Nhiều vi phạm
Dự án trục đường chính 27m tại huyện Pác Nặm; dự án Luận chứng kinh tế (LCKT) đo đạc, chỉnh lý bản đồ, xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính đất lâm nghiệp 10 xã, thị trấn trên địa bàn huyện Ba Bể; quyết định cho thuê đất của huyện Ba Bể đối với bà Hoàng Thị Ấp là ba trong số các sai phạm tiêu biểu trong thời gian vừa qua xảy ra tại huyện Pác Nặm và Ba Bể của tỉnh Bắc Kạn.
Các sai phạm này đã được nhiều cơ quan báo chí phản ánh trong suốt một thời gian dài. Một số cơ quan chức năng của tỉnh Bắc Kạn cũng đã vào cuộc xem xét và đề xuất xử lý. Tuy nhiên, điều lạ là đến này, vị cán bộ trực tiếp liên quan đến các sai phạm này là ông Lưu Quốc Trung – Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Bể vẫn “bình an vô sự”.
Cụ thể, đối với Dự án trục đường chính 27m tại huyện Pác Nặm, ông Lưu Quốc Trung lúc đó là Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Kạn là người trực tiếp ban hành Văn bản số 55/STNMT-TNĐ ngày 20/4/2015 đề xuất với UBND tỉnh Bắc Kạn chấp thuận chủ trương cho UBND huyện Pác Nặm giao đất có thu tiền sử dụng đất theo hình thức không qua đấu giá quyền sử dụng đất cho các hộ gia đình, cá nhân có đất liền kề mặt đường 27m.
Dựa trên đề xuất này, UBND huyện Pác Nặm đã ban hành Quyết định số 1243/QĐ-UBND ngày 22/6/2016 giao đất trái quy định cho hàng chục hộ dân và cá nhân có đất liền kề mặt đường 27m.
Đề xuất này của Sở TN&MT tỉnh Bắc Kạn là không đúng quy định, không đúng thẩm quyền, dẫn tới khiếu kiện kéo dài. Hậu quả của việc này là rất lớn khiến nhiều người bị thiệt hại. Thậm chí để xử lý hậu quả, trong Báo cáo số 106 của Sở TN&MT tỉnh Bắc Kạn ngày 24/5/2019, Sở này còn đề xuất xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ xem xét giải quyết.
Nhiều sai sót khi thực hiện Dự án trục đường chính 27m tại trung tâm huyện Pác Nặm được làm rõ |
Còn tại dự án Thực hiện LCKT đo đạc, chỉnh lý bản đồ, xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính đất lâm nghiệp 10 xã, thị trấn trên địa bàn huyện Ba Bể. Năm 2014, UBND huyện Ba Bể chỉ định thầu cho Trung tâm Nghiên cứu lâm nghiệp vùng núi phía Bắc (nay là Viện Nghiên cứu và Phát triển lâm nghiệp - Trường Đại học Nông - Lâm Thái Nguyên) lập LCKT đo đạc, chỉnh lý bản đồ, xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính đất lâm nghiệp 10 xã, thị trấn trên địa bàn. Tuy nhiên, trung tâm này chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép đo đạc bản đồ, lập hồ sơ địa chính.
Thực trạng đó dẫn đến sản phẩm là bản đồ, hồ sơ địa chính chưa được Sở TN&MT kiểm tra, xác nhận, dẫn đến không nghiệm thu, quyết toán dự án. Do đó, hồ sơ địa chính không đủ cơ sở bàn giao, đưa vào quản lý sử dụng theo quy định. Dù chưa được nghiệm thu, quyết toán nhưng UBND huyện Ba Bể đã thanh toán 7.590.779.000 đồng (98,69% tổng kinh phí thực hiện) cho các đơn vị liên quan. Số tiền này hiện nay không có khả năng thu hồi, gây thất thoát lớn cho ngân sách Nhà nước.
Ngoài trách nhiệm chính của lãnh đạo UBND huyện thời kỳ đó là bà Đỗ Thị Minh Hoa (hiện là Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn) trong thời gian giữ chức vụ Chủ tịch UBND huyện, Bí thư Huyện ủy Ba Bể, thì một số cá nhân khác như ông Lưu Quốc Trung (Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Bắc Kạn) thiếu trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ dẫn đến việc ký quyết định điều chỉnh LCKTKT và ký quyết định điều chỉnh GCNQSDĐ cho người dân không đúng quy định.
Ngoài 2 sai phạm khi ông Trung công tác tại Sở TN&MT tỉnh Bắc Kạn kể trên, thì 2017, ông Trung là Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Bể đã có quyết định về việc giao 15ha đất trong khu dự án tái định cư thôn Đồn Đèn, huyện Ba Bể cho bà Hoàng Thị Ấp khiến dư luận nơi đây không khỏi bức xúc. Nhiều người dân cho rằng, việc giao đất này là không đúng hạn mức, sai các quy định của Luật Đất đai, Luật Đầu tư và Luật Đấu thầu.
Tuy nhiên, sau nhiều năm gửi đơn tới các cấp chính quyền yêu cầu giải quyết việc giao đất này, lãnh đạo huyện Ba Bể cũng như tỉnh Bắc Kạn vẫn chưa có câu trả lời thoả đáng cho người dân.
Cần xử lý nghiêm
Việc lãnh đạo UBND huyện Pác Nặm và Ba Bể trong nhiệm kỳ 2010 – 2015 và 2015 – 2020, ông Lưu Quốc Trung và các cá nhân, tổ chức tiến hành tham mưu để xảy ra vi phạm như trên cần được các cơ quan chức năng của tỉnh Bắc Kạn xem xét xử lý một cách nhanh chóng và chính xác, đảm bảo khách quan.
Thực tế đã hơn 1 năm kể từ ngày Sở TN&MT tỉnh Bắc Kạn có Báo cáo gửi lãnh đạo tỉnh về việc nêu rõ các sai phạm trong việc triển khai dự án trục đường chính 27m tại xã Bộc Bố (huyện Pác Nặm). Thế nhưng, đến nay việc xử lý giải quyết các sai phạm, cá nhân và tổ chức có liên quan vẫn chưa được thực hiện.
Còn tại sai phạm trong thực hiện Dự án LCKT tại huyện Ba Bể, không biết vô tình hay cố ý mà một số cơ quan có sự nhầm lẫn giữa sai phạm và khuyết điểm. Sai phạm khác hoàn toàn với khuyết điểm. Nếu chỉ là khuyết điểm thì có thể rút kinh nghiệm. Nhưng đã là sai phạm, vi phạm thì dứt khoát phải xử lý, hình thức thấp nhất là khiển trách, cảnh cáo, cách chức, khai trừ Đảng, chứ không thể là rút kinh nghiệm.
Thế nhưng, khi ban hành kết luận xử lý cán bộ, đảng viên, Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Tỉnh ủy chỉ yêu cầu rút kinh nghiệm với một số lãnh đạo huyện Ba Bể nhiệm kỳ 2010 – 2015 và 2015 – 2020 và ông Lưu Quốc Trung. Việc ban hành quyết định xử lý cán bộ như trên đang gây bức xúc trong nhân dân và cán bộ, công chức của tỉnh. Một số người cho rằng, UBKT Tỉnh ủy ban hành quyết định kỷ luật như vậy là không nghiêm khắc, có sự bao che, dung túng, hợp thức hóa các sai phạm nghiêm trọng trên từ lãnh đạo tỉnh đối với một số lãnh đạo huyện Ba Bể trong thời kỳ này và ông Lưu Quốc Trung.
Để đáp ứng mong mỏi của dư luận và cử tri tỉnh Bắc Kạn, rất mong các cơ quan chức năng của tỉnh Bắc Kạn và UBKT Trung ương sớm vào cuộc, có phương hướng giải quyết dứt điểm, khắc phục những hậu quả do sự buông lỏng, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng của các cán bộ này gây ra. Cùng với đó, có biện pháp xử lý nghiêm những sai phạm của cá nhân, tập thể vi phạm.