Ông Hùng trình bày cụ thể: Năm 2007 gia đình ông bị thu hồi 748m2 đất nông nghiệp ở xứ đồng Quàn (nay thuộc phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm) và đã nhận đền bù 81 triệu đồng. Đến ngày 29/4/2016, gia đình ông bất ngờ nhận được thông báo về việc bị thu hồi tiếp 748m2 đất nông nghiệp nằm ở 3 thửa ở 3 xứ đồng khác mà không được đền bù một đồng nào. Lý do được quận Bắc Từ Liêm giải thích là trước đó xã Tây Tựu đã tự ý hoán đổi diện tích đất bị thu hồi ở xứ đồng Quàn về 3 xứ đồng khác đã được giao cho gia đình ông Hùng - dù gia đình ông không có nguyện vọng hoán đổi, cũng không hề làm các thủ tục chuyển đổi theo quy định của pháp luật…
Thu hồi 2 lần nhưng chỉ được nhận bồi thường 1 lần?
Ông Hùng trình bày, vào những năm 1980, gia đình ông Hùng được HTX nông nghiệp Tây Tựu giao khoán diện tích đất nông nghiệp tổng cộng 1680m2 thuộc 4 thửa trên 4 xứ đồng, trong đó có 748m2 nằm ở xứ đồng Quàn; 340m2 ở khu đồng Đống Chay; 336m2 ở khu đồng Vườn Cây và 156m2 ở khu đồng Cửa Chùa. Năm 2000, UBND huyện Từ Liêm đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) cho 3 thửa đất của gia đình ông Hùng gồm: thửa 453 tờ bản đồ số 9 diện tích 340m2 xứ đồng Đống Chay; thửa 197 tờ bản đồ số 18 diện tích 336m2 xứ đồng Vườn Cây và thửa số 39 tờ bản đồ 23 diện tích 156m2 ở xứ đồng Cửa Chùa. Còn lại diện tích đất 748m2 ở xứ đồng Quàn thuộc thửa số 20 tờ bản đồ 30 chưa được cấp GCNQSDĐ.
Thực hiện Dự án Đề pô xe điện Hà Nội đoạn qua Tây Tựu - Nhổn, ngày 31/12/2007 UBND huyện Từ Liêm ra quyết định thu hồi 748m2 ở xứ đồng Quàn của gia đình ông Hùng. Gia đình ông Hùng đã bàn giao cho xã diện tích đất này và nhận về số tiền đền bù là gần 81 triệu đồng. Ông Hùng trình bày, sau khi nhận tiền đền bù, theo yêu cầu của UBND xã Tây Tựu, ông đã đem nộp GCNQSDĐ cho xã để chỉnh lý. Đến ngày 16/5/2009, gia đình ông nhận về GCNQSDĐ thì mới biết sổ đỏ nhà mình có ghi: “Đã thu hồi 748m2 đất sản xuất trong đó 340m2 tại thửa 453; 336m2 tại thửa 197; 72m2 tại thửa 39 để thực hiện Dự án Đề pô xe điện năm 2006.” Như vậy, sau “chỉnh lý” trên, đất của gia đình ông Hùng đã bị thu hồi gần hết, chỉ còn lại 84m2 đất để sản xuất. Gia đình ông có ra xã thắc mắc nhưng không nhận được sự giải thích thỏa đáng.
Cho rằng cơ quan có thẩm quyền đã có sự nhầm lẫn nhưng ông Hùng chủ quan, không làm quyết liệt vì thấy 3 thửa đất vẫn được gia đình mình quản lý, sử dụng để canh tác trồng hoa nên gia đình cũng thấy yên tâm; vả lại việc thu hồi 748m2 đất ở xứ đồng Quàn là một thửa đất khác, nằm ở cánh đồng khác, giấy tờ thủ tục rõ ràng nên ông Hùng chủ quan cho rằng khi đối chất sẽ dễ dàng làm rõ sự “nhầm lẫn” của chính quyền, đất của gia đình ông không ai có thể xâm phạm, chiếm đoạt được.
Đến ngày 29/4/2016, quận Bắc Từ Liêm ra Thông báo số 251 về việc thu hồi của gia đình ông Hùng với diện tích tổng cộng 748m2 tại các thửa theo như nội dung đã chỉnh lý trong GCNQSDĐ gia đình ông mới bàng hoàng “té ngửa”. Tuy vậy, đến nay ngoài tờ Thông báo ra thì gia đình ông Hùng vẫn chưa nhận được Quyết định thu hồi.
Nghi án chiếm đoạt tài sản khi tự ý đổi đất của dân?
Ông Hùng cho biết, do hoang mang lo lắng có nguy cơ bị mất đất 2 lần mà chỉ được bồi thường 1 lần (năm 2007 đã bị thu hồi 748m2 đất ở đồng Quàn, nay lại bị thu hồi tiếp 748m2 thuộc 3 thửa đất khác ở địa chỉ khác nhưng chỉ được nhận đền bù 1 lần là 81 triệu đồng), ông đã tự tìm hiểu và được biết nguyên nhân của sự “nhầm lẫn” là do UBND quận Bắc Từ Liêm đã tự ý chuyển đổi diện tích đất canh tác của gia đình ông ở xứ đồng Đống Chay, Vườn Cây và Cửa Chùa để đổi lấy diện tích đất thu hồi ở xứ đồng Quàn thuộc dự án Đề pô xe điện Hà Nội.
Quá bức xúc trước việc làm trên của chính quyền, ông Hùng làm đơn khiếu nại gửi lên UBND quận Bắc Từ Liêm đề nghị xem xét. Ngày 20/2/2017, ông nhận được trả lời của UBND quận với nội dung việc chuyển đổi và đính chính trong sổ đỏ của gia đình ông Hùng là đúng, khiếu nại của ông là không có cơ sở.
“Hành vi phường Tây Tựu và quận Bắc Từ Liêm tự ý chuyển đổi diện tích đất canh tác của gia đình tôi từ xứ đồng Quàn về 3 thửa khác là trái pháp luật, công nhiên chiếm đoạt tài sản của công dân, xâm phạm nghiêm trọng đến quyền, lợi hợp pháp của gia đình tôi. Tôi và gia đình không hề biết việc hoán vị hai thửa đất, cũng không có bất kì đơn từ, ký tá làm thủ tục hoán đổi ruộng ở xứ đồng Quàn (chưa được cấp sổ đỏ) về xứ đồng Đống Chay, xứ đồng Vườn Cây và Cửa Chùa đã được cấp sổ đỏ. Gia đình tôi cũng hoàn toàn không có cam kết gì về việc giao đất canh tác của gia đình tôi cho xã hay bất kì ai cả”- ông Hùng bức xúc trình bày.
Theo Điều 106, 126 Luật Đất đai 2003 cho phép hộ gia đình, cá nhân được phép chuyển nhượng, chuyển đổi, thế chấp… nhưng phải tuân thủ các quy định của pháp luật. Theo đó, đối tượng chuyển đổi, chuyển nhượng phải cùng tự nguyện, thỏa thuận, trích lục thửa đất, có xác nhận của UBND sở tại và hợp đồng chuyển đổi phải được công chứng. Theo khoản 2 Điều 37 Luật Đất đai 2003 không có điểm nào quy định Chủ tịch huyện có quyền đổi diện tích đất nông nghiệp đã giao cho hộ gia đình sang lấy đất của xã quản lý.
Thực tế, gia đình ông Hùng không có đơn xin đổi đất, cũng không tự nguyện thỏa thuận đổi đất. Vấn đề đặt ra là UBND xã Tây Tựu có quyền tự ý đổi đất của hộ gia đình hay không? Thực tế, thửa đất trên thuộc HTX Nông nghiệp Tây Tựu đã giao cho gia đình ông Hùng từ những năm 1980 để sản xuất nông nghiệp, không phải đất do UBND xã Tây Tựu quản lý nên UBND xã Tây Tựu không còn đất để đổi.
Như vậy, nếu chỉ căn cứ vào đề xuất trái pháp luật trên của UBND xã Tây Tựu mà UBND huyện Từ Liêm đã cho phép chuyển đổi và đính chính biến động trong GCNQSDĐ của gia đình ông Hùng là trái pháp luật.
Hành vi trên là vi phạm nghiêm trọng, cố ý làm trái quy định của Nhà nước về thu hồi đất, bồi thường hỗ trợ tái định cư, khiến gia đình ông Hùng đã bị tước quyền thế chấp, tặng cho, chuyển nhượng kể từ khi bị UBND quận Bắc Từ Liêm đính chính vào GCNQSDĐ ngày 16/5/2009. “Tôi sẽ khiếu nại đến cùng để làm rõ những sai phạm của chính quyền, thậm chí sẽ khởi kiện ra Tòa án để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho gia đình tôi”- ông Nguyễn Tự Hùng cho biết. Báo PLVN sẽ còn trở lại vụ việc.