Chuyến đi làm thay đổi quan niệm
Ông Bạch Thái Bưởi sinh năm 1874 tại làng An Phú, huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Đông (nay thuộc Hà Nội). Đây là cái năm bi đát trong lịch sử triều Nguyễn. Thực dân Pháp đánh chiếm Hà Nội lần thứ nhất; không giữ được thành, bị trọng thương, danh tướng Nguyễn Tri Phương quyết không để kẻ thù cứu chữa, nhịn ăn mà chết.
Các đại quan Nguyễn Văn Tường, Lê Tuấn đã ký với viên quan Pháp Dupré một Hòa ước gồm 22 điều khoản. Hiệp ước này tương tự phát súng khai tử chủ quyền của vua nước Nam đối với sáu tỉnh Nam Kỳ. Tiếng oe oe chào đời của Bạch Thái Bưởi cũng là tiếng khóc của một con dân mất nước.
Có tài liệu cho rằng ông vốn họ Đỗ, nhà nghèo, mẹ buôn gánh bán bưng, cha mất sớm. Lúc ấy, một người họ Bạch giàu có nhưng không có con trai, thấy ông ngoan ngoãn, chịu thương chịu khó nên nhận làm con nuôi và đổi sang họ Bạch.
Lại cũng có tài liệu nói rằng, hồi ông mới chập chững vào nghề kinh doanh đường thủy, có hùn vốn với bà phán Thái nên mới đặt tên là Thái - Bưởi. Còn họ Bạch là trắng, không lấy họ của riêng ai.
Thuở mới bước chân vào đời, với vốn liếng tiếng Pháp đã được học, Bạch Thái Bưởi xin làm thư ký một hãng buôn của người Pháp ở phố Tràng Tiền. Lại có tài liệu cho rằng ông làm ký lục cho công sứ Bonnet, do đó người đương thời gọi là Ký Bưởi, chi tiết này có lẽ hợp lý hơn.
Chân dung Bạch Thái Bưởi |
Làm việc được một năm, năm 1894, ông chuyển sang làm thư ký ở một xưởng máy thuộc hãng thầu công chánh. Với độ tuổi 20 đầy hăm hở, nhiệt tình học hỏi những điều mới lạ, ông đã chú tâm tìm hiểu về sự vận hành máy móc, cách tổ chức nhân công và quản lý sản xuất theo mô hình của người Pháp.
Một dịp may đến với ông là năm 1895, Hội chợ Bordeaux được tổ chức tại Pháp. Đây cũng là năm tại Hà Nội, người Pháp bắt đầu xây dựng nhà máy điện, nhà máy nước và nước đá – tất nhiên chỉ người Pháp được sử dụng, còn dân bản xứ thì chưa thể.
Bấy giờ, Thống sứ Bắc Kỳ muốn chọn một người Việt thông minh, lanh lợi, giỏi tiếng Pháp để giới thiệu sản phẩm của gian hàng xứ Bắc Kỳ. Bạch Thái Bưởi được chọn, qua đề cử của công sứ Bonnet.
Sau chuyến đi, trên chuyến tàu trở về nước, Bạch Thái Bưởi đã manh nha một quyết định táo bạo. Quyết định này mãi gần hai năm sau ông mới có lựa chọn dứt khoát. Muốn vậy, trong những ngày trở về nơi làm việc, ông đã tranh thủ học hỏi công việc nhiều hơn nữa. Khi Bạch Thái Bưởi gõ cửa phòng chủ hãng thầu công chánh để xin nghỉ việc, quyết định của ông đã khiến cho tay chủ hãng kinh ngạc.
Chữ tín quý hơn vàng
Nghỉ việc, Bạch Thái Bưởi tính toán trở thành đối tác chính cung cấp nguyên liệu cho dự án xây dựng đường sắt lớn nhất Đông Dương lúc bấy giờ. Kế hoạch ông đã nhìn thấy, đã lựa chọn, là dự án khởi công xây dựng cầu sắt lớn Paul Doumer vừa được thông tin rầm rộ trên báo chí.
Năm 1898, thực dân Pháp khởi công xây dựng cầu sắt lớn Paul Doumer (tức cầu sông Cái, nay gọi là cầu Long Biên) vượt qua sông Hồng. Nhờ trước đây đã từng đi Pháp, dịp đó, Bạch Thái Bưởi đã tranh thủ tìm đọc nhiều tài liệu khoa học kỹ thuật của Pháp.
Bạch Thái Bưởi lần đầu kinh doanh đã thắng lớn khi cung cấp tà vẹt làm cầu Long Biên. Trong hình là giàn giáo khi thi công cây cầu (dài 1.680m). |
Ít ai biết rằng, khi xuống tàu trở về nước thì trong hành lý của ông, thứ đáng giá nhất vẫn là sách. Nhờ đó, ông đã biết ít nhiều về kỹ thuật, vật dụng xây cầu và tự tin sẽ có thể kiếm được một số tiền không nhỏ, nếu biết chớp lấy một cơ hội quý báu.
Cơ hội đó là nhận cung cấp tà-vẹt cho công trình này. Tà-vẹt là “gối tựa” của các thanh ray tức là các khúc gỗ ngang để đặt đường sắt lên trên. Nguồn tài nguyên này ở miền Bắc không thiếu. Nếu biết khai thác và xử lý tại chỗ thì giá thành rẻ hơn ở Pháp mà lại không phải tốn thêm chi phí vận chuyển. Để có số vốn lớn, ông đã hùn tiền với một người Pháp cùng ý hướng. Họ chuyên khai thác gỗ làm tà-vẹt bán cho Sở Hỏa xa Đông Dương.
Trong ba năm liền, ông lặn lội khắp núi rừng để tìm gỗ tốt. Hầu hết gỗ được khai thác tại Thanh Hóa. Tại sao Bạch Thái Bưởi lại mạnh dạn lao vào công việc khó nhọc này khi đồng vốn của ông chỉ là “hạt cát” nếu so với nhiều thương nhân khác? Có ý kiến cho rằng bởi ông đã nhìn thấy một nguồn nhân công dồi dào, có thể thuê với giá thỏa thuận, hợp lý.
Trước đó, cuối năm 1897 khi người Pháp chính thức thành lập Ban Kinh tế trực thuộc phủ Toàn quyền Đông Dương để nghiên cứu các vấn đề nông nghiệp, thương nghiệp và công cuộc thực dân hóa, họ rất cần nhân công.
Chính sách này đã kéo hàng chục vạn nông dân chân lấm tay bùn ra khỏi đồng ruộng để đến với các công trường mới, làm phu, làm mướn, lao động chân tay. Để có được số lượng cu- li đông đảo, Pháp đã phải thông qua bọn “cai tuyển”.
Hải Phòng những năm 1905 là nơi lần đầu Bạch Thái Bưởi buôn ngô thất bại. |
Đây là hạng “buôn người” mới hình thành, mua sức lao động của nông dân lúc thất bát mất mùa, đói khổ bằng giá rẻ mạt, rồi bán lại cho các công trường, đồn điền với giá cao hơn nhiều lần. Với Bạch Thái Bưởi, ông không áp dụng cách làm tàn nhẫn này. Ông tạm ứng tiền cho cu-li đã tuyển mộ để họ yên tâm dốc sức làm việc cho mình.
Trong công việc, Bạch Thái Bưởi tỏ ra rất khắc nghiệt khi nghiệm thu sản phẩm. Kích thước dài, ngắn như thế nào; chất lượng gỗ như thế nào thì phải nhất nhất như thế. Không hề có sự châm chước.
Ngày nọ, đã đến hạn giao hàng nhưng kiểm tra thành phẩm thấy không đạt chất lượng, ông tỏ ý không hài lòng và cương quyết bỏ toàn bộ. Làm như vậy mất thêm thời gian, sẽ giao hàng không đúng hẹn, sẽ bị phạt một số tiền không nhỏ. Theo ông, “tiền mất đi còn có thể tìm lại được, chứ chữ tín mất đi là hỏng việc lớn sau này”.
Thái độ làm việc nghiêm túc này khiến Sở Hỏa xa Đông Dương hài lòng với sản phẩm được cung cấp. Tiếng lành đồn xa. Sự tín nhiệm này chính là “chìa khóa” để sau này ông tiếp tục mở thêm những cánh cửa khác trong kinh doanh.
Sau khi nắm trong tay số vốn đã tích lũy được, ông bước vào một lĩnh vực kinh doanh khác. Ông dốc vốn đi buôn ngô, nhằm cung cấp cho một hãng thu mua của người Pháp tại Hải Phòng. Hợp đồng đôi bên đã ký xong.
Bấy giờ, có nhiều người buôn ngô xuất cảng và “thắng đậm” trên thương trường. Thiên hạ đổ xô nhau đi buôn ngô, vì thế giá tăng lên đột ngột. Điều này không sợ nếu trường vốn. Nhưng càng dốc vốn ra nhiều hơn nữa, oái oăm không lường được trước là ngô mất mùa, không thể thu mua đúng số lượng đã ký giao kèo với hãng buôn.
Tham dự hội chợ Bordeaux năm 1895 là cơ hội để Bạch Thái Bưởi có tầm nhìn mới. |
Biết không gặp thời, để giữ uy tín, Bạch Thái Bưởi chủ động đền bù hợp đồng như đã thỏa thuận, chứ không để xảy ra chuyện thưa kiện lôi thôi, mất uy tín. Đây cũng là bản tính hơn người của Bạch Thái Bưởi: Một khi đã biết không thể xoay xở được nữa thì ông nhanh chóng tìm lối thoát phù hợp nhất.
“Lấn sân” lĩnh vực cầm đồ
Lĩnh vực mới mở ra, khi sau đó hay tin chính phủ bảo hộ mở cuộc đấu giá lĩnh trưng (nhận một việc kinh doanh của nhà nước rồi nộp thuế, gần như đấu thầu - NV) nhà cầm đồ Nam Định, Bạch Thái Bưởi tham gia. Kết quả ông thắng thầu. Đó là năm 1906.
Về dịch vụ cầm đồ tại Việt Nam, Sài Gòn là nơi thực hiện trước nhất. Ngày 10/5/1893, Thống đốc Nam Kỳ ban hành nghị định cho phép mở hiệu cầm đồ. Theo đó, trong các cuộc đấu giá, người nào trả tiền cao hơn hết cho chính phủ thì được quyền đứng ra mở tiệm và phải đóng tiền ở quỹ trữ kim.
Với nhiều người đây là lĩnh vực khá mạo hiểm, vì hầu như chỉ có người Hoa hoặc người Pháp đang nắm độc quyền. Người chủ ngoài vốn tiếng Pháp hành nghề theo luật định, còn phải có chuyên môn thẩm định đâu là vàng, ngọc quý, kim cương, cà rá... để đánh giá chất lượng của nữ trang mà đưa tiền ra, lúc khách đến cầm.
Nếu đánh giá không chính xác thì sạt nghiệp dễ như chơi. Đó là chưa kể các chủ khác còn tung ra những đòn hiểm hóc để cạnh tranh, giành độc quyền cho vay. Nhưng Bạch Thái Bưởi vẫn vững tin ở khả năng của mình.
Trong hãng cầm đồ của mình, ông chủ ý chỉ sử dụng người Việt giúp việc. Sau khi thu xếp, bố trí nhân sự một cách hợp lý tại hãng cầm đồ, Bạch Thái Bưởi nghĩ ra những phương thức mới để thu hút khách hàng.
Ông đã vận dụng cẩm nang gì? Một bài học sâu sắc ông để lại cho hậu thế, thiết nghĩ cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị là đánh thức lòng tự hào dân tộc, sự đùm bọc theo ý nghĩa của huyền sử “đồng bào” của người trong một nước. Để qua đó, mọi người đồng lòng ủng hộ việc làm của mình. Kinh nghiệm này về sau còn được ông vận dụng và tiếp tục phát huy hiệu quả.
Nếu so với Hoa kiều và Pháp kiều thì Bạch Thái Bưởi không có lợi thế về vốn liếng. Số vốn của ông nhỏ hơn nhiều lần. Nhưng ông vẫn ăn nên làm ra, vì biết cách vận động các thương nhân người Việt ủng hộ mình. Người đến cầm đồ dù vẫn phải trả lãi suất bằng các nơi khác, nhưng ở đây họ được gia hạn dài ngày hơn.
Nam Định năm 1906, nơi Bạch Thái Bưởi “lấn sân” lĩnh vực cầm đồ. |
Mấu chốt của vấn đề chính là chỗ này. Có nghĩa đồng tiền sau khi nhận từ hãng cầm đồ của ông, nó có thời gian lưu động dài hơn mà không phải chịu thêm lãi suất nào cả. Với cách làm này, dần dần đã lôi cuốn được sự ủng hộ của nhiều người.
Nhờ biết sử dụng người, dám tin người và nghĩ ra phương thức mới nên hãng cầm đồ của ông ngày một làm ăn phát đạt. Ai ai cũng dốc lòng, dốc sức vì công việc chung. Tất nhiên, khi thấy sự thành công của một người Việt mới mon men bước vào nghề này, các chủ Hoa kiều, Pháp kiều lâu nay đang thống lĩnh thị trường trở nên tức tối.
Họ đã tung ra nhiều đòn phép nhằm đánh gục đối phương. Trên tạp chí Nam Phong số 29 (1919) nhà báo Thượng Chi (tức Phạm Quỳnh) ghi nhận: “Việc lĩnh trưng nhà cầm đồ này cũng lại là một cuộc quyết chiến, hình như cái số ông hễ làm việc gì cũng phải tranh nhau...
Nghĩ cho kỹ, đó chẳng qua cũng là một lẽ tự nhiên; ông là lãnh tụ bọn nhà buôn An Nam, mà phần nhiều các mối thương thuyền người mình là vào tay ngoại quốc hết, vậy thời nhất cử nhất động của mình về đường buôn bán là thế tất phải xung đột với họ, không khỏi được. Việc cầm đồ ở Nam Định vẫn hầu coi như một cái chuyên quyền của họ.
Ngay cả chính phủ cũng yên trí rằng người Nam không thể nào kinh lý được một việc khó khăn phiền phức như việc vay cầm đồ. Nếu lúc mới đầu ông ra lĩnh trưng ai cũng lấy làm kinh ngạc và không ai có bụng tin. Không những ngoại quốc, mà chính quan sở tại cũng cố ý ngăn trở cho ông không làm được. Nhưng dù ai mưu mô gì mặc lòng, ông vẫn đứng vững, mà công việc trong tay ông lại thịnh vượng hơn trước nhiều”.
Thuế chợ cũng thầu
Sau khi hãng cầm đồ ở Nam Định đã làm ăn phát đạt, ông tới Thanh Hóa mở hiệu cơm Tây, mở đại lý rượu ở Thái Bình bất chấp “lời ong tiếng ve” của ai đó cho là cái nghề “nghèo hèn”.
Bạch Thái Bưởi thậm chí còn mở tiệm cơm Tây ở Thanh Hóa khoảng năm 1908. |
Không những thế, ông còn đứng ra kinh doanh ở nhiều lĩnh vực mà chưa mấy ai thấy được mối lợi to lớn. Ông đứng ra... thầu thuế chợ! Lâu nay trong quan niệm cũ, chợ búa là chốn của đàn bà chân lấm tay bùn, của những người “buôn gánh bán bưng, “buôn thúng bán mẹt”, “buôn ngược bán xuôi” “buôn đầu chợ, bán cuối chợ”, là nơi “chưa họp, kẻ cắp đã đến”...
Vẻ vang gì nơi ấy. Với Bạch Thái Bưởi thì khác hẳn. Ông thâu tóm nguồn lợi thuế chợ Nam Định từ năm 1906 - 1909; tỉnh Thanh Hóa từ năm 1907 - 1909; Vinh - Bến Thủy từ năm 1906 đến năm 1912. Công việc này chỉ chấm dứt sau ngày 2/8/1912.
Đó là ngày Toàn quyền Đông Dương ra nghị định đánh thuế môn bài đối với các doanh nhân người Việt ở miền Bắc. Nghị định này đã được áp dụng trước đó ở Trung Kỳ vào ngày 14/11/1901.
Do nhận thức mới về công việc kinh doanh nên Bạch Thái Bưởi nắm được thời cơ và đã đi “một bước” trước người khác. Nhờ đó, ông trở nên giàu có. Sự giàu có của ông hoàn toàn không phải do “ăn may”, mà có cơ sở từ một sự tính toán, từ tư duy của một người nắm bắt được sự thay đổi của thời cuộc.
Sau khi ngưng thầu thuế chợ, ông được cho là người Việt Nam đầu tiên ở miền Bắc sắm xe hơi vào năm 1913. Bài viết trên báo Phụ nữ Tân văn số 207 (ra ngày 6/7/1933) cho biết: “Xe hơi làm quen với vựa lúa Đông Dương trước nhứt là hiệu Clément rồi mới tới các hãng Peugeot, Comtal, Griffon, Cottereau, Bolide, Panhard, Aleyon, Darracq, Diérich, Richard, De Dion, Berliet, Foullaren, Saving, Zidel...
Như bạn đọc đã biết, kể từ năm 1907 Sài Gòn có xe hơi trước tiên. Trung Kỳ có xe hơi năm 1913. Người sắm xe trước nhứt là ông Nguyễn Văn Đương ở Thanh Hóa. Bắc Kỳ có xe hơi cũng vào năm 1913, mà người sắm xe trước nhứt là ông Bạch Thái Bưởi ở Hà Nội”. Chi tiết nhỏ này cho thấy Bạch Thái Bưởi lúc ấy đã là người giàu.
Năm 1908 Pháp thành lập Công ty Thương mại và Vận chuyển đường thủy Viễn Đông tại Việt Nam, và Bạch Thái Bưởi bắt đầu có ý định cạnh tranh. |
Ngoài ra, ông còn có lên kế hoạch xây dựng một nhà máy xay gạo ở Nam Định. Với số vốn đang nắm trong tay, ông tính toán trích ra một phần để gửi mua máy móc ở Hambourg (Đức). Tiếc là sau đó, chiến tranh Thế giới lần thứ nhất xảy ra nên công việc phải bỏ dở.
Năm 1908 cũng là năm chính phủ Pháp thành lập Công ty Thương mại và Vận chuyển đường thủy Viễn Đông (Compangnie de Commerce et de Navigation d’Extrême-Orient) trụ sở đặt tại Sài Gòn, đẩy mạnh hơn nữa việc khái thác kinh tế trên đường thủy. Bạch Thái Bưởi cũng quyết thử sức mình một phen.
Là người đi nhiều và thông thạo địa hình sông nước, ông nhận thấy rằng, tuyến đường thủy Nam Định - Hà Nội, Nam Định - Bến Thủy (Nghệ An) luôn đông khách. Đó là một mối lợi lớn nếu người nước Nam biết khai thác. Nhưng trước đó chỉ có người Hoa, người Pháp độc quyền thống lĩnh.
Những doanh nhân nước ngoài này không những sành nghề mà còn rộng vốn, liệu người Việt có đủ sức đương đầu cạnh tranh? Trăn trở này đã đưa Bạch Thái Bưởi trở thành người Việt Nam đầu tiên mạnh dạn kinh doanh ở lĩnh vực mới mẻ mà người Việt Nam chưa nghĩ tới: Ngành vận tải đường thủy.
(Còn tiếp)