Bài học cho các hãng hàng không

(PLVN) -  Tại một hội thảo bàn về liên kết phát triển bền vững hàng không - du lịch được tổ chức tại Hà Nội mới đây, đại diện một hãng hàng không đã nêu ra hậu quả của việc suốt một quãng thời gian dài một số hãng hàng không cạnh tranh bằng vé giá rẻ. Để rồi đến nay một số hành khách có tâm lý “chỉ vài trăm ngàn đồng là được bay”, dẫn đến một nghịch lý một số hãng bay “càng bay, càng lỗ”.
Ảnh minh họa

Hiện nay, các hãng bay trong nước vận hành khoảng 160 tàu, giảm khoảng 60 - 70 chiếc so với trước dịch. Việc thiếu tàu bay trầm trọng là một trong những nguyên nhân đẩy mặt bằng giá vé nội địa lên cao thời gian qua. Giá vé máy bay nội địa có thể “hạ nhiệt” khi số lượng tàu bay của các hãng tăng lên. Đại diện một hãng bay cho rằng thị trường thế giới vẫn còn tàu bay, chỉ cần chấp nhận trả giá hợp lý, “60 tàu hay thậm chí 100 tàu cũng có” với thủ tục chỉ từ khoảng 2 tuần đến lâu nhất là 3 tháng.

Nhưng nhiều hãng không cố gắng đưa thêm tàu bay về, bởi không có động lực kinh tế khi bay càng nhiều, lỗ càng lớn. “Nếu đưa thêm máy bay về mà có lãi, chúng tôi đưa về ầm ầm, không cần cơ quan quản lý phải nhắc”, đại diện hãng hàng không này nói. Vì vậy từ sau Tết đến nay, các hãng trong nước chưa thêm tàu bay, thậm chí có hãng còn phải trả sạch máy bay để xóa nợ.

Đại diện hãng hàng không này cho rằng với mặt bằng chi phí hiện tại cùng cơ chế giá trần khiến việc bay nội địa khó có lãi. Trước dịch, các hãng còn có thể lấy lãi từ thị trường quốc tế để bù đắp hoạt động bay nội địa. Nhưng hiện tại kiếm lãi trên đường bay quốc tế cũng khó khăn hơn vì sự cạnh tranh lớn giữa các hãng không chỉ trong nước mà cả thế giới.

Tại Hội thảo, đại diện DN đang quản lý, vận hành 21 sân bay trong nước, cho biết cũng chỉ 6 sân bay có lãi gồm: Nội Bài (Hà Nội), Tân Sơn Nhất (TP HCM), Đà Nẵng, Phú Quốc (Kiên Giang), Liên Khương (Lâm Đồng), Cam Ranh (Khánh Hòa). DN này cho rằng dù đầu tư lớn cho nhiều sân bay, đa phần mức giá phục vụ hãng bay vẫn giữ từ năm 2012 hay 2015. DN này nói rằng đang phải thi hành chính sách nuôi dưỡng nguồn thu từ hãng bay vì sợ khó khăn quá, hãng hàng không phá sản thì DN quản lý sân bay cũng lao đao vì là chủ nợ lớn của các hãng bay.

Về sâu xa, một trong những nguyên nhân dẫn đến thực tế cả các hãng bay và sân bay kêu khó với các chặng bay nội địa như trên, là trong quá khứ, một số hãng trong nước cạnh tranh nhau bằng giá vé, tạo cho một số hành khách thói quen đi máy bay với mức giá thấp hơn mức các hãng có lợi nhuận. Giai đoạn trước, dải vé giá rẻ có thể chiếm đến 30% tổng số lượng vé, nhưng hiện nay chỉ còn khoảng 5%. Trong thời buổi kinh tế khó khăn, với việc săn vé giá rẻ khó khăn hơn, thì một số người “cực chẳng đã” mới chấp nhận đi máy bay, nếu không sẽ hạn chế đi lại.

Thực tế quanh chúng ta, từ lâu, một số người đã mặc định cho rằng “chỉ vài trăm ngàn là đi được máy bay”. Trong khi vé tàu hỏa SE Hà Nội - TP HCM và ngược lại thấp nhất khoảng 900 ngàn đồng/người, cao nhất 1,5 triệu đồng/người; vé xe khách Hà Nội - TP HCM và ngược lại khoảng 1 triệu đồng/người. Đó là một bài học cho các hãng bay, cần truyền thông đúng đắn ra sao để người dân bỏ quan niệm cứ nghĩ về hàng không là “vé máy bay giá rẻ”.

Đọc thêm