Làm thế nào để con được cung cấp đúng và đủ lượng canxi cần thiết là nỗi băn khoăn của nhiều phụ huynh. Những quan niệm sai lầm dưới đây được Tiến sĩ, bác sĩ Phan Bích Nga tổng kết lại sau nhiều năm làm việc tại Trung tâm Khám tư vấn Dinh Dưỡng (Viện Dinh Dưỡng Quốc gia).
Nước hầm xương nhiều canxi
Bé nhà chị Châu (Hà Nội) không thích ăn thịt lợn cợn, nên một tháng đủ 30 ngày chị hầm xương nấu cháo cho con. Bác sĩ thấy bé còi cọc, xét nghiệm ra thiếu canxi, nhưng chị vẫn quả quyết: "Bé uống nước xương hầm nhiều hơn cả bú sữa mẹ thì làm sao có chuyện đó được".
Nhiều mẹ cho rằng nước hầm xương ống giàu canxi, nên hay dùng quấy bột, nấu cháo cho con với niềm tin "ăn gì bổ nấy". Trên thực tế, nước xương tạo cảm giác ngon miệng nhưng ít canxi hơn thịt. Ngoài ra khi ninh nấu, chất béo động vật trong tủy xương thoát ra, làm xuất hiện váng mỡ không tốt cho sức khỏe trẻ nhỏ. Ông bà ta có câu: “Khôn ăn nước, dại ăn cái”. Mẹ nên cho trẻ ăn phần thịt (xay, cắt nhỏ, băm nhuyễn) để bổ sung đầy đủ canxi và chất dinh dưỡng khác.
Không biết rau cũng chứa canxi
Các mẹ thường nghĩ rau chỉ có chất xơ và vitamin, ít ai biết rằng đây là nguồn bổ sung canxi dồi dào. Thực tế, có nhiều loại rau chứa canxi và các nguyên tố làm giảm tình trạng mất canxi (kali, magie). Ngoài ra, vitamin K trong rau xanh còn là yếu tố hình thành osteocalcin, osteocalcin giúp tích tụ canxi vào xương. Các chất này có trong rau diếp, dền, chân vịt, bông cải xanh, bắp cải, bó xôi, cần tây...
Tự ý bổ sung canxi
Trẻ thiếu canxi kéo dài sẽ còi xương, chậm lớn. Tùy thuộc mức độ nhiều hay ít mà dẫn đến những biểu hiện bệnh lý khác nhau. Còi xương, suy dinh dưỡng là hậu quả của việc canxi không được cung cấp đầy đủ ở trẻ em. Mẹ nên biết canxi là vật liệu chính để xây dựng một khung xương chắc khỏe, và giúp duy trì hoạt động của xương và răng. Tuy nhiên, việc tự ý bổ sung chất này không đúng cách và thiếu khoa học có thể gây ra “phản ứng ngược” cho con.
Vì vậy, mẹ không nên vội vàng mà bổ sung canxi vô tội vạ, cần đưa trẻ đến khám dinh dưỡng hoặc xét nghiệm kiểm tra nếu nghi ngờ.
Tùy theo độ tuổi, trẻ cần 400-700mg canxi mỗi ngày. Tuy nhiên kết quả cuộc tổng điều tra năm 2012 của Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho thấy, bữa ăn hàng ngày chỉ đáp ứng đủ 50% nhu cầu canxi mỗi ngày của trẻ. Mẹ cần đa dạng hơn nữa các thực phẩm giàu canxi cho con như cua, ghẹ, tôm nhỏ ăn cả vỏ, tép khô, cá kho nhừ xường, lòng đỏ trứng gà, rau màu xanh đậm...
Thiếu đa dạng bữa ăn
Ngoài ra, nên bổ sung thêm sữa và các chế phẩm từ sữa để bù đắp 50% lượng canxi thiếu hụt cho trẻ. Cách đo lường canxi chính xác, đơn giản và khoa học nhất là đọc thông tin thành phần trên bao bì. Ví dụ như một hộp sữa tiệt trùng Nestlé cung cấp khoảng 25% nhu cầu mỗi ngày cho trẻ.
Nhốt con trong nhà quá nhiều
Nhiều phụ huynh lấy công việc làm lý do biện minh ít thời gian cho con đi chơi. Các ông bà mẹ không biết rằng, hoạt động thể lực, vận động cơ làm tăng mật độ xương. Dù bận rộn đến mấy, nên cho trẻ vui chơi ít nhất 30 phút mỗi ngày, tốt nhất ở ngoài trời nơi không khí trong lành, vào buổi sáng hoặc chiều mát. Nên nhắc con ngủ trước 21h bởi lúc 22h-2h là thời điểm hormone tăng trưởng tiết ra nhiều nhất.
Tạo môi trường căng thẳng
Nghiên cứu cho thấy, môi trường căng thẳng ảnh hưởng đến chiều cao của trẻ. Một đứa trẻ thiếu tình thương và sự chăm sóc của bố mẹ thường thấp hơn vài cm so với bạn bè cùng trang lứa. Môi trường căng thẳng sẽ dẫn đến “ức chế cảm xúc”, ngủ không ngon giấc, tác động đến hệ thống chức năng tuyến yên, làm giảm tiết hormone tăng trưởng.
Do vậy, cha mẹ cần tạo cho con môi trường lành mạnh, giàu tình yêu thương, để giúp bé phát triển tốt về thể chất lẫn tinh thần. Khuyến khích con tự lập, giúp đỡ mọi người cũng là điều nên làm. Khi bé đủ cao lớn, bố mẹ có thể tận dụng ưu thế này để gợi ý con làm những việc có ích như phụ mẹ phơi quần áo, lau dọn bàn ghế trên cao... Bé vừa làm điều tốt, lại thấy rõ tầm quan trọng của chiều cao sau này.