Bài 2: Dấu hiệu xâm hại rừng của thủy điện Phìn Hồ 2: Hàng loạt sai phạm, chỉ bị phạt… 15 triệu đồng

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Quá trình xây dựng thủy điện Phìn Hồ 2 và cụm thủy điện Chế Tạo tại xã Chế Tạo (huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái) từng bị các ngành chức năng huyện Mù Cang Chải kiểm tra, phát hiện sai phạm, xử phạt hành chính, yêu cầu tạm dừng hoạt động thi công. Hàng loạt sai phạm được chỉ ra, nhưng mức phạt chỉ có… 15 triệu đồng.
Đập thủy điện Phìn Hồ 2.
Đập thủy điện Phìn Hồ 2.

Thiếu nhiều thủ tục về đất đai, khoáng sản, xây dựng

Như PLVN đã phản ánh trong số báo trước, quá trình xây dựng thủy điện Phìn Hồ 2 nằm trong cụm thủy điện Chế Tạo tại xã Chế Tạo (huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái) có nhiều dấu hiệu sai phạm liên quan đến môi trường, bảo vệ rừng, khai thác khoáng sản…

Công trình thủy điện Phìn Hồ 2 nằm trong dự án cụm thủy điện Chế Tạo (gồm thủy điện Phìn Hồ 2, thủy điện Đề Dính Máo, thủy điện Mí Háng Tầu) có tổng vốn đầu tư dự án sau điều chỉnh là 1.159,386 tỷ đồng (trong đó thủy điện Phìn Hồ 2 là 366,15 tỷ đồng), do Cty TNHH Quang Đạt làm chủ đầu tư. Mục tiêu của dự án đầu tư xây dựng cụm thủy điện Chế Tạo “để sản xuất, kinh doanh điện, phát điện lên lưới điện quốc gia, tạo việc làm và thu nhập cho người lao động trong DN, đóng góp nguồn thu cho ngân sách Nhà nước”.

Trong lúc thủy điện Phìn Hồ 2 đang trong quá trình thi công các hạng mục, bất ngờ ngày 18/2/2022 toàn bộ dự án cụm thủy điện Chế Tạo có sự điều chỉnh cả về quy mô, công suất, diện tích đất sử dụng. Quyết định do ông Trần Huy Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái ký. Đáng chú ý, diện tích sử dụng ban đầu 156,02ha điều chỉnh xuống còn 45,49ha (trong đó, thủy điện Phìn Hồ 2 là 47,63ha xuống còn 13,619ha, Đề Dính Máo 65,59ha xuống còn 19,141ha, Mí Háng Tầu 30,8ha xuống còn 12,73ha). Công suất cũng có sự thay đổi, thủy điện Phìn Hồ 2 có công suất 10MW, thủy điện Đề Dính Máo là 22MW, thủy điện Mí Háng Tầu là 4,6MW.

Khai thác đá ngay tại chỗ.

Khai thác đá ngay tại chỗ.

Theo công bố của địa phương, khu vực xây dựng cụm thủy điện Chế Tạo đều là rừng sản xuất. Theo quy định tại khoản 2, khoản 3, Điều 20 Luật Lâm nghiệp 2017 quy định về thẩm quyền quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác thì với đất rừng sản xuất từ 50ha đến dưới 1.000ha thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, còn rừng sản xuất dưới 50ha thuộc thẩm quyền của HĐND cấp tỉnh.

Một chuyên gia trong lĩnh vực đặt vấn đề: “Với thực tế trên, dư luận có quyền đặt câu hỏi có hay không việc ban đầu chủ đầu tư cố ý lập dự án với diện tích sử dụng đất lớn, công suất lớn… để vay được nhiều vốn, rồi sau đó mới xin điều chỉnh xuống, để “né” thẩm quyền chuyển đổi của Thủ tướng Chính phủ về thẩm quyền của HĐND cấp tỉnh?”.

Tháng 6/2019, UBND huyện Mù Cang Chải đã ra quyết định thành lập Đoàn kiểm tra đột xuất việc chấp hành pháp luật về lĩnh vực tài nguyên môi trường với Cty TNHH Quang Đạt trong quá trình thực hiện dự án cụm thủy điện Chế Tạo. Đoàn do ông Lê Trọng Khang, Phó Chủ tịch UBND huyện (hiện nay là Chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải) làm Trưởng đoàn.

Tuyến đường mở từ thủy điện Phìn Hồ 2 lên thủy điện Đề Dính Máo, rừng bị tàn phá tan hoang.

Tuyến đường mở từ thủy điện Phìn Hồ 2 lên thủy điện Đề Dính Máo, rừng bị tàn phá tan hoang.

Theo biên bản kiểm tra lập ngày 13/6/2019, ý kiến của Đoàn kiểm tra liên ngành có nêu, dự án còn thiếu một số thủ tục, hồ sơ như: Quyết định cho phép chuyển đổi mục đích, hợp đồng thuê đất, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của cơ quan có thẩm quyền… Nguyên nhân được cho là do còn liên quan Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư về việc cấm chuyển đổi diện tích rừng tự nhiên sang mục đích khác.

Mặt khác, dự án chưa thực hiện quan trắc môi trường trong quá trình thi công theo quy định và cũng chưa đăng ký khu vực, công suất, khối lượng, kế hoạch khai thác khoáng sản. Ngoài ra, còn tồn một số vi phạm quy định tại điểm a khoản 2 Điều 14 Nghị định 139/NĐ-CP (tức là xử phạt hành vi khởi công xây dựng công trình còn thiếu mặt bằng xây dựng để bàn giao toàn bộ hoặc từng phần theo tiến độ dự án).

Sau khi xác định các vi phạm, Đoàn kiểm tra của huyện đã yêu cầu tạm dừng các hoạt động thi công công trình liên quan đến cụm dự án thủy điện Chế Tạo... Tiếp sau đó, UBND huyện ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính với Cty Quang Đạt số tiền 15 triệu đồng. Yêu cầu Cty Quang Đạt có trách nhiệm hoàn thiện thủ tục theo thời gian quy định. Sau khi đảm bảo đủ điều kiện khởi công xây dựng mới được tiếp tục thi công xây dựng.

Tàn phá môi trường nhưng chỉ bị… nhắc nhở?

Tiếp đến ngày 18/6/2021, một lần nữa UBND huyện Mù Cang Chải ban hành Quyết định thành lập Đoàn công tác liên ngành kiểm tra việc chấp hành các quy định về công tác quản lý bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường tại cụm thủy điện Chế Tạo. Quyết định do ông Lê Trọng Khang, Chủ tịch UBND huyện ký.

Thành phần Đoàn gồm ông Trần Xuân Dưỡng - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện làm Trưởng đoàn, Sùng A Lù - Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng, Tạ Anh Tuấn - Trưởng phòng TN&MT; Nguyễn Tư Khoa - Giám đốc BQL rừng phòng hộ, Sùng A Chống - Chủ tịch UBND xã Chế Tạo. Ngoài ra, thành phần tham gia còn mời thêm cả ông Vũ Tá Luân - Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Yên Bái cùng một số thành viên của Chi cục Kiểm lâm tỉnh.

Trong đợt kiểm tra này, theo thông tin từ một thành viên trong Đoàn thì Đoàn kiểm tra tiếp tục chỉ ra một số lỗi vi phạm liên quan đến bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường trong quá trình thi công thủy điện Phìn Hồ 2 và cụm thủy điện Chế Tạo như: Đất rừng bị san ủi, đào bới nham nhở; đất đá thải đổ ra ven suối; cặn xi măng từ trạm trộn bê tông đổ ra môi trường xung quanh; bùn đất trong quá trình khoan đá đào hầm chảy thẳng xuống suối… Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì, hàng loạt các vi phạm Đoàn chỉ ra nhưng lại không bị xử lý, mà chỉ dừng lại ở chỗ “nhắc nhở”, yêu cầu chủ đầu tư tự khắc phục rồi cho qua.

Nước từ trong hầm kèm theo bột đá đặc quánh chảy thẳng xuống suối.

Nước từ trong hầm kèm theo bột đá đặc quánh chảy thẳng xuống suối.

Mặc dù hoạt động xây dựng thủy điện Phìn Hồ 2 và cụm thủy điện Chế Tạo đã diễn ra suốt thời gian dài, nhưng theo đánh giá, việc kiểm tra, giám sát hoạt động xây dựng của các cơ quan quản lý Nhà nước tại đây diễn ra chưa đúng quy định pháp luật. Có ý kiến cho rằng, do khu vực xây dựng thủy điện ở xa, địa hình hiểm trở, giao thông đi lại khó khăn nên không thể đi kiểm tra, giám sát thường xuyên được, chủ yếu nắm bắt tình hình do chủ đầu tư “tự giác” báo cáo lên. “Tuy nhiên, đó là lý do không thuyết phục, thể hiện sự thiếu trách nhiệm với công tác của người có thẩm quyền”, một chuyên gia trong lĩnh vực phản bác.

Đọc thêm