Bắc Kạn: Điều tra vụ việc phá nhiều ha rừng tại Chợ Đồn

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Hình ảnh phóng viên ghi nhận ngày 3/11/2022 tại khu Khuổi Giang, thôn Phả, xã Đồng Lạc, huyện Chợ Đồn (Bắc Kạn) cho thấy, một số khoảnh rừng tự nhiên bị phá.
Khoảnh rừng bị biến thành nương lúa tại khu Khuổi Giang, thôn Phả, xã Đồng Lạc.
Khoảnh rừng bị biến thành nương lúa tại khu Khuổi Giang, thôn Phả, xã Đồng Lạc.

Theo lời một người dân địa phương, sau khi phát xong, các đối tượng còn phải chờ đợi hàng tháng cây cối mới khô để đốt, sau đó còn thời gian dọn dẹp sạch để trồng lúa nương, hoặc trồng lẫn các loại cây lấy gỗ khác, chứ không phải chớp nhoáng có thể hủy hoại trên diện tích lớn như vậy.

Nghi vấn để qua mặt cơ quan chức năng, các đối tượng chỉ phát quang phía dưới để lại một số ít cây to rồi đốt cháy hàng loạt. Một diện tích lớn rừng đã bị phá, cây rừng các loại bị đốt cháy, phần chết đứng, phần chất đống hoặc vứt rải rác dọc bìa rừng.

Theo quan sát, tính từ phía giáp ranh mỏ quặng sắt Pù Ổ trở lại thì nhiều diện tích rừng đang trong giai đoạn hồi sinh sau cơn hỏa hoạn. Ông Nông Văn Thẩm, Chủ tịch UBND xã Quảng Bạch, cho biết: “Đúng là trước đây chỗ này là của xã tôi, nhưng nay thuộc về thôn Phả, xã Đồng Lạc. Vừa qua công dân bên xã Quảng Bạch có sang phát phá rừng phòng hộ bên đó và hiện đang bị điều tra với diện tích phát phá hủy hoại mấy ha”.

Gỗ xếp thành đống tại hiện trường vụ phá rừng.

Gỗ xếp thành đống tại hiện trường vụ phá rừng.

Ông Tiến Mạnh, Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm phụ trách khu vực các xã Đồng Lạc, Quảng Bạch cho biết thêm: “Đây là rừng phòng hộ được giao UBND xã Đồng Lạc quản lý. Vụ việc phát phá hơn 2ha rừng phòng hộ tại thôn Phả có danh sách, tên tuổi, địa chỉ những người tham gia kèm theo, đã được chuyển sang cơ quan công an xác minh, củng cố hồ sơ để khởi tố”.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch UBND xã Đồng Lạc, xác nhận: “Đúng là ở khu Khuổi Giang Phả có xảy ra tình trạng phá rừng phòng hộ, nhưng không đến con số ha, chỉ mấy nghìn m2 thôi”.

Sau khi PV cho rằng những hình ảnh cho thấy diện tích lớn hơn nhiều, ông Tuấn nói mỗi người dân trong vụ này phát phá mấy nghìn m2 cộng lại được hơn 2ha, hiện vụ việc đang được công an xác minh xử lý.

PV đặt câu hỏi trên địa bàn xã hiện có bao nhiêu vụ hủy hoại rừng phòng hộ, được phát hiện từ khi nào, trách nhiệm của UBND xã trong công tác quản lý bảo vệ rừng ra sao, vì sao đất rừng đang trong giai đoạn bị xử lý mà một số người vẫn sử dụng trồng lúa nương và mở rộng đường vào để thu hoạch?

Ông Tuấn cho hay: “Trước đó tại xã Đồng Lạc xảy ra nhiều vụ phá rừng. Gần đây và nổi cộm nhất nhất là ở thôn Nà Áng, một đối tượng đã gây ra vụ hủy hoại rừng phòng hộ diện tích gần 28 nghìn m2 và nhiều m3 gỗ. Còn khu Khuổi Giang, thôn Phả thì tôi không nắm rõ diện tích cụ thể. Thông thường người dân hay phát vào cuối năm nên tôi đoán khả năng họ phát phá vào thời điểm giáp Tết đầu tháng 1/2022 hoặc tháng 12/2021.Khi phát hiện, chúng tôi đã yêu cầu khắc phục hậu quả bằng cách trồng lại rừng. Do thiếu đất canh tác nên người dân vẫn gieo lúa nương trên diện tích đất rừng phòng hộ này”.

Ông Tuấn nêu một loạt những khó khăn, vướng mắc trong quản lý bảo vệ rừng tại địa phương nhưng không nhắc tới việc phát hiện muộn, biện pháp khắc phục và xử lý ra sao dẫn đến mất rừng diện rộng, để xảy ra nhiều vụ án hình sự liên quan hủy hoại rừng trên địa bàn mình quản lý./.

Đọc thêm