Tự nguyện bán xe
Theo phản ánh của anh Phạm Ngọc Vinh (trú tại xã Dũng Liệt, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh), anh mua chiếc xe Toyota Innova BKS 14P-4965 của anh Nguyễn Thế Mạnh (SN 1983, trú phường Quảng Yên, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh) với giá 360 triệu đồng. Tuy nhiên, do không mang đủ giấy tờ nên anh Mạnh nhận trước 300 triệu đồng và hai bên thỏa thuận khi nào anh Mạnh đưa đủ giấy tờ thì anh Vinh trả nốt 60 triệu đồng.
“Việc mua bán xe với anh Mạnh là tự nguyện thỏa thuận, công khai, minh bạch, có hợp đồng và không bên nào lừa dối hay ép buộc bên nào. Anh Mạnh đã nhận đủ số tiền 360 triệu đồng vào ngày 6/1/2016 và trao xe cùng toàn bộ giấy tờ cho tôi. Việc mua bán còn có anh Nguyễn Văn Chương làm chứng. Vậy mà khoảng 13h30 phút ngày 13/1/2016, anh Quyền (Công an tỉnh Bắc Ninh)
vẫn mời tôi lên làm việc (không có văn bản giấy tờ gì). Khi đến nơi còn có anh Bình, anh Cường và anh Hoàng đã ép tôi phải giao nộp chiếc xe ô tô Innova mà tôi mua đã của anh Mạnh. Tôi đề nghị gặp anh Mạnh để làm rõ việc mua bán nhưng không được chấp nhận và còn bị anh Cường đe dọa là đang tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có, sẽ bị phạt tù 5-10 năm. Đến 15h, anh Hoàng còn thu giữ điện thoại Nokia của tôi (cũng không có biên bản)... khiến tôi vô cùng hoảng loạn”- anh Vinh cho biết.
Cũng theo anh Vinh, đến khoảng 14h ngày 14/1/2016, anh còn bị anh Hoàng, anh Cường và anh Quyền dùng súng áp giải đến nơi gửi xe ô tô tại Đông Anh, Hà Nội để thu giữ chiếc xe. “Do tôi không giao nộp giấy tờ, nên khoảng 13h30’ ngày 16/1/2016, anh Thi là Công an tỉnh Bắc Ninh đến nhà tôi đọc lệnh triệu tập và áp giải tôi lên CQĐT Công an tỉnh Bắc Ninh để ép tôi phải giao nộp toàn bộ giấy tờ chiếc xe Innova (nhưng cũng không lập biên bản)”, anh Vinh phản ánh.
Khuất tất chiếc xe Innova bị coi là vật chứng!?
Không đồng ý với việc Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bắc Ninh triệu tập, lấy lời khai, thu giữ giấy tờ, xe Innova và điện thoại di động, anh Vinh đã có đơn khiếu nại. Ngày 4/1/2017, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bắc Ninh đã có Quyết định (số 05/QĐ-CQĐT (PC44) giải quyết khiếu nại cho rằng, khiếu nại của anh Vinh không có căn cứ và không đúng.
CQĐT cho rằng, quá trình điều tra xác định: Anh Nguyễn Thế Mạnh bị các đối tượng dùng thủ đoạn chơi bài “bịp” dẫn đến thua phải vay nợ số tiền 300 triệu đồng, buộc anh Mạnh phải bán chiếc xe ô tô cho anh Phạm Ngọc Vinh. Hợp đồng mua bán xe ô tô giữa anh Mạnh và anh Vinh được ký kết phát sinh xác lập giao dịch dân sự giữa hai bên, nhưng giao dịch này vô hiệu do anh Mạnh bị ép buộc. Như vậy, trong vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” này, anh Mạnh là người bị hại và chiếc xe ô tô Innova BKS 14P-4965 mà anh Mạnh bị ép buộc để bán cho anh Vinh là tang vật của vụ án. Anh Mạnh là chủ sở hữu hợp pháp của chiếc xe ô tô trên và cũng đã tự nguyện giao nộp cho cơ quan điều tra số tiền 60 triệu đồng mà anh Vinh chi trả tiền mua xe ô tô vào ngày 6/1/2016. Ngày 18/7/2016, Cơ quan CSĐT (PC45) Công an tỉnh Bắc Ninh đã ra quyết định xử lý vật chứng trả lại chiếc xe ô tô BKS 14P-4965 cùng giấy tờ liên quan đến chiếc xe cho anh Mạnh là đúng quy định của pháp luật. Chiếc điện thoại Nokia 108 màu đen đã tạm giữ của anh Vinh được CQĐT chuyển theo vụ án phục vụ truy tố, xét xử. Đối với số tiền anh Vinh đã bỏ ra để mua xe ô tô BKS 14P-4965 sẽ được giải quyết dân sự trong vụ án này…
Luật sư Nguyễn Đức Thịnh (Trưởng Văn phòng Luật sư Đức Thịnh – Đoàn Luật sư tỉnh Bắc Ninh) cho biết :“Khi xử lý vật chứng, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bắc Ninh trả chiếc xe cho anh Mạnh là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Nếu xác định chiếc xe là vật chứng thì Cơ quan CSĐT không thể tự trả vật chứng được.
Còn đối với anh Vinh là người mua xe của anh Mạnh, quá trình điều tra không có đủ chứng cứ chứng minh anh Vinh là đồng phạm với các bị cáo, cũng không có đủ căn cứ xác định anh Vinh phạm tội trong vụ “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Do vậy, việc Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bắc Ninh cho rằng anh Mạnh bị các đối tượng dùng thủ đoạn chơi bài “bịp” dẫn đến thua phải vay nợ số tiền 300 triệu đồng, buộc anh Mạnh phải bán xe ô tô cho anh Vinh. Hợp đồng mua bán ký kết phát sinh xác lập giao dịch dân sự giữa hai bên nhưng giao dịch này vô hiệu do anh Mạnh bị ép buộc là hoàn toàn vô lý, nhiều khuất tất.
“Cơ quan CSĐT xác định anh Mạnh bị một số đối tượng dùng thủ đoạn chơi bài “bịp” để lừa thì đáng lẽ phải khởi tố các đối tượng này về tội “Đánh bạc” và anh Mạnh không thể bị loại trừ. Tuy nhiên, không hiểu sao Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bắc Ninh lại khởi tố vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” sau đó được VKSND tỉnh Bắc Ninh có cáo trạng truy tố, để rồi ngày 7/3/2017, TAND tỉnh Bắc Ninh đưa vụ án ra xét xử thì không thể chấp nhận được?”, anh Vinh cho biết.