo Pháp luật Việt Nam đã phản ánh về những vi phạm lớn trong những bài viết trước, dù, Hạt quản lý đê thành phố Bắc Giang đã liên tiếp lập các biên bản vi phạm, báo cáo cơ quan cấp trên và UBND thành phố Bắc Giang đề nghị xử lý, nhưng không hiểu lý do gì mà những đề xuất của Hạt quản lý đê lại không được cơ quan có thẩm quyền thực thi.
Những sai phạm lớn “hiên ngang” tồn tại thời gian dài, thách thức người dân và pháp luật như thế, khiến người dân nghi ngờ có “bàn tay to” che cả bầu trời Bắc Giang?
Trao đổi với phóng viên, ông Lê Thành Chung, Chi Cục trưởng Chi Cục thủy lợi, tiết lộ, “các đối tượng hoạt động về lĩnh vực than, cát, sỏi rất “manh động”, cán bộ xuống kiểm tra, lập biên bản vi phạm về san lấp bãi sông, bơm cát, chiếm dụng đất ven sông Hữu Thương còn bị một số bến bãi, doanh nghiệp đe dọa.
Lợi ích thu lợi từ than, cát, sỏi rất lớn nên họ bất chấp, trong khi quy định mức xử phạt số tiền vi phạm lại rất nhỏ. UBND tỉnh phải quyết liệt trong việc chỉ đạo, xử lý thì mới dẹp được các doanh nghiệp, Công ty hoạt động phi pháp”.
Được biết, tháng 2/2020, Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì, dẫn đoàn kiểm tra và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về đê điều theo sự chỉ đạo của UBND tỉnh Bắc Giang và Bộ Nông nghiệp và PTNT và báo cáo kết quả thực hiện kiểm tra. Song, những hộ gia đình cá nhân hoạt động nhỏ lẻ vi phạm, thì đoàn kiểm tra phát hiện, đề xuất xử lý triệt để, còn một số Công ty, doanh nghiệp có nhiều vi phạm lớn liên quan đến đất đai, môi trường, xây dựng. Đặc biệt, có vi phạm Luật Đê điều và Luật phòng, chống thiên tai nghiêm trọng thì lại “bỏ lọt”, trong đó Công ty TNHH bến bãi Đông Sơn là một điển hình.
Khi phóng viên nêu một số Công ty, doanh nghiệp có sai phạm lớn về đất đai, vi phạm đê điều, nhưng lại không bị “sướng tên” trong văn bản báo Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang để xem xét xử lý, ông Nguyễn Văn Dĩnh, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho rằng: “Tôi dẫn đoàn kiểm tra chỉ đi kiểm tra được một số địa điểm chứ không kiểm tra được hết. Danh sách cá nhân, doanh nghiệp vi phạm được UBND các huyện và thành phố đưa lên Sở tổng hợp và báo cáo UBND tỉnh”.
Theo như lời giải thích của ông Dĩnh, thì đoàn kiểm tra chưa làm hết trọng trách được giao theo đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và PTNT và UBND tỉnh Bắc Giang, bởi kết quả thực hiện việc kiểm tra còn phụ thuộc vào cơ quan cấp dưới và chính quyền địa phương sẽ không được đầy đủ, chính xác.
Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Văn Dĩnh cho rằng, “phải lập đoàn thanh tra mới kiểm tra kỹ được các vi phạm, còn đây là đoàn kiểm tra nên không thể làm được hết các bến bãi và kiểm tra được kỹ”.
Như vậy, văn bản báo cáo số 78 của Sở Nông nghiệp và PTNT cần được UBND tỉnh Bắc Giang xem xét, cho kiểm tra, thanh tra lại thì mới đánh giá được đúng tính chất, mức độ vi phạm của một số doanh nghiệp hiện nay, tránh để tài nguyên đất, khoáng sản Quốc gia rơi vào nhóm lợi ích.
Khi hỏi về vấn đề trách nhiệm của những cá nhân, đơn vị, UBND cấp xã, huyện, thành phố để xảy ra những vi phạm về đê điều trong thời gian dài, nhưng không thấy Sở nêu rõ trách nhiệm và hình thức xử lý, ông Nguyễn Văn Dĩnh chỉ im lặng.
Năm 2019, Thủ tướng Chính phủ có Chỉ thị số 24 về việc tăng cường xử lý vi phạm pháp luật về đê điều. Bộ Nông nghiệp và PTNT đã có văn bản gửi UBND các tỉnh có đê kiểm tra và xử lý dứt điểm các hành vi vi phạm pháp luật về đê điều trong đó có UBND tỉnh Bắc Giang, vậy thời gian tới UBND tỉnh Bắc Giang sẽ đưa ra quyết sách gì để xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.
Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin.