Ông lão tức tối nhìn về phía bị hại ở bên kia sân tòa mà bảo: “Con tui đánh người là sai. Đàn ông đánh phụ nữ là không đúng. Nhưng tại hắn (bị hại) hết. Hắn chửi cha, chửi mẹ người khác, nói toàn những lời xấu xa nên…”, ông lão còn chưa dứt câu, bị hại đã chàng ràng hai chân, nghênh ngang đi tới, ưỡn ngực thẳng lưng, to giọng hô hoán: “Mi muốn đánh người, giết người thì ngon ở đây đánh người đi…”, rồi một hai hô to gọi nhỏ, lớn tiếng la làng không dứt.
Vụ ẩu đả 17 người làm chứng?
Do giữa chị Nguyễn Thị Thùy Trang và vợ anh Trần Kế trước đó có mâu thuẫn nên sáng 4/7/2016, anh Kế nhìn thấy chị Trang được anh Hồ Đắc Tảo chở đi ngang trước nhà mình liền đuổi theo. Khi xe máy dừng lại, Trần Kế dùng tay đánh vào vùng mặt và mắt của chị Trang gây chấn thương vùng đầu, mặt, mắt trái, tỷ lệ tổn hại 41%. Sau khi bị đánh, chị Trang được đưa đến bệnh viện huyện Phú Lộc điều trị đến ngày 15/7/2016 thì ra viện. Ngày 28/7/2016 chị này tiếp tục đến bệnh viện huyện Phú Lộc điều trị đến ngày 1/8/2016.
Tháng 4/2017, TAND huyện Phú Lộc mở phiên tòa sơ thẩm, xét xử bị cáo Trần Kế (50 tuổi, ngụ huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế) về tội “cố ý gây thương tích”.
Tại phiên tòa sơ thẩm, bị cáo cùng luật sư bào chữa cho bị cáo khai nại tỷ lệ tổn hại sức khỏe 41% của bị hại là do người khác đánh, chứ không phải bị cáo gây ra. Theo bị cáo, kẻ đánh bị hại dẫn đến thương tật chính là con trai ông Hồ Đắc Tảo, có 17 người làm chứng biết hành vi này của con ông Tảo. Tuy nhiên, tại tòa, con trai ông Tảo khai không biết và chưa một lần gặp mặt cũng như không đánh chị Trang.
Mà quá trình điều tra 17 người làm chứng như bị cáo cung cấp, thì họ khai không biết ai đánh chị Trang; một số khác lại khai không biết đơn xin xác nhận của anh Kế cũng như không ký vào đơn, ai ký họ không biết. Do đó, yêu cầu của bị cáo Kế và người bào chữa cho bị cáo khai nại là không có cơ sở nên hội đồng xét xử không chấp nhận. Tòa sơ thẩm tuyên phạt bị cáo Kế 3 năm tù giam, và bồi thường 41 triệu đồng cho bị hại.
Sau phiên tòa, bị hại có đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm, yêu cầu tăng mức hình phạt và tăng mức bồi thường. Phía bị cáo cũng có đơn kháng cáo xin được hưởng án treo, đồng thời xin giảm nhẹ số tiền bồi thường.
Sáng ngày 21/7/2017, người thân bị cáo Kế đã có mặt tại TAND tỉnh Thừa Huế từ rất sớm để tham gia phiên tòa phúc tẩm. Vợ bị cáo Kế mặt mũi xanh xao, người mỏng như ngọn lá. Chị bảo, mình lâu nay bị bệnh tim, nên sức khỏe rất yếu. Trước đó lại từng xô xát với bị hại, rồi sau này chồng bị bắt, bao nhiêu việc cứ dồn dập đổ xuống, khiến sức khỏe chị càng kiệt quệ.
Chị kể, mọi chuyện bắt đầu từ việc người thân của chị thuê con gái bị hại sang Lào làm việc. Con gái mới làm được nữa tháng, thì bị hại đòi mượn trước 1 ngàn USD, nhưng người chủ không đồng ý. Cho rằng vì vợ anh Kế đứng sau lưng “giật dây”, xúi người chủ đừng cho mượn, nên mình mới không nhận được tiền, bị hại tức tối, thường đi ngang đi lại trước nhà anh Kế chửi bới.
Một ngày, vợ anh Kế đang chạy xe trên đường, thì bị hại ôm con chó ném vào người, khiến chị Kim ngã xuống. Sức khỏe yếu, lại gặp cảnh hoảng hốt, sợ hãi, khiến chị phát ốm mà nằm bẹp dí trên giường suốt nhiều ngày.
Thấy vợ bị ăn hiếp, nên anh Kế trong lòng một bụng tức, trong khi bị hại lại cứ lải nhải chửi bới, nên anh Kế mới đánh. Hôm đó đánh người, anh Kế còn “hỏi tội”: “Sao đánh vợ tôi, mà còn đè cha tôi chửi”. Cũng may vợ bị cáo nghe ồn ào ngoài ngõ nên chạy ra, kéo tay chồng khuyên can: “Thôi, cảnh cáo rứa được rồi”, bị cáo mới nguội bớt cơn tức, không đánh tiếp. Không ngờ, hậu quả để lại không hề nhỏ.
Vì sao ra viện 13 ngày lại nhập viện?
Nghe vợ bị cáo kể, bị hại phản bác, bảo nhà bị cáo mới khinh khi mình. Cũng do bà nghèo khó, không có chồng, một nách hai con gái, trong nhà không có đàn ông gánh vác, nên mới bị người ta ức hiếp. “Nhà tui lụp xụp, mà cha con hắn còn đem đá ném lên nhà tui suốt đêm, còn cậy mạnh đánh người. Nếu không có hàng xóm can, hắn đánh chết tui rồi, mô còn may mắn ngồi ở đây. Hắn muốn tui sợ mà phải bỏ xứ đi. Nhưng tui quyết đấu cho tới cùng”. Bị hại tuyên bố.
Tại phiên phúc thẩm, HĐXX chất vấn bị hại, tại sao sau khi ra viện 13 ngày lại nhập viện. Bị hại bảo tại nghèo, không có tiền nằm viện nên mới về. Sau đó mắt đau, mất thị lực nên phải vào viện lại. “Tui cái ăn còn không có, có tiền đâu để chữa bệnh”, bị hại nói. Theo bị hại, hiện tại mắt trái hoàn toàn không thấy đường, trong khi mắt phải thị lực giảm đi rất nhiều. Tòa: “Trong thời gian đó, có ai đánh chị nữa không?”. Bị hại: “Không có”. Tòa: “Trước đây mắt chị đã yếu chưa?”. Bị hại: “Mắt tôi rất rõ, tôi vẫn xâu được kim vá áo cho con”.
HĐXX cũng mời đại diện của Trung tâm giám định pháp ý tỉnhtham dự phiên tòa, để làm rõ về kết quả giám định thương tật 41% của bà Trang. Tòa hỏi giám định viên: “Trung tâm giám định dựa vào đâu để xác định tổn thương của bà Trang?”. Đại diện cơ quan giám định cho biết, cơ quan công an huyện Phú Lộc đã cung cấp toàn bộ chứng cứ khi bà Trang bị đánh và hồ sơ bệnh án lúc vào viện lần 1, lần 2.
Bị hại ra đến tòa vẫn lớn tiếng “võ mồm” |
Ngoài ra trung tâm pháp y cũng cho bà Trang đến trung tâm kiểm tra điện não. Từ đó mới căn cứ xác định mắt bà Trang chấn thương, chiếu theo thông tư của ngành y tế, mới xác định tỷ lệ tổn hại sức khỏe là 41 %. Giám định viên khẳng định với tòa, kết quả trên là hoàn toàn khách quan và đúng pháp luật.
Để làm rõ hành vi đánh người, tòa yêu cầu bị cái khai rõ vụ việc. Bị cáo nói mình chỉ đánh bị hại 2-3 cái, nhưng tuyệt đối không có đánh vào mắt. Tòa “vặn” lại: “Không đánh vào mắt sao mắt lại bị thương?”. Bị cáo rầu rỉ bảo: “Bị cáo cũng không biết vì sao bị hại lại bị thương ở mắt”.
Bị hại tức tối cao giọng: “Còn nói không đánh vào mắt, lại chỉ đánh 2-3 cái. Xe đang chạy, bị cáo lại chụp đầu tui kéo xuống đường. Tay thì đánh, chân thì chỏ, làm tui như trái banh vậy. Chỉ hận không đánh chết tui”.
Ra tòa vẫn “võ mồm”
Bị hại yêu cầu tòa xem xét lại mức bồi thường. Số tiền hơn 40 triệu đồng là quá ít so với thương tật để lại cho bà. Bà yêu cầu bị cáo phải bồi thường hơn 100 triệu. “Tui một mình nuôi con. Giờ một mắt không thấy đường, một mắt thì mù lòa, tôi làm sao đi làm thuê làm mướn kiếm tiền nuôi con. Sau này biết làm sao sinh sống”.
Rồi bà kể, nhà mình có hơn chục anh chị em, nhưng bà lại như “tứ cố vô thân”, anh em không ai qua lại, giúp đỡ. Hôm nằm viện, cũng chỉ có đứa con 8 tuổi lên viện chăm sóc bà. Hàng xóm thương tình, góp góp cho bà ít tiền bạc, thêm ít gạo. Bà bảo, để có tiền trả chi phí thuốc men, bà phải lê lết đi xin ở mấy chợ, đến mặt mũi cũng không giữ được.
Bị cáo xin tòa cho hưởng án treo và xem xét giảm mức bồi thường. Bị hại lạnh giọng: “Chơi được chịu được. Có gan đánh người thì có gan ở tù, xin xỏ chi. Đừng nghĩ tui nghèo, thân cô thế cô thì ức hiếp”. Bà yêu cầu tòa tăng hình phạt, tăng mức bồi thường.
Phiên tòa phúc thẩm kéo dài từ sáng cho đến tận trưa mới kết thúc. HĐXX cho biết cần nhiều thời gian để nghị án, nên phải 3 ngày nữa mới tuyên án.
Chị gái bị cáo nhìn em trai ốm o, phờ phạt bị dẫn đi, khóe mắt liền ươn ướt. Chị bảo, em trai mình đánh người khác là sai, lại đánh phụ nữ thì càng sai nhiều. Nhưng thực tình thương thế người kia không nặng như thế.
Một người thân khác thì bảo, sau khi ra viện, bị hại vẫn làm lụng bình thường, còn quần quật đi chặc tre, thế nào mà khi không mắt lại một con đui một con mù. Theo người thân bị cáo, bị hại có quan hệ tình cảm với ông Tảo. Mà ông này đã có vợ con. Họ cho rằng con trai ông Tảo vì vậy mà có đánh bị hại, tuy nhiên không đưa ra được bằng chứng.
Sau 3 ngày nghị án, tòa tuyên y án sơ thẩm. Cả bị cáo lẫn bị hại mặt đầy thất vọng. Cha mẹ vợ bị cáo già cả, ốm yếu đưa đôi mắt đục ngầu vì tuổi cao rầu rầu nhìn con rể bị dẫn đi. Ông lão tức tối nhìn về phía bị hại ở bên kia sân tòa mà bảo:
“Con tui đánh người là sai. Đàn ông đánh phụ nữ là không đúng. Nhưng tại hắn (bị hại) hết. Hắn chửi cha, chửi mẹ người khác, nói toàn những lời xấu xa nên…”, ông lão còn chưa dứt câu, bị hại đã chàng ràng hai chân, nghênh ngang đi tới, ưỡn ngực thẳng lưng, to giọng hô hoán.
“Mi muốn đánh người, giết người thì ngon ở đây đánh người đi…”, rồi một hai hô to gọi nhỏ, lớn tiếng la làng không dứt. Khiến vợ ông lão không chịu nổi cũng tức giận chỉ tay vào bị hại nói mấy câu, không ngờ bị hại càng la làng ăn vạ.
Khoảng sân nhỏ đột nhiên bị tiếng gào la của bị hại mà ồn ào inh ỏi khiến nhiều cửa sổ trong tòa nhà cũng như tòa nhà bên cạnh liên tục mở ra, bao nhiêu con mắt hiếu kỳ nhìn chằm chằm về khoảng sân nhỏ của tòa án. Nhưng bị hại vẫn không ngừng gào lên, khiến gia đình bị cáo bất đắc dĩ đành hướng phía khác, kéo nhau rời đi.