Văn hóa & Pháp luật

Bài 3: Gìn giữ, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa: Sứ mệnh của toàn dân tộc

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Công cuộc gìn giữ, bảo tồn và phát huy di sản không chỉ là sứ mệnh của Nhà nước mà là của toàn dân. Nhà nước và nhân dân cũng tham gia bảo vệ, phát triển các giá trị quý báu của văn hóa dân tộc, điều này đã được thể hiện rõ trong Đề cương về văn hóa năm 1943 và Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 của Đảng và Nhà nước ta.
Năm 2021, mũ quan triều Nguyễn đã được một đơn vị tư nhân trong nước tặng UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế sau khi đấu giá thành công tại một nhà đấu giá ở Tây Ban Nha với số tiền gần 16 tỷ đồng.

Năm 2021, mũ quan triều Nguyễn đã được một đơn vị tư nhân trong nước tặng UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế sau khi đấu giá thành công tại một nhà đấu giá ở Tây Ban Nha với số tiền gần 16 tỷ đồng.

Yếu tố xuyên suốt

Cách đây 80 năm, tháng 2/1943, Đảng Cộng sản Việt Nam đã thông qua bản Đề cương về văn hóa Việt Nam, một văn kiện quan trọng do Tổng Bí thư Trường Chinh chấp bút soạn thảo, là cương lĩnh đầu tiên của Đảng ta về văn hóa.

Đất nước ta với hàng nghìn năm lịch sử. Trong quá trình dựng nước và giữ nước ấy, các thế hệ cha ông đã dày công vun đắp, kết tinh thành những giá trị, bản sắc văn hoá riêng của đất nước, làm nên hồn cốt của dân tộc. Đồng thời với quá trình tiếp thu tinh hoa của nhân loại làm giàu cho bản sắc dân tộc, Việt Nam cũng góp phần đóng góp vào nền văn hoá chung của nhân loại.

Dưới sự soi chiếu của chủ nghĩa Mác, Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 coi văn hóa như một lĩnh vực không ngừng biến đổi, với sự nối tiếp liên tục từ quá khứ, hiện tại và tương lai. Văn hóa hình thành và phát triển cùng với sự hình thành và phát triển của con người. Văn hóa bám rễ vào cội nguồn lịch sử và không ngừng tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại để bồi đắp và làm giàu thêm bản sắc văn hóa dân tộc.

Có thể thấy, ngay từ Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943, những bản sắc văn hóa quý báu của dân tộc, những vốn quý về di sản văn hóa vật chất và tinh thần được cha ông xây đắp là một trong những giá trị quan trọng được gìn giữ, trao truyền để kết nối hiện tại và tương lai.

Trong Đề cương, có 3 nguyên tắc vận động để xây dựng nền văn hóa mới được nêu ra, đó là tính Dân tộc, tính Khoa học và tính Đại chúng. Theo đó, Đề cương văn hóa nhấn mạnh việc cần biết yêu quý văn hóa hàng ngàn đời của cha ông, coi văn hóa dân tộc là gốc rễ, là nền tảng. Một nền văn hoá mang tính khoa học là nền văn hoá tiến bộ, hướng vào mục tiêu phục vụ cao cả của đất nước. Tính chất đại chúng của nền văn hóa là phục vụ nhân dân, phù hợp với nguyện vọng nhân dân, đậm đà tính nhân văn. Một nền văn hóa do đại chúng nhân dân xây dựng.

Suốt tám thập niên qua, dưới ánh sáng của Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943, quá trình phát triển văn hóa và xây dựng con người Việt Nam đã có những bước tiến tích cực và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Kế thừa những tinh hoa, phát huy các giá trị quý báu của Đề cương phù hợp với thời đại mới, Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 đã ra đời với Quyết định số 1909/QĐ-TTg do Chính phủ ban hành.

Theo đó, Chiếc lược phát triển văn hóa đến năm 2030 rất chú trọng đến yếu tố bảo tồn, phát huy giá trị di sản. Để hiện thực hóa mục tiêu phát triển, Chiến lược đưa ra 10 chỉ tiêu phát triển văn hóa, trong số 10 mục tiêu ấy có vấn đề về bảo tồn di sản đó là chỉ tiêu 100% các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có bảo tàng cấp tỉnh. Đồng thời, để triển khai hiệu quả mục tiêu, Chiến lược đề xuất hệ thống 12 nhiệm vụ và giải pháp, trong đó có việc hoàn thiện thể chế, chính sách, khung pháp lý nhằm giải quyết những bất cập, tồn tại trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, trong đó tập trung sửa đổi, bổ sung các luật liên quan và hệ thống các văn bản dưới luật…

“Ngôi nhà Chóe đại ngàn” - Bảo tàng tư nhân của anh Võ Minh Luân ở Buôn Mê Thuột, nơi lưu giữ một trong những nét đẹp văn hóa Tây Nguyên. (Ảnh: Báo Đắk Lắk)

“Ngôi nhà Chóe đại ngàn” - Bảo tàng tư nhân của anh Võ Minh Luân ở Buôn Mê Thuột, nơi lưu giữ một trong những nét đẹp văn hóa Tây Nguyên. (Ảnh: Báo Đắk Lắk)

Sứ mệnh của toàn dân

Có thể thấy, xuyên suốt chiến lược có những mục tiêu cũng như giải pháp cụ thể để bảo tồn phát huy di sản dân tộc như một trong những nhiệm vụ trọng yếu của phát triển văn hóa. Câu hỏi lớn đặt ra là phải làm gì để biến các giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể thành những “lực lượng vật chất” thực sự cần thiết cho công cuộc kiến thiết đất nước, có tác dụng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội?

Có thể nói, đây là mục tiêu quan trọng cần hướng đến trong tất cả các lĩnh vực hoạt động bảo tồn di sản văn hóa, mà trong đó có hoạt động tư nhân tham gia bảo tồn di sản.

Công cuộc gìn giữ, bảo tồn và phát huy di sản không chỉ là sứ mệnh của Nhà nước mà là của toàn dân. Những năm qua, tư nhân đã được “mở rộng cửa” chào đón, cùng tham gia vào hoạt động bảo tồn di sản thông qua các hoạt động bảo tàng ngoài công lập, hoạt động sưu tập cổ vật, các câu lạc bộ nghiên cứu cổ vật, nghiên cứu văn hóa... Có không ít nhà sưu tầm cổ vật đã không tiếc tài lực, vật lực gìn giữ những cổ vật quý giá về lịch sử - văn hóa đất nước, không để “chảy máu văn hóa”. Trên cả nước, có không ít câu lạc bộ nghiên cứu cổ vật, nghiên cứu văn hóa hoạt động mạnh mẽ...

Sự đam mê của các nhà sưu tập và những nỗ lực của các bảo tàng tư nhân là rất đáng trân trọng. Bởi nói cho cùng, dẫu là Nhà nước hay tư nhân tham gia bảo vệ di sản, thì mục tiêu chung nhất cũng là hướng đến gìn giữ những vốn quý về văn hóa, bản sắc dân tộc, đem di sản đến gần với nhân dân, khơi gợi lòng yêu nước và tự hào dân tộc.

Mỗi thời đại, để thực hiện được mục tiêu lớn ấy cần có những công cụ phù hợp. Ở thời đại 4.0 ngày nay, chúng ta đang sở hữu những công cụ có sức lan tỏa rất mạnh mẽ, cần được phát huy tác dụng trong bảo vệ di sản. Nhiều tổ chức, cá nhân ngoài công lập những năm qua cũng đã chứng tỏ được sự nhạy bén với thời cuộc khi ứng dụng các nguồn lực của thời đại để bảo tồn di sản. Có những nhà sưu tập đã “số hóa” bộ sưu tập tư nhân như một “bảo tàng online” rất khoa học. Không ít bảo tàng tư nhân thiết lập cả ứng dụng 3D để người xem có thể thăm quan. Thông qua các công cụ internet, mạng xã hội để tiếp cận nhân dân, thu hút sự quan tâm của người dân đến các hoạt động bảo tàng, triển lãm, trưng bày cổ vật... Những hoạt động ấy đã góp phần không nhỏ giúp đời sống của người dân không chỉ được nâng cao về vật chất, mà còn có những hưởng thụ ngày càng cao về văn hóa, tinh thần.

Tuy nhiên, những năm qua, công tác quản lý Nhà nước, chỉ đạo và hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ nhằm tạo điều kiện, hỗ trợ cho tư nhân tham gia bảo tồn di sản có lúc, có nơi còn chưa thực sự phát huy hiệu quả. Tư nhân tham gia hoạt động bảo tồn di sản là hoàn toàn tự nguyện, xuất phát từ tinh thần dân tộc, nhưng như vậy không có nghĩa là “để mặc” họ loay hoay, mà Nhà nước, chính quyền các cấp cần có sự quan tâm một cách rõ ràng, cụ thể. Để thực hiện được những điều này, cần bám sát những gì mà Đề cương văn hóa năm 1943 cũng như Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 mà Đảng và Nhà nước ta đã đề ra, để hướng đến một nền văn hóa tiên tiến, đậm đã bản sắc dân tộc dân chủ và nhân văn.

Trả lời báo chí về tầm quan trọng và tác động to lớn của Đề cương văn hóa 1943 tới nền văn hóa Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương cho rằng: “Đề cương văn hóa của Đảng ra đời trước khi ta giành được chính quyền. Đó là một sự đi trước, một sự vượt trước sáng suốt và cần thiết... Bây giờ, chúng ta đang trong thời đại của cuộc cách mạng 4.0; thế giới đã có nhiều nước đi trước ta và Việt Nam ta cần tích cực, chủ động đón nhận và tận dụng lợi thế của cuộc cách mạng này, đẩy mạnh chuyển đổi số, sử dụng trí tuệ nhân tạo. Ngày nay, văn hóa số, kinh tế số, truyền thông số… lên ngôi. Chúng ta dứt khoát phải nắm bắt và làm chủ cuộc cách mạng này.

Trong bối cảnh mới, chúng ta sẵn sàng mở cửa với thế giới, tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại. Cuộc cách mạng công nghiệp và công nghệ tạo tiền đề để các ngành văn hóa, văn nghệ phát huy tối đa sức sáng tạo, những phương thức biểu đạt mới và hiện đại chưa từng có trong lịch sử nhân loại, đặt ra cả cơ hội và thách thức trong quá trình lãnh đạo và quản lý văn hóa”.

Đọc thêm