Tại dự án Thực hiện LCKT đo đạc, chỉnh lý bản đồ, xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính đất lâm nghiệp 10 xã, thị trấn trên địa bàn huyện Ba Bể. Năm 2014, UBND huyện Ba Bể chỉ định thầu cho Trung tâm Nghiên cứu lâm nghiệp vùng núi phía Bắc (nay là Viện Nghiên cứu và Phát triển lâm nghiệp - Trường Đại học Nông - Lâm Thái Nguyên) lập LCKT đo đạc, chỉnh lý bản đồ, xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính đất lâm nghiệp 10 xã, thị trấn trên địa bàn. Tuy nhiên, trung tâm này chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép đo đạc bản đồ, lập hồ sơ địa chính.
Thực trạng đó dẫn đến sản phẩm là bản đồ, hồ sơ địa chính chưa được Sở TN&MT kiểm tra, xác nhận, dẫn đến không nghiệm thu, quyết toán dự án. Do đó, hồ sơ địa chính không đủ cơ sở bàn giao, đưa vào quản lý sử dụng theo quy định. Dù chưa được nghiệm thu, quyết toán nhưng UBND huyện Ba Bể đã thanh toán 7.590.779.000 đồng (98,69% tổng kinh phí thực hiện) cho các đơn vị liên quan. Số tiền này hiện nay không có khả năng thu hồi, gây thất thoát lớn cho ngân sách Nhà nước.
Thời điểm Ban Thường vụ Huyện uỷ Ba Bể nhiệm kỳ 2010-2015 và 2015-2020 để xảy ra sai phạm trên, bà Đỗ Thị Minh Hoa (hiện là Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn) giữ chức vụ Chủ tịch UBND huyện, sau đó là Bí thư Huyện uỷ Ba Bể là người chịu trách nhiệm chính. Thế nhưng, khi ban hành kết luận xử lý cán bộ, đảng viên, UBKT Tỉnh uỷ chỉ yêu cầu rút kinh nghiệm với vị lãnh đạo này.
Việc ban hành kết luận xử lý cán bộ như trên đang gây bức xúc trong nhân dân và cán bộ công chức của tỉnh. Một số người cho rằng, cũng trong thời điểm này, UBKT tỉnh uỷ đã ban hành quyết định thi hành kỷ luật với một số cán bộ khác của tỉnh, mặc dù mức độ, tính chất vi phạm không quá nghiêm trọng, không gây thiệt hại lớn như vi phạm của tập thể lãnh đạo huyện Ba Bể nhiệm kỳ 2010 – 2015 và 2015 – 2020. Đặc biệt, với một vùng có điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn như huyện Ba Bể thì số tiền 7 tỷ đồng là rất lớn, sai phạm này không phải là nhỏ. Nhiều người cho rằng có sự bao che, dung túng, hợp thức hoá các sai phạm nghiệm trọng trên từ lãnh đạo tỉnh đối với tập thể lãnh đạo huyện Ba Bể trong thời kỳ này.
Cụ thể, với những sai phạm ở mức không quá nghiêm trọng diễn ra tại huyện Bạch Thông trong việc thực hiện dự án bố trí dân cư khẩn cấp và đặc biệt khó khăn tại thôn Nà Tu, xã Cẩm Giàng, để bố trí ổn định cho các hộ dân trong vùng nguy cơ đá lở ở thôn Cáng Lò, xã Nguyên Phúc thì các lãnh đạo địa phương này đều phải nhận hình thức kỷ luật nhẹ nhất là từ khiển trách, người nặng hơn thì cảnh cáo.
Hoặc với trường hợp xử lý kỷ luật một vị lãnh đạo UBND thành phố Bắc Kạn với những khuyết điểm không quá lớn trong việc ký cấp GCNQSDĐ cho một cá nhân tại Thị xã Bắc Kạn cũ, nhưng lại bị kỷ luật ở mức cảnh cáo.
Trong khi đó, việc hơn 6.213 GCNQSDĐ đã được cấp cho các hộ dân tại các xã Hà Hiệu, Chu Hương và Yến Dương, huyện Ba Bể nhưng lại không có giá trị pháp lý, không thể sử dụng, gây thất thoát ngân sách hơn 7 tỉ đồng, thì người chịu trách nhiệm chính lại chỉ bị yêu cầu rút kinh nghiệm.
Bên cạnh đó, việc UBKT Tỉnh uỷ Bắc Kạn cho rằng Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đỗ Thị Minh Hoa, trong thời gian giữ chức vụ Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện, Bí thư Huyện ủy Ba Bể, có phần trách nhiệm trong việc này nhưng nguyên nhân chủ yếu do khách quan, chưa phát hiện có vụ lợi cá nhân do vậy không xem xét kỷ luật, chỉ yêu cầu rút kinh nghiệm phải chăng là chưa thực sự khách quan, trung thực, xử lý đúng người, đúng nội dung sai phạm?